Cúm gia cầm có nguy hiểm với con người không?
Nội dung bài viết
Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm do virus. Chúng có thể lây nhiễm không chỉ ở chim mà còn cả người và các động vật khác. Với các triệu chứng giả cúm như ho, sốt, đau họng,… bệnh cúm gia cầm có thể diễn tiến nặng và đe dọa đến tính mạng người mắc. Bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô tìm hiểu thêm về bệnh này nhé.
Cúm gia cầm do nguyên nhân gì gây ra?
Bệnh có thể do rất nhiều chủng vi rút khác nhau gây ra. Tuy vậy, H5N1 và H7N9 là hai chủng thường gây bệnh nhất ở người. Chúng ta đã ghi nhận một số trận đại dịch do các chủng vi rút cúm gia cầm gây ra ở các châu lục như Á, Phi, Bắc Mỹ và một phần ở Châu Âu. Hầu hết những người mắc bệnh đều có tiền căn tiếp xúc gần với một số chú chim bị bệnh. Và một số trường hợp, bệnh lây từ người sang người.
Một số nghiên cứu vẫn được thực hiện nhằm mục tiêu bảo vệ con người khỏi căn bệnh cúm trên.
Triệu chứng của bệnh cúm gia cầm gồm những gì?
Các triệu chứng bệnh thường bắt đầu trong vòng hai đến bảy ngày kể từ khi nhiễm bệnh, tùy thuộc vào loại virus cúm gia cầm người bệnh mắc phải. Trong phần lớn các trường hợp, triệu chứng của bệnh cúm gia cầm giống với bệnh cúm thông thường, bao gồm:
- Ho.
- Sốt.
- Đau họng.
- Mỏi cơ.
- Đau đầu.
- Khó thở.
Một số người có thể có triệu chứng buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Và trong một vài trường hợp, nhiễm trùng mắt mức nhẹ (như viêm kết mạc) là dấu hiệu duy nhất của bệnh.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Bạn nên đi khám ngay lập tức nếu bạn có triệu chứng như sốt, ho, đau nhức cơ thể và gần đây bạn đã ở hoặc du lịch một số quốc gia hoặc khu vực đang có dịch cúm gà.
Những nguyên nhân gì gây ra bệnh cúm gia cầm?
Bệnh thường có nguồn gốc từ những loại chim hoang dã cư trú vùng sông nước. Sau đó, chúng lây cho một số loại gia cầm như gà, vịt, ngỗng… thông qua dịch tiết của chúng như phân, nước mũi, nước mắt.
Một số chợ trời, nơi bán trứng và gia cầm nhưng điều kiện vệ sinh không thích hợp có thể là nguồn bệnh lây lan cho cộng đồng. Thịt gia cầm và trứng chưa được nấu chín có thể là nguồn lây bệnh. Chúng ta chỉ nên ăn thịt gia cầm được nấu chín kĩ (khoảng 74°C hoặc cao hơn). Trứng cũng nên được nấu chín cả phần lòng đỏ và lòng trắng.
Các yếu tố nguy cơ mắc cúm gia cầm gồm những gì?
Nguy cơ mắc bệnh cao nhất là do sự tiếp xúc với chim/gia cầm bệnh hoặc dịch tiết của chúng. Việc lây cúm từ người sang người hiện nay vẫn còn là một bí ẩn. Trong một số trường hợp, nguyên nhân thực sự lại là do chim bị cúm tiếp xúc từ người này đến người kia. Do đó, đến nay, trừ khi giả thiết lây bệnh từ người sang người được xác nhận, yếu tố tiếp xúc với chim/ gia cầm mắc bệnh vẫn là yếu tố nguy cơ cao nhất.
Biến chứng của cúm gia cầm gồm những gì?
Bệnh cúm gia cầm có thể diễn tiến nặng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng, gồm:
- Viêm phổi.
- Đau mắt đỏ (viêm kết mạc).
- Suy hô hấp.
- Suy thận.
- Bệnh lí tim mạch.
Cúm gia cầm có thể là giết chết hơn một nửa số người nhiễm. Tuy vậy số lượng người chết do cúm gia cầm vẫn thấp do là số người mắc không cao. Đến năm 1997, theo báo cáo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ khoảng 500 người chết do cúm gia cầm.
Trái lại, theo CDC, cúm mùa lại là nguyên nhân gây ra cái chết cho hàng ngàn người mỗi năm ở Mỹ. Vậy biểu hiện bệnh cúm mùa là gì? Cùng tham khảo: Cách phòng bệnh và lời khuyên của bác sĩ.
Làm sao phòng ngừa?
FDA khuyến cáo sử dụng sử dụng một liều vắc xin chủng cúm H5N1. Hiện nay thì vắc xin chưa được phổ biến rộng rãi. Chính phủ Mỹ duy trì một kho dự trữ vắc xin và tiếp tục nghiên cứu thêm.
Vắc xin sẽ được sử dụng ngay khi dịch mới bùng phát nhằm mục tiêu bảo vệ cộng đồng cho đến khi vắc xin chủng cúm đợt dịch đó được sản xuất. Hiện nay nhiều nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề vắc xin này.
Vacxin cúm Vaxigrip Tetra1
Theo VNVC, Loại vacxin cúm Vaxigrip Tetra có nguồn gốc từ Pháp phòng được 4 chủng tuýp virus cúm gồm: 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria). Vacxin này được chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn.
Chống chỉ định
- Quá mẫn cảm với các hoạt chất, với bất kỳ tá dược liệt kê trong mục “thành phần” hoặc bất kỳ chất nào có thể có trong thành phần dù với một lượng rất nhỏ còn sót lại (vết) như trứng (ovalbumin, protein của gà), neomycin, formaldehyde và octoxynol-9.
- Hoãn tiêm vắc xin với những người bị sốt vừa hay sốt cao hay bị bệnh cấp tính.
- Thận trọng khi sử dụng nhất là đối với người bị suy giảm miễn dịch, suy giảm tiểu cầu hoặc bị rối loạn chảy máu.
- Không được tiêm vacxin này vào tĩnh mạch.
Tác dụng không mong muốn
- Phản ứng tại chỗ: ban đỏ (quầng đỏ), sưng, đau, bầm máu, nốt cứng.
- Phản ứng toàn thân: sốt, khó chịu, run rẩy, mệt mỏi, đau đầu, đổ mồ hôi, đau khớp và đau cơ.
Phản ứng sau tiêm
Vacxin Vaxigrip có độ an toàn cao. Sau khi tiêm, người được tiêm thường gặp những phản ứng nhẹ, không kéo dài và không cần điều trị đặc biệt. Đó là sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể như:
- Tại chỗ tiêm: đau, đỏ, sưng.
- Sốt, khó chịu, run rẩy, mệt mỏi, đau đầu, đổ mồ hôi, đau khớp và đau cơ.
Một số khuyến cáo cho khách du lịch
Nếu như bạn có dự định du lịch đến các nước Đông Nam Á hay bất cứ khu vực nào đang có dịch bệnh, bạn nên lưu ý một số điều sau:
- Tránh tiếp xúc với chim hay gia cầm. Nếu được, bạn nên tránh đến vùng nông thôn, trang trại hay chợ trời.
- Rửa tay thường xuyên. Đây là một trong những cách đơn giản nhưng tốt nhất để ngăn ngừa rất nhiều bệnh truyền nhiễm. Do đó, bạn luôn lưu ý rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi giết mổ gia cầm hay tiếp xúc với chim. Sử dụng nước rửa tay chứa ít nhất 60 độ cồn khi bạn đi du lịch.
- Bạn nên tiêm một mũi vắc xin cúm trước khi đi du lịch. Vắc xin sẽ không giúp bạn phòng tránh bệnh cúm gia cầm, nhưng nó sẽ giúp bạn giảm nguy cơ đồng mắc cúm gia cầm và bệnh cúm khác.
Thịt gia cầm và các sản phẩm từ trứng:
Nhiệt độ cao có thể tiêu diệt các chủng cúm gia cầm. Vì vậy các loại thịt gia cầm không được nấu chín rất nguy hiểm. Thậm chí, bạn nên dùng các dụng cụ bảo hộ khi chế biến thịt gia cầm. Chúng sẽ giúp bạn tránh mắc các loại vi khuẩn như salmonella hay một số loại vi khuẩn độc hại khác.
- Cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chế biến. Bạn nên dùng nước nóng, xà phòng để làm sạch thớt, rổ rá và các bề mặt tiếp xúc với thịt gia cầm sống.
- Luôn nấu chín kĩ thịt gia cầm. Bạn cần phải nấu cho đến khi thịt hết hoàn toàn nước. Bạn cũng nên nấu ở nhiệt độ cao hơn 74o C.
- Rửa sạch trứng tươi. Vỏ trứng thường dính giọt chất tiết từ gà/ chim mẹ. Bạn cũng nên tránh ăn trứng sống hay trứng chưa được nấu kĩ.
Chẩn đoán cúm bệnh như thế nào?
Xét nghiệm bệnh phẩm
Các mẫu bệnh phẩm dạng chất lỏng từ mũi hoặc cổ họng của người bệnh. Bác sĩ sẽ kiểm tra trong các mẫu bệnh phẩm này có chứa virus cúm gia cầm hay không. Những mẫu này cần được thực hiện trong vài ngày đầu tiên sau khi các triệu chứng xuất hiện.
Chẩn đoán hình ảnh
X-quang có thể hữu ích trong việc đánh giá tình trạng phổi, xác định chẩn đoán. Thông qua đó, bác sĩ lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp cho các dấu hiệu và triệu chứng hiện có của người bệnh.
Điều trị
Hiện nay, nhiều loại virus cúm đã kháng với một loại thuốc chống virus như amantadine và rimantadine (Flumadine). Các quan chức y tế khuyến cáo nên sử dụng oseltamivir (Tamiflu) hoặc zanamivir (Relenza) nếu oseltamivir không có hiệu quả. Những loại thuốc này phải được sử dụng ngay trong vòng hai ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.
Cúm gia cầm là một bệnh hiếm gặp nhưng nguy cơ tử vong cao. Triệu chứng thường không rầm rộ, dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh cúm khác. Một trong những yếu tố quan trọng giúp chẩn đoán cúm gia cầm là tiền căn tiếp xúc với gia cầm hoặc chim bị bệnh. Ngoài ra một yếu tố nguy cơ ít được chú ý là quá trình nấu nướng thịt gia cầm hay trứng không đúng cách có thể là nguyên nhân gây bệnh cúm gia cầm. Mọi người đều có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng cách tuân theo một số các hướng dẫn phòng bệnh như trên.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Vắc xin Tứ giá Vaxigrip Tetra phòng bệnh Cúm mùahttps://vnvc.vn/vaxigrip-tetra/
Ngày tham khảo: 11/09/2022