Giang mai giai đoạn 2: triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Giang mai là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục nguy hiểm trên thế giới. Bệnh tiến triển theo từng giai đoạn. Ở giai đoạn 1, bệnh đặc trưng bởi các vết săng giang mai. Vậy giang mai giai đoạn 2 có những đặc điểm gì? Bệnh có thể chữa được không? Bài viết sau đây của Bác sĩ Phan Văn Giáo sẽ cung cấp thông tin về giang mai giai đoạn 2. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Giang mai giai đoạn 2 là gì?
Bệnh giang mai do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra thường bắt đầu bằng một vết loét đơn lẻ gọi là săng. Đây được xem là giai đoạn 1 của giang mai.
Vết săng này xuất hiện 3 tuần sau khi nhiễm trùng, thường nằm ở miệng, hậu môn hoặc bộ phận sinh dục. Nó cũng có thể khởi phát sau 10 ngày và thậm chí là 90 ngày sau khi nhiễm trùng. Vết loét có thể tự lành trong khoảng 3 – 6 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu giang mai giai đoạn 1 không được điều trị kịp thời. Bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn 2, hay còn gọi là giai đoạn thứ phát.
Giang mai thứ phát xuất hiện từ 2 đến 8 tuần sau khi săng biến mất, hoặc khi săng đang lành. Người mắc bệnh giang mai giai đoạn 2 thường phát ban màu hồng có dạng “đồng xu” trên lòng bàn tay và lòng bàn chân. Cùng với sự xuất hiện của các dạng phát ban khác trên các bộ phận khác của cơ thể, giống như các phát ban do các bệnh khác gây ra.
Giang mai nguyên phát và thứ phát nếu không điều trị có thể dẫn đến giai đoạn tiềm ẩn. Đây là giai đoạn mà nhiễm trùng có thể ẩn trong cơ thể trong nhiều tháng hoặc nhiều năm mà không có triệu chứng nào. Tuy nhiên, điều trị vẫn cần thiết để loại bỏ nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe. Giang mai giai đoạn 3 có thể gây ra khối u, mù lòa và tê liệt và có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, não và các cơ quan khác của cơ thể. Thậm chí gây tử vong.1 2
Đặc điểm giang mai giai đoạn II
Giai đoạn 2 của bệnh giang mai đặc trưng bởi các phát ban sẩn có vảy (condylomata lata) nổi gồ lên trên da, hay các ban dát (macular rash) – các nốt ban nhỏ, phẳng ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể.1 Các phát ban được nhiều người bệnh mô tả không gây ngứa. Tuy nhiên, tùy tình trạng mỗi người mà mức độ ngứa sẽ khác nhau.3
Giang mai giai đoạn này có các tổn thương da dễ gây nhầm lẫn với các bệnh da liễu khác. Vì lí do này mà bệnh giang mai còn được mệnh danh là “kẻ bắt chước vĩ đại”.1
Triệu chứng của giang mai giai đoạn 2
Trong giai đoạn này, vi khuẩn Treponema pallidum đã lây lan ra khắp cơ thể và gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Bao gồm:1 2 4
1. Phát ban
Trong giai đoạn thứ cấp, phát ban có thể xuất hiện trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, hoặc ở những nơi khác khắp cơ thể. Phát ban thường có màu đỏ hoặc nâu đỏ, hình dạng trông giống đồng xu. Thường thì phát ban này không gây ngứa và khó nhìn thấy. Đôi khi có thể mờ nhạt đến mức bạn không thể nhận biết chúng.
Phát ban có thể xuất hiện ở nhiều dạng khác nhau. Chẳng hạn như các vết nhỏ màu đỏ hồng trên da, hoặc có dạng hình tròn lõm vào; mụn nước nhỏ chứa mủ; hay mảng tổn thương dày màu xám hoặc hồng. Ở miệng có thể xuất hiện các mảng trắng hoặc các màng nhầy khác.
Ngoài ra, phát ban giang mai cũng có thể xuất hiện dưới dạng vết loét. Chúng có thể xuất hiện trên niêm mạc miệng, âm đạo hoặc hậu môn.
2. Sưng hạch bạch huyết
Đây là một triệu chứng phổ biến trong giai đoạn thứ 2 của bệnh giang mai. Sưng hạch bạch huyết thường xuất hiện trên cổ, nách và khuỷu tay, và có thể đau hoặc không đau.
3. Các triệu chứng khác
Người bị giang mai giai đoạn 2 cũng có thể cảm thấy mệt mỏi và có các triệu chứng giống cúm nhẹ. Chẳng hạn như sốt nhẹ, đau họng, sưng hạch, nhức đầu và đau cơ hay khớp.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị chán ăn, sụt cân hay rụng tóc từng mảng.
Các triệu chứng ở giai đoạn 2 có thể giống với nhiều bệnh khác. Việc xác định giang mai khá khó khăn. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ tự biến mất; nhưng vi khuẩn vẫn còn trong cơ thể và có thể dẫn đến các giai đoạn nguy hiểm hơn. Do đó, việc kiểm tra giang mai rất quan trọng để phát hiện và điều trị sớm.
Biến chứng của giang mai giai đoạn thứ cấp
Nếu bệnh giang mai không được điều trị, nó có thể tiếp tục phát triển và gây ra những tác động xấu. Kết quả của việc không điều trị có thể là tổn thương não, mắt, tim, dây thần kinh, xương, khớp và gan.
Người bệnh có thể bị tê liệt, mù, mất trí nhớ hoặc mất cảm giác trong cơ thể. Nếu không điều trị, bệnh giang mai trong thai kỳ cũng có thể dẫn đến thai chết lưu hoặc chậm phát triển.
Ngay cả khi đã được chữa khỏi bệnh giang mai, người bệnh vẫn có thể mắc lại.
Ngoài ra, vết loét giang mai hở làm tăng khả năng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.1 2
Chẩn đoán giang mai giai đoạn 2 như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh giang mai thứ phát, bác sĩ sẽ khám sức khoẻ và hỏi các câu hỏi về tiền sử bệnh của bạn.
Xét nghiệm máu cũng được chỉ định để kiểm tra bệnh giang mai.
Nếu cơ thể có vết lở loét, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch hay mảnh da nhỏ từ vết loét để kiểm tra sự xuất hiện của vi khuẩn giang mai dưới kính hiển vi.
Giang mai giai đoạn 2 có chữa được không?
Bệnh giang mai giai đoạn 2 có thể chữa khỏi khi được điều trị với kháng sinh phù hợp. Giang mai giai đoạn thứ phát được xem là một trong những giai đoạn sớm của giang mai. Vì vậy, bệnh ở giai đoạn này có thể dễ dàng chữa khỏi nếu được phát hiện kịp thời và điều trị phù hợp. Việc nhiễm trùng có thể được chữa khỏi, nhưng các tổn thương mà giang mai gây ra không thể phục hồi hoàn toàn.
Cũng cần lưu ý, người bệnh vẫn có thể mắc lại nếu tiếp xúc với vi khuẩn, dù đã điều trị thành công trước đó.
Như vậy, có thể thấy, bệnh giang mai không thể chữa khỏi bằng các phương pháp điều trị không kê đơn hay các biện pháp điều trị dân gian tại nhà. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ giang mai nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn xét nghiệm và điều trị kịp thời, phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.2
Phương pháp điều trị giang mai giai đoạn 2
1. Điều trị bằng kháng sinh Penicillin
Nếu phát hiện sớm, giang mai có thể được chữa trị đơn giản bằng một mũi tiêm Penicillin. Tuy nhiên, nếu bệnh đã diễn biến khá lâu, liều kháng sinh cần thiết sẽ tăng lên.
2. Trường hợp dị ứng Penicillin
Nếu người bệnh có dị ứng với Penicillin, các loại kháng sinh khác như Doxycycline hoặc Tetracycline có thể được sử dụng.
Tuy nhiên, trong trường hợp mang thai, Penicillin được xem là loại thuốc an toàn và hiệu quả để chống lại bệnh giang mai. Vì các loại kháng sinh khác có thể gây nguy hiểm cho sự phát triển của em bé.1
Việc sử dụng thuốc kháng sinh sẽ loại bỏ vi khuẩn giang mai và ngăn ngừa tác hại tiếp tục tấn công cơ thể. Tuy nhiên, nó không thể khôi phục lại các tổn thương đã xảy ra do bệnh.
Nếu đang trong quá trình điều trị bệnh giang mai, người bệnh không nên quan hệ tình dục cho đến khi các vết loét hoàn toàn lành và toàn bộ quá trình điều trị bằng kháng sinh được hoàn thành. Bệnh nhân cũng nên thông báo cho đối tác tình dục về tình trạng của bản thân để họ có thể được tư vấn và chữa trị ngay, tránh nguy cơ lây nhiễm.
3. Phản ứng Jarisch Herxheimer
Việc điều trị giang mai với kháng sinh Penicillin có thể gây phản ứng Jarisch-Herxheimer trong vòng 24 giờ sau liều đầu tiên. Đây là một phản ứng thường gặp khi cơ thể bắt đầu tiêu diệt vi khuẩn giang mai. Các triệu chứng bao gồm ớn lạnh, phát ban, sốt, nhịp tim nhanh, tăng thông khí, đau đầu, đau cơ, đau khớp và buồn nôn. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào được nêu. Hãy tìm đến bác sĩ, hoặc các cơ sở y tế ngay lập tức.5
Trên đây là thông tin về bệnh giang mai giai đoạn 2. Đây được xem là một trong những giai đoạn sớm của bệnh giang mai. Tuy đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể chữa khỏi. Nhưng việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng giang mai ở giai đoạn muộn gây ra. Việc duy trì các thói quen an toàn trong quan hệ tình dục và định kỳ kiểm tra sức khỏe là rất quan trọng. Nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm bệnh giang mai, hãy tìm kiếm sự tư vấn và điều trị y tế ngay lập tức.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Syphilishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534780/
Ngày tham khảo: 20/03/2023
-
Syphilis – CDC Basic Fact Sheethttps://www.cdc.gov/std/syphilis/stdfact-syphilis.htm
Ngày tham khảo: 20/03/2023
-
The Signs and Symptoms of Secondary Syphilishttps://journals.lww.com/stdjournal/Citation/1980/10000/The_Signs_and_Symptoms_of_Secondary_Syphilis.2.aspx
Ngày tham khảo: 20/03/2023
-
Syphilishttps://www.drugs.com/health-guide/syphilis.html#symptoms
Ngày tham khảo: 20/03/2023
-
Jarisch Herxheimer Reactionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557820/
Ngày tham khảo: 20/03/2023