Dị ứng hải sản nên kiêng cữ như thế nào?
Nội dung bài viết
Dị ứng hải sản là một tình trạng khá phiền toái nhưng lại rất thường gặp. Người dị ứng hải sản thường bị ngứa, nổi mẩn đỏ sau khi ăn. Trong một số trường hợp, dị ứng hải sản có thể nghiêm trọng đến mức đe dọa tính mạng. Bài viết này sẽ chỉ ra nguyên nhân, cách nhận biết nguy hiểm và cách phòng ngừa tình trạng dị ứng với hải sản.
1. Thông tin chung
Dị ứng là phản ứng của hệ miễn dịch nhằm chống các thành phần lạ xâm nhập vào cơ thể. Khi ta ăn uống, thức ăn được tiêu hóa và hấp thu dưới dạng các chất dinh dưỡng.
Mọi chất đi vào cơ thể được đều xem là “các chất xâm nhập”. Khi có chất nào lạ thì đoàn quân miễn dịch ngay lập tức tấn công để cô lập và loại trừ nó. Trong động vật biển có rất nhiều protein (đạm) lạ với cơ thể người. Vì vậy, khi ta ăn hải sản thường dễ bị dị ứng hơn các loại thức ăn khác.
>> Xem thêm: Dị ứng, biểu hiện ra sao và cách xử lý như thế nào cho đúng.
2. Làm sao để biết mình bị dị ứng hải sản?
2.1. Các triệu chứng của người bị dị ứng hải sản
Bạn bị dị ứng với hải sản nếu có các triệu chứng dưới đây trong vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn hải sản:
- Phát ban, ngứa hoặc chàm (viêm da dị ứng).
- Sưng môi, mặt, lưỡi và cổ họng, hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
- Khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở.
- Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn.
- Chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu.
>> Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng và rất nguy hiểm. Chi tiết tham khảo tại: Những điều bạn cần biết: Cần hết sức thận trọng với sốc phản vệ!
2.2. Bạn có nguy cơ cao sốc phản vệ nếu
- Bị hen suyễn.
- Bạn cực kỳ nhạy cảm với hải sản, chỉ ăn một ít cũng bị phản ứng.
- Bạn đã từng bị sốc phản vệ do thực phẩm nào khác.
Nếu có nguy cơ bị dị ứng nặng, bạn nên luôn mang theo epinephrine tiêm bên mình. Hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn về loại thuốc và cách sử dụng cụ thể.
Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:
- Cổ họng sưng hoặc như có cục u ở cổ họng (co thắt đường thở) khiến bạn khó thở. Cảm giác như bị ai đó bóp cổ.
- Sốc, với huyết áp giảm nghiêm trọng.
- Chóng mặt, choáng váng hoặc mất ý thức (ngất xỉu).
3. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
- Đến ngay phòng cấp cứu của trung tâm y tế gần nhất nếu bạn có dấu hiệu sốc phản vệ.
- Gặp bác sĩ hoặc chuyên gia dị ứng miễn dịch nếu bạn có triệu chứng dị ứng thực phẩm.
4. Nguyên nhân gây dị ứng hải sản
Tất cả các dị ứng thực phẩm là do phản ứng thái quá của hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch xác định nhầm một vài loại protein trong động vật có vỏ là có hại. Điều đó kích hoạt sản xuất kháng thể nhận diện và chống lại protein này. Lần tới khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng (protein “lạ”), hệ thống miễn dịch của bạn sẽ tiết ra histamine và các hóa chất khác để phản ứng lại. Chính các chất này gây ra triệu chứng dị ứng.
Các động vật biển trong “danh mục dị ứng” bao gồm động vật giáp xác (cua, tôm hùm, tôm càng, tôm đất, tôm thẻ…) và động vật thân mềm (sò, ốc, mực, hải sâm…). Có người chỉ dị ứng với một số loại động vật nhất định, trong khi có người dị ứng với tất cả hải sản.
5. Yếu tố nguy cơ
Thông thường, nếu có nhiều người dị đối với ứng hải sản trong gia đình bạn, bạn cũng dễ bị dị ứng. Người lớn bị dị ứng hải sản nhiều hơn trẻ em.
6. Phòng ngừa dị ứng hải sản
Nếu bạn bị dị ứng với hải sản, cách duy nhất để tránh phản ứng dị ứng là tránh tất cả các loại động vật có vỏ và các sản phẩm có chứa động vật có vỏ. Ngay cả số lượng rất nhỏ của động vật có vỏ cũng có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng ở một số người.
Kiêng ăn động vật có vỏ
- Hãy thận trọng khi đi ăn ngoài. Khi dùng bữa tại nhà hàng, luôn luôn kiểm tra để đảm bảo rằng chảo, dầu hoặc dụng cụ dùng cho động vật có vỏ không được sử dụng để chế biến các thực phẩm khác, tạo ra sự lây nhiễm chéo. Có thể cần phải tránh ăn tại các nhà hàng hải sản, nơi có nguy cơ lây nhiễm chéo cao.
- Đọc nhãn. Ô nhiễm chéo có thể xảy ra trong các cửa hàng nơi thực phẩm khác được chế biến hoặc sắp xếp gần động vật có vỏ trong quá trình sản xuất. Cân đọc nhãn thực phẩm cẩn thận.
- Một số ít trường hợp, người đã từng bị dị ứng hải sản sau đó không còn bị nữa. Điều này là do sự thay đổi của hệ miễn dịch trong cơ thể theo thời gian. Tuy nhiên, việc “dùng thử” là một trải nghiệm có nguy cơ và cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Không đến gần những động vật có vỏ
Bạn có thể cần phải tránh hoàn toàn những nơi mà động vật có vỏ được lưu trữ hoặc chế biến. Một số người chỉ cần chạm vào động vật có vỏ hoặc hít hơi nước nấu từ sò thôi cũng đã bị phản ứng.
Nếu bạn bị dị ứng hải sản, hãy thảo luận với bác sĩ về việc mang epinephrine khẩn cấp. Cân nhắc đeo vòng đeo tay cảnh báo y tế hoặc vòng cổ cho phép người khác biết bạn bị dị ứng thực phẩm.
Bạn không cần phải lo lắng liệu mình có bị dị ứng với thuốc nhuộm i-ốt hoặc thuốc phóng xạ được sử dụng trong một số xét nghiệm hình ảnh như CT hay MRI hay không. Mặc dù động vật có vỏ chứa một lượng nhỏ i-ốt, bệnh dị ứng hải sản cũng không liên quan đến việc sử dụng vật liệu phóng xạ hoặc i-ốt.
Dị ứng hải sản là một tình trạng thường gặp, thường ở mức độ nhẹ. Tốt nhất là nên tránh ăn các loại hải sản đã gây dị ứng cho bạn. Và quan trọng hơn hết, hãy học cách nhận biết các biểu hiện nguy hiểm của dị ứng để đảm bảo được an toàn, bạn nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Shellfish allergyhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/shellfish-allergy/symptoms-causes/syc-20377503
Ngày tham khảo: 19/10/2019