Chỉ số đường huyết khi mang thai và lời khuyên từ chuyên gia y tế
Nội dung bài viết
Chỉ số đường huyết giúp ta đánh giá khả năng chuyển hóa của cơ thể. Đối với phụ nữ có thai, nhu cầu cơ thể cao, chỉ số này cũng có phần khác biệt. Vậy chỉ số đường huyết khi mang thai mang lại những thông tin gì cho sức khỏe mẹ bầu? YouMed sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi trên qua bài viết dưới đây.
Chỉ số đường huyết là gì?
Đường (hay còn được biết đến là glucose) là nguồn tạo năng lượng cho các tế bào của cơ thể. Trong đó, hệ thống thần kinh như não và tủy sử dụng đường như một nguồn năng lượng chủ yếu. Do đó, đường là nguồn cung cấp ổn định để các cơ quan sử dụng và đảm bảo chức năng của nó. Nó phải được duy trì tương đối cân bằng trong máu để giữ đúng vai trò quan trọng của mình.
Chỉ số đường huyết là con số thể hiện lượng glucose trong máu. Nó không phải là một con số cố định. Chính vì sự thay đổi thường xuyên của đường huyết mà giới hạn bình thường của nó cũng thay đổi theo thời điểm.
Nhìn chung, đường huyết bình thường khi nhịn ăn từ 8h trở đi biến động từ 70 – 99 mg/dL. Đường huyết sau ăn 2h thấp hơn 140 mg/dL.
Cơ chế của chỉ số đường huyết khi mang thai
Chỉ số đường huyết trong thai kỳ có phần khác biệt đôi chút. Do em bé cần nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng từ mẹ bầu, đường huyết của mẹ thường thấp hơn. Sự thấp hơn này do một phần đường được chuyển hóa cho thai nhi. Tuy nhiên, dù vậy, glucose sẽ không bao giờ thấp hơn 60 mg/dL và cao hơn 95 mg/dL.
Các mức chỉ số đường huyết khi mang thai cần lưu ý
Trong mỗi lần khám thai định kỳ, mẹ bầu luôn được các bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm đường huyết. Điều này giúp bác sĩ phát hiện sớm các bệnh lý hạ hay tăng đường ở mẹ có ảnh hưởng lên thai nhi. Những giá trị glucose máu có thể ảnh hưởng không tốt cho mẹ bầu là:
Hạ chỉ số đường huyết
Hạ đường huyết là một tình trạng nguy hiểm cho cả bé và mẹ. Hạ đường huyết xảy ra nếu đường huyết nhịn ăn sau 8 tiếng sẽ thấp hơn 60 mg/dL.
Nguyên nhân thường gặp có thể xuất phát từ việc: thai phụ ăn ít, vận động quá sức hay uống thuốc điều trị đái tháo đường. Do đó những bà mẹ bị đái tháo đường là những đối tượng nguy cơ cao dễ bị hạ đường huyết.
Tăng chỉ số đường huyết
Tăng đường huyết lâu ngày sẽ dẫn đến bệnh lý. Tăng chỉ số đường huyết trong thai kỳ khi đường huyết nhịn đói sau 8 tiếng cao hơn 95 mg/dL.
Tại bệnh viện, thai phụ thường được cho xét nghiệm đường huyết bằng kiểm tra khả năng dung nạp đường. Mẹ bầu sẽ được cho uống nhanh 100 g đường trong một lần và đo lại đường huyết mỗi giờ trong mỗi 3 tiếng. Nếu sau 1 tiếng, 2 tiếng, 3 tiếng và đường huyết tăng hơn 180 mg/dl, 155 mg/dl, 140 mg/dl tương ứng, sẽ có nguy cơ tăng đường huyết bệnh lý.
Những chỉ số đường huyết trong thai kỳ rất quan trọng vì giúp bác sĩ đánh giá và quyết định xử trí gì cho mẹ bầu.
Ảnh hưởng của chỉ số đường huyết trong thai kỳ
Bất kỳ giá trị bất thường nào của đường huyết đều có thể phát hiện thành bệnh lý.
Chỉ số đường huyết hạ khi mang thai
Nếu mẹ bầu bị hạ đường và hồi phục nhanh chóng, có thể đây chỉ là một tình trạng thoáng qua. Tình trạng này không có hại cho mẹ và bé. Tuy nhiên, nếu xảy ra thường xuyên thì đây có thể là một vấn đề nghiêm trọng
Hạ đường nặng có thể khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, yếu sức, co giật, hôn mê,… Em bé sinh ra sẽ có nguy cơ hạ đường máu sau sinh sớm hoặc trễ sau vài tuần, tháng.
Chỉ số đường huyết tăng khi mang thai
Ngược lại, nếu mẹ bầu có đường huyết cao sau khi mang thai, nên kiểm tra lại một tháng sau đó để có kết luận chắc chắn. Nếu mẹ được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ, có thể mắc những nguy cơ như:
- Sinh con to.
- Sẩy thai.
- Đái tháo đường không hồi phục sau sinh.
- Em bé có dị tật bẩm sinh sau sinh.
- Em bé dễ bị thừa cân hay đái tháo đường sau sinh.
Do đó, mẹ bầu nên hết sức chú ý trong việc kiểm tra tầm soát bệnh khi mang thai. Điều này rất có lợi để tránh các biến chứng cho mẹ và bé.
Những điều cần lưu ý để duy trì chỉ số đường huyết khi mang thai ở mức an toàn
Để đạt mục tiêu ổn định đường huyết trong thai kỳ, mẹ bầu nên thuofng xuyên thăm khám sức khỏe thai sản và tham vấn ý kiến bác sĩ. Ngoài ra, thai phụ cũng nên áp dụng một số tips sau đây để kiểm soát lượng đường trong máu:
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất .
- Ăn đúng bữa và đầy đủ trong 1 bữa, không bỏ bữa ăn.
- Tăng cường lượng chất xơ gồm rau, củ, trái cây trong khẩu phần ăn.
- Ăn chín, uống sôi, tránh thức ăn quá cay, nóng, nhiều dầu mỡ,..
- Tăng cường thực phẩm giàu khoáng chất như thịt, trái cây, rau, ngũ cốc, các loại hạt,…
- Uống nước đầy đủ, uống theo nhu cầu.
- Tránh stress, nghỉ ngơi tối đa, tránh làm việc quá sức.
- Ngủ đủ giấc.
- Không uống uống rượu bia, cà phê,…
- Không hút thuốc và tránh môi trường có khói thuốc lá.
- Tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng của mẹ.
- Duy trì cân nặng phù hợp với thời kỳ thai sản theo khuyến cáo của bác sĩ sản khoa.
- Khám thai định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ sản khoa.
Chỉ số đường huyết khi mang thai là một trong những nội dung cần đánh giá trong mỗi lần thăm khám. Do đó, mẹ bầu nên tham khảo bác sĩ để được tư vấn khi có những dấu hiệu bất thường. Phụ nữ mang thai cần chú ý chế độ ăn khoa học, thực hiện những bài tập phù hợp để có chỉ số đường huyết ổn định. Hy vọng bài viết đã cung cấp những kiến thức có ích để dễ dàng áp dụng trong cuộc sống thường ngày.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Glucose Testshttps://labtestsonline.org/tests/glucose-tests
Ngày tham khảo: 25/06/2021
-
What should my blood glucose level be?https://www.medicalnewstoday.com/articles/249413
Ngày tham khảo: 25/06/2021
-
Hypoglycemic and Pregnant:https://www.healthline.com/health/pregnancy/hypoglycemic-and-pregnant#causes
Ngày tham khảo: 25/06/2021
-
Glucose tolerance testhttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/glucose-tolerance-test/about/pac-20394296
Ngày tham khảo: 25/06/2021
-
Diabetes and pregnancyhttps://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/existing-health-conditions/diabetes/
Ngày tham khảo: 25/06/2021
-
15 Easy Ways to Lower Blood Sugar Levels Naturallyhttps://www.healthline.com/nutrition/15-ways-to-lower-blood-sugar#14.-Eat-fenugreek-seeds
Ngày tham khảo: 25/06/2021