YouMed

Đau thành ngực: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Vùng ngực của con người có cấu trúc khá phức tạp. Từ da, cơ, thần kinh cho đến tim, phổi, mạch máu,… Vì vậy, những bệnh lý ở vùng ngực cũng rất đa dạng. Trong đó, đau là một cảm giác rất phổ biến của hầu hết các bệnh lý. Một trong những triệu chứng đau ở vùng ngực thường gặp đó chính là đau thành ngực. Vậy thì triệu chứng này xảy ra do đâu? Cách điều trị như thế nào? Hãy cùng YouMed đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.

1. Khái niệm về thành ngực

Thành ngực bao gồm da, mỡ, cơ và khung xương lồng ngực. Cấu trúc này cung cấp sự bảo vệ cho các cơ quan quan trọng. Chẳng hạn như tim và các mạch máu chính, phổi, gan. Đồng thời cung cấp sự ổn định cho chuyển động của các khớp vai và cánh tay.

Cấu trúc thành ngực
Cấu trúc thành ngực

Khung xương lồng ngực bao gồm xương và sụn khá cứng. Tuy nhiên, sự liên kết của nó với các thành phần cơ tạo nên một cấu trúc năng động. Nhờ vậy, lồng ngực có thể mở rộng khi vận động, tăng thể tích và cho phép diễn ra nhịp thở tối đa. Hiểu biết sâu sắc về giải phẫu thành ngực là điều rất quan trọng đối với những người thực hiện bất kỳ quy trình phẫu thuật nào của ngực hoặc vú.

2. Khái niệm về đau thành ngực

Đau thành ngực là kiểu đau có cảm giác như đang xuất phát từ vú, khung xương sườn hoặc các cơ ở ngực. Thành ngực thường đề cập đến các cấu trúc bao quanh và bảo vệ phổi của con người, bao gồm cả xương sườn và xương ức. Người bệnh có thể chỉ cảm thấy đau khi thực hiện một số động tác nhất định hoặc chỉ khi có áp lực lên thành ngực. Đồng thời có thể cảm thấy đau ở một bên ngực hoặc lan ra trên một vùng rộng.

Đau thành ngực do nhiều nguyên nhân khác nhau
Đau thành ngực do nhiều nguyên nhân khác nhau

Nếu người bệnh phải cấp cứu vì đau thành ngực, hầu hết các bác sĩ hy vọng rằng cơn đau của họ không phải do đau tim. Hoặc một vấn đề nghiêm trọng nào khác. Mặc dù cơn đau tim có thể gây ra đau thành ngực. Nhưng thông thường hơn, đau thành ngực là do các bệnh lý khác. Bao gồm các vấn đề về cơ, phổi hoặc tiêu hóa. Cơn đau thành ngực của bạn kéo dài bao lâu và phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau.

3. Triệu chứng đau thành ngực là như thế nào?

Đau thành ngực có thể được mô tả như sau:

  • Cảm giác nhức nhối
  • Như bị dao đâm
  • Bị vật nhọn châm chít
  • Nóng rát như bị đốt cháy
  • Đau kiểu xé rách
  • Cơn đau trầm trọng hơn khi người bệnh cử động ngực, vặn mình hoặc nâng cao cánh tay.
  • Cơn đau cũng tăng lên khi người bệnh hít thở sâu, hắt hơi hoặc ho.
Đau nhói vùng ngực
Đau nhói vùng ngực

Các triệu chứng khác kèm theo bao gồm:

  • Tê bì
  • Ngứa ran
  • Cơn đau kéo dài đến lưng hoặc cổ của người bệnh.

4. Nguyên nhân gây đau thành ngực

Các bệnh lý thuộc hệ cơ xương khớp là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên triệu chứng đau thành ngực. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh lý khác có thể dẫn đến triệu chứng này. Ngực của bạn được tạo thành từ nhiều cơ, xương và các cơ quan nội tạng. Vì lý do này, nguyên nhân chính xác làm cho tahnh2 ngực bị đau đôi khi có thể khó chẩn đoán.

Xem thêm: Đau ngực: Triệu chứng tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm

Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến thành ngực bị đau bao gồm:

4.1. Các bệnh lý thuộc hệ cơ xương khớp

Tổn thương hoặc chấn thương ngực, chẳng hạn như tai nạn xe hơi, tai nạn lao động,…

  • Viêm sụn sườn.
  • Hội chứng Tietze, tương tự như viêm sụn sườn.
  • Hội chứng trượt xương sườn hoặc hội chứng đau xương sườn dưới.
  • Căng cơ liên sườn hoặc cơ ngực bị co kéo.
  • Gãy xương sườn do áp lực.
  • Loạn cảm thần kinh.
  • Đau cơ do xơ hóa
  • Bệnh thấp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp hoặc viêm khớp vảy nến.
Gãy xương sườn
Gãy xương sườn

4.2. Các vấn đề về phổi

  • Viêm phổi.
  • Thuyên tắc mạch phổi.
  • Viêm màng phổi.
  • Áp xe phổi.
  • Viêm khí, phế quản.
Viêm phổi
Viêm phổi

4.3. Các vấn đề về tim mạch

  • Đau tim do nhồi máu cơ tim.
  • Đau thắt ngực do bệnh mạch vành.
  • Viêm màng ngoài tim co thắt.
  • Viêm cơ tim hoặc viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
  • Phình bóc tách động mạch chủ.
Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim

4.4. Các vấn đề về tiêu hóa

  • Loét dạ dày tá tràng.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
  • Sỏi đường mật, sỏi túi mật.
  • Các bệnh về gan như: Viêm gan, áp xe gan.
  • Viêm thực quản.
Loét dạ dày
Loét dạ dày

5. Vấn đề chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh gia đình và cá nhân của người bệnh. Nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh có vấn đề về cơ xương như gãy xương sườn hoặc viêm sụn, họ có thể kiểm tra các vùng sưng tấy dọc theo xương sườn, ngực và xương ức. Họ có thể kích hoạt cơn đau của người bệnh để tìm hiểu thêm về nguyên nhân của cơn đau.

Tham khảo thêm: Đau thắt ngực vì bệnh lý vi mạch vành (Hội chứng X)

Các xét nghiệm khác để giúp bác sĩ đánh giá các nguồn cơ xương gây đau thành ngực bao gồm:

  • X-quang ngực
  • Kiểm tra tốc độ dẫn truyền thần kinh
  • Điện cơ.
  • Siêu âm cơ xương khớp.
  • Phản ứng da giao cảm. Nhằm kiểm tra phản ứng của dây thần kinh khi được kích hoạt với các kích thích.
X Quang ngực thẳng
X Quang ngực thẳng

Nếu người bệnh có bất kỳ yếu tố nguy cơ bệnh tim nào, bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng tim của người bệnh. Các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp hoặc tiền sử hút thuốc lá,… Một số thử nghiệm này bao gồm:

  • Test căng thẳng
  • Điện tâm đồ
  • Siêu âm tim
  • Xét nghiệm máu: Công thức máu, sinh hóa máu.

Nếu bác sĩ nghi ngờ phổi của người bệnh có vấn đề, các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán có thể bao gồm:

  • Chụp CT để tạo ra hình ảnh chi tiết hơn về phổi của người bệnh.
  • Chọc ngực thăm dò.
  • Nội soi phế quản.
Nội soi phế quản
Nội soi phế quản

6. Các phương pháp điều trị có thể có cho chứng đau thành ngực

Thành ngực bị đau do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính vì vậy, phương pháp điều trị cũng khác nhau tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể.

6.1. Các vấn đề về cơ xương khớp

Thành ngực bị đau do các bệnh lý về cơ xương khớp thường được xử trí bằng chườm nóng hoặc chườm lạnh. Thuốc chống viêm Non – Steroid, thuốc giãn cơ, vật lý trị liệu. Người bệnh cũng nên cố gắng tránh các hoạt động làm trầm trọng thêm cơn đau của mình. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn hoặc dai dẳng, bác sĩ có thể đề nghị tiêm corticosteroid tại chỗ để giúp giảm viêm.

Chườm lạnh
Chườm lạnh

6.2. Các bệnh thấp

Điều trị thành ngực bị đau do các bệnh thấp là một phần của việc quản lý tổng thể từng tình trạng này. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh quyết định loại thuốc nào là phù hợp nhất. Một vài thuốc điển hình như Methotrexat, thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau Paracetamol,…

6.3. Các bệnh lý tại phổi

Tương tự như các bệnh nhiễm trùng khác, các bệnh về phổi như viêm phổi thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Trong những trường hợp viêm phổi nặng, kháng sinh đường tĩnh mạch sẽ được chỉ định. Và người bệnh thường phải nằm viện để được theo dõi. Nếu viêm phổi nhẹ hoặc viêm thanh – khí – phế quản thì người bệnh được chỉ định kháng sinh đường uống và không cần phải nằm viện.

Xem thêm: Đau thắt ngực: Những điều cần chuẩn bị trước khi khám

Riêng các bệnh lý thuộc màng phổi:

  • Viêm màng phổi: được chỉ định kháng sinh đường uống hoặc đường tĩnh mạch tùy mức độ viêm nhiễm.
  • Tràn khí, tràn dịch màng phổi: Nhập viện. Đồng thời các bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút khí hoặc dịch màng phổi.
  • Các tổn thương màng phổi và/hoặc phổi do chấn thương sẽ được chỉ định nhập viện khoa ngoại lồng ngực.
Chọc hút tràn dịch màng phổi
Chọc hút tràn dịch màng phổi

6.4. Các bệnh lý thuộc hệ tim mạch

Một số phương pháp có thể có để điều trị những bệnh lý này bao gồm:

  • Điều trị nội khoa bằng các thuốc: Ức chế kết tập tiểu cầu, giãn vành, tiêu sợi huyết, kháng đông, giảm mỡ máu,…
  • Thông tim.
  • Ghép hoặc bắc cầu động mạch vành.
  • Van tim nhân tạo.
  • Kháng sinh điều trị các bệnh lý viêm màng tim, viêm cơ tim.
Van tim nhân tạo
Van tim nhân tạo

7. Lời kết

Nói chung, triệu chứng đau thành ngực do nhiều nguyên nhân phức tạp. Chính vì vậy, khi có bất kỳ triệu chứng khác lạ nào, bạn hãy đi khám ngay. Mục đích là để các bác sĩ chẩn đoán bệnh kịp thời và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra. 

Tham khảo thêm: Đau thắt ngực nguy cơ bệnh tim tiềm ẩn 

Bác sĩ NGUYỄN LÂM GIANG

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Richard N. Fogoros, “Chest Wall (Musculoskeletal) Pain”, đăng nhập ngày 11-09-2019, tại website https://www.verywellhealth.com
  • Navid Pourtaheri, “Chest Wall Anatomy”, đăng nhập ngày 07-07-2016, tại website https://emedicine.medscape.com
  • Jacquelyn Cafasso, “Chest Wall Pain’, đăng nhập ngày 28-03-2018, tại website https://www.healthline.com
  • Schey R, Villarreal A, Fass R (2007), “Noncardiac chest pain: current treatment”, Gastroenterology & Hepatology, 3 (4), pp. 255 – 262.
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người