Đau giữa kỳ kinh: Khi nào cần điều trị?
Nội dung bài viết
Đau giữa kỳ kinh là triệu chứng đau vùng bụng dưới một bên, liên quan đến kỳ rụng trứng. Xảy ra giữa chu kỳ kinh – khoảng 14 ngày trước khi hành kinh. Vậy có cách nào điều trị tình trạng này không? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có được những thông tin hữu ích nhất.
>> Bồ hoàng là phấn hoa của cây Cỏ nến, được y học cổ truyền dùng để cầm máu và điều trị các chứng huyết ứ, đau bụng kinh. Hãy cùng tìm hiểu cách thu hái, chế biến và sử dụng dược liệu trong bài viết dưới đây nhé.
1. Triệu chứng Đau giữa kỳ kinh có đặc điểm gì?
Đau giữa kỳ kinh thường kéo dài một vài phút đến vài giờ. Nhưng cơn đau cũng có thể kéo dài 1 ngày hoặc hơn. Cơn đau có đặc điểm:
- Ở một bên vùng bụng dưới
- Đau âm ỉ và giống như chuột rút
- Đột ngột đau nhói
- Kèm với chảy máu hoặc tiết dịch âm đạo lượng ít
- Hiếm khi đau nặng
Đau giữa kỳ kinh xảy ra ở bên buồng trứng có trứng rụng. Cơn đau có thể đổi bên vào các tháng sau hoặc đau cùng bên trong vài tháng.
Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt trong vài tháng và chú ý khi nào cơn đau vùng bụng dưới xuất hiện. Nếu cơn đau xuất hiện giữa chu kỳ kinh và tự biến mất thì thường là đau giữa kỳ kinh.
2. Nguyên nhân gây Đau giữa kỳ kinh là gì?
Đau giữa kỳ kinh xảy ra khi rụng trứng. Một số người có triệu chứng đau giữa kỳ kinh mỗi tháng. Một số khác chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện.
Nguyên nhân chính xác gây đau giữa kỳ kinh vẫn chưa được biết rõ. Có thể do các nguyên nhân sau đây:
- Trước khi trứng rụng, nang buồng trứng làm căng bề mặt buồng trứng gây đau.
- Dịch hoặc máu tiết từ nang trứng vỡ kích thích ổ bụng (phúc mạc) gây đau.
Cơn đau xuất hiện vào các thời điểm khác trong chu kỳ kinh không được gọi là đau giữa kỳ kinh. Đó có thể chỉ là đau bụng kinh bình thường hoặc do nguyên nhân khác trong vùng bụng chậu.
Nếu cơn đau trở nên nặng nề, kèm với nôn ói hoặc sốt, hoặc cơn đau kéo dài có thể là biểu hiện của bệnh lý nặng. Chẳng hạn như viêm ruột thừa, viêm vùng chậu hoặc thai ngoài tử cung. Khi đó bạn nên đi khám.
3. Điều trị Đau giữa kỳ kinh như thế nào?
- Thuốc giảm đau. Để giảm đau bụng giữa kỳ kinh, có thể sử dụng các thuốc không kê toa như acetaminophen (Tylenol), aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB) hoặc naproxen sodium (Aleve).
- Thuốc ngừa thai. Giúp ngăn ngừa rụng trứng, do đó ngừa được cơn đau.
Lối sống
Để giảm cơn đau giữa kỳ kinh kéo dài hơn vài phút, có thể thực hiện các phương pháp tại nhà. Vì nhiệt làm tăng lưu lượng máu, thư giãn cơ và giảm chuột rút nên bạn có thể:
- Ngâm nước nóng
- Dùng miếng dán nhiệt ở nơi bị đau
Đau giữa kỳ kinh là than phiền của nhiều chị em phụ nữ, gây khó chịu cũng như phiền toái trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, đau giữa kỳ kinh hiếm khi cần can thiệp điều trị. Nếu cơn đau trở nên nặng và kéo dài – có thể là các bệnh lý bụng cấp tính, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.
>> Khí sắc chu kỳ là một rối loạn khí sắc hiếm gặp. Khí sắc chu kỳ gây ra những thăng trầm về cảm xúc, nhưng không nặng như rối loạn lưỡng cực I hoặc II. Bạn sẽ trải qua các giai đoạn tâm trạng thay đổi lên xuống đáng kể so với bình thường. Để hiểu rõ hơn về rối loạn này, cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Bác sĩ Đào Thị Thu Hương
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mittelschmerz/symptoms-causes/syc-20375122
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mittelschmerz/diagnosis-treatment/drc-20375126