YouMed

Đau nửa đầu migraine (ở trẻ em)

bác sĩ ngô minh quân
Tác giả: Bác sĩ Ngô Minh Quân
Chuyên khoa: Ngoại thần kinh

Đau nửa đầu migraine là một cơn đau dữ dội, thường kèm theo cảm giác buồn nôn, sợ tiếp xúc ánh sáng. Cơn đau như một nỗi ám ảnh luôn khiến người bệnh mệt mỏi và lo lắng. Đặc biệt, bệnh này không chỉ xảy đến với người lớn mà còn xuất hiện ở trẻ em. Cùng tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này nhé!

1. Đau nửa đầu Migraine là gì?

Migraine là một dạng đau đầu có thể đi kèm với những triệu chứng khác nhau. Đau nửa đầu migraines có thể gặp phải ở cả người lớn và trẻ em, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Đau nửa đầu migraines thường diễn tiến từ nhẹ đến ngày càng nặng hơn.

2. Triệu chứng của đau đầu Migraine ở trẻ em

Các triệu chứng của đau nửa đầu migraine phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ:

  • Ở lứa tuổi mới tập đi: Những triệu chứng có thể bao gồm đột ngột xanh xao, ít vận động hơn bình thường. Có thể kèm với nôn ói.
  • Ở lứa tuổi trẻ nhỏ: Đau nửa đầu migraines có thể dẫn đến buồn nôn, nôn, đau bụng, sợ ánh sáng và tiếng ồn. Đau nửa đầu thường đau theo kiểu nhói. Đôi khi đau hết cả đầu hoặc đau vùng trán của trẻ.
  • Ở những trẻ lớn: Tuổi vị thành niên, những triệu chứng có vẻ giống như người lớn. Cơn đau đầu thường xảy ra một cách từ từ ở nửa bên đầu. Nhưng ở những trẻ nhỏ thì đau ở cả hai bên đầu cũng khá thường gặp.
Với từng độ tuổi, trẻ em sẽ có những triệu chứng đau nửa đầu khác nhau
Với từng độ tuổi, trẻ em sẽ có những triệu chứng đau nửa đầu khác nhau

Không phụ thuộc độ tuổi, các trẻ thường cảm thấy đỡ đau hơn khi nằm nghỉ ở nơi yên tĩnh, ít ánh sáng.

Một vài trẻ thường có những triệu chứng toàn thân hay còn gọi là “Aura”

Aura: Một vài trẻ gặp phải các triệu chứng được gọi tên là migraine aura. Aura là là tên gọi chung của những triệu chứng hay những cảm giác bất thường mà bệnh nhân gặp phải trước và trong cơn đau đầu.

Mỗi trẻ có một dạng Aura khác nhau. Tuy nhiên, loại Aura phổ biến nhất là Aura về thị giác. Trẻ có thể cảm thấy những tia sáng lấp ló. Những điểm sáng chói hay những đường sáng dạng zigzag, kể cả là mất một phần thị trường.

Những trẻ khác lại cảm thấy tê và dị cảm ở môi, vùng mặt dưới hay một ngón tay bất kỳ. Một vài trẻ khác lại có thể nghe thấy những âm thanh lạ, những tiếng chuông reo gần bên tai. Những triệu chứng gọi là Aura này thường kéo dài vài phút đến vài giờ sau đó tự biến mất. Thường gặp nhất là kéo dài khoảng 15 – 30 phút.

3. Đau nửa đầu bên phải và đau nửa đầu bên trái có khác nhau không?

Migraine thường thấy đau nửa đầu phía bên nửa phải, tuy nhiên đau nửa đầu bên trái cũng không thể loại trừ. Và cũng có những trường hợp migraine gây đau toàn thể cả bên phải lẫn bên trái.

Nhiều bệnh nhân có thêm những triệu chứng khác xảy ra vài giờ hoặc vài ngày trước cơn đau đầu migraine. Bác sĩ thường gọi những triệu chứng xảy ra trước đó là những triệu chứng báo động. Những triệu chứng đó có thể bao gồm như ngáp, chán nản, thèm ăn,  khó chịu, táo bón hay cứng cổ.

4. Nguyên nhân

Hiện nay, nguyên nhân của đau nửa đầu migraine vẫn chưa được hiểu biết hết. Gen di truyền và môi trường sống được xem là hai yếu tố có tác động đến việc hình thành bệnh lý đau nửa đầu.

Những sự thay đổi trong thân não và sự ảnh hưởng của chúng lên dây thần kinh V, một trong những dây thần kinh dẫn truyền đau chính có thể dẫn đến đau nửa đầu. Có thể xảy ra sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, một chất giúp điều tiết cảm giác đau.

Các nhà khoa học hiện nay vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về vai trò của serotonin trong bệnh lý đau nửa đầu migraine. Một vài chất dẫn truyền thần kinh khác cũng gây đau nửa đầu migraine gồm có CGRP (calcitonin gene-related peptide).

chưa tìm được nguyên nhân gây đau nửa đầu ở trẻ em
Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây đau nửa đầu ở trẻ em

5. Đau đầu Migraine có cần đi khám không?

Hãy đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế nếu trẻ em đau đầu trong những tình huống sau:

  • Sau một chấn thương.
  • Đau đầu nhiều khiến trẻ thức dậy khỏi giấc ngủ.
  • Đau diễn ra đột ngột và dữ dội kèm với các triệu chứng như:
    • Nôn ói.
    • Đau hoặc cứng cổ.
    • Nhìn đôi hoặc thay đổi thị lực đột ngột.
    • Hoảng loạng.
    • Mất thăng bằng.
    • Sốt từ 38°C trở lên.

Ngoài ra, các trường hợp đau đầu khác cũng cần đi khám như:

  • Đau đầu kéo dài từ 1 tháng trở lên.
  • Đau đầu ở trẻ dưới 3 tuổi.

Cận lâm sàng cần làm để chẩn đoán đau nửa đầu Migraine

Không có cận lâm sàng nào chẩn đoán đau nửa đầu migraine. Bác sĩ của bạn có thể chẩn đoán được bệnh lý thông qua việc thăm khám và phân tích các triệu chứng trẻ gặp phải.

Ở những trường hợp nặng, nghi ngờ những bệnh lý nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cần thực hiện các phương tiện hình ảnh học. Cụ thể như cắt lớp vi tính CT hay cộng hưởng từ MRI. Những phương tiện này sẽ giúp cung cấp những hình ảnh bên trong cơ thể mà không thể quan sát được bằng mắt.

Bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh lý qua việc thăm khám cho trẻ
Bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh lý qua việc thăm khám cho trẻ

6. Xử trí khi trẻ đau nửa đầu Migraine

Khi trẻ em đau nửa đầu migraine:

  • Hãy giúp trẻ thư giãn tại những nơi yên tĩnh và ít ánh sáng, kèm theo đắp khăn lạnh vào vùng trán của trẻ.
  • Trấn an và giúp trẻ thư giãn và ngủ.
  • Nếu cần, chỉ cho trẻ uống các thuốc đã được chỉ định bởi bác sĩ.

7. Làm sao để ngăn ngừa?

Những việc làm có thể giúp ích trong việc ngăn ngừa đau nửa đầu migraine ở trẻ như:

  • Luyện tập thói quen ngủ đúng giờ, ăn uống đúng cữ. Thường xuyên tập luyện sức khỏe.

Một vài trường hợp, đau nửa đầu migraine có thể khởi phát liên quan đến những loại thức ăn hoặc những hành động nhất định của trẻ. Việc tránh các loại thức ăn, hành động gây đau cũng là cách để giảm cơn đau nửa đầu ở trẻ. Ví dụ như các hành động có thể gây khởi phát cơn đau là:

  • Bỏ bữa ăn.
  • Không uống đủ nước.
  • Ngủ quá nhiều hoặc quá ít.
  • Căng thẳng.
  • Các loại thức ăn cố định.

Tìm yếu tố khởi phát đau nửa đầu ở trẻ

Nếu bạn tìm được yếu tố khởi phát cơn đau đầu của trẻ thì hãy giúp trẻ tránh những yếu tố đó. Để tìm được những yếu tố khởi phát, hãy cố gắng ghi chép lại những lần trẻ đau đầu. Ghi chép lại những thông tin sau đây:

  • Thời gian cơn đau bắt đầu và kết thúc.
  • Vị trí đau, ví dụ như nửa bên trái, nửa bên phải hay cả hai bên hoặc phía sau hốc mắt,…
  • Tính chất đau, ví dụ như đau như đè ép hay đau nhói,…
  • Thức ăn trẻ em trước khi cơn đau bắt đầu.
  • Việc làm giúp trẻ dễ chịu hơn. Ví dụ như nghỉ ngơi trong phòng ít ánh sáng.
  • Việc làm hoặc loại thuốc bạn cho trẻ uống khi trẻ đau đầu.
  • Bất cứ triệu chứng nào xảy ra cùng với đau đầu, ví dụ như tê môi,…
Hạn chế đau nửa đầu migraine ở trẻ bằng việc luyện tập thói quen ngủ đúng giờ
Hạn chế đau nửa đầu migraine ở trẻ bằng việc luyện tập thói quen ngủ đúng giờ

Sau khi đã ghi chép thường xuyên những thông tin khi cơn đau xảy ra, hãy kiểm tra lại và tìm bất cứ sự việc hay thức ăn nào liên quan đến cơn đau đầu.

Sau đó, hãy cố giúp trẻ tránh những yếu tố khởi phát đó. Mang theo sổ ghi chép mỗi khi đi khám bác sĩ. Việc đó giúp cho bác sĩ hiểu hơn về cơn đau đầu của trẻ và lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp nhất.

8. Điều trị đau nửa đầu migraine ở trẻ em như thế nào?

Có nhiều loại thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn có thể dùng để giảm các cơn đau nửa đầu migraine ở trẻ em. Việc lựa chọn thuốc phụ thuộc nhiều vào tần suất xảy ra các cơn đau và mức độ của những cơn đau đó.

Nếu trẻ bị các cơn đau nửa đầu thường xuyên: hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để bác sĩ giúp lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất

Nếu trẻ gặp phải những cơn đau đầu thường xuyên, đừng cố gắng tự kiểm soát các cơn đau bằng những thuốc giảm đau không kê đơn kéo dài. Việc sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn kéo dài có thể chính là nguyên nhân làm xuất hiện các cơn đau đầu về sau.

Một vài dạng liệu pháp luyện tập như các bài tập thư giãn có thể giúp ngăn ngừa các cơn đau đầu ở một vài trường hợp. Tuy nhiên ở những trẻ nhỏ, có những vấn đề sức khỏe khác kèm theo có thể kém hiệu quả hơn.

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh lý đau nửa đầu Migraine ở trẻ em. Hy vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin bổ ích. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận để được các bác sĩ hỗ trợ và tư vấn.

>> Khi trẻ ngủ, tư thế tốt nhất là cho bé nằm ngửa. Tuy nhiên, trong quá trình ngủ trẻ sẽ tự ý thay đổi tư thế ngủ như nằm nghiêng hoặc nằm sấp. Liệu trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ có nguy hiểm không? Cùng tìm câu trả lời qua bài viết: Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ có an toàn không?

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.uptodate.com/contents/headache-in-children-beyond-the-basics

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người