Đái huyết sắc tố kịch phát về đêm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Đái huyết sắc tố kịch phát về đêm là một trong những bệnh lý mắc phải khá hiếm gặp và khá nguy hiểm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng rất nặng. Thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Vậy thì nguyên nhân của bệnh lý này là do đâu? Triệu chứng như thế nào? Cách điều trị ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây.
1. Tổng quan về bệnh đái huyết sắc tố kịch phát về đêm
1.1. Khái niệm đái huyết sắc tố kịch phát về đêm
Đái huyết sắc tố kịch phát về đêm có thuật ngữ trong tiếng Anh là Paroxysmal nocturnal hemoglobinuria (PNH). Đây là một bệnh lý tương đối hiếm gặp, khiến các tế bào hồng cầu bị vỡ ra. Các bác sĩ gọi hiện tượng này là “tan máu”. Điều này xảy ra do bề mặt tế bào máu của một người thiếu một loại protein bảo vệ chúng khỏi hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Tên gọi tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm bắt nguồn từ:
- Paroxysmal – có nghĩa là “đột ngột và bất thường”.
- Nocturnal – nghĩa là “vào ban đêm”.
- Hemoglobinuria – có nghĩa là “huyết sắc tố trong nước tiểu”. Hemoglobin, là phần màu đỏ của hồng cầu, làm cho nước tiểu có màu sẫm.
Vì vậy, “tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm” có nghĩa là các đợt đột ngột, không đều khi đi qua nước tiểu có màu sẫm. Đặc biệt xảy ra vào ban đêm hoặc vào sáng sớm. Điều quan trọng cần lưu ý là điều này có thể gây hiểu nhầm đôi chút, bởi vì nhiều người bị PNH không có nước tiểu sẫm màu.
1.2. Đặc điểm của bệnh đái huyết sắc tố kịch phát về đêm
Bệnh đặc trưng bởi sự phá hủy các tế bào hồng cầu (thiếu máu tan máu), cục máu đông (huyết khối). Đồng thời suy giảm chức năng tủy xương (không tạo đủ ba thành phần máu).
2. Tình hình dịch tễ bệnh đái huyết sắc tố kịch phát về đêm
Đái huyết sắc tố kịch phát về đêm là một bệnh khá hiếm gặp. Với tỷ lệ hàng năm là 1-2 trường hợp trên một triệu người. Tiên lượng thời gian sống nếu không điều trị ổn định bệnh là 10–20 năm. Nhiều trường hợp phát triển ở những người có tiền sử thiếu máu bất sản (với tỷ lệ 30%). Hoặc trước đây đã từng được chẩn đoán hội chứng loạn sản tủy.
Thực tế là PNH phát triển trong hội chứng loạn sản tủy. Điều này cũng giải thích vì sao tỷ lệ bệnh bạch cầu trong PNH dường như cao hơn. Vì loạn sản tủy đôi khi có thể chuyển thành bệnh bạch cầu. Khoảng 25% trường hợp tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm ở nữ được phát hiện khi mang thai. Nhóm này có tỷ lệ huyết khối cao, nguy cơ tử vong của cả mẹ và con đều tăng lên đáng kể (lần lượt là 20% và 8%).
>> Xem thêm: Thiếu máu – Những thông tin bạn cần lưu ý
Độ tuổi chẩn đoán trung bình của bệnh là 35-40 tuổi. Đôi khi các trường hợp được chẩn đoán ở thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Nguy cơ phát triển PNH sau khi điều trị thiếu máu bất sản bằng liệu pháp ức chế miễn dịch (globulin kháng thymocyte và cyclosporin) là khoảng 20-30%.
3. Cơ chế của bệnh đái huyết sắc tố kịch phát về đêm
3.1. Hệ thống bổ thể
Hệ thống bổ thể là một nhóm các protein trong máu. Chúng giúp hỗ trợ (bổ sung) công việc của các tế bào bạch cầu bằng cách chống lại nhiễm trùng.
Các protein này luôn hoạt động ở mức rất thấp. Nhưng khi vi khuẩn, vi rút và các tế bào lạ hoặc bất thường khác xâm nhập vào cơ thể bạn. Từ đó, các protein này sẽ trở nên hoạt động hơn. Chúng kết hợp với nhau để tấn công và tiêu diệt các tế bào bất thường này.
Các tế bào hồng cầu bình thường có một lá chắn gồm các protein. Lá chắn này bảo vệ các tế bào khỏi bị tấn công bởi hệ thống bổ thể. Gen phụ trách tạo ra lá chắn bảo vệ này được gọi là PIG-A.
3.2. Đột biến gen PIG-A
Tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm xảy ra do sự thay đổi di truyền (đột biến) trong gen PIG-A của một tế bào gốc duy nhất trong tủy xương. Dưới đây là các bước dẫn đến PNH:
- Tế bào gốc bất thường tạo ra các bản sao hoặc “nhân bản” của chính nó. Điều này dẫn đến toàn bộ quần thể tế bào gốc tủy xương có PIG-A đột biến.
- Các tế bào bất thường trưởng thành sẽ tạo thành các tế bào hồng cầu có PIG-A đột biến. Chúng được gọi là tế bào hồng cầu PNH. Các bác sĩ cũng gọi chúng là bản sao PNH của người bệnh.
- Các tế bào hồng cầu PNH thiếu lá chắn của các protein bảo vệ khỏi hệ thống bổ thể. Từ đó khiến chúng bị các protein của hệ thống bổ thể tấn công và phá hủy.
- Nhiều người khỏe mạnh có một số lượng nhỏ tế bào gốc PNH. Tuy nhiên, ở những người bị PNH, những tế bào gốc này phát triển nhanh và tạo ra nhiều hồng cầu PNH trưởng thành.
Một số bác sĩ tin rằng sự tăng trưởng này xảy ra bởi vì những người bị PNH có tủy xương yếu hơn bình thường. Sự suy yếu này có thể do thiếu máu bất sản hoặc một bệnh suy tủy xương nhẹ. Đồng thời có thể không được chẩn đoán và điều trị trong quá khứ.
4. Triệu chứng của bệnh tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm
4.1. Triệu chứng điển hình của bệnh đái huyết sắc tố kịch phát về đêm
Triệu chứng điển hình của PNH là nước tiểu đổi màu đỏ do sự hiện diện của hemoglobin và hemosiderin từ sự phân hủy của hồng cầu. Vì nước tiểu cô đặc hơn vào buổi sáng, đây là lúc màu đỏ sẫm sẽ rõ rệt nhất. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở những người có dạng PNH chính. Họ sẽ nhận thấy điều này vào một thời điểm nào đó trong quá trình bệnh của họ. Số còn lại chủ yếu gặp các triệu chứng thiếu máu, chẳng hạn như mệt mỏi, khó thở và đánh trống ngực.
4.2. Triệu chứng không điển hình
Một số bệnh nhân cho biết họ xuất hiện các cơn đau bụng, khó nuốt và đau khi nuốt và rối loạn cương dương ở nam giới. Điều này xảy ra chủ yếu khi sự phân hủy tế bào hồng cầu diễn ra nhanh chóng. Và được cho là do co thắt cơ trơn bởi sự cạn kiệt oxit nitric từ các sản phẩm phân hủy hồng cầu.
40% những người bị PNH phát triển huyết khối (cục máu đông) tại một số thời điểm trong bệnh của họ. Đây là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng nặng và tử vong ở PNH. Huyết khối có thể phát triển ở những vị trí thông thường như huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân. Và đây chính là hậu quả là thuyên tắc phổi khi những cục máu đông này vỡ ra và đi vào phổi.
Ngoài ra, cục máu đông cũng có thể hình thành ở những tĩnh mạch bất thường khác như:
- Gan (gây ra hội chứng Budd-Chiari).
- Tĩnh mạch cửa của gan (gây huyết khối tĩnh mạch cửa).
- Huyết khối ở tĩnh mạch mạc treo tràng trên hoặc dưới (gây thiếu máu cục bộ mạc treo).
- Tĩnh mạch da.
- Huyết khối tĩnh mạch não, một dạng đột quỵ không phổ biến, thường gặp hơn ở những người bị PNH.
>> Xem thêm: Bệnh tăng Globulin đại phân tử Waldenstrom
5. Yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm
Thiếu máu bất sản là yếu tố nguy cơ duy nhất được biết đến để phát triển thành bệnh PNH. Hơn 10 trong số 100 người bị thiếu máu bất sản sẽ phát triển PNH. Ngoài ra, một số người bị PNH sẽ bị thiếu máu bất sản. Những người bị PNH có thể có các triệu chứng tương tự với bệnh nhân thiếu máu bất sản. Chẳng hạn như số lượng tế bào máu thấp. Trung bình cứ 100 người thì có 2 người mắc PNH phát triển thành hội chứng loạn sản tủy.
>> Tham khảo thêm: Những điều cần biết về hội chứng rối loạn sinh tủy
6. Chẩn đoán bệnh đái huyết sắc tố kịch phát về đêm như thế nào?
Xét nghiệm máu trong PNH cho thấy những thay đổi phù hợp với thiếu máu tan máu nội mạch. Bao gồm: Hemoglobin thấp, lactate dehydrogenase tăng, bilirubin tăng (sản phẩm phân hủy của hemoglobin). Đồng thời giảm mức haptoglobin.
Hồng cầu lưới (tế bào hồng cầu chưa trưởng thành) có thể tăng nếu không có biểu hiện thiếu sắt. Xét nghiệm antiglobulin trực tiếp (DAT, hoặc xét nghiệm Coombs trực tiếp) là âm tính. Bởi vì quá trình tán huyết PNH không phải do kháng thể gây ra.
Nếu tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm xảy ra trong bối cảnh thiếu máu bất sản đã biết (hoặc nghi ngờ), có thể thấy số lượng bạch cầu bất thường và số lượng tiểu cầu giảm. Trong trường hợp này, thiếu máu có thể do sản xuất không đủ hồng cầu ngoài quá trình tán huyết.
>> Xem thêm: Tìm hiểu về các rối loạn chuyển hóa di truyền phổ biến
Ngày nay, tiêu chuẩn vàng là phương pháp đo tế bào dòng chảy cho CD55 và CD59 trên bạch cầu và hồng cầu. Dựa trên mức độ của các protein tế bào này, hồng cầu có thể được phân loại là tế bào PNH loại I, II hoặc III. Tế bào loại I có mức CD55 và CD59 bình thường. Loại II có mức độ giảm. Và loại III có mức độ vắng mặt.
7. Bệnh nhân PNH nên chủng ngừa bệnh gì?
Bệnh nhân PNH nên được chủng ngừa một số loại vi khuẩn để ngăn ngừa nhiễm trùng. Tốt nhất là nên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Văc xin chủng ngừa cúm mùa bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh cúm A và B. Đồng thời hỏi ý kiến bác sĩ về việc chửng ngừa cúm cho các thành viên trong gia đình và những người tiếp xúc gần gũi với người bệnh.
8. Điều trị bệnh đái huyết sắc tố kịch phát về đêm
Phương pháp điều trị thích hợp cho PNH phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Một số bệnh nhân sẽ gặp ít hoặc không có triệu chứng do PNH. Vì thế, họ không cần điều trị gì khác ngoài việc bổ sung axit folic, có thể kèm theo chất sắt để tăng sản xuất hồng cầu.
Theo thời gian, bệnh có thể tiến triển ngày một phức tạp hơn. Do đó, những phương pháp chăm sóc hỗ trợ tích cực hơn sẽ có thể được chỉ định. Nên tránh sử dụng loại thuốc làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối, chẳng hạn như thuốc uống tránh thai.
8.1. Điều trị nội khoa đái huyết sắc tố kịch phát
Phương pháp điều trị PNH chính là thuốc Eculizumab. Nó là một kháng thể đơn dòng được nhân bản hóa, liên kết với protein trong máu có thể phá hủy hồng cầu. Thuốc làm giảm nguy cơ hình thành huyết khối và có thể cải thiện chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân PNH.
Ngoài ra, điều trị nội khoa cũng bao gồm những thuốc phòng huyết khối. Chẳng hạn như Heparin, Wafarin,… Có thể kết hợp với Corticoide trong 1 tuần đầu nếu có tan máu nặng xảy ra kèm theo.
8.2. Ghép tủy xương điều trị đái huyết sắc tố kịch phát
Ghép tủy đồng sinh (từ người cho) là cách chữa bệnh PNH tối ưu. Ghép tủy xương giúp thay thế tất cả tế bào gốc tủy xương của bệnh nhân bằng tế bào gốc từ người hiến tặng. Thông thường là anh, chị hoặc người em khỏe mạnh của người bệnh.
Phương pháp ghép tủy xương có thể thích hợp cho những bệnh nhân không đáp ứng với Eculizumab. Hoặc những người bị giảm nghiêm trọng số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Ngoài ra, phương pháp này ghép tủy dị sinh tốt nhất được dành riêng cho những bệnh nhân trẻ tuổi. Đồng thời mắc bệnh PNH rất nặng mà thành phần suy tủy là đáng kể nhất.
>> Xem thêm: Bạn biết gì về bệnh thiếu men G6PD?
Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về bệnh đái huyết sắc tố kịch phát về đêm. Nói chung, bệnh này khá hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Hãy đi khám ngay nếu phát hiện mình có những dấu hiệu gợi ý bệnh lý này. Mục đích là để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.