Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ mẹ bầu cần lưu tâm
Nội dung bài viết
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết trong thời kỳ mang thai. Tình trạng này có thể hết sau khi sinh. Nhưng cũng có thể tiếp diễn thành loại tiểu đường type 2. Tình trạng này hoàn toàn có thể phòng ngừa. Vậy mẹ bầu đã biết những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ hay chưa? Mẹ hãy cùng bác sĩ tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây.
Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ phổ biến
Tiểu đường hiện nay là một bệnh có liên quan đến chuyển hóa. Bệnh này có xu hướng tăng theo sự phát triển của cuộc sống. Bệnh có đặc điểm là không lây nhưng những tác hại và biến chứng trầm trọng có thể xảy ra nếu không được theo dõi và kiểm soát. Đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai.
Theo Hiệp Hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ (ADA) 2021, bệnh tiểu đường được chia thành 4 type:
- Đái tháo đường type 1: có sự thiếu hụt insulin tuyệt đối.
- Đái tháo đường type 2: có sự thiếu hụt insulin một cách tương đối. Hầu hết các bệnh nhân tiểu đường thường gặp là type 2 và ở người lớn tuổi.
- Tiểu đường type đặc biệt: là type có liên quan đến một số bệnh đặc biệt như hội chứng đái tháo đường đơn gen (monogenic diabetes syndromes). Hoặc bệnh tiểu đường do thuốc và hóa chất (ví dụ thuốc glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS).
- Tiểu đường thai kỳ: thường được chẩn đoán ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối.
Tiểu đường nói chung và tiểu đường thai kỳ nói riêng thường có các dấu hiệu chung như:
- Tiểu nhiều.
- Khát nhiều.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Nhìn mờ.
Ngoài ra phụ nữ bị tiểu đường khi mang thai có thể có biểu hiện như đau đầu, khó chịu, mệt mỏi. Tất cả các dấu hiệu tiểu đường thai kỳ trên đều không đặc hiệu. Vì chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ phụ nữ mang thai nào.
Dấu hiệu theo từng giai đoạn
Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng đầu và giữa
Không phải tất cả biểu hiện tiểu đường thai kỳ đều rõ nét và dễ nhận biết. Do đó, điều quan trọng là mẹ bầu phải kiểm tra mức đường huyết thường xuyên khi mang thai. Xét nghiệm có thể được thực hiện trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc ba.
Đa số phụ nữ được phát hiện tình cờ trong lần kiểm tra định kỳ. Bạn có nhiều khả năng có dấu hiệu tiểu đường trong ba tháng đầu nếu đã từng mắc bệnh này trong lần mang thai trước đó. Hoặc bị cao huyết áp, nhiễm trùng tiết niệu hoặc có tiền sử sinh con có cân nặng lớn.
Dấu hiệu nhận biết có thể không đặc hiệu là đi tiểu nhiều, khát nước nhiều trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối
Cơn khát tăng dần
Uống nhiều hơn bình thường và luôn cảm thấy khát có thể là dấu hiệu tiểu đường thai kỳ trong 3 tháng cuối.
Mệt mỏi
Phụ nữ mang thai thường mệt mỏi, ốm nghén. Nếu có tiểu đường thai kỳ sẽ khiến mẹ bầu mệt mỏi hơn rất nhiều. Nhưng triệu chứng này cũng không đặc hiệu.
Khô miệng
Miệng bạn có thể bị khô mặc dù uống nhiều nước.
Bên cạnh những triệu chứng kể trên, một số dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối mẹ bầu cần lưu ý như sau:
- Xuất hiện chứng mờ mắt. Tuy nhiên tình trạng này không kéo dài.
- Nước tiểu thấy có kiến bu.
- Ăn uống không kiểm soát.
Nói chung, tất cả các dấu hiệu tiểu đường thai kỳ nói trên đều không đặc hiệu. Cách chính xác để biết bạn có bị tiểu đường hay không là làm xét nghiệm kiểm tra đường huyết. Nếu bạn lo lắng hoặc có bất cứ dấu hiệu nào bạn không chắc chắn, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra.
Xem thêm: Cách đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ chính xác
Tác hại nếu bị tiểu đường thai kỳ vào tam cá nguyệt thứ 3
Một thai kỳ điển hình thường kéo dài 40 tuần. Thời gian này được chia thành ba giai đoạn. Mỗi giai đoạn có 3 tháng nên được gọi là ‘tam cá nguyệt’.
- Tam cá nguyệt đầu tiên là từ tuần 1 – 12.
- Tam cá nguyệt thứ hai: từ tuần 13 – 27.
- Tam cá nguyệt thứ ba: từ tuần 28 – 40 (hoặc đến 41).
Các dấu hiệu tiểu đường thai kỳ thường được phát hiện ở tam cá nguyệt thứ ba. Vì đa số họ không có bất kỳ triệu chứng gì trước đó. Chỉ đến khi được chỉ định kiểm tra đường huyết để theo dõi thì mới phát hiện.
Trong giai đoạn này, tình trạng tiểu đường có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.
- Nguy cơ tiền sản giật của mẹ tăng cao hơn.
- Thai nhi có thể có cân nặng lớn, có thể lên tới 4.5kg.
- Nguy cơ diễn tiến thành tiểu đường type 2 sau khi sinh.
- Lượng đường huyết của mẹ cao có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non. Nguy cơ sảy thai, thai chết lưu cũng tăng lên rất nhiều.
- Mẹ bị tiểu đường khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi gây ra số dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến một số cơ quan chính như tim, não.
- Trẻ có thể bị vàng da sơ sinh.
Làm gì khi phát hiện dấu hiệu tiểu đường thai kỳ
Hiện nay, tất cả phụ nữ mang thai đều được kiểm tra đường huyết trong thai kỳ. Khi phát hiện có bệnh tiểu đường khi mang thai. Điều đầu tiên là mẹ bầu không nên quá lo lắng. Vì tình trạng này có thể hết sau sinh. Hoặc thậm chí có thể điều chỉnh mức đường huyết về bình thường nếu được kiểm soát tốt.
Khi phát hiện tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu cần đi tái khám thường xuyên hơn để kiểm tra mức đường huyết. Bên cạnh đó cũng cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp trong quá trình điều trị. Chẳng hạn như:
- Ăn uống lành mạnh, hạn chế đường tinh luyện và carbohydrate.
- Tập thể dục lành mạnh phù hợp với thai kỳ.
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?
Trên đây là bài viết về các dấu hiệu tiểu đường thai kỳ. Mong rằng qua bài viết này đã giúp các mẹ bầu có thể nhận biết các dấu hiệu tiểu đường nếu có khi mang thai. Nếu quá lo lắng hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Gestational Diabeteshttps://www.webmd.com/diabetes/gestational-diabetes-guide/gestational-diabetes-can-i-lower-my-risk#1
Ngày tham khảo: 17/04/2021
-
Đái tháo đường thai kỳ http://daithaoduong.kcb.vn/dai-thao-duong-thai-ky/
Ngày tham khảo: 17/04/2021
-
Gestational diabetes: Can I lower my risk? https://www.healthline.com/health/gestational-diabetes
Ngày tham khảo: 17/04/2021
-
What Are the Symptoms of Gestational Diabetes?https://www.webmd.com/baby/symptoms-of-gestational-diabetes
Ngày tham khảo: 17/04/2021
-
What are the warning signs of gestational diabetes?https://www.riversideonline.com/patients-and-visitors/healthy-you-blog/womens-health/what-are-the-warning-signs-of-gestational-diabetes
Ngày tham khảo: 17/04/2021
-
Signs of Gestational Diabetes in Third Trimester, a Guide
https://prescriptionhope.com/blog-signs-of-gestational-diabetes/
Ngày tham khảo: 17/04/2021