Cường giáp thai kỳ: Vấn đề cần được mẹ bầu quan tâm!
Nội dung bài viết
Tuy chỉ chiếm một trọng lượng và thể tích nhỏ nhưng chức năng của tuyến giáp thực sự rất quan trọng, chi phối hoạt động của những cơ quan mang tính sống còn của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động bất thường sẽ gây ra suy giáp hoặc cường giáp, trong đó cường giáp thai kỳ là một vấn đề rất đáng được các mẹ bầu lưu tâm. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Tuyến giáp và thai kỳ
1.1. Hoạt động của tuyến giáp trong thai kỳ
Tuyến giáp là tuyến nội tiết có hình cánh bướm thường nằm ở phần thấp trước cổ. Chức năng của nó là sản xuất ra các hoocmon giáp T3, T4 – những chất này sau đó được tiết vào trong máu và phân bố đến tất cả các mô trong cơ thể. Hoạt động của chúng là giúp cơ thể chuyển hoá, sử dụng và dự trữ năng lượng, giữ ấm và giúp hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ tiêu hoá, cơ cũng như các cơ quan khác hoạt động khi cần thiết.
Tuyến giáp hoạt động bất thường khi nó hoạt động quá mức (gọi là cường giáp) hoặc hoạt động dưới mức bình thường (suy giáp). Đặc biệt, những thay đổi nội tiết tố có thể rất giống các triệu chứng của một thai kì bình thường, như suy giáp gây mệt mỏi, tăng cân còn cường giáp gây lo lắng, dễ cáu gắt, khó ngủ, tóc dễ gãy rụng… Những triệu chứng của cường giáp dễ bị bỏ qua vì đặc điểm rất giống với tính chất thay đổi nội tiết tố của một thai kỳ bình thường.
>> Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản sinh đủ hormone giáp cho cơ thể, có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng cho thai kỳ. Tìm hiểu ngay căn bệnh Suy giáp thai kỳ tại đây nhé!
Trong 18-20 tuần đầu tiên của thai kỳ, các hoạt động của cơ thể thai nhi liên quan đến hoocmon tuyến giáp hoàn toàn phụ thuộc vào lượng hoocmon mà người mẹ sản xuất ra đi qua nhau thai và truyền cho thai. Vào giữa thai kỳ, tuyến giáp của thai nhi bắt đầu tự sản xuất được hoocmon giáp. Tuy nhiên vẫn duy trì sự phụ thuộc vào người mẹ để hấp thu đủ lượng i-ốt – chất cần thiết và quan trọng cho việc sản xuất hoocmon giáp.
1.2. Những thay đổi của tuyến giáp khi mang thai
Thay đổi hoocmon:
Ở thai kỳ bình thường có sự thay đổi về nồng độ hoocmon làm biến đổi chức năng nội tiết tố và sinh lý quan trọng của tuyến giáp. Có nghĩa rằng các xét ngiệm chức năng tuyến giáp trong gia đoạn này phải được giải thích thận trọng. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp thay đổi trong cả thai kỳ là do sự ảnh hưởng của hai hoocmon chính: (1) hCG – hoocmon được dùng trong xét nghiệm thử có thai và (2) estrogen, hoocmon nữ chính.
- hCG có thể kích thích nhẹ tuyến giáp và nồng độ hCG trong máu ở tam cá nguyệt thứ nhất có thể dẫn đến kết quả nồng độ TSH giảm nhẹ, sau đó trở về bình thường trong suốt thai kỳ.
- Estrogen làm tăng nồng độ protein gắn với hoocmon giáp trong máu, làm tăng nồng độ hoocmon giáp toàn phần do >99% hoocmon giáp gắn với những protein này. Tuy nhiên nồng đọ hoocmon tự do (dạng hoạt hoá có chức năng) thường duy trì ở nồng độ bình thường. Tuyến giáp hoạt động bình thường khi nồng độ TSH và FT4 duy trì mức bình thường trong tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ.
Thay đổi kích thước:
Tuyến giáp có thể tăng kích thước trong thai kỳ (tuyến giáp phì đại = bướu giáp). Tuy nhiên bướu giáp liên quan thai kỳ xảy ra nhiều hơn ở những nơi thiếu i-ốt. Có thể bướu giáp không lớn, không phát hiện được bằng khám lâm sàng mà qua siêu âm, hoặc đủ lớn có thể phát hiện khi khám gợi ý làm xét nghiệm chức năng tuyến giáp.
Rối loạn chức năng tuyến giáp:
Rối loạn chức năng tuyến giáp có thể xảy ra trong thai kỳ hoặc sau khi sinh ở những phụ nữ chưa bao giờ có vấn đề gì về tuyến giáp. Tình trạng này xảy ra do thay đổi nồng độ hoocmon tuyến giáp.
Khi tuyến giáp sản xuất ra quá nhiều hoocmon giáp T3 và T4 được gọi là cường giáp. Đồng thời nó cũng làm cho nồng độ hoocmon TSH (hoocmon kích thích tuyến giáp sản xuất T3, T4) giảm thấp. Bởi vì nồng độ T3, T4 quá cao ức chế sự sản xuất TSH. Sự hoạt động quá mức của tuyến giáp làm tăng đáng kể sự chuyển hoá trong cơ thể (cách cơ thể sử dụng năng lượng). Và vấn đề này thường xảy ra ở phụ nữ độ tuổi 20-40 tuổi, độ tuổi sinh sản.
Tuy nhiên, may mắn rằng, cường giáp thai kỳ thì không thường gặp. Nhưng triệu chứng có thể bị nhầm lẫn với những thay đổi hoocmon ở phụ nữ mang thai, như: cảm thấy nóng, mệt, hay lo lắng. Nếu bị bỏ sót không được điều trị, cường giáp bà mẹ có thể gây ra nhiều nguy cơ cho cả thai phụ lẫn thai nhi (đề cập ở dưới).
>> Nhấn vào đây để đọc ngay bài viết của Bác sĩ về các xét nghiệm mẹ bầu cần thực hiện trong thai kỳ nhé!
2. Nguyên nhân gây cường giáp
- Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức là bệnh Grave. Bệnh này xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể trở nên tăng hoạt và tạo kháng thể tấn công tuyến giáp. Điều này làm cho tuyến giáp phì đại và tạo quá nhiều hoocmon giáp. Đa phần phụ nữ mắc bệnh Grave được phát hiện và điều trị trước khi mang thai.
- Phụ nữ có triệu chứng ốm nghén dữ dội hay mang song thai có thể có cường giáp thoáng qua. Được gọi là cường giáp thai kỳ thoáng qua, do sự tăng cao của hoocmon thai kỳ hCG, ở tuần 14-18 của thai kỳ. Trong trường hợp này không cần điều trị thuốc kháng giáp. Tuy nhiên cần chẩn đoán chính xác dựa vào hỏi bệnh sử, khám thực thể và thực hiện cận lâm sàng cẩn thận.
- Thỉnh thoảng, cường giáp xuất hiện trong thai kỳ vì nhân giáp. Những nhân này tạo ra nhiều hoocmon giáp.
- Tuyến giáp cũng có thể trở nên tăng hoạt sau khi sinh. Trong năm đầu sau sinh, khoảng 7% phụ nữ bị viêm giáp. Biểu hiện ban đầu với triệu chứng của cường giáp. Đa số trường hợp tự thoái lui không cần điều trị sau vài tuần đến vài tháng. Nhưng thỉnh thoảng tình trạng viêm của tuyến giáp có thể dẫn đến suy giáp, diễn biến bệnh lý trái ngược so với cường giáp – tuyến giáp sản xuất không đủ hoocmon. Nhưng phần lớn suy giáp này cũng tự biến mất.
3. Những nguy cơ của bệnh Graves/cường giáp đối với bà mẹ
Bệnh Graves có thể mới khởi phát lần đầu ở tam cá nguyệt thứ nhất hoặc có thể trở nên trầm trọng hơn nếu đã mắc bệnh trước đó. Ngoài những triệu chứng cổ điển liên quan đến cường giáp thì cường giáp thai kỳ điều trị không thích hợp có thể dẫn đến hệ quả những cơn gò sớm và một biến chứng nghiêm trọng được biết đến là tiền sản giật.
Bên cạnh đó, phụ nữ mắc bệnh Graves trong thai kỳ có nguy cơ cao hơn bị cường giáp rất nặng, hay gọi là cơn bão giáp. Bệnh Graves thỉnh thoảng tiến triển ở tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ và có thể diễn biến tệ hơn sau khi sinh
4. Những nguy cơ của bệnh Graves/cường giáp đối với thai nhi
Những nguy cơ của bệnh Graves đối với thai nhi do một trong ba cơ chế có thể có như sau:
4.1. Cường giáp thai kỳ kiểm soát kém
Gây ra nhịp tim thai nhanh, thai nhỏ so với tuổi thai, sinh non, thai lưu và dị tật bẩm sinh. Đây cũng là lí do quan trọng vì sao cần điều trị cường giáp ở thai phụ.
4.2. Nồng độ cao globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp
Bệnh Graves là bệnh tự miễn gây ra bởi sự sản xuất các kháng thể kích thích tuyến giáp được gọ là các globulin kích thích tuyến giáp (TSI). Những kháng thể này đi qua nhau thai và có thể tương tác với tuyến giáp của thai nhi. Nồng độ TSI cao trong máu mẹ có thể gây cường giáp bào thai hoặc cường giáp sơ sinh nhưng không phổ biến (chỉ khoảng 1-5% phụ nữ mắc bệnh Graves khi mang thai).
May mắn rằng tình trạng này chỉ xảy ra khi nồng TSI của mẹ rất cao, gấp nhiều lần so với bình thường. đo lường nồng độ TSI trong máu mẹ mắc bệnh Graves được khuyến cáo trong giai đoạn sớm của thai kỳ, và nếu tăng ở lần đầu thì lặp lại lần hai vào khoảng tuần 18-22 của thai kỳ.
Khi bà mẹ bị bệnh Graves thì cần được điều trị với thuốc kháng giáp, cường giáp thai nhi thường hiếm vì thuốc kháng giáp có thể đi qua nhau thai và có thể ngăn chuyện tuyến giáp của thai nhi hoạt động quá mức. Trường hợp nếu người mẹ đã được điều trị bệnh Graves (bằng i-ốt phóng xạ hay phẫu thuật) và hiện tại không cần điều trị với thuốc kháng giáp nữa thì mối quan tâm cho thai nhi cần tăng cường hơn. Và đương nhiên việc bạn đã từng được điều trị bệnh Graves cần nói với bác sĩ bởi vì có vai trò quan trọng trong việc theo dõi để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và bé.
4.3. Tác động của thuốc kháng giáp với thai nhi
Methimazole hay propylthiouracil (PTU) là những thuốc kháng giáp có sẵn trên thị trường. Cả hai loại này đều có hiệu quả điều trị cường giáp như nhau, có khả năng đi qua nhau thai và có thể gây ra rối loạn chức năng tuyến giáp.
Tuy nhiên việc sử dụng thuốc nào trong tam các nguyệt thứ nhất quan trọng bởi vì nó liên quan tác dụng phụ gây dị tật bẩm sinh, mặc dù dị tật liên quan đến điều trị bằng PTU thì ít gặp hơn và ít trầm trọng hơn.
Nói chung, những lợi ích cho em bé khi điều trị cường giáp cho bà mẹ trong thai kỳ lớn hơn nguy cơ rủi ro nếu được theo dõi cẩn thận.
5. Triệu chứng cường giáp trong thai kỳ là gì?
- Bướu cổ.
- Mắt lồi.
- Da dày phía trước xương chày.
- Bứt rứt.
- Dễ cáu gắt.
- Đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường.
- Da mỏng, mịn, ẩm.
- Tóc mỏng, dễ gãy.
- Yếu cơ, đặc biệt là cánh tay và đùi.
- Run tay.
- Nhịp tim nhanh.
- Tăng huyết áp.
- Tăng nhu động ruột.
- Sụt cân.
- Khó ngủ.
- Mắt nhạy cảm với ánh sáng.
6. Phát hiện cường giáp như thế nào?
Hầu hết phụ nữ được phát hiện cường giáp trước khi mang thai thông qua thăm khám và làm cận lâm sàng đo nồng độ hoocmon tuyến giáp trong máu. Nồng đọ TSH thấp và T4 cao (còn gọi là thyroxine) gợi ý cường giáp.
Cận lâm sàng khác như đo độ hấp thu i-ốt phóng xạ không nên thực hiện khi mang thai và cho con bú. Xét nghiệm này dùng để đo lượng i-ốt tuyến giáp hấp thu để tạo hoocmon giáp.
7. Điều trị cường giáp thai kỳ như thế nào?
7.1 Cường giáp nhẹ (nồng độ hoocmon giáp tăng nhẹ, triệu chứng nhẹ)
Thường theo dõi sát không cần điều trị nếu bà mẹ và thai nhi đều khoẻ mạnh.
7.2 Khi cường giáp nặng đến mức cần điều trị
Phương pháp được lựa chọn hàng đầu là sử dụng thuốc kháng giáp. Mục tiêu điều trị là giữ nồng độ FT4 của mẹ từ mức bình thường-cao đến tăng nhẹ với liều kháng giáp thấp nhất và hạn chế tối thiểu nguy cơ cho em bé bị suy giáp hay bướu giáp.
Không nên để xảy ra tình trạng suy giáp thai kỳ do điều trị. Do đó cần theo dõi sát trong suốt thai kỳ bằng xét nghiệm chức năng tuyến giáp (nồng độ TSH và hoocmon giáp ) mỗi tháng.
Trong thai kỳ:
Điều trị ưu tiên cho phụ nữ mang thai mắc cường giáp do bệnh Graves hay nhân giáp là sử dụng thuốc kháng giáp. Những thuốc này ngăn ngừa tuyến giáp tạo quá nhiều hoocmon. Nếu đã điều trị với thuốc kháng giáp trước đó nên gặp bác sĩ để được điều chỉnh liều cả lúc mang thai và sau khi sinh nếu cần.
- Trong tam cá nguyệt thứ nhất (khoảng 3 tháng đầu thai kỳ), ưu tiên điều trị cường giáp bằng propylthiouracil (PTU) cho đến tuần thứ 16 của thai kỳ. Thuốc kháng giáp khác như methimazole có thể gây ra dị tật bẩm sinh nếu uống trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Khuyến cáo sử dụng liều thấp nhất thuốc giáp kiểm soát cường giáp thai kỳ để hạn chế tối thiểu tác dụng phụ gây suy giáp thai nhi của thuốc.
- Nhưng trong trường hợp người mẹ không dung nạp với thuốc PTU trong 3 tháng đầu thì chuyển sang điều trị bằng methimazole.
- tam các nguyệt thứ nhất, các chuyên gia khuyến cáo nên chuyển từ PTU sang methimazole. Bởi vì 1 số trường hợp dù hiếm nhưng PTU có thể gây ra tổn thương gan cấp. Cả hai thuốc này đều có hiệu quả như nhau. Hãy hỏi bác sĩ về lợi ích và nguy cơ của những thuốc này và thảo luận để có lựa chọn điều trị tốt nhất.
- Những phương pháp điều trị triệt để (phẫu thuật cắt tuyến giáp hay i-ốt phóng xạ) có thể cân nhắc trước khi mang tahi để tránh việc phải sử dụng PTU hoặc methimazloe trong thai kỳ.
- Thuốc kháng giáp có thể điều trị hầu hết các trường hợp cường giáp do bệnh Graves hoặc nhân giáp khi mang thai. Hiếm nhưng vẫn tồn tại trường hợp cần phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp. Thời gian tốt nhất để thực hiện phẫu thuật là trong tam cá nguyệt thứ hai (tháng thứ tư đến thứ sáu).
Phụ nữ đang có thai hoặc có ý định có thai:
Không nên điều trị bằng i-ốt phóng xạ vì nó có thể đi qua nhau thai và được tuyến giáp thai nhi hấp thu. Điều này có thể gây tổn thương tuyến giáp của thai nhi, hậu quả có thể suy giáp vĩnh viễn. i-ốt phóng xạ là chống chỉ định điều trị cường giáp thai kỳ.
Đang cho con bú:
Bà mẹ đang cho con bú không nên điều trị bằng i-ốt phóng xạ. Có thể tiếp tục điều trị bằng thuốc kháng giáp đã nói ở trên. Thuốc ức chế beta có thể được sử dụng trong thai kỳ để điều trị triệu chứng tim đập nhanh và run của cường giáp. Nhưng chúng cần được sử dụng thận trong vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nếu điều trị lâu dài. Những thuốc này chỉ nên sử dụng khi cần cho đến khi tình trạng cường giáp được kiểm soát với thuốc kháng giáp.
8. Thiên thần của bạn có cần được chăm sóc đặc biệt không?
Hầu hết người mắc bệnh Graves đều được đo lượng kháng thể trong máu, được biết đến là các globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp. Ở những phụ nữ có thai mắc bệnh Graves, những kháng thể này có thể đi qua nhau thai vào thai nhi. Mặc dù không hay xảy ra nhưng điều này có thể gây ra bệnh lý tuyến giáp và những vấn đề khác cho bé sơ sinh. Tất cả trẻ sơ sinh của bà mẹ mắc bệnh Graves có những kháng thể này nên được tầm soát các bệnh lý tuyến giáp và điều tri nếu cần.
9. Bạn có thể làm gì để thai nhi được khoẻ mạnh?
Bạn có thể giúp bằng cách đảm bảo sức khoẻ cho cả bạn và em bé. Đến gặp và thảo luận cùng bác sĩ sản khoa, bác sĩ nội tiết để được thăm khám, theo dõi, tư vấn và điều trị (nếu cần) trước, trong và sau khi sinh. Điều trị thuốc đúng và đủ như chỉ dẫn.
Bác sĩ có thể khuyên bạn nên lên kế hoạch cho thai kì. Nếu bạn có bệnh Graves, hãy hoãn việc có thai cho đến khi bệnh được kiểm soát tốt. Cũng như đối với phụ nữ điều trị bằng i-ốt phóng xạ nên dời kế hoạch có em bé từ 6 đến 12 tháng sau đó.
10. Bà mẹ bị cường giáp đang điều trị với thuốc kháng giáp có thể cho con bú không?
Câu trả lời là có. Mặc dù lượng nhỏ PTU và methiamazole có thể đi vào sữa mẹ, tổng liều mỗi ngày có thể lên đến 20 mg methimazole hoặc 450 mg PTU thì an toàn và không cần theo dõi tuyến giáp của em bé.
Tóm lại những điều cần ghi nhớ:
- Cường giáp thai kỳ không hay gặp. Cường giáp nhẹ thường không có triệu chứng. Triệu chứng không đặc hiệu, dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng thường gặp khi mang thai.
- Cường giáp thai kỳ ảnh hưởng đến cả bà mẹ và thai nhi. Cần được chẩn đoán, điều trị kịp thời và theo dõi cẩn thận suốt quá trình mang thai và sau sinh.
- Ngay khi biết mình có thai nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn, thăm khám và làm xét nghiệm (nếu cần) bất kể bà mẹ có cường giáp hay không, có đang điều trị hay không để được tư vấn và có phương pháp điều trị phù hợp.
- Nếu có ý định mang thai nên gặp bác sĩ hoặc chuyên gia để được tư vấn, thăm khám và làm xét nghiệm nếu cần để chuẩn bị thật tốt cho thai kỳ sắp tới.
Hoặc có thể liên hệ trực tiếp với tổng đài YouMed, đặt lịch tư vấn hoặc khám với bác sĩ để được giải đáp mọi thắc mắc, lo lắng bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Ramon Martinez, M.D., Leslie De Groot, M.D., Jorge Mestman, M.D.(2018), “Hyperthyroidism and Pregnancy”, July 2018, https://www.hormone.org/
American Thyroid Association, ” Hyperthyroidism in Pregnancy”, https://www.thyroid.org/
Standford Children’s Health, “Graves Disease in Pregnancy”, https://www.stanfordchildrens.org/en/default.page