Dấu hiệu răng khôn mọc lệch và những lưu ý bạn cần biết
Nội dung bài viết
Răng khôn mọc lệch gây đau nhức, ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày. Đâu là dấu hiệu khi răng khôn mọc lệch và đâu là nguyên nhân gây ra. Người có răng khôn mọc lệch phải làm sao? Răng khôn mọc lệch có cần phẫu thuật? Hãy cùng Bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Răng khôn mọc lệch là gì?
Mặc dù có tên là “răng khôn”, nhưng sự xuất hiện của những chiếc răng này không mang lại mục đích thật sự như cái tên nó vốn có. Răng khôn thường mọc khi bạn ở độ tuổi cuối thiếu niên (khoảng 17 tuổi) và những năm đầu 20.
Thông thường mỗi người sẽ có 4 chiếc răng khôn, hai chiếc hàm trên – hai chiếc ở hàm dưới. Chiếc răng này mọc trễ nhất và ở vị trí sâu nhất trong hàm. Vì thế chúng gây ra nhiều vấn đề răng miệng khác nhau. Trong đó, răng mọc lệch là biểu hiện điển hình khi răng khôn mọc.
Thông thường răng mọc thẳng sẽ không gây ảnh hưởng đến các răng bên cạnh. Tuy nhiên, khi răng khôn mọc lệch, nó sẽ gây tình trạng viêm nướu, đau nhức răng, tạo điều kiện vi khuẩn gây sâu răng và làm lệch răng bên cạnh.1 2
Dấu hiệu nhận biết răng khôn mọc lệch
Chụp X-quang tại phòng khám là một cách dễ dàng cho bạn biết răng khôn của bạn có đang mọc lệch hay không. Bởi vì, khi chụp X-quang, bạn sẽ có hình ảnh tổng quan của răng và hàm. Vì vậy, nên thăm khám nha khoa định kỳ, để theo dõi được quá trình mọc của răng khôn sớm nhất có thể. Nhờ đó, ta sẽ có biện pháp can thiệp nhanh hơn.1 2
Nếu không chụp X-quang, bạn có thể biết răng khôn mọc lệch hay không? Câu trả lời là vẫn có thể, tuy nhiên ta chỉ biết khi răng đã nhú ra khỏi nướu. Khi đó bạn đã trải qua một số triệu chứng khó chịu. Một số biểu hiện phổ biến bao gồm:2
- Sưng lợi, đau hàm.
- Chảy máu nướu.
- Gặp khó khăn khi mở miệng rộng.
- Miệng có mùi hôi kèm hơi thở có mùi.
Thường có các kiểu răng khôn mọc lệch, mọc ngầm phổ biến sau đây:3
1. Răng khôn mọc kẹt về phía gần
Đây là trường hợp phổ biến nhất khi răng khôn mọc lệch. Có nghĩa là trục của răng nghiêng về phía trước miệng. Quan sát bằng mắt sẽ thấy chiếc răng này vẫn mọc trồi lên trên nướu. Có xu hướng đè vào răng bên cạnh gây chèn ép và xô lệch. Tạo kẽ dễ ứ đọng thức ăn, khó vệ sinh, dễ gây sâu răng.
2. Răng khôn mọc kẹt chéo về phía sau
Kiểu mọc này thường hiếm gặp, hay còn gọi là răng khôn hàm dưới lệch xa. Răng sẽ mọc nghiêng vào phía trong hàm. Các trường hợp này, bác sĩ cũng khuyến cáo nhổ càng sớm càng tốt. Bởi vì nếu để lâu dễ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
3. Răng khôn mọc kẹt theo chiều thẳng đứng
Nghĩa là răng khôn sẽ mọc thẳng đứng như những răng bình thường. Tuy nhiên thân răng không thể nhú lên khỏi nướu, gây đau nhức, khó chịu.
4. Răng mọc kẹt nằm ngang
Đúng như tên gọi, răng khôn sẽ mọc theo phương nằm ngang tạo góc 90 độ với răng bên cạnh. Đa phần kiểu mọc này răng sẽ ngầm dưới xương hàm nên chỉ nhìn thấy khi chụp X quang toàn hàm. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta vẫn có thể quan sát thấy chúng. Đây là trường hợp nguy hiểm, nếu phát hiện phải xử lý ngay. Vì để lâu dễ gây nang quanh răng dẫn đến u nang. Thậm chí, do tác động lực nằm ngang, nếu mọc dài ra nó sẽ ảnh hưởng các răng kế bên.
Nguyên nhân răng khôn mọc lệch
Răng khôn thường mọc ở độ tuổi trưởng thành. Lúc này, xương hàm đã phát triển ổn định và không còn tăng trưởng. Hàm chúng ta nhỏ không đủ chỗ cho răng khôn mọc lên. Thêm vào đó, xương có độ cứng cao nên răng khôn mọc thường rơi vào tình trạng thiếu không gian để mọc bình thường. Cũng vì vậy mà răng khôn mọc lệch rất phổ biến.3
Người có răng khôn mọc lệch phải làm sao?
Nếu bạn bị đau răng hoặc thấy răng khôn mọc lên, hãy đến gặp nha sĩ. Nha sĩ có thể chụp X-quang để xem bạn có bao nhiêu chiếc răng khôn và có bao nhiêu chiếc mọc lệch. Bạn cần được khám và xác định đúng tình trạng răng miệng của mình. Nếu bạn bị răng khôn mọc lệch, nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám. Mục đích là xác định tình trạng răng cũng như cấu trúc răng – hàm xung quanh để xem xét điều trị phù hợp.3 4
Hầu hết trường hợp răng khôn mọc lệch hàm trên nhổ dễ hơn. Ngược lại với răng khôn hàm dưới thường khó nhổ hơn. Răng khôn mọc lệch gây nhiều đau đớn. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến các răng xung quanh và gây bệnh về răng nên được nhổ bỏ. Cần tuân thủ theo bác sĩ để tránh biến chứng có thể gặp khi nhổ răng.4
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số cách sau để giảm đau trước khi gặp bác sĩ:4
- Súc miệng bằng nước ấm và một thìa cà phê muối vài lần một ngày có thể làm giảm đau nhức.
- Nước súc miệng kháng khuẩn có chứa chlorhexidine, có thể giúp giảm nhiễm trùng.
- Chườm đá tại chỗ, thời gian chườm từ 10 đến 15 phút. Không nên chườm quá lâu.
- Hạn chế ăn thức ăn quá nóng, quá lạnh hay quá cứng.
- Hạn chế mở hàm quá to, để tránh gây đau hàm.
Răng khôn mọc lệch có cần phẫu thuật?
Các nha sĩ thường không can thiệp đến răng khôn nếu chúng mọc hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, đối với răng khôn mọc lệch thì lời khuyên là bạn nên loại bỏ chúng càng sớm càng tốt. Bởi những tác hại khi răng khôn mọc lệch là rất nhiều, chúng gây viêm nướu, u nang, xô lệch răng,…2 3 4
Ngoài ra còn khiến bạn mất ngủ, giảm hiệu suất làm việc vì đau đớn. Vì thế nhổ bỏ răng khôn mọc lệch là biện pháp nâng cao sức khoẻ của bạn.
Những lưu ý sau khi thực hiện nhổ bỏ răng khôn mọc lệch
Sau khi nhổ răng, tuỳ vào cơ địa của mỗi người thời gian hồi phục có thể khác nhau. Thông thường mất từ 1 đến 2 tuần, bạn có thể ăn uống lại bình thường.3 Dưới đây là những lời khuyên dành cho bạn sau khi loại bỏ răng khôn:1 5
- Sử dụng uống thuốc bác sĩ kê đơn để giảm cơn đau, sưng. Một số loại như ibuprofen, paracetamol…
- Chườm đá lạnh xen kẽ, khăn ấm. Chỉ nên chườm từ 10 đến 15 phút. Để giảm sưng phù vùng miệng.
- Súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng, để sát khuẩn khoang miệng.
- Nên ăn thực phẩm mềm, được xay nhuyễn như cháo. Những thức ăn không cần dùng lực nhai hay cắn mạnh.
- Trước khi ngủ kê cao đầu hơn bình thường để máu lưu thông dễ dàng, hạn chế chảy máu.
Ngoài ra, bạn cần tránh những việc sau để vết thương nhanh lành hơn:1 5
- Hạn chế lái xe, làm việc nặng nhọc.
- Hạn chế khạc nhổ nước bọt.
- Không tập thể dục thể thao mạnh, tránh hoạt động mạnh vùng hàm.
- Không ăn đồ ăn quá kích thích như đồ cay nóng, đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Tránh ăn đồ ăn gây bám dính răng như xôi, mứt, bánh ngọt. Bởi vì chúng dễ bám vào kẽ răng và làm chỗ nướu vừa khâu thêm nhạy cảm…
- Không hút thuốc lá, uống đồ có cồn, có ga như rượu bia, nước ngọt.
Trên đây là những thông tin về dấu hiệu răng khôn mọc lệch và những vấn đề liên quan. Nếu bạn mọc răng khôn nhưng không gây ra vấn đề gì, bạn vẫn nên gặp nha sĩ định kỳ 6 tháng một lần. Nếu chưa tới độ tuổi mọc răng khôn, bạn cần thăm khám định kỳ để nha sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của răng và can thiệp sớm. Hy vọng bài viết mang đến nhiều thông tin bổ ích cho bạn đọc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Dental Health and Wisdom Teethhttps://www.webmd.com/oral-health/wisdom-teeth
Ngày tham khảo: 07/01/2023
-
How to Know If Your Wisdom Teeth Are Coming inhttps://www.healthline.com/health/wisdom-teeth-coming-in#signs-theyre-coming-in
Ngày tham khảo: 07/01/2023
-
Impacted Wisdom Teethhttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22296-impacted-wisdom-teeth
Ngày tham khảo: 07/01/2023
-
What to know about impacted wisdom teethhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/188660#what-are-impacted-wisdom-teeth
Ngày tham khảo: 07/01/2023
-
Recovery -Wisdom tooth removalhttps://www.nhs.uk/conditions/wisdom-tooth-removal/recovery/
Ngày tham khảo: 07/01/2023