Đau bụng dưới và đau lưng có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Đau bụng dưới và đau lưng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu triệu chứng kéo dài hơn một vài ngày, có thể là vấn đề bệnh lý. Vì vậy, hiểu các dấu hiệu cũng như các bệnh lý có thể gây ra triệu chứng này là điều cần thiết. Bài viết dưới đây của ThS.BS Trần Quốc Phong sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Thế nào là đau bụng dưới và đau lưng?
Đau lưng dưới thường là một phàn nàn phổ biến, nhất là ở phụ nữ. Bạn cũng có thể bị đau bụng dưới, kèm theo đau lưng. Hai triệu chứng này đi kèm với nhau có thể là dấu hiệu bạn cần quan tâm.
Việc tìm cách điều trị nhanh chóng là vô cùng cần thiết.
Đau bụng có thể là một tình trạng nghiêm trọng hoặc không. Tùy thuộc vào mức độ đau và thời gian kéo dài của nó.
Bạn có thể bị đau bụng theo từng cơn đau âm ỉ tái phát sau những khoảng thời gian đều đặn. Hoặc có thể là một cơn đau dữ dội đột ngột đến và tự biến mất. Đôi khi, đau lưng và đau bụng xảy ra cùng lúc. Bạn có thể xem xét các nguyên nhân tiềm ẩn cho vấn đề này ở phần dưới đây.
Xem thêm: Đau lưng ở người lớn: Nguyên nhân là do đâu?
Nguyên nhân gây đau bụng dưới và đau lưng
Như đã nói ở trên, có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng và đau lưng. Trong phần dưới đây, bác sĩ sẽ đề cập đến những nguyên nhân phổ biến nhất.
Nguyên nhân bệnh lý
Sỏi thận1
Sự tích tụ của muối dư thừa, canxi hoặc axit uric trong thận sẽ hình thành sỏi thận.
Nếu lượng axit uric hoặc canxi trong cơ thể tăng cao, nó sẽ không được đào thải hết ra khỏi cơ thể mà sẽ tích tụ lại thành sỏi. Kích thước của sỏi thận và cơn đau kèm theo có thể thay đổi.
Cơn đau do sỏi thận gây ra thường khởi phát ở vùng bụng dưới và lan ra xung quanh bẹn ra sau lưng.
Xem thêm: Nguyên nhân và dấu hiệu bệnh sỏi thận
Viêm bể thận1
Đây là tình trạng nhiễm trùng ở thận, cụ thể là ở đài bể thận. Nguyên nhân thường do nhiễm vi khuẩn gây ra.
Viêm bể thận có thể gặp ở người bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) hoặc người có tiền sử mắc bệnh này.
Cùng với đau bụng dưới và đau lưng, các triệu chứng khác có thể gặp như sốt, tiểu buốt, nôn mửa,…
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính
Đây là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng của tuyến tiền liệt do vi khuẩn thường gặp là E.coli.
Các triệu chứng chính của viêm tuyến tiền liệt cấp tính là:
- Đau bụng dưới và đau lưng.
- Tiểu đau, tiểu gấp.
- Sốt, ớn lạnh.
Đây là một trường hợp cấp cứu y tế và cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Viêm túi tinh
Viêm túi tinh là tình trạng viêm hoặc thoái hóa túi tinh ở nam giới.
Thông thường, tình trạng này xảy ra như một tình trạng thứ phát sau viêm tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, nó cũng có thể xảy ra độc lập. Nó có thể có hai loại: viêm cấp tính hoặc ổn định.
Nó là một nguyên nhân phổ biến của tình trạng đau bụng dưới và đau lưng ở nam giới.
Mang thai ngoài tử cung
Nếu bạn đang mang thai và cảm thấy đau thắt lưng và đau bụng kéo dài thì có thể là dấu hiệu của việc mang thai ngoài tử cung.
Thai ngoài tử cung là hiện tượng trứng đã thụ tinh không làm tổ trong tử cung. Chúng làm tổ ở trong ống dẫn trứng, buồng trứng hoặc thậm chí là bên trong khoang bụng.
Xem thêm: Mang thai ngoài tử cung liệu có thể mang thai trở lại: Lời khuyên của bác sĩ dành cho bạn
Đây là một trường hợp cấp cứu y tế vì thai ngoài tử cung này có thể bị vỡ. Nếu phụ nữ có thai bị đau bụng dưới và đau lưng thì cần xem xét đến nguyên nhân này. Các triệu chứng đi kèm có thể thấy là: chảy máu, chóng mặt, đau vùng chậu nghiêm trọng và ngất.
Phình động mạch chủ bụng
Đau nhói ở lưng dưới và bụng có thể do chứng phình động mạch chủ bụng gây ra. Nếu khối phình này bị vỡ này có thể nguy hiểm đến tính mạng và cần được cấp cứu ngay. Những người gặp tình trạng này thường có triệu chứng đau quanh rốn, đau nhói và bụng gồng cứng.1
Xem thêm: Phình động mạch chủ: Sát thủ thầm lặng
Nguyên nhân khác
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
Hội chứng tiền kinh nguyệt (Pre-menstrual Syndrome) có thể gây ra đau bụng dưới và đau lưng.
Hội chứng này là dấu hiệu cho thấy phụ nữ sắp đến kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng khác có thể có bao gồm: thay đổi tâm trạng, nổi mụn, đau đầu và căng ngực.1
Sảy thai
Sảy thai là sự chấm dứt thai kỳ tự nhiên do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như chấn thương hoặc dị dạng tử cung.
Trong số các triệu chứng của sẩy thai, ra máu là biểu hiện quan trọng nhất, sau đó là thường xuyên đau bụng, chuột rút và đau lưng.1
Chuyển dạ sinh non
Chuyển dạ sinh non là chuyển dạ bắt đầu sớm trước khi thai được 37 tuần.
Triệu chứng nổi bật nhất của tình trạng này là tiết dịch âm đạo. Chảy máu âm đạo, ra máu, đau vùng chậu, đau bụng dưới và đau lưng dưới là những dấu hiệu chuyển dạ sinh non ở phụ nữ có thai.
Cách kiểm soát cơn đau bụng dưới và đau lưng
Khi gặp phải các triệu chứng đau bụng, đau lưng, bạn có thể thực hiện một số cách dưới đây để giúp giảm triệu chứng.
Chườm đá
Dưới tác động của nhiệt độ lạnh, chườm đá sẽ giúp các cơn đau được cải thiện tức thì. Việc thực hiện phương pháp này cũng không gây ra những tác dụng phụ lên cơ thể người bệnh.
Tuy nhiên, cách này chỉ mang tính chất hỗ trợ tức thời. Không thể khắc phục dứt điểm nguyên nhân gây ra. Để thực hiện, bạn chỉ cần lấy đá lạnh cho vào tấm khăn mỏng và chườm trực tiếp lên vị trí đau.
Thuốc giảm đau
Ngoài chườm đá, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc Tây giảm đau không kê đơn. Trong nhóm này có thể sử dụng: Paracetamol, Acetaminophen, Ibuprofen,…
Tuy nhiên không được lạm dụng quá mức các thuốc này vì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu triệu chứng không thuyên giảm sau vài ngày, bạn nên đi khám ngay.
Thay đổi tư thế nằm
Trong một số trường hợp đau lưng bạn có thể cải thiện bằng cách thay đổi tư thế nằm. Thay vì nằm ngửa, người bệnh có thể nằm nghiêng để giảm tác động liên quan đến vùng lưng dưới.
Bạn cũng có thể thực hiện mát – xa thường xuyên để không làm tê cứng cơ tại khu vực bị đau nhức.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Để phát hiện các vấn đề nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế, bạn cần đi khám ngay nếu bắt đầu bị đau bụng dưới và đau lưng dữ dội với những biểu hiện sau:1
- Nôn mửa liên tục.
- Táo bón.
- Sốt.
- Có máu trong phân.
- Khó thở.
- Đau khi đi tiểu.
- Đau đột ngột ở bụng.
- Chấn thương bụng gần đây.
- Đau lưng dưới, đau bụng kéo dài hơn một vài ngày.
Phòng ngừa đau bụng dưới và đau lưng
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả người bệnh cần có sự tham vấn của bác sĩ và người có chuyên môn.
Ngoài ra, người bệnh cần đặc biệt lưu ý những vấn đề sau để có thể phòng ngừa đau bụng dưới và đau lưng tái phát.
- Bệnh nhân nên tránh xa các loại thực phẩm, đồ uống gây hại cho sức khỏe và làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Chẳng hạn như đồ uống có cồn (rượu, bia), caffeine (cà phê), thuốc lá.
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất dinh dưỡng để tình trạng đau nhức được cải thiện nhanh chóng. Một số thực phẩm nên được bổ sung là nhóm thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ,…
- Kiểm soát cân nặng để không tạo ra áp lực quá nhiều lên vùng lưng dưới. Tình trạng thừa cân, béo phì cũng là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu khiến triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Việc hạn chế vận động mạnh là điều cần thiết để phòng ngừa đau bụng và đau lưng. Nhưng không vì vậy mà bạn nằm quá nhiều. Thay vào đó, bạn hãy thực hiện vận động đi lại nhẹ nhàng để máu huyết được tuần hoàn. Các bài tập cần được cân nhắc lựa chọn kỹ càng.
- Tập bài tập kéo dãn cơ nhẹ nhàng. Một số tư thế, bài tập bạn có thể thực hiện tại nhà như: tư thế con bò, bài tập nghiêng hông, tư thế rắn hổ mang,…2
Trên đây là thông tin tổng hợp về chủ đề đau bụng dưới và đau lưng của ThS.BS Trần Quốc Phong. Hy vọng qua bài viết, người bệnh đã có những cái nhìn toàn diện về hai triệu chứng này. Khi gặp các dấu hiệu nghiêm trọng đã được đề cập ở trên, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị sớm nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Lower Abdominal Pain and Lower Back Painhttps://www.healthline.com/health/abdominal-bloating-and-back-pain
Ngày tham khảo: 23/03/2022
-
Bài tập kéo giãn ngừa đau lưng dướihttps://suckhoedoisong.vn/bai-tap-keo-gian-ngua-dau-lung-duoi-169177909.htm
Ngày tham khảo: 23/03/2022