Cỏ Xạ hương – nguồn tinh dầu quý
Nội dung bài viết
Cỏ Xạ hương là một loài thực vật có hoa, có mùi thơm đã được ứng dụng rộng rãi trong y học, làm phụ gia thực phẩm và các chế phẩm dược phẩm thực vật. Nó được công nhận là có tiềm năng trị liệu đầy hứa hẹn để chữa nhiều loại bệnh khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu về cỏ Xạ hương qua bài viết sau.
Giới thiệu cây cỏ Xạ hương
Cỏ Xạ hương có tên khoa học Thymus vulgaris thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Tên cỏ xạ hương có lẽ có nguồn gốc từ công dụng của nó là hương thơm. Cỏ Xạ hương là một loại cây bụi nhỏ, thường màu xanh. Cây cao tới 0,3 – 0,7m, có lông mịn bên ngoài. Thân của nó trở nên hóa gỗ theo độ tuổi, mọc đứng hay nằm, phân nhánh nhiều.
Các lá nhỏ, dài khoảng 2,5 đến 5 mm. Chúng khác nhau đáng kể về hình thức và lớp lông bao phủ. Hoa nhỏ ở nách lá, dài 4-6mm, màu hồng hay trắng. Quả bế có 4 hạch nhỏ màu nâu. Hoa nở vào tháng 6-10.
Nơi phân bố
Cỏ xạ hương có nguồn gốc miền nam châu Âu từ phía tây Địa Trung Hải đến miền nam Italia. Nhưng hiện nay đã di thực khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam cây được trồng chính tại Đà Lạt và Sa Pa.
Cỏ xạ hương tốt nhất là trồng ở một vị trí nắng nóng với đất thoát nước tốt. Nó thường được trồng vào mùa xuân, và sau đó phát triển như một cây lâu năm. Nó có thể được nhân giống bằng hạt, cắt, hoặc chia rễ từ cây. Cây chịu được hạn hán tốt, có thể chịu băng giá.
Thành phần hóa học
Cỏ Xạ hương chứa khoảng 0,5 đến 2,5% dầu, được tạo thành từ 45–47% thymol, 32–34% p-cymene, 4–5% carvacrol, γ-terpinene, linalool và α-pinene. Tuy nhiên, dầu chiết xuất từ cỏ xạ hương có thể chứa tới 60% carvacrol. Thymol và carvacrol là những thành phần quan trọng có đặc tính khử trùng mạnh.
Ngoài ra, tinh dầu cỏ Xạ hương là một nguồn giàu chất chống oxy hóa phenolic flavonoid như zeaxanthin, apigenin, lutein, luteolin và thymine.
Bên cạnh đó, cỏ xạ hương và dầu của nó cũng là một nguồn cung cấp vitamin dồi dào. Chúng chủ yếu giàu Vitamin A, Vitamin C, vitamin B6. Vitamin A cần thiết để duy trì màng nhầy và da khỏe mạnh cũng như thị lực tốt.
Vitamin C cung cấp khả năng chống lại nhiễm trùng do vi sinh vật và chống lại các gốc tự do gây viêm có hại. Vitamin B6 hỗ trợ duy trì mức GABA trong não và hoạt động như một chất giảm căng thẳng. Các loại vitamin, khoáng chất khác được tìm thấy trong loại cây này bao gồm Vitamin K, Vitamin E và axit folic (vitamin B9), Kali, Mangan,…
Tác dụng kháng khuẩn
Tinh dầu chiết xuất từ cỏ Xạ hương có nhiều hoạt tính chống lại các loại vi khuẩn và nấm khác nhau.
Trước tiên, nó thể hiện hoạt động kháng khuẩn mạnh mẽ chống lại nhiều loại vi khuẩn khác nhau như Helicobacter pylori, Salmonella typhimurium, Staphylococcus aureus, Selenomonasartemidis, Porphyromonas gingivalis, Streptococcus mutans, … Đây là các vi khuẩn gây bệnh ngoài da, viêm dạ dày, viêm ruột, …
Tác dụng kháng khuẩn liên quan đến khả năng xuyên qua màng tế bào, gây tổn thương các thành phần nội bào, gây chết vi khuẩn. Tương tự như vậy, các nghiên cứu khác đã cho thấy tác động của thymol đối với một số loại nấm gây bệnh như Aspergillus flavus, Aspergillus parasiticus và Candida albicans
Dịch chiết cỏ Xạ hương có tác động chống lại nhiều loại vi rút khác nhau như vi rút gây bệnh Newcastle. Nó còn tác động trên vi rút HSV-1, gây bệnh viêm, sưng, nổi bóng nước ngoài da. Tác động ức chế cả chủng HSV-1 kháng acyclovir (một thuốc kháng vi rút thường dùng).
Tác dụng chống oxy hóa
Các nghiên cứu trên động vật và trong ống nghiệm cho thấy tinh dầu cỏ xạ hương và thymol có các hoạt động chống oxy hóa mạnh. Nó còn giúp bảo vệ hồng cầu khỏi tác động có hại của các chất oxy hóa.
Tác dụng chống viêm
Chiết xuất cỏ xạ hương đã được báo cáo cho các hoạt động chống viêm của chúng. Nó làm giảm sản xuất và biểu hiện gen của các chất trung gian gây viêm như TNF-α, IL-1β, IL-6. Đồng thời làm tăng biểu hiện của chất chống viêm.
Thymol và caracole từ cỏ Xạ hương cũng có tác dụng chống viêm bằng cách ức chế tổng hợp prostaglandin. Cơ chế này tương tự cơ chế của các thuốc kháng viêm thường dùng. Tác dụng chống viêm của tinh dầu cỏ Xạ hương còn thông qua nhiều cơ chế khác.
Tác dụng trên hệ tiêu hóa
Chiết xuất cỏ xạ hương có thể được sử dụng bằng đường uống để điều trị chứng khó tiêu. Các thành phần riêng lẻ của cỏ xạ hương cũng ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột. Khi cho động vật ăn một lượng thymol và carvacrol dẫn đến sự gia tăng hoạt động của các men tiêu hóa ở ruột. Chúng cũng giúp cải thiện chức năng gan và hoạt động như một chất kích thích sự thèm ăn.
Do tính kháng khuẩn của tinh dầu cỏ Xạ hương, nó hữu ích trong các bệnh nhiễm trùng đường ruột. Tác dụng có lợi này thể hiện trên các bệnh do giun móc, giun đũa, vi khuẩn gram dương và gram âm, nấm,… Bên cạnh tác dụng kháng khuẩn, nó còn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giữa vi khuẩn có lợi và có hại.
Các thành phần tinh dầu cỏ xạ hương còn có tác dụng có lợi cho dạ dày. Nghiên cứu trên chuột cho thấy carvacrol dùng đường uống giúp bảo vệ dạ dày khỏi các phương pháp gây tổn thương khác nhau. Carvacrol làm tăng đáng kể hàm lượng chất nhầy trong dạ dày nhưng không làm thay đổi thể tích dịch vị hoặc tổng độ axit.
Ngoài ra, thymol còn có tác động có lợi cho bệnh nhân viêm loét đại tràng và bệnh Crohn, giúp giảm viêm, và giúp bình thường hóa vận động của ruột.
Tác động lên đường hô hấp
Các chiết xuất từ cỏ Xạ hương cho thấy tác dụng chống lại sự co thắt khí, phế quản. Tác dụng này có thể so sánh với theophylline, là 1 loại thuốc dùng trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tác dụng này giải thích tác công dụng của cỏ xạ hương trong điều trị viêm phế quản.
Các tác động khác
Chiết xuất cỏ xạ hương cho thấy tác dụng sữa chữa các rối loạn về trí nhớ và hành vi ở chuột. Điều này gợi ý nó có thể có tác dụng trong điều trị bệnh Alzheimer (bệnh lý suy giảm nhận thức, trí nhớ ở người già).
Tác dụng diệt côn trùng của tinh dầu cỏ xạ hương cũng đã được báo cáo. Loại tinh dầu này làm ức chế sinh sản của 1 số loài muỗi gây lây truyền bệnh ở người.
Cỏ Xạ hương được sử dụng như thế nào?
Trong ẩm thực, người ta dùng ngọn cây mang hoa lá. Hương vị cỏ hơi hăng, cay, mặn, gần giống đinh hương. Cỏ xạ hương nên được bổ sung vào cuối quá trình nấu ăn vì nhiệt độ có thể dễ dàng gây mất đi hương vị tinh tế của nó.
Cỏ xạ hương phù hợp với tất cả các loại thịt, rau, thịt hầm, súp, độn, bánh mì thịt, ướp và pate. Tốt với nấm, khoai tây chiên, cà rốt (các loại rau khác) và trong trứng tráng.
Tuy có rất nhiều tác dụng như đã trình bày, người ta ít dùng trực tiếp cây cỏ Xạ hương để trị bệnh. Trà làm từ lá xạ hương khô, phối hợp mật ong có thể dùng để trị ho và viêm phế quản. Các thành phần trong tinh dầu cỏ Xạ hương được chiết xuất để sản xuất nhiều loại dược phẩm khác nhau.
Cỏ Xạ hương là một cây thuốc có tinh dầu đóng vai trò quan trọng trong y học. Nó đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ trong các chế phẩm dược phẩm, chất bảo quản thực phẩm. Tinh dầu của nó chứa các chất hoạt tính sinh học như thymol, carvacrol và linalool. Các chất này có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, giảm co thắt phế quản.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Kuete V, (2017), "Chapter 28 - Thymus vulgaris" in Medicinal Spices and Vegetables from Africa, Academic Press, pp. 599-609.
- Borugă, O., Jianu, C., Mişcă, C., Goleţ, I., Gruia, A. T., & Horhat, F. G. (2014). Thymus vulgaris essential oil: chemical composition and antimicrobial activity. Journal of medicine and life, 7 Spec No. 3(Spec Iss 3), 56–60.
- Nabavi SM, Marchese A, Izadi M, Curti V, Daglia M, Nabavi SF. Plants belonging to the genus Thymus as antibacterial agents: from farm to pharmacy. Food Chem. 2015 Apr 15;173:339-47.
- Almanea A, El-Aziz G. S. A, Ahmed M. M. M. The Potential Gastrointestinal Health Benefits of Thymus Vulgaris Essential Oil: A Review. Biomed Pharmacol J 2019;12(4).