YouMed

Củ cải trắng – “nhân sâm mùa đông” và lợi ích bất ngờ

Dược sĩ TRẦN VÂN THY
Tác giả: Dược sĩ Trần Vân Thy
Chuyên khoa: Dược

Củ cải trắng còn được gọi là “nhân sâm mùa đông” do có nhiều lợi ích tuyệt vời. Đáng kể trong số đó là khả năng ngăn ngừa ung thư, tăng cường miễn dịch, giảm viêm và cải thiện tiêu hóa. Hơn nữa, nó còn giúp xương chắc khỏe, giải độc cơ thể, cải thiện hô hấp và hỗ trợ giảm cân. Hãy cùng YouMed tìm hiểu thêm về củ cải trắng thông qua bài viết dưới đây.

1. Giới thiệu chung về củ cải trắng

Củ cải (Raphanus sativus) có nguồn gốc ở Châu Á và Châu Âu. Có nhiều loại khác nhau về hình dáng, màu sắc và hương vị.

Củ cải trắng còn được gọi là củ cải mùa đông, là một loại rau họ cải có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản. Chúng được trồng khắp thế giới cho củ làm thực phẩm và dầu hạt được dùng trong mỹ phẩm. Ngoài ra, chúng cũng được xem như một loại cây che phủ đất và giúp tăng năng suất cây trồng. Đặc trưng của chúng là lá lớn, phát triển nhanh, có rễ dài màu trắng, hạt có dầu.

Củ cải trắng có kết cấu giòn và giống với cà rốt. Hương vị nhẹ hơn so với các loại củ cải khác và được mô tả là hơi ngọt và cay. Về cách chế biến, chúng thường được ngâm chua hay nấu súp, làm salad, cà ri… Lá thường được ăn như một loại rau xà lách. Nước ép được bán như một loại nước giải khát.

củ cải trắng

1.2. Giá trị dinh dưỡng

Củ cải trắng rất ít calo nhưng lại có bảng thành phần dinh dưỡng ấn tượng. Mỗi củ nặng khoảng 340gr chứa 61 kcal với các chất dinh dưỡng sau:

  • Carb: 14 gram
  • Chất đạm: 2 gam
  • Chất xơ: 5 gam
  • Vitamin C: 124% giá trị hàng ngày (DV)
  • Folate (vitamin B9): 24% DV
  • Canxi: 9% DV
  • Magiê: 14% DV
  • Kali: 22% DV
  • Đồng: 19% DV

Ngoài ra, chúng còn chứa sắt, phốt pho, natri, kẽm, mangan, selen, các vitamin như vitamin K, các vitamin nhóm B và các acid amin.

2. Các lợi ích cho sức khỏe của củ cải trắng

2.1. Có giá trị dinh dưỡng cao

Củ cải trắng là một nguồn các chất dinh dưỡng tuyệt vời cần thiết cho sức khỏe. Chúng chứa nhiều vitamin C rất cần cho cơ thể, bao gồm cả hệ miễn dịch và sự phát triển, sửa chữa mô. Thêm vào đó, nó còn là một chất chống oxy hóa mạnh. Chúng cũng rất giàu folate (vitamin B9) có liên quan đến sự phát triển tế bào, sản xuất hồng cầu và tổng hợp ADN. Thực phẩm giàu folate đặc biệt quan trọng trong thời kỳ mang thai cũng như trong sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Củ cải trắng chứa nhiều hợp chất thực vật có thể cải thiện sức khỏe và bảo vệ chống lại một số bệnh. Các nghiên cứu cho thấy chất chống oxy hóa polyphenol axit ferulic và quercetin trong củ cải đều có đặc tính chống viêm và tăng cường miễn dịch. Ngoài ra, glucosinolate trong loại củ này còn có khả năng chống lại một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư ruột kết và phổi.

củ cải trắng

2.2. Hỗ trợ giảm cân

Ăn thực phẩm ít calo, giàu chất xơ như củ cải trắng có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý. Một nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều rau củ chứa ít tinh bột sẽ có mức chất béo và mức insulin thấp hơn. Hơn nữa, củ cải có nhiều chất xơ, có thể làm giảm cảm giác đói bằng cách làm chậm tiêu hóa và tăng cảm giác no, hỗ trợ giảm cân.

2.3. Có thể bảo vệ khỏi bệnh mãn tính

Củ cải trắng có giá trị dinh dưỡng cao với các hợp chất thực vật mạnh, vitamin, khoáng chất và chất xơ, tất cả đều hoạt động cùng nhau bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Trên thực tế, các loại rau họ cải được biết là có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh tiểu đường và các tình trạng thoái hóa thần kinh. Ngoài ra, một số nghiên cứu dân số chỉ ra rằng ăn nhiều rau họ cải như củ cải có thể giúp bạn sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.

2.4. Đặc tính kháng khuẩn, cải thiện hô hấp

Củ cải trắng cho thấy đặc tính kháng khuẩn và kháng vi-rút đáng kể. Chất nhầy hoặc đờm thừa trong đường hô hấp có thể là môi trường cho vi khuẩn phát triển. Nước ép củ cải không chỉ làm sạch đờm mà còn loại bỏ vi khuẩn và các mầm bệnh khác, giữ cho hệ hô hấp của bạn khỏe mạnh.

củ cải trắng

2.5. Cải thiện tiêu hóa

Nước ép củ cải trắng cũng đã được chứng minh là có các enzym tương tự như các enzym được tìm thấy trong đường tiêu hóa của người, bao gồm amylase và esterase. Các enzym này giúp cho quá trình tiêu hóa carbohydrate, protein và chất béo phức diễn ra hiệu quả hơn. Từ đó giúp ngăn ngừa táo bón và tăng hiệu quả hấp thụ chất dinh dưỡng trong ruột. Một nghiên cứu năm 2019 công bố trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm & Dinh dưỡng cho thấy kết hợp protein động vật với các loại rau giàu chất dinh dưỡng như củ cải trắng có thể giúp tiêu hóa protein hiệu quả và tăng trao đổi chất trong cơ thể.

2.6. Giải độc cơ thể

Củ cải trắng từ lâu đã được biết đến như một loại thuốc lợi tiểu. Chúng giúp làm sạch thận và tăng năng suất lọc thận bằng cách kích thích loại bỏ các chất độc, chất béo dư thừa và thậm chí cả nước qua đường tiểu.

2.7. Có tiềm năng chống ung thư

Theo một bài báo nghiên cứu của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, mầm củ cải có chứa một số hợp chất phenolic đã được chứng minh là có đặc tính chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ ung thư ruột kết. Nó cũng có thể giúp bảo vệ gan. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm để biết thêm cơ chế phòng chống ung thư như thế nào.

2.8. Tăng cường hệ thống miễn dịch

Theo USDA, 100gr củ cải trắng chứa lượng vitamin C lên tới 22mg. Lượng vitamin C cao rất tốt cho hệ thống miễn dịch vì nó kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu. Điều này giúp tăng tốc độ chữa lành và sửa chữa các tế bào và mô trên khắp cơ thể.

2.9. Chứa chất chống viêm

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hợp chất chống viêm được tìm thấy trong nước ép củ cải trắng có thể làm giảm đáng kể tình trạng viêm trong cơ thể. Chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp. Nó cũng có thể hỗ trợ điều trị bệnh gút và giảm bớt khó chịu, đau đớn do chấn thương.

2.10. Cải thiện sức khỏe xương

Giống như hầu hết các loại rau họ cải khác, củ cải là một nguồn giàu canxi, rất cần thiết cho sức khỏe của xương. Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh loãng xương hoặc cảm thấy đau do tuổi già, củ cải trắng có thể giúp cải thiện tình trạng của bạn. Nó có thể làm chậm quá trình lão hóa tự nhiên.

Xem thêm: Bác sĩ gợi ý những loại thực phẩm giúp bạn ngủ ngon

3. Cách dùng củ cải trắng

Củ cải trắng có vị ngọt và cay. Chúng có thể được ăn sống, cắt lát mỏng để trang trí hoặc làm salad, ngâm chua, thêm vào súp và món hầm. Phần lá xanh cũng được dùng làm lá salad.

Dưới đây là một số cách thú vị để thêm củ cải trắng vào chế độ ăn uống của bạn:

  • Bào củ cải trắng sống trên món salad để có lớp phủ giòn, bổ dưỡng.
  • Thêm củ cải trắng vào món xào để tăng hương vị.
  • Làm kim chi củ cải Hàn Quốc (Kkakdugi).
  • Sử dụng trong súp và món hầm, món canh.
  • Hấp củ cải và cho thêm một ít dầu ô liu, muối và hạt tiêu.
  • Trộn củ cải trắng với khoai tây và cà rốt và nấu chín.
  • Ăn sống hoặc thái lát cùng với các loại rau khác để có một món khai vị lành mạnh.
  • Làm bánh củ cải truyền thống của Trung Quốc.
  • Sử dụng dụng cụ tạo sợi để làm mì củ cải và trộn chúng trong nước sốt đậu phộng.
  • Thêm vào chả giò chay để có độ giòn.
  • Kết hợp vào các món ăn châu Á, chẳng hạn như cà ri và súp.

Tất cả các bộ phận của củ cải trắng đều có thể ăn được. Cả phần ngọn lá cũng có thể được thêm vào các món xào và súp. Bạn cũng có thể thử rau mầm củ cải, loại rau thường được dùng trong món salad và sushi trong ẩm thực châu Á.

củ cải trắng

4. Lưu ý và những điều kiêng kỵ khi ăn củ cải trắng

4.1. Lưu ý

Bằng chứng cho thấy rằng những người bị sỏi mật không nên ăn củ cải trắng và các loại củ cải khác. Ngoài ra, tuy rất hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra dị ứng với củ cải.

Phụ nữ mang thai mỗi tuần chỉ ăn 1-2 bữa củ cải nấu chín như củ cải hầm thịt, củ cải luộc, canh củ cải… Tuyệt đối không được ăn củ cải sống, làm nộm hay củ cải muối dưa chua vì nó làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong thai kỳ.

4.2. Kiêng kỵ khi kết hợp củ cải trắng với:

Lê, táo, nho: cetan trong các loại trái cây sẽ phản ứng với axit cianogen từ củ cải gây ra chứng bướu cổ, suy tuyến giáp nặng khi kết hợp thường xuyên.

Nhân sâm: Sau khi ăn củ cải trắng, tuyệt đối không uống nhân sâm vì có thể làm giảm lợi ích của nhân sâm. Chưa kể, củ cải tính hàn, hạ khí, còn nhân sâm bổ khí, kết hợp sẽ triệt tiêu với nhau.

Cà rốt: củ cải trắng chứa lượng vitamin C cực cao, cà rốt lại chứa enzym vô hiệu hóa vitamin C. Ăn cùng lúc sẽ làm mất đi công dụng của củ cải trắng.

Thuốc Bắc: theo y học cổ truyền Trung Quốc, củ cải trắng làm giảm hiệu quả các thuốc này. Củ cải có tác dụng hạ khí, tăng bài tiết làm cản trở hấp thụ các loại thuốc Bắc.

Cam: flavonoid trong cam và thiosulfate trong củ cải sẽ tạo ra lượng lớn thiocyanate. Chúng có thể làm giảm chức năng tuyến giáp và tăng nguy cơ mắc bệnh bướu cổ.

Nấm, mộc nhĩ: khi kết hợp sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh về da. Từ đó dễ bị viêm da nếu có cơ địa nhạy cảm. Nguy hiểm hơn, nó còn gây mất nước trầm trọng và tổn thương lá lách.

Củ cải trắng giàu dinh dưỡng, có thể tăng cường sức khỏe theo nhiều cách khác nhau. Chúng có thể giúp duy trì trọng lượng cơ thể và bảo vệ khỏi các bệnh mãn tính. Hãy thử thêm củ cải trắng với lượng vừa đủ vào món salad, món xào, cà ri, hoặc đơn giản là ăn sống cùng các rau củ khác để vừa ngon vừa có ích cho sức khỏe.

Dược sĩ Trần Vân Thy

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

Daikon Radish: Types, Nutrition, Benefits, and Uses https://www.healthline.com/nutrition/daikon-radish Ngày truy cập: 16.09.2020

9 Surprising Benefits Of Daikon https://www.organicfacts.net/health-benefits/vegetable/daikon.html Ngày truy cập: 16.09.2020

Củ cải trắng: Cực tốt và cực độc, biết mà tránh khi ăn kẻo rước họa vào thân https://www.tienphong.vn/suc-khoe/cu-cai-trang-cuc-tot-va-cuc-doc-biet-ma-tranh-khi-an-keo-ruoc-hoa-vao-than-1513540.tpo Ngày truy cập: 16.09.2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người