Dạy trẻ cách đối phó với những cơn tức giận thường ngày
Nội dung bài viết
Tức giận là một cảm xúc tự nhiên của con người. Thường là sự phản ứng với cảm giác bị đe dọa, bị ngược đãi hoặc bị ngăn cản không cho làm điều mong muốn. Sự tức giận có thể là điều tích cực khi giúp trẻ có cơ hội sửa chữa sai lầm. Nhưng sự tức giận ngoài tầm kiểm soát có thể gây nguy hiểm cho trẻ và cả những người xung quanh.
1. Kiểm soát cơn tức giận
Kiểm soát cơn tức giận không có nghĩa là trẻ sẽ không bao giờ tức giận hoặc trẻ chỉ giữ sự tức giận trong lòng mà không thể hiện điều đó. Bạn có thể kiểm soát sự tức giận của trẻ bằng cách:
- Tìm hiểu những nguyên nhân gây ra cơn giận dữ cho trẻ.
- Nhận ra khi nào trẻ đang tức giận.
- Dạy trẻ cách đối phó với sự tức giận theo hướng lành mạnh.
2. Các cách xử trí khác
Có rất nhiều cách xử trí để giúp trẻ đối phó với cơn giận theo hướng tích cực, bao gồm:
- Cho trẻ thời gian để suy nghĩ: Cho trẻ đi dạo hoặc ngồi ở một phòng yên tĩnh trong khoảng từ 5 đến 15 phút. Làm vậy để trẻ nghĩ lại vấn đề làm trẻ khó chịu và bình tĩnh hơn.
- Giúp trẻ suy nghĩ về một chuyện khác: Đối với trẻ nhỏ, có thể gợi ý cho trẻ những trò chơi mà trẻ yêu thích như thổi bong bóng, xếp hình,… Khi trẻ lớn hơn, hãy để trẻ tập những môn thể dục tốt cho sức khỏe như đi bộ, chạy xe đạp,… Hoặc những sở thích khác như vừa nghe nhạc vừa hát theo hay xem phim cũng có thể là một cách khiến trẻ phân tâm tốt.
- Dạy trẻ cách giữ bình tĩnh: Hít thở thật sâu và chậm. Để cơ thể ở tư thế thoải mái, hạn chế co các cơ lại, nhất là các cơ ở mặt.
- Hãy gợi cho trẻ tưởng tượng hoặc nhớ lại một không gian thoải mái, dễ chịu.
- Phản ứng với vấn đề một cách từ từ: Khi trẻ cảm thấy tức giận, hãy dạy trẻ đếm từ 1 đến 10. Nghĩ đến những câu nói làm tinh thần tốt hơn như “Thư giãn đi nào”, “Bình tĩnh lại thôi”. Đối với trẻ lớn, hãy giúp trẻ nghĩ đến cách tự trấn an bản thân như: “Mình không để điều này làm mình tức giận. Mọi chuyện sẽ ổn thôi”.
- Thể hiện cảm xúc bằng lời nói: Dạy trẻ nói ra suy nghĩ thay vì những hành động bạo lực như đánh, cắn, ném đồ đạc hoặc la hét.
- Tâm sự, chia sẻ về vấn đề khiến trẻ tức giận: Khuyến khích trẻ nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy. Đó có thể là thành viên gia đình, giáo viên, những chuyên gia về tâm lý,… về những căng thẳng trong cuộc sống.
3. Làm thế nào để bạn có thể đồng hành cùng với trẻ?
Thời điểm tốt nhất để dạy trẻ cách kiểm soát cơn giận trước khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên. Nếu trẻ được dạy những kỹ năng này sớm, trẻ sẽ dễ dàng đối phó với sự tức giận theo hướng lành mạnh.
Để giúp trẻ kiểm soát được cơn tức giận, bạn có thể:
- Nhắc nhở trẻ thường xuyên thực hành nhiều cách mới để kiểm soát cơn giận. Đừng đợi cho đến khi trẻ đã mất kiểm soát.
- Dành cho trẻ những phần thưởng nhỏ khi trẻ thể hiện thái độ và hành vi tích cực. Bạn có thể cùng trẻ lập một danh sách các phần thưởng mà trẻ có thể nhận được khi kiểm soát được sự tức giận mỗi ngày.
- Kể những câu chuyện về sự tức giận để giúp trẻ đưa ra ý tưởng về cách giải quyết với cảm xúc của mình. Nói với trẻ về những lúc bạn tức giận và căng thẳng và những gì bạn đã làm.
Nếu trẻ vẫn gặp vấn đề trong việc kiểm soát những cơn tức giận, hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn.
4. Kiểm soát cơn tức giận cho cha mẹ
Nghề làm cha mẹ là một công việc khó khăn. Nó có thể gây căng thẳng và kéo dài đến 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần.
Sẽ rất tồi tệ khi bạn có một đứa trẻ dành thời gian khóc nhiều hơn ngủ. Điều này có thể gây nhiều áp lực hơn nếu không có ai giúp bạn chăm sóc trẻ.
Khi có những vấn đề nghiêm trọng trong gia đình, mọi người trong gia đình có thể cảm thấy tức giận nhiều lần. Hầu hết những cha mẹ đánh con mình trong cơn giận dữ cảm thấy căng thẳng nhiều hơn khi họ bình tĩnh giải quyết vấn đề.
Cha mẹ là tấm gương tốt nhất để con cái học tập. Vậy nên cách bạn kiểm soát tốt cơn tức giận cũng chính là cách bạn dạy cho chính con mình. Nếu trẻ phạm lỗi, hãy dành cho trẻ một khoảng thời gian ngắn ngồi ở trong phòng yên tĩnh.
Sau đó nói về lỗi trẻ đã phạm để trẻ nhận biết về sai lầm. Cuối cùng, dành tặng trẻ một cái ôm để thể hiện sự hòa giải và tha thứ bạn nhé!
>> Cha mẹ luôn là người dõi theo từng bước đi, từng cột mốc của con. Cột mốc khi con bập bẹ tập nói không phải ngoại lệ. Những sự thật bạn cần biết khi con bắt đầu tập nói là gì? Tìm hiểu qua bài viết sau nhé: Những sự thật bạn cần biết khi con bắt đầu tập nói
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.