Dị ứng lúa mì: Một tình trạng không thể lơ là
Nội dung bài viết
Dị ứng lúa mì là 1 phản ứng dị ứng với các loại thực phẩm có chứa lúa mì. Phản ứng dị ứng có thể gây ra bởi việc ăn lúa mì nhưng cũng có thể do hít phải bột mì. Tránh ăn các thực phẩm chứa lúa mì là biện pháp điều trị được ưu tiên hàng đầu. Nhưng việc này không hề dễ như chúng ta tưởng. Thực tế, lúa mì có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm cả 1 số loại mà chúng ta không ngờ tới như nước tương, kem và bánh mì kẹp xúc xích (hot dogs). Nếu chúng ta vô tình ăn hoặc hít phải thì cần sử dụng thuốc để xử trí phản ứng dị ứng.
Dị ứng lúa mì thường gây ra các triệu chứng gì?
Dị ứng lúa mì là 1 trong những dị ứng thức ăn thường gặp nhất ở trẻ em. Tuy nhiên, nó vẫn có thể xảy ra ở người lớn.
Phản ứng dị ứng này có xu hướng phát triển từ lúc trẻ nhỏ, thường kèm theo các dị ứng thức ăn khác. Nó sẽ dần dần biến mất khi trẻ đạt độ tuổi khoảng 12 tuổi.
Trẻ em hoặc người lớn bị dị ứng lúa mì sẽ xuất hiện dấu hiệu hoặc triệu chứng trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ăn thực phẩm chứa lúa mì.
1. Các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm
- Viêm mũi dị ứng (hoặc sung huyết mũi).
- Hen suyễn.
- Viêm da dị ứng hoặc chàm.
- Nổi mày đay, hoặc phát ban (nổi mẩm đỏ, ngứa và có thể sưng).
- Buồn nôn, tiêu chảy và nôn ói.
- Chuột rút.
- Nóng rát và sưng nề vùng miệng, cổ họng hoặc cả 2.
- Ngứa và chảy nước mắt.
- Cảm giác đầy hơi.
Viêm mũi dị ứng là một trong những triệu chứng điển hình của dị ứng lúa mì. Đọc ngay bài viết của bác sĩ về: Viêm mũi dị ứng là gì? Có chữa được không?
2. Phản ứng phản vệ
1 dạng của phản ứng dị ứng nhưng với các triệu chứng nặng nề hơn có thể xảy ra:
- Sưng nề và co thắt vùng cổ họng.
- Khó nuốt.
- Đau và co thắt vùng ngực.
- Khó thở.
- Da niêm tím tái.
- Hoa mắt hoặc ngất xỉu.
- Mạch yếu.
- Tụt huyết áp.
Phản ứng phản vệ là 1 cấp cứu y khoa cần phải được xử trí ngay lập tức.
Nguyên nhân của dị ứng lúa mì là gì?
Dị ứng lúa mì là phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch nhận dạng nhầm 1 chất có lợi thành tác nhân gây bệnh và tấn công nó.
Nếu bạn bị dị ứng lúa mì, bạn có thể dị ứng với 1 hoặc nhiều hơn trong 4 loại protein lúa mì – albumin, globulin, gliadin và gluten. Các loại protein lúa mì này thường không có hại với hầu hết mọi người, trừ khi bạn dị ứng với chúng.
Các loại thực phẩm chứa protein lúa mì
- Đa số các loại bánh nướng như bánh mì, bánh quy, bánh gatô, bánh donut, bánh waffle….
- Ngũ cốc ăn sáng (breakfast cereal).
- Bia, nước ngọt có ga nồng độ cồn thấp (root beer).
- Thức uống thay thế cà phê (coffee substitutes), sữa lúa mạch.
- Nước tương đậu nành, phụ gia bao gồm tương cà.
- Kem và vỏ kem ốc quế.
- Bánh bột nhồi (dumplings).
- Hương liệu tự nhiên (natural flavorings).
- Bột ngọt.
- Mì ý (pasta).
- Tinh bột hồ hóa (gelatinized starch) và tinh bột biến tính (modified food starch).
- Các loại thực phẩm thay thế thịt, cua và tôm (để ăn chay).
- Gum thực vật (vegetable gum).
- Thịt chế biến sẵn, ví dụ như thịt nguội, bánh mì xúc xích.
Lúa mì và luyện tập
Vài người sẽ có các triệu chứng dị ứng nếu họ luyện tập trong vòng vài giờ sau khi tiêu thụ protein lúa mì. Loại dị ứng này thường dẫn đến phản ứng phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.
Lưu ý: Bệnh không dung nạp Gluten (Celiac disease).
Thể bệnh này thường hay bị nhầm lẫn với dị ứng lúa mì. Các chuyên gia đã phân loại bệnh này là bệnh tự miễn nhạy cảm với thức ăn, không phải dị ứng. Hệ miễn dịch phản ứng với gluten, gây viêm và tổn thương ruột non. Điều này dẫn đến kém hấp thu chất dinh dưỡng. Mọt số người có thể vừa không dung nạp Gluten vừa dị ứng lúa mì.
Yếu tố thuận lợi dẫn đến dị ứng lúa mì
2 yếu tố thuận lợi chính là tiền sử gia đình và tuổi tác.
Tiền sử gia đình: nếu người thân của bạn, đặc biệt là bố mẹ, bị dị ứng (dị ứng lúa mì, sốt hoa cỏ/ sốt mùa hè/ sốt mùa cỏ khô (Hay fever), hoặc hen suyễn…) thì bạn có nguy cơ cao bị dị ứng lúa mì.
Tuổi tác: trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bị dị ứng lúa mì hơn người lớn do hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa của chúng chưa hoàn thiện. Hầu hết trẻ sẽ hết dị ứng ở độ tuổi 12-16 tuổi, nhưng người lớn vẫn có thể bị.
Dị ứng lúa mì được chẩn đoán như thế nào?
Thăm khám toàn diện, hỏi kĩ bệnh sử và vài xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ của bạn chẩn đoán. Các xét nghiệm và công cụ chẩn đoán bao gồm:
1. Test da (Skin test)
Vài giọt chiết xuất dị nguyên tinh khiết (bao gồm chiết xuất protein lúa mì) được tiêm vào bề mặt da – hoặc ở cẳng tay hoặc ở lưng trên. Sau 15 phút, bác sĩ hoặc điều dưỡng của bạn sẽ tìm các dấu hiệu dị ứng.
Nếu bạn có 1 khối đỏ và ngứa xuất hiện chỗ tiêm, bạn có thể dị ứng với lúa mì. Tác dụng phụ thường gặp nhất của test này là đỏ và ngứa. Tuy nhiên, test này không giúp xác định chắc chắn 100%, nên bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác.
2. Xét nghiệm máu
Nếu tình trạng da của bạn và 1 số tương tác thuốc không cho phép làm Test da, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm xét nghiệm máu. Xét nghiệm này tầm soát các kháng thể gây dị ứng đặc hiệu với dị nguyên thường gặp, bao gồm protein lúa mì.
3. Lập nhật kí thực phẩm (Food diary)
Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ghi chú về những gì bạn ăn, thời gian ăn và thời gian xuất hiện triệu chứng.
4. Chế độ ăn loại bỏ (Elimination diet)
Bác sĩ sẽ khuyên bạn loại bỏ các loại thực phẩm chứa protein lúa mì trong chế độ ăn. Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, bạn sẽ thêm vào lại dần dần các thực phẩm đã bỏ ra. Sau đó ghi nhận lại thời gian khi nào các triệu chứng xuất hiện trở lại.
5. Test thử thách thực phẩm (Food challenge testing)
Test này được thực hiện ở bệnh viện hoặc ở phòng khám dị ứng chuyên biệt. Dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ, bạn sẽ ăn thực phẩm nghi ngờ gây ra dị ứng. Bạn sẽ bắt đầu ăn với lượng nhỏ sau đó tăng dần. Bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng của bạn và các triệu chứng.
Điều trị dị ứng lúa mì như thế nào?
Tránh ăn các thực phẩm chứa protein lúa mì là phương pháp điều trị tốt nhất. Protein lúa mì có trong rất nhiều loại thực phẩm nên hãy đọc kĩ thông tin, thành phần sản phẩm.
Thuốc:
- Kháng Histamine: giảm dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng nhẹ. Sử dụng thuốc sau khi ăn hoặc hít phải protein lúa mì giúp giảm triệu chứng. Bạn hãy sử dụng thuốc này dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Epinephrine (Adrenaline): thuốc điều trị cấp cứu phản ứng phản vệ. Nếu bạn có nguy cơ có các phản ứng nặng nề với protein lúa mì, hãy luôn nhớ mang theo 2 liều thuốc Epinephrine dạng tiêm (bút tiêm tự động EpiPen, AnaPen, Adrenaclick…) bất cứ lúc nào. Mỗi bút tiêm chứa 1 liều duy nhất Epinephrine. Bút tiêm thứ 2 được khuyến cáo dành cho người có nguy cơ phản vệ nguy hiểm tính mạng trong trường hợp các triệu chứng phản vệ xuất hiện trở lại mà đội ngũ y tế chưa đến kịp.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Khi có người có các dấu hiệu của phản ứng phản vệ, gọi 115 hoặc số điện thoại cấp cứu tại địa phương ngay lập tức. Phản ứng phản vệ là 1 tình trạng cấp cứu cần được xử trí ngay.
Nếu bạn nghĩ bạn hoặc con của bạn dị ứng lúa mì hoặc các thức ăn khác, hãy đặt hẹn gặp bác sĩ để được thăm khám.
Lối sống và một số hướng dẫn tại nhà
1. Thông báo đến những người khác
Nếu con bạn bị dị ứng lúa mì, đảm bảo rằng tất cả mọi người chăm sóc bé, bao gồm hiệu trưởng, thầy cô và điều dưỡng ở trường, biết về các dấu hiệu khi bị dị ứng. Nếu con bạn mang theo bút tiêm Epinephrine, đảm bảo các nhân viên ở trường biết cách sử dụng bút và cần phải gọi cấp cứu ngay. Thông báo đến bạn bè, họ hàng và đồng nghiệp về tình trạng dị ứng thức ăn của bạn.
2. Đeo vòng tay
Vòng tay y tế miêu tả về dị ứng và nhu cầu cần cấp cứu của bạn khi bạn bị phản ứng phản vệ mà không nói được.
3. Luôn luôn đọc thông tin sản phẩm
Đừng tin bất kì sản phẩm nào cho đến khi bạn đọc kĩ thông tin về nó. Protein lúa mì, đặc biệt là Gluten, được sử dụng như chất làm sánh thực phẩm. Các chất này có thể xuất hiện ở nhiều nơi. Đừng cho rằng 1 khi bạn sử dụng 1 nhãn hiệu thực phẩm nhất định thì nó sẽ an toàn. Thành phần sẽ thay đổi.
4. Mua các loại thực phẩm không chứa Gluten
Vài cửa hàng và siêu thị chuyên biệt cung cấp thực phẩm không chứa Gluten. Những sản phẩm này an toàn cho người dị ứng lúa mì.
5. Tham khảo các quyển sách nấu ăn không chứa lúa mì
Các sách nấu ăn chuyên biệt về các công thức không chứa lúa mì có thể giúp bạn nấu ăn an toàn. Ngoài ra, nó còn giúp bạn thưởng thức bánh nướng và các thức ăn khác làm từ chất thay thế lúa mì.
6. Ăn bên ngoài 1 cách cẩn trọng
Nói với nhân viên nhà hàng về chứng dị ứng của bạn và sự nghiêm trọng khi bạn ăn phải lúa mì. Hãy gọi các món ăn đơn giản làm từ thực phẩm tươi sống. Tránh ăn các loại thực phẩm chứa protein lúa mì.
Cần chuẩn bị gì khi đặt hẹn gặp bác sĩ khi bị dị ứng lúa mì?
Đến gặp bác sĩ khi bạn nghĩ bạn hoặc con bạn bị dị ứng lúa mì hoặc các dị ứng thức ăn khác. Bác sĩ có thể chuyển bạn đến gặp bác sĩ chuyên ngành dị ứng để thực hiện chẩn đoán.
1. Những việc bạn có thể làm
Để chuẩn bị tốt cho buổi thăm khám, lập 1 danh sách cho bác sĩ của bạn gồm:
- Các triệu chứng, bao gồm cả các triệu chứng không liên quan đến dị ứng.
- Tiền sử gia đình có bị dị ứng, hen suyễn.
- Các loại thuốc, vitamin và thuốc bổ mà bạn hoặc con bạn đang dùng.
Đồng thời lập 1 danh sách các câu hỏi cho bác sĩ của bạn:
- Các triệu chứng này có phải do dị ứng gây ra không?
- Tôi có cần làm các xét nghiệm dị ứng không?
- Tôi có nên gặp bác sĩ chuyên khoa về dị ứng không?
- Để phòng ngừa trường hợp phản vệ, tôi có cần mang theo bút tiêm Epinephrine không?
- Bác sĩ có tờ bướm, tài liệu giấy hoặc các trang web để tôi tìm hiểu thêm thông tin về bệnh này không?
Đừng ngại ngần hỏi tất cả các câu hỏi khác mà bạn có.
2. Bác sĩ của bạn có thể hỏi 1 số câu hỏi sau
- Triệu chứng xuất hiện sau ăn bao lâu?
- Triệu chứng có liên quan đến 1 loại thức ăn cụ thể nào không?
- Trong trường hợp trẻ sơ sinh, bé đã ăn thức ăn đặc nào?
- Gần đây bạn có thêm loại thực phẩm nào mới vào chế độ ăn của bé?
- Có ai khác có triệu chứng khi ăn cùng 1 loại thực phẩm không?
- Số lượng thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng bạn đã ăn là bao nhiêu?
- Bạn đã ăn gì cùng lúc với thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng?
Dị ứng lúa mì là một phản ứng dị ứng với các loại thực phẩm có chứa lúa mì. Phản ứng dị ứng có thể gây ra bởi việc ăn lúa mì nhưng cũng có thể do hít phải bột mì. Dị ứng lúa mì gồm các triệu chứng từ nhẹ (nổi mày đay, ngứa, chảy nước mắt…) đến phản ứng phản vệ nguy hiểm đến tính mạng. Phương pháp điều trị hữu hiệu nhất là tránh ăn các loại thực phẩm chứa protein lúa mì. Ngoài ra khi xuất hiện các triệu chứng nhẹ có thể sử dụng thuốc kháng Histamine.
Người dị ứng lúa mì có nguy cơ cao phản ứng phản vệ cần được điều trị ngay lập tức bằng thuốc Epinephrine và gọi cấp cứu ngay. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ mình hoặc con mình bị dị ứng lúa mì, bạn đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ của mình. Và đừng quên những hướng dẫn mà tụi mình đã trình bày để chuẩn bị tốt cho buổi thăm khám nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What to know about wheat allergyhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/174405
Ngày tham khảo: 19/05/2020
-
Wheat allergyhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/wheat-allergy/symptoms-causes/syc-20378897
Ngày tham khảo: 19/05/2020