Ớt chuông: Sự thật về giá trị dinh dưỡng và các lợi ích cho sức khỏe
Nội dung bài viết
Ớt chuông vừa là trái cây vừa là rau quả hay dùng trong nấu nướng. Nó hấp dẫn không chỉ bởi hình dáng và màu sắc bên ngoài mà còn bởi hàm lượng dinh dưỡng cao. Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Quyên tìm hiểu về ớt chuông và những lợi ích mà nó đem lại.
Giới thiệu chung Ớt chuông
Ớt chuông là quả của cây ớt có tên khoa học là Capsicum annuum L., họ Solanaceae.
Còn có tên gọi khác là ớt ngọt. Tên gọi này là do hình dáng bên ngoài của ớt giống quả chuông. Ngoài ra, ớt còn có độ cay ít hơn đáng kể so với các loại khác trong họ như ớt hiểm, ớt sừng trâu, ớt xiêm xanh… Đây là giống ớt không hoặc tạo rất ít capsaicin. Việc thiếu capsaicin là do tính lặn của gen mà qua đó làm mất đi capsaicin.
Về mặt thực vật học, ớt chuông là trái cây, nhưng thường được xem là rau quả trong nấu nướng.
Mô tả cây
- Capsicum annuum là loại cây bụi có thân mọc thẳng.
- Lá màu xanh hình mũi mác. Lông ở thân và mặt trên của lá.
- Hoa có màu trắng, nhị vàng hoặc xanh lục, có 5-7 cánh hoa.
- Quả nang, khi chín có màu sắc (xanh, vàng, cam, đỏ, hiếm hơn là nâu, trắng, tím… tùy giống ) và kích thước khác nhau. Vỏ quả dày và giòn, chia thành từ 3- 5 thùy.
Sự khác biệt về màu sắc của ớt tùy thuộc vào độ chín của nó. Chủ yếu liên quan đến diệp lục và carotenoid điển hình của lục lạp. Quả chưa chín có màu xanh lục. Loại chín và ngọt nhất là ớt chuông đỏ. Ớt xanh ít ngọt và hơi đắng hơn so với ớt vàng, cam và đỏ. Vị của ớt chín cũng đa dạng tùy điều kiện trồng và bảo quản sau khi thu hoạch. Khi để chín hẳn trên cây ngoài nắng sẽ thu được quả ngọt nhất. Khi thu hoạch lúc quả còn xanh hay để tự chín thì ít ngọt hơn.
Phân bố, sinh thái
Ớt chuông có nguồn gốc từ lục địa châu Mỹ, được đưa đến châu Âu vào thế kỷ XVI. Ngày nay được trồng phổ biến ở nhiều nước: Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Ý, Mexico, Malaysia, Hungary.
Ở Việt Nam, chúng được trồng nhiều ở Đà Lạt nên còn được gọi là ớt Đà Lạt.
Giá trị dinh dưỡng
Về mặt dinh dưỡng, mỗi màu sẽ có những khác biệt nhưng về cơ bản thì giống nhau. So với ớt chuông xanh, ớt đỏ có nhiều vitamin và dưỡng chất hơn. Lượng beta – caroten cao gấp 9- 11 lần, lượng vitamin C gấp đôi ớt xanh. Trong khi ớt xanh có hàm lượng phenolic cao hơn các dạng chín của nó, lượng capsanthin (carotenoid) và luteolin thấp nhất. Cả ớt chuông đỏ và xanh đều chứa nhiều acit para coumaric.
Giá trị dinh dưỡng cho mỗi 100g | ||
Năng lượng | 20 kcal | |
Carbohydrat | 4,64 g | |
Đường | 2,4 g | |
Chất xơ | 1,8 g | |
Chất béo | 0,17 g | |
Chất đạm | 0,86 g | |
Vitamin A | 18 μg | 2% |
Beta-caroten | 208 μg | 2% |
Lutein zeaxanthin | 341 μg | |
Vitamin B1 | 0,057 mg | 5% |
Vitamin B2 | 0,028 mg | 2% |
Vitamin B3 | 0,48 mg | 3% |
Vitamin B5 | 0,099 mg | 2% |
Vitamin B6 | 0,224 mg | 17% |
Vitamin B9 | 10 μg | 3% |
Vitamin C | 80,4 mg | 97% |
Vitamin E | 0,37 mg | 2% |
Vitamin K | 7,4 μg | 7% |
Chất khoáng | ||
Canxi | 10 mg | 1% |
Sắt | 0,34 mg | 3% |
Magiê | 10 mg | 3% |
Mangan | 0,122 mg | 6% |
Phospho | 20 mg | 3% |
Kali | 175 mg | 4% |
Natri | 3 mg | 0% |
Kẽm | 0,13 mg | 1% |
Thành phần khác | ||
Fluoride | 2 μg |
Ngoài ra, còn có flavonoid và phenolic.
Cách dùng
- Ăn sống hoặc ép nước uống.
- Ngoài ra có thể chế biến thành các món ăn tùy theo sở thích.
Công dụng của ớt chuông
1. Ăn ớt chuông giúp làm sáng mắt
Hàm lượng carotenoid bao gồm beta- caroten, lutenoid trong ớt chuông giúp làm sáng mắt, ngăn ngừa các bệnh về mắt như:
Các nghiên cứu cho thấy ớt chuông chứa lượng beta – caroten tương đương cà rốt giúp cải thiện thị lực. Trong đó, ớt đỏ cung cấp khoảng 75% lượng vitamin A cần thiết. Từ đó, giúp nhìn rõ hơn vào ban đêm và ngăn ngừa chứng quáng gà.
2. Ăn ớt chuông giúp ngăn ngừa thiếu máu
Ớt chuông chứa lượng lớn sắt. Sắt là nguyên tố cần cho việc tạo hồng cầu. Từ đó, giúp vận chuyển oxy đến mô của cơ thể. Ăn ớt sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu máu thiếu sắt mà gây ra các biểu hiện như:
- Mệt mỏi, xanh xao.
- Hoa mắt, chóng mặt, ù tai…
Ngoài ra, lượng vitamin C trong ớt giúp tăng cường hấp thu sắt ở ruột.
Do đó, ớt chuông là loại trái cây bổ dưỡng cho cơ thể. Có thể ăn sống hoặc kết hợp với các thực phẩm khác như: thịt bò, gan, cải bó xôi… để tránh nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt.
3. Tác dụng chống oxy hóa – ngăn ngừa ung thư của ớt chuông
Trong thành phần của ớt chuông có các hoạt chất chống oxy hóa như:
- Vitamin C.
- Vitamin E.
- Flavonoid.
Những chất này giúp trung hòa gốc tự do là nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch, ung thư… Các nghiên cứu cho thấy, có mối liên hệ giữa lượng phenolic trong chế độ ăn và nguy cơ mắc các bệnh này.
4. Ớt chuông giúp cải thiện nhịp tim, hạ huyết áp
Tác dụng hạ áp của ớt là do cơ chế giãn mạch và kiểm soát nhịp tim.
5. Tăng cường chức năng của hệ miễn dịch
Ớt chuông là loại quả giàu vitamin C. Vitamin C có tác dụng:
- Chống oxy hóa.
- Giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, sửa chữa các mô tổn thương.
- Giảm nguy cơ stress oxy hóa là nguồn gốc sản sinh bệnh tật.
6. Cải thiện chức năng của hệ thống tiêu hóa
Hệ tiêu hóa rối loạn sẽ gây tiêu chảy, buôn nôn, nôn ói… khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu. Các nhà dinh dưỡng khuyên nên kết hợp ớt chuông vào chế độ ăn hàng ngày. Hàm lượng vitamin nhóm B trong ớt sẽ giúp bộ máy tiêu hóa khỏe mạnh do kích thích tạo men tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Hoạt động tiêu hóa tốt giúp cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển.
7. Ớt chuông giúp giảm cân
Ớt chuông chứa ít calorie, chất béo và không có cholesterol. Khi ăn sẽ giúp cơ thể đốt cháy calorie do khả năng sinh nhiệt và tăng tốc độ trao đổi chất trong cơ thể. Ớt chuông không có hoặc chứa ít capsaicin gây nóng như các loại ớt khác. Do đó, nó chỉ sinh năng lượng giúp tăng cường trao đổi chất nhưng không làm tăng huyết áp hay nhịp tim.
Do đó, hãy thêm ớt chuông vào các bữa ăn hàng ngày để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt nhé.
8. Hỗ trợ kiểm soát đường huyết
Một vài nghiên cứu cho thấy việc sử dung ớt chuông có thể kích thích sản xuất insulin. Điều này có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường. Tuy nhiên, cần có nhiều bằng chứng hơn nữa để khẳng định chắc chắn.
9. Ớt chuông giúp da sáng đẹp và ngăn ngừa lão hóa
Chất chống oxy hóa là cần thiết giúp tế bào tránh khỏi tổn thương tiềm ẩn như da chảy xệ và xuất hiện nếp nhăn. Các chuyên gia dinh dưỡng đề xuất nên ăn các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như ớt chuông để hạn chế các vấn đề này. Hàm lượng vitamin C trong ớt tốt cho làn da. Nó giúp làm trẻ hóa, mờ vết thâm và chậm xuất hiện các nếp nhăn.
10. Tác dụng có lợi trên hệ thần kinh, giúp ngủ ngon
Ớt chuông chứa các vitamin nhóm B trong đó có vitamin B6. Chúng cần thiết cho hoạt động của não bộ, giúp tái tạo các tế bào bị tổn thương. Vitamin B6 cũng tham gia vào quá trình sản sinh melatonin giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ. Vitamin B6 và magie khi kết hợp với nhau giúp giảm căng thẳng, lo lắng và ổn định hệ thần kinh.
Lưu ý khi dùng
Không có tác dụng bất lợi liên quan đến việc sử dụng ớt chuông. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng sao cho phù hợp với tình trạng của mình. Đặc biệt ở trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú nên ăn ở mức tối thiểu. Nếu ăn nhiều có thể gây tiêu chảy, ợ chua và khó chịu dạ dày. Một số giống ớt chuông có hàm lượng capsaicin tuy thấp nhưng vẫn gây cảm giác bỏng rát tay, kích ứng miệng – mũi – mắt – cổ họng. Do đó, nên sử dụng găng tay và khẩu trang khi chế biến.
Nên mua chọn những quả ớt còn tươi, cầm chắc tay, vỏ ngoài sáng, tránh vết cắt, thủng, dập. Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Ngoài sự hấp dẫn từ màu sắc đến hình dáng bên ngoài, ớt chuông còn có những lợi ích sức khỏe không ngờ với cơ thể. Vì vậy, bạn có thể bổ sung ớt chuông vào các món ăn hàng ngày, không chỉ làm tăng tính đa dạng mà còn cung cấp thêm dinh dưỡng nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Ớt chuônghttps://vi.wikipedia.org/wiki/%E1%BB%9At_chu%C3%B4ng
Ngày tham khảo: 16/05/2021
-
11 Health Benefits of Eating Bell Pepper & Side effects
https://www.knowyourfood.in/blog/11-health-benefits-of-eating-bell-pepper-and-side-effects
Ngày tham khảo: 16/05/2021
-
Bell pepper Nutrition factshttps://www.nutrition-and-you.com/bell-pepper.html
Ngày tham khảo: 16/05/2021
- Marín A, Ferreres F, Tomás-Barberán F A, Gil M I, (2004), "Characterization and quantitation of antioxidant constituents of sweet pepper (Capsicum annuum L.)", Journal of agricultural and food chemistry, 52 (12), pp. 3861-3869
- Sun T, Xu Z, Wu C T, Janes M, et al, (2007), "Antioxidant activities of different colored sweet bell peppers (Capsicum annuum L.)", Journal of Food Science, 72 (2), pp. S98-S102