YouMed

Những dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu

Bác sĩ Nguyễn Nhật Tài
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Nhật Tài
Chuyên khoa: Truyền nhiễm

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao gây ra bởi varicella-zoster virus. Bệnh sẽ gây ra ngứa, phát ban dạng bóng nước. Vậy những dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu là gì? Thủy đậu bao lâu thì sẽ khỏi? Những câu hỏi trên đều sẽ được Bác sĩ Nguyễn Nhật Tài giải đáp qua bài viết dưới đây!

Bệnh thủy đậu bao lâu thì khỏi?

Thủy đậu (chickenpox) là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi varicella zoster virus (VZV). Nếu một người bị nhiễm, người tiếp xúc gần với người bệnh có khả năng bị lây truyền lên đến 90% nếu chưa có miễn dịch với thủy đậu.1

Mặc dù sang thương da có thể gây khó chịu, hầu hết người bệnh sẽ hồi phục trong vòng 1 – 2 tuần. Nhưng thủy đậu cũng có thể tiến triển nặng, gây tử vong thường ở đối tượng như trẻ vị thành niên, người trưởng thành, phụ nữ mang thai hay cơ địa suy giảm miễn dịch.1

Trước khi các nhà khoa học nghiên cứu ra được vắc xin, hằng năm Hoa Kỳ có khoảng 4 triệu người nhiễm thủy đậu, trong đó có 10.500 trường hợp phải nhập viện và 100 – 150 trường hợp tử vong.1

Bệnh diễn tiến qua 4 giai đoạn:

Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn ủ bệnh của thủy đậu được xác định từ lúc phơi nhiễm với người mắc bệnh đến lúc có triệu chứng đầu tiên, thay đổi từ 10 – 20 ngày. Thời kỳ này có thể ngắn hơn ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Bệnh có thể lây trong vòng 48 giờ trước khi hình thành bóng nước cho đến khi bóng nước đóng mày.

Giai đoạn khởi phát (khoảng 1 – 2 ngày)2

Sốt

Sốt nhẹ, kèm ớn lạnh, đôi khi sốt cao. Sốt cao phản ánh tính trạng nhiễm độc nặng, thường gặp ở người lớn hoặc người suy giảm miễn dịch. Đi kèm với sốt là biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu.

Phát ban

Đây là tiền thân của những bóng nước, là những hồng ban, kích thước vài milimet, nổi trên nền da bình thường tồn tại khoảng 24 giờ trước khi trở thành bóng nước, có thể kèm ngứa hoặc không.

Triệu chứng ở giai đoạn khởi phát thường rõ rệt hơn ở người lớn, trẻ em triệu chứng tiền triệu không nổi bật hoặc có khi không có. Thời kì này kéo dài khoảng 1 – 2 ngày. Ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, thời kì này kéo dài hơn, triệu chứng lâm sàng nặng hơn.

Sang thương giai đoạn khởi phát
Sang thương giai đoạn khởi phát

Giai đoạn toàn phát (khoảng 5 ngày)

Còn gọi là thời kỳ đậu mọc. Triệu chứng quan trọng và đặc hiệu ở thời kì này là phát ban dạng bóng nước ở da và niêm mạc. Trên da nổi những bóng nước hình tròn hoặc hình giọt nước trên viền da màu hồng, có đường kính thay đổi từ 3 – 13 mm, đa số đều < 5 mm.3

Bóng nước lúc đầu chứa dịch trong, sau đó khoảng 24 giờ thì hóa đục. Bóng nước ban đầu ở thân mình sau đó lan ra mặt và tứ chi, mọc nhiều đợt khác nhau nên có nhiều lứa tuổi khác nhau trên một diện tích da cùng thời điểm: dạng phát ban, dạng bóng nước trong, dạng bóng nước đục và già nhất là dạng đóng mày.3

Một số trường hợp bóng nước dạng xuất huyết hoặc bóng nước vỡ (thường do gãi ngứa hoặc tì đè). Mức độ nặng của bệnh tương ứng với số lượng sang thương da. Sang thương da càng nhiều bệnh càng nặng.3

Bệnh nhân có thể ngứa, đôi khi hạch ngoại biên to.

Nếu trên 6 ngày (kể từ khi xuất hiện sang thương da) mà vẫn tiếp tục xuất hiện sang thương mới, phải hướng nghĩ tới bệnh lý nền làm suy giảm miễn dịch.4

Sang thương giai đoạn toàn phát tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới
Sang thương giai đoạn toàn phát tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới

Giai đoạn hồi phục (thường ngày 7 của bệnh)

Các mụn nước thủy đậu chuyển sang giai đoạn đóng vảy.

Khi mụn nước vỡ ra, vết loét sẽ đóng vảy khi chúng lành lại. Những vết loét này xuất hiện dưới dạng vảy khô, đóng vảy trên da. Đây cũng được xem là dấu hiệu bệnh đang dần hồi phục.

Dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu

Thường sau một tuần kể từ lúc khởi phát bệnh, bệnh bước vào giai đoạn hồi phục. Bệnh nhân hết sốt, ăn uống khá hơn, hết mệt mỏi, các sang thương da bắt đầu cải thiện.5

Hầu hết các bóng nước sẽ đóng mày, khô và bong đi và có thể để vết thâm. Vết thâm nhạt dần trong vòng 1 tháng rồi biến mất không để lại dấu vết. Đối với những bệnh nhân có cơ địa bình thường, mụn nước khi hồi phục thường không để lại sẹo. Bởi vì sang thương thủy đậu không chạm tới lớp tế bào đáy của biểu bì. Những mụn nước bị bội nhiễm có thể để lại sẹo nhỏ, gọi là thủy đậu bội nhiễm.5

Cần làm gì trong giai đoạn khỏi bệnh

Những điều bệnh nhân nên thực hiện trong giai đoạn khỏi bệnh:

  • Rửa tay thường xuyên.
  • Uống nước đầy đủ, bổ sung các khoáng chất và vitamin, đặc biệt là vitamin A tốt cho phục hồi da.
  • Ăn các thức ăn dễ tiêu, giàu calci, magie như sữa, đậu, các loại hạt, giàu kẽm để tăng đề kháng.
  • Cách ly, nghỉ ngơi tại nhà cho đến khi tất cả bóng nước đã khô, đóng vảy.
  • Tránh tiếp xúc với với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người lớn tuổi có nhiều bệnh nền.

Người bị thủy đậu có bị lại không?

Thủy đậu gây miễn dịch vĩnh viễn sau khi bị nhiễm trùng tiên phát. Tuy nhiên, có một số ít trường hợp bị bệnh lần thứ hai. Bệnh lần sau thường xảy ra ở những người có tổn thương hệ miễn dịch, những người đã chủng ngừa thủy đậu nhưng đáp ứng miễn dịch không đầy đủ. Thủy đậu lần thứ hai thường nhẹ. Tuy nhiên, đa số người bệnh lớn tuổi bị bệnh lần thứ hai dưới dạng Zona. Đôi khi người bệnh có triệu chứng của bệnh thủy đậu và cả Zona.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra thủy đậu lần thứ hai hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, việc xảy ra thủy đậu lần hai ở đối tượng suy giảm miễn dịch vẫn xảy ra nhiều hơn. Có đến hơn 95% nhiễm trùng tiên phát được các bác sĩ chẩn đoán khi phát hiện sang thương da của thủy đậu, tương tự với đợt nhiễm thứ phát.3

Người bị thủy đậu rồi có cần tiêm phòng nữa không?

Bệnh nhân đã từng bị thủy đậu và đã khám chữa tại cơ sở y tế, được bác sĩ xác định mắc bệnh thủy đậu chính xác. Khi đó không phải tiêm phòng thủy đậu nữa bởi khi mắc bệnh, cơ thể đã tự sinh sản ra miễn dịch tự nhiên với căn bệnh này, việc tiêm ngừa là không cần thiết.

Trường hợp bệnh nhân từng bị phát ban dạng mụn nước và phỏng đoán là thủy đậu, rồi tự chữa trị tại nhà, không có sự xác nhận của bác sĩ, của cơ sở y tế. Khi đó, không chắc chắn đó có phải là thủy đậu hay không. Bởi vì có nhiều bệnh cũng có triệu chứng giống thủy đậu như bệnh tay chân miệng, nhiễm herpes simplex lan tỏa, nhiễm siêu vi coxsackie, sởi không điển hình…

Trong trường hợp này nếu không tiêm phòng, cơ thể sẽ không có kháng thể chống lại virus. Điều này rất dễ bị lây bệnh thủy đậu nếu có tiếp xúc. Tốt nhất hãy tiêm phòng thủy đậu để tránh trường hợp xấu xảy ra.

Ban da đầu tiên xuất hiện ở ngực, lưng, mặt và sau đó lan ra toàn thân. Tạo ra khoảng 250 – 500 bóng nước kèm ngứa. Thủy đậu có thể tiến triển nặng, nhất là ở trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên, người lớn, phụ nữ có thai hoặc ở cơ địa suy giảm miễn dịch. Cách tốt nhất để phòng ngừa thủy đậu là vacicne.1

Qua bài viết của Bác sĩ Nguyễn Nhật Tài, mong rằng bạn đã có cho mình thêm những thông tin cần thiết về bệnh lý thủy đậu. Việc hiểu biết những dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu là cần thiết cho tất cả mọi người. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích được cho bạn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. About Chickenpox (Varicella)https://www.cdc.gov/chickenpox
  2. Jane Seward KG, Melinda Wharton: Epidemiology of varicella. In: Varicella-Zoster Virus: Virology and Clinical Management. edn. Edited by Ann M. Arvin AAG. Cambridge, United Kingdom: Cambridge University Press; 2000: 187-206.

  3. Whitley RJ: Varicella-Zoster Virus Infections. In: Harrison’s Infectious Diseases. edn. Edited by Dennis L. Kasper ASF. New York: The McGraw-Hill Companies, Inc; 2020: 1354-1357.

  4. LaRussa P: Clinical manifestations of varicella. In: Varicella-Zoster Virus: Virology and Clinical Management. edn. Edited by Ann M. Arvin AAG. Cambridge, United Kingdom: Cambridge University Press; 2000: 105-124.

  5. Richard J. Whyley: Chickenpox and Herpes (Varricella-Zoster Virus. In: Mandell, Douglas, and Bennett ‘s Principles and Practice of Infectious Diseases, 9th editio, Elsevier Inc., Chap 136, pp. 1849-1855.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người