YouMed

Bác sĩ gợi ý phương pháp điều trị hạ đường huyết

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Hạ đường huyết đột ngột ở người mắc đái tháo đường là tình trạng không quá hiếm gặp. Những triệu chứng của bệnh thường diễn tiến khá nhanh. Bệnh nhân có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị hạ đường huyết kịp thời. Hãy cùng Ths.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu về vấn đề này cũng như những cách xử trí phù hợp qua bài viết dưới đây.

Khi nào bạn bị hạ đường huyết

Khi bạn ăn, thức ăn được tiêu hóa và phân hủy thành đường, trở thành nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Nồng độ đường huyết thường thay đổi tùy theo từng thời điểm trong ngày. Tuy nhiên, lượng đường huyết luôn được duy trì trong giới hạn cho phép để đảm bảo bạn được cung cấp đủ năng lượng.

Tình trạng hạ đường huyết xảy ra khi nồng độ glucose máu <3.9 mmol/l ( <70 mg/dL). Khi lượng đường huyết quá thấp, hoạt động chuyển hóa và chức năng sinh lý của cơ thể cũng bị ảnh hưởng không ít, đặc biệt là hệ thần kinh và não bộ.

Tuy các triệu chứng hạ đường huyết thường xuất hiện trong thời gian ngắn, tình trạng này hoàn toàn có thể khắc phục nếu được điều trị kịp lúc. Bệnh nhân cũng ít gặp phải những di chứng sau khi hồi phục. Do đó, bác sĩ khuyên người bệnh nên biết cách tự điều trị hạ đường huyết tại nhà nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường.

Những đối tượng dễ bị hạ đường huyết

Hạ đường huyết quá mức thường được bắt gặp trên đối tượng đái tháo đường type 1 hoặc những bệnh nhân type 2 có sử dụng insulin. Insulin là chất giúp vận chuyển glucose từ máu về gan để tiêu hủy.

Nguyên nhân chủ yếu khiến glucose huyết giảm là do dùng thuốc sai cách. Người bệnh có thể dùng quá liều insulin hoặc các thuốc trị tiểu đường khác. Ngoài ra, nếu bạn nhịn đói quá lâu, hạ đường huyết cũng là hệ quả tất yếu. Song song với các nguyên nhân trên, những đối tượng dưới đây có nguy cơ cao gặp phải hiện tượng này:

  • Tập thể dục quá mức.
  • Uống nhiều rượu bia.
  • Mắc một số bệnh mạn tính như viêm gan hoặc bệnh thận.
  • Có khối u làm tăng tiết insulin.
  • Bị rối loạn nội tiết như suy tuyến yên, suy tuyến thượng thận,…
  • Mắc đái tháo đường trong thời gian dài.
  • Có tiền sử hạ đường huyết trầm trọng.

Nếu có những yếu tố trên, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để được hướng dẫn cách điều trị hạ đường huyết.

điều trị hạ đường huyết
Người bị viêm gan có nguy cơ cao bị hạ đường huyết đột ngột

Các biểu hiện lâm sàng

Biểu hiện hạ đường huyết sẽ có sự khác biệt ở từng đối tượng. Các bác sĩ gợi ý những triệu chứng phổ biến ở người có nông độ glucose huyết giảm. Song bạn vẫn nên tự nhận biết những dấu hiệu của riêng mình.

  • Toàn thân run rẩy.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Mệt mỏi, uể oải, hay buồn ngủ, thiếu năng lượng.
  • Da nhợt nhạt.
  • Đổ nhiều mồ hôi, có cảm giác ớn lạnh.
  • Cảm thấy lo lắng, bứt rứt, bồn chồn.
  • Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt.
  • Dễ đói nhưng cũng dễ buồn nôn.
  • Lú lẫn.
  • Mắt mờ.
  • Ngứa ngáy ở môi, má hoặc lưỡi.
  • Gặp ác mộng, khó vào giấc ngủ.
  • Co giật.

Ở một số trường hợp nặng, hạ đường huyết có thể dẫn đến hôn mê và đe dọa tính mạng người bệnh.

Theo các bác sĩ, khi sức khỏe có dấu hiệu bất thường, cách tốt nhất để xác định bệnh là đo nồng độ glucose huyết. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các triệu chứng nặng, bạn nên tự điều trị hạ đường huyết tại nhà trước khi đưa đến bác sĩ.

điều trị hạ đường huyết
Người bị hạ đường huyết thường cảm thấy ớn lạnh

Điều trị hạ đường huyết

Xử trí tại nhà

Mục tiêu điều trị hạ đường huyết là đưa nồng độ glucose máu trở về bình thường (>70 mg/dL) nhưng không vượt quá 100 mg/dL. Thông thường bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện quy tắc 15 – 15:

  • Khi có dấu hiệu tụt đường huyết, bổ sung 15 gram đường và kiểm tra lại sau 15 phút.
  • Nếu đường huyết vẫn < 70mg/dL, bạn tiếp tục dùng thêm 15 gram đường.

Một số thực phẩm giúp bổ sung đường là:

  • Viên đường glucose.
  • ½ ly nước trái cây hoặc nước ngọt có ga (loại không dùng cho ăn kiêng).
  • 1 muỗng cà phê đường pha trong nước, mật ong hoặc siro.
  • Kẹo cứng, kẹo dẻo – nên xem hàm lượng đường trong từng loại kẹo.
  • Nên hạn chế những thực phẩm bổ sung đường kèm theo chất béo như chocolate do sẽ làm giảm hấp thu đường.

Với trẻ nhỏ, lượng đường cần bổ sung thường được điều chỉnh tùy theo lứa tuổi.

  • Lượng glucose cần thiết ở trẻ sơ sinh là khoảng 6 gram.
  • Trẻ đang tập đi là 8 gram.
  • Những lứa tuổi khác là khoảng 10 gram.
điều trị hạ đường huyết
Khi lượng đường huyết thấp, bạn nên sử dụng vài viên đường

Điều trị hạ đường huyết tại bệnh viện

Điều trị hạ đường huyết tại nhà theo quy tắc 15 – 15 thường áp dụng cho giai đoạn nhẹ. Nếu bệnh nhân gặp phải những triệu chứng nặng hơn như lú lẫn, hôn mê, co giật, bạn nên tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ.

Nhân viên y tế sẽ chỉ định tiêm glucagon đường tĩnh mạch hoặc truyền bằng đường mũi. Đây là hormone được tiết ra từ tuyến tụy, có khả năng kích thích gan giải phóng đường vào máu. Nhờ đó, nồng độ đường huyết được duy trì ở mức ăn toàn.

Ngoài ra, ở một số bệnh viện, bác sĩ sẽ cho truyền glucose đường tĩnh mạch. Cần lưu ý không tiêm insulin và cho người bệnh ăn hoặc uống do rất dễ bị sặc.

Phòng tránh hạ đường huyết

Hạ đường huyết là biến chứng cấp có thể dẫn đến hôn mê sâu hoặc tử vong. Do đó, người mắc đái tháo đường và người thân nên được giáo dục cách phòng tránh tình trạng này.

  • Nên ăn uống điều độ, không bỏ bữa hoặc nhịn đói quá lâu.
  • Chú ý lượng dinh dưỡng, đặc biệt là tinh bột trong mỗi bữa ăn.
  • Hạn chế rượu bia, đồ uống có cồn.
  • Tập thể dục vừa sức, tránh tập quá mức.
  • Tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ, không tự ý tăng liều hoặc thêm thuốc khi chưa được cho phép.
  • Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Điều quan trọng nhất là bạn cần nhận biết các dấu hiệu hạ đường huyết của mình. Với người mắc tiểu đường lâu năm, bạn nên mang theo vài viên kẹo, nước trái cây hoặc vài viên đường khi ra khỏi nhà. Đây là cách để tự điều trị hạ đường huyết nhanh chóng và tiện lợi nhất.

Hạ đường huyết đột ngột là vấn đề tương đối phổ biển ở những bệnh nhân mắc đái tháo đường. Tuy nhiên, tình trạng này ít để lại di chứng nếu bệnh nhân được điều trị hạ đường huyết đúng cách và phù hợp. Do đó, hãy chú ý theo dõi sức khỏe của mình để kịp thời xử trí.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hypoglycemiahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypoglycemia/symptoms-causes/syc-20373685

    Ngày tham khảo: 10/08/2021

  2. Hypoglycemia (Low Blood sugar)https://www.diabetes.org/healthy-living/medication-treatments/blood-glucose-testing-and-control/hypoglycemia

    Ngày tham khảo: 10/08/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người