Cơm rượu: Cây thuốc trị đau nhức xương khớp và nhiễm trùng
Nội dung bài viết
Cơm rượu là một cây phổ biến ở Việt Nam được dùng để tăng nồng độ rượu. Nó cũng được dùng trong điều trị các bệnh thường gặp. Hãy cùng tìm hiểu về cây thuốc này và các công dụng của nó qua bài viết sau.
1. Giới thiệu cây thuốc Cơm rượu
Cây Cơm rượu có tên khoa học là Glycosmis pentaphylla Retx. Correa, thuộc họ Cam. Cây nhỡ, có thể cao tới 6m. Cành màu hơi đỏ, nứt nẻ, khá dày.
Lá dài, hình thuôn hay hình mũi mác. Hoa mọc thành cụm, cuống ngắn. Hoa màu trắng, nhẵn, nụ hoa hình trứng. Cụm quả có thể dài đến 25cm, cuống dài. Quả hình cầu, khi chín màu hồng trong.
Cây mọc ở lùm, bụi, rừng thưa trên đất đồi ven sông suối, rạch. Mùa hoa quả tháng 4 – 5. Cây phân bố ở các nước nhiệt đới châu Á và Australia. Tại nước ta, Cơm rượu mọc ở các tỉnh Sơn La, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nội, tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Cây ra hoa quả hằng năm. Quả chín được chim và một vài loại bò sát tha hạt đi khắp nơi. Sau khi bị chặt, phần thân và rễ còn lại có khả năng tiếp tục tái sinh. Cây trồng được bằng hạt.
2. Bộ phận dùng và thành phần hóa học
2.1. Bộ phận dùng
Người ta thường dùng lá và rễ trong trị bệnh.
2.2. Thành phần hóa học
Lá chứa nhiều loại alkaloid như glycosmin, glycosin, arborin, arborinin… Một số loại terpenoid như arborinol A, B, arbinol, isoarbinol.
Cơm rượu có tác dụng ức chế nhiều chủng vi khuẩn như tụ cầu vàng (gây nhiễm trùng ngoài da, hô hấp…), liên cầu khuẩn tan máu (gây bệnh đường hô hấp, bệnh thận…). Nghiên cứu các loại cao chiết Cơm rượu, nhất là chiết bằng cồn, cho thấy tác dụng chống tiêu chảy.
3. Tính vị và công dụng
3.1. Tính vị, tác dụng
Rễ và lá có vị đắng, tính mát. Rễ có tác dụng khu phong trừ thấp hoạt huyết (hướng đến trị các bệnh đau nhức xương khớp). Lá kích thích tiêu hóa, thanh nhiệt giải độc (làm mát cơ thể).
3.2. Công dụng
Quả Cơm rượu ăn được. Rễ và lá cũng được sử dụng làm tăng hiệu suất cất rượu. Rễ được dùng chữa tay chân nhức mỏi, đau xương khớp. Lá giúp ăn ngon và chữa sản hậu ứ huyết (máu chưa ra hết). Dùng ngoài chữa mụn nhọt, chốc lở, rắn cắn. Lấy lá tươi nấu nước tắm, rửa hoặc giã đắp vết thương.
Ở Ấn Độ, Cơm rượu là cây thuốc cổ truyền dùng để điều trị ho, tê thấp, thiếu máu và vàng da. Dịch lá đắng dùng để trị sốt, viêm gan và trừ giun. Lá Cơm rượu trộn với Gừng làm thuốc đắp ngoài da trị chàm, lở ngứa. Rễ sắc nước xông, uống trị sưng mặt. Gỗ dùng trị rắn cắn.
4. Một số bài thuốc có Cơm rượu
4.1. Phụ nữ kém ăn, vàng da sau sinh
Lá Cơm rượu sao vàng 10g. Sắc chia 2 lần uống trong ngày.
4.2. Phụ nữ sau sinh bị tích huyết trong tử cung, ăn chậm tiêu, bụng trướng
Rễ, lá, cành non Cơm rượu, mỗi thứ 40g, sao qua, tán nhỏ rồi sắc đặc uống vào lúc đói, ngày 3 lần. Khi uống thêm 30ml rượu trắng.
4.3. Chữa phong thấp, mình mẩy đau nhức
Rễ Cơm rượu, rễ Cốt khí, rễ Cỏ xước, rễ Độc lực, củ Kim cang, Dây đau xương, hoa Kinh giới, Xuyên tiêu mỗi thứ 20g, sắc đặc uống.
Nếu tay chân đau nhức, co cứng khó cử động thêm Uy linh tiên, rễ Gắm, Thiên niên kiện.
Nhức xương nhiều thêm rễ Tầm xuân, dây Cà gai leo mỗi vị 20g.
4.4. Chữa mụn nhọt mọc ở bẹn, nách, sưng tấy
Lá Cơm rượu, lá Ổi, lá Thổ phục linh, mỗi thứ 1 nắm. Cả 3 vị rửa sạch, thái nhỏ, chưng lên rồi đắp tại nhọt.
4.5. Chữa mụn nhọt, chốc lở, rắn cắn
Lá Cơm rượu tươi 30 – 40g, giã đắp hoặc nấu nước tắm.
5. Cây Cơm rượu trong các nghiên cứu khoa học
Dịch chiết bằng cồn của cây Cơm rượu thể hiện hoạt tính chống ung thư, tác động làm các tế bào ung thư gan bước vào quá trình chết tế bào theo chương trình. Một nghiên cứu khác vào năm 2015 tìm ra một thành phần mới trong chiết xuất cây Cơm rượu, tên là Glycopentalone. Chất này có tác động lớn trên tế bào ung thư gan qua cơ chế làm độc tế bào và làm tế bào ung thư chết theo chương trình. Ngoài ra, nó còn tác dụng trên ung thư vú.
Chết tế bào theo chương trình là một quá trình tự nhiên trong cơ thể người. Hầu hết các tế bào đều trải qua quá trình này, cùng với đó là tạo ra các tế bào mới. Trong các mô ung thư, tế bào không trải qua chết theo chương trình mà cứ tăng sinh không kiểm soát gây nên bệnh.
Dịch chiết rễ Cơm rượu có tác dụng chống viêm khớp trên chuột. Tác dụng này gần bằng với tác dụng của Diclofenac, một thuốc chống viêm khớp thường dùng.
Một nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy 2 chất Axit isovaleric và avicequinone-C chiết xuất từ lá Cơm rượu có tiềm năng trong điều trị vi-rút chikungunya. Đây là một bệnh lý có triệu chứng tương tự sốt xuất huyết, đã xuất hiện ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất từ cây Cơm rượu làm giảm đường huyết trên mô hình chuột đái tháo đường. Tác dụng này tương tự Metformin, một thuốc đái tháo đường thường dùng. Người ta còn thấy nó có tác dụng chống oxy hóa và bảo vệ tế bào.
Chiết xuất Cơm rượu còn giúp bảo vệ gan, chống viêm gan, xơ hóa khi thí nghiệm trên chuột. Kết quả này lý giải kinh nghiệm dùng Cơm rượu điều trị viêm gan của Ấn Độ.
Lưu ý: các nghiên cứu về tác dụng trị ung thư, đái tháo đường, viêm gan… chỉ tiến hành trên tế bào hoặc trên chuột, không được tự ý sử dụng dược liệu để điều trị trên người.
Tóm lại, Cơm rượu là một thảo dược có tác dụng trị các bệnh nhọt lở ngoài da, đau nhức xương khớp, bồi bổ. Các nghiên cứu khoa học cho thấy dược liệu này có tiềm năng trong bệnh lý đái tháo đường, viêm gan, bệnh do vi-rút, ung thư.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học, Hà Nội
- Võ Văn Chi (2012). Từ điển Cây thuốc Việt Nam tập 1. NXB Y học, Hà Nội
- Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung và cs (2004). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội
- Sivakumar M, Chamundeeswari D, Susithra E, (2014). "Comparative in-vitro anti-arthritic studies on the various extracts of Glycosmis pentaphylla DC roots". J Pharm Res, volume 8 (7), pp. 986-989
- Brinda O, Mathew D, Shylaja M, Davis P S, et al, (2019). "Isovaleric acid and avicequinone-C are Chikungunya virus resistance principles in Glycosmis pentaphylla (Retz.) Correa". Journal of Vector Borne Diseases, volume 56 (2), pp. 111
- Sreejith P S, Mascarenhas R R, Praseeja R J, Asha V V, (2012). "The apoptosis inducing effect of Glycosmis pentaphylla (Retz.) Correa and its influence on gene expression in hepatocellular carcinoma cell line, Hep3 B", Journal of Ethnopharmacology, volume 139 (2), pp. 359-365
- Sreejith P S, Asha V V, (2015). "Glycopentalone, a novel compound from Glycosmis pentaphylla (Retz.) Correa with potent anti-hepatocellular carcinoma activity". Journal of Ethnopharmacology, volume 172 pp. 38-43
- Brinda O, Mathew D, Shylaja M, Davis P, et al, (2019). "Isovaleric acid and avicequinone-C are Chikungunya virus resistance principles in Glycosmis pentaphylla (Retz.) Correa". Journal of Vector Borne Diseases, volume 56 (2), pp. 111-121
- Khatun, M., Mia, M. R., Ali, M. A., et al (2013). “Antidiabetic and Analgesic Effects of Glycosmis pentaphylla (Retz.) in Swiss Albino Mice”. Ibrahim Medical College Journal, vol 6(1), 21-26
- Shoja M H, Reddy N D, Nayak P G, Srinivasan K K, et al, (2015). "Glycosmis pentaphylla (Retz.) DC arrests cell cycle and induces apoptosis via caspase-3/7 activation in breast cancer cells". Journal of Ethnopharmacology, volume 168 pp. 50-60
- Borah R C, Mohan P, Choudhury B H, Barua I C, (2004). Hepatoprotective activity of Phyllanthus fraternus L. and Glycosmis pentaphylla (Retz.) correa used against jaundice in N.E. India, Proceedings of the national symposium on "Biochemical approaches for utilization and exploitation of commercially important plants". Jorhat, India, 12-14 Nov. 2003, Indian Society of Agricultural Biochemists, pp. 259-262