YouMed

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) là gì? Liệu có nguy cơ ung thư?

Bác sĩ HUỲNH NGUYỄN UYÊN TÂM
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Chuyên khoa: Nhi

Nhiều cha mẹ lo lắng khi con mình bị chấn thương đầu và mong muốn chụp CT cho trẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào con bạn cũng được bác sĩ đề nghị chụp CT. Bởi ngoài lợi ích, sẽ có rất nhiều ảnh hưởng đến trẻ nếu cứ chụp CT một cách không kiểm soát.

Chụp CT là gì?

Chụp cắt lớp vi tính hay còn được gọi tắt là chụp CT scan, là một xét nghiệm X-quang đặc biệt. Tia X được chụp từ các góc khác nhau. Sau đó, nó được xử lý nhờ một máy tính để tạo ra các hình ảnh của cơ thể. Chụp CT có thể hiển thị chi tiết xương, cơ, mỡ, hạch bạch huyết, mạch máu và các cơ quan.

Khi nào trẻ cần phải chụp CT?

Chụp CT sẽ được chỉ định khi bác sĩ điều trị của con bạn cần nhiều thông tin hơn so với chụp X-quang thông thường. Trẻ có thể cần chụp CT scan trong những tình huống sau:

  • Bác sĩ cần biết thêm thông tin về tổn thương ở một vùng khu trú trong cơ thể con bạn.
  • Giúp bác sĩ xác định đúng vị trí làm những thủ thuật như đặt kim hoặc ống dẫn lưu. Mục đích là lấy dịch làm xét nghiệm hoặc cung cấp thông tin cho điều trị.
  • Kiểm tra tình trạng xuất huyết não hay nứt xương sọ sau chấn thương đầu. Ngoài ra, nó cũng cần thiết trong tình huống tai nạn nghiêm trọng khác.
  • Xác định vị trí, mức độ xâm lấn của khối u trước khi phẫu thuật và theo dõi đáp ứng sau điều trị.

Siêu âm cũng là một hình thức chẩn đoán hình ảnh. Tìm hiểu rõ hơn về phương pháp này: Siêu âm: Những thắc mắc không biết hỏi ai?

Trẻ có thể cần được chụp CT trong trường hợp gặp tai nạn nghiêm trọng
Trẻ có thể cần được chụp CT trong trường hợp gặp tai nạn nghiêm trọng

Trẻ cần phải chuẩn bị gì trước chụp CT?

Đối với một số bệnh lý, trẻ không cần chuẩn bị gì đặc biệt. Ngược lại, bạn có thể được hướng dẫn về thời điểm con nên nhịn ăn và uống trước khi chụp CT. Con bạn có thể tạm hoãn các thuốc dùng qua đường uống vào ngày chụp CT.

Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu cho trẻ trong hoặc sau khi chụp CT. Vì vậy, bạn nên thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc mà con bạn đang dùng.

Nếu con bạn có bất kỳ vấn đề về thận hoặc từng dị ứng với thực phẩm hay hóa chất có chứa iốt, hãy báo với bác sĩ về điều này. Điều này rất quan trọng, có thể khiến trẻ sốc và tử vong nếu bạn quên. Bởi vì thuốc cản quang là chất lỏng có chứa iốt, được sử dụng khi chụp CT. Thuốc giúp tạo hình ảnh tổn thương rõ ràng hơn.

Bạn nên cho trẻ mặc quần áo thoải mái, không gắn vật dụng kim loại như khóa kéo, nút áo… Không cho trẻ đeo đồng hồ và trang sức.

Nếu con bạn sợ không gian kín hoặc quấy khóc nhiều, bác sĩ có thể cho trẻ ít thuốc giúp thư giãn trong quá trình chụp.

Bạn có thể hỏi bất kỳ thông tin nào mà mình quan tâm trước khi chụp CT. Bạn có quyền đưa ra quyết định về việc chụp CT hay những xét nghiệm khác cho trẻ sau khi nghe bác sĩ tư vấn.

Điều gì xảy ra trong quá trình chụp CT?

Chụp CT thường được thực hiện trong bệnh viện hoặc các phòng khám có thiết bị chẩn đoán hình ảnh. Con bạn sẽ nằm xuống bàn, sau đó bàn trượt vào trong máy chụp. Con cần nằm yên trong quá trình chụp để hình ảnh không bị mờ. Hình ảnh về cơ thể của bé sẽ được nhìn thấy trên màn hình máy vi tính. Khi có kết quả, bác sĩ giải thích với bạn về tình trạng của trẻ.

Đối với một số trường hợp, thuốc cản quang có thể cần thiết phải dùng cho trẻ. Thuốc cản quang có thể được đưa vào cơ thể trẻ bằng nhiều cách khác nhau:

  • Tiêm vào tĩnh mạch.
  • Cho trẻ uống chung với sữa.
  • Bơm vào hậu môn trẻ giống như thuốc xổ.

Một số ít trẻ có thể thấy nóng nhẹ sau khi thuốc cản quang vào trong cơ thể. Ngoài ra, mặt có thể đỏ ửng, đau đầu hoặc buồn nôn và nôn.

Tùy thuộc vào vị trí cơ thể được chụp và trẻ có dùng thuốc cản quang hay không, quá trình chụp có thể kéo dài từ 15 đến 30 phút hoặc lâu hơn. Việc chụp CT không khiến trẻ đau đớn. Nhưng nếu con bạn không thể nằm yên, trẻ có thể cần dùng thêm thuốc để xoa dịu.

Vì không gian chụp nhỏ và kín nên làm một số trẻ lo lắng. Bạn có thể mang theo một món đồ chơi yêu thích để an ủi con bạn trước khi chụp. Nếu con bạn vẫn cảm thấy sợ hãi và không thể nằm yên trong quá trình chụp, việc chụp CT có thể bị dừng lại.

Chụp CT có gây ung thư không?

Nhiều nghiên cứu cho thấy chụp CT tạo ra tia phóng xạ. Nó có thể làm hỏng gen di truyền của con bạn và dẫn đến ung thư.1 Đặc biệt, tia phóng xạ có thể gây hại cho trẻ em nhiều hơn người lớn vì trẻ đang giai đoạn phát triển. Nhưng nguy cơ vẫn chiếm tỉ lệ rất nhỏ, khoảng 1/2.000.

Thực tế, tác động của tia xạ sẽ được tích tụ lại trong suốt cuộc đời của trẻ. Vì vậy, nguy cơ ung thư sẽ tăng lên sau mỗi lần chụp CT. Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa tác hại và lợi ích để quyết định chụp CT khi cần thiết.

Sau khi chụp cần theo dõi trẻ như thế nào?

Thông thường, bé có thể về nhà ngay sau khi chụp CT. Nếu con bạn được cho uống thuốc để giúp thư giãn, trẻ cần được theo dõi cẩn thận cho đến khi hoàn toàn tỉnh táo. Có thể mất từ 15 phút đến 2 giờ.

Nếu con chụp CT với thuốc cản quang, hãy khuyến khích trẻ uống nhiều nước sau khi chụp. Điều này giúp cơ thể nhanh chóng loại bỏ thuốc ra ngoài.

Hãy cho trẻ uống nhiều nước
Hãy cho trẻ uống nhiều nước

Trong một số ít trường hợp, con bạn có thể bị dị ứng với các loại thuốc được sử dụng trong suốt quá trình chụp CT. Do đó, việc theo dõi trẻ sau đó rất quan trọng. Đến gặp bác sĩ ngay khi trẻ thở mệt, tím tái, sốt cao, lừ đừ hay bất cứ điều gì khiến bạn lo lắng nhé.

Để quá trình chụp CT thuận lợi và an toàn, bạn cần chuẩn bị theo hướng dẫn của bác sĩ. Hơn nữa, cần chú ý đến những thông tin về dị ứng thuốc hay bệnh lý đặc biệt ở trẻ. Việc chụp CT chỉ nên làm khi cần thiết, tức có lợi cho trẻ vì tiếp xúc tia phóng xạ về lâu dài đều có nguy cơ tiến triển thành ung thư.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Does This Cause Cancer?https://www.webmd.com/cancer/ss/does-this-cause-cancer

    Ngày tham khảo: 11/12/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người