Các phương pháp điều trị ung thư thực quản
Nội dung bài viết
Ung thư thực quản là một trong những bệnh ác tính thường gặp ở hệ thống đường tiêu hoá. Vậy có những phương pháp điều trị nào? Cần lưu ý gì trong quá trình điều trị? Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Tổng quan về việc điều trị ung thư thực quản
Việc điều trị ung thư thực quản phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nó bao gồm giai đoạn của bệnh, tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân và sự lựa chọn của chuyên gia y tế.
Các phương pháp điều trị thường được sử dụng như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp tiếp cận bằng thuốc và một số phương pháp khác. Các phương pháp này có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp để tăng khả năng điều trị và cải thiện tỷ lệ sống sót của bệnh nhân.
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ thực quản là phương pháp phổ biến để điều trị ung thư thực quản.
Khi đó, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ phần thực quản bị ảnh hưởng. Sau đó nối phần lành còn lại của thực quản với dạ dày để bệnh nhân có thể nuốt và tiêu hóa thức ăn bình thường. Có thể sử dụng ống nhựa hoặc một phần ruột để thực hiện sự kết nối.1
Các hạch bạch huyết xung quanh thực quản cũng có thể được lấy ra và quan sát dưới kính hiển vi để xem ung thư đã di căn chưa. Đối với những khối u nhỏ ở giai đoạn đầu của bệnh, phương pháp cắt bỏ bằng nội soi có thể được áp dụng.
Đối với một số bệnh nhân bị tắc nghẽn một phần thực quản bởi các khối u, việc đặt stent kim loại còn góp phần giảm nhẹ triệu chứng khó nuốt ở những bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn 4.2
Đối tượng chỉ định2
Phẫu thuật là phương pháp thường được chỉ định đối với các bệnh nhân ung thư thực quản ở giai đoạn sớm, không di căn như giai đoạn 0, giai đoạn 1 và ung thư thực quản giai đoạn 2.
Tác dụng không mong muốn
Các biến chứng của phương pháp phẫu thuật có thể xảy ra như:3
- Rò miệng nối.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Hội chứng Dumping (hội chứng dạ dày rỗng nhanh chóng)
- Thiếu máu cục bộ.
- Hoại tử đoạn ruột được nối.
Chi phí
Tùy vào từng trường hợp mà chi phí phẫu thuật sẽ khác nhau, nhìn chung khoản chi phí này dao động từ 35.000.000 – 40.000.000 VNĐ. Tuy nhiên khoản phí này có thể được miễn giảm hay hỗ trợ một phần nếu người bệnh có tham gia BHYT.
2. Phương pháp xạ trị ung thư thực quản
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Ngoài tia X, người ta còn có thể sử dụng các loại bức xạ khác như liệu pháp dùng tia proton để ngăn các khối u phát triển.
Có hai loại xạ trị:1
- Xạ trị bên ngoài: đây là loại điều trị bức xạ phổ biến nhất, liệu pháp sử dụng một máy phát xạ bên ngoài cơ thể để phát ra tia bức xạ đến các khu vực cơ thể bị ung thư.
- Xạ trị bên trong (xạ trị áp sát): phương pháp này sử dụng chất phóng xạ được niêm phong trong các kim, hạt hay ống thông được đặt trực tiếp vào thực quản hay các khu vực bị ung thư.
Đối tượng chỉ định
Cách thức xạ trị được đưa ra tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư được điều trị. Liệu pháp xạ trị thường được chỉ định ở các bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn 1, 2, 3 và 4.
Tác dụng không mong muốn3
Điều trị bằng phương pháp xạ trị có thể mang lại những tác dụng phụ bao gồm:
- Mệt mỏi.
- Buồn nôn, khó chịu ở dạ dày.
- Đi tiêu lỏng.
- Phản ứng nhẹ ở da.
- Đau ở cổ họng, thực quản.
- Khó nuốt.
Chi phí
Chi phí xạ trị của ung thư thực quản dao động từ 5.000.000 – 7.000.000 VNĐ cho mỗi lần xạ trị. Tùy vào từng trường hợp mà số lần xạ trị trong tuần của mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau.
Trung bình, mỗi bệnh nhân có từ 20 đến 30 lần xạ trị cho một đợt trị liệu nên tổng chi phí dao động từ 100.000.000 – 210.000.000 VNĐ.
3. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, bằng cách ngăn không cho tế bào ung thư phát triển, phân chia và tạo ra nhiều tế bào hơn.
Thuốc có thể được uống hay tiêm vào tĩnh mạch hoặc cơ. Khi đó thuốc sẽ đi vào máu và có thể tiếp cận các tế bào ung thư khắp cơ thể.
Khi một loại thuốc được dùng theo cách này, nó được gọi là liệu pháp toàn thân. Ngoài ra, thuốc cũng có thể được dùng tại chỗ. Đó là khi thuốc được bôi trực tiếp vào khối ung thư hoặc được giữ trong một bộ phận của cơ thể.1
Đối tượng chỉ định2
Cách hóa trị được đưa ra tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư được điều trị. Thông thường, các bác sĩ có thể kết hợp cả hóa trị và xạ trị để tăng tác dụng điều trị, phương pháp này gọi là liệu pháp hóa xạ trị kết hợp.
Liệu pháp này thường được áp dụng ở những bệnh nhân ung thư thực quản từ giai đoạn 1 trở đi.
Tác dụng không mong muốn
Các tác dụng phụ của hóa trị tùy thuộc vào từng cá nhân và liều lượng sử dụng.
Một số tác dụng phụ điển hình như:
- Mệt mỏi.
- Buồn nôn và nôn.
- Rụng tóc.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Vấn đề về thần kinh.
- Chán ăn.
- Tiêu chảy.
Những tác dụng phụ này thường biến mất sau khi kết thúc quá trình điều trị.
Chi phí
Tùy vào từng trường hợp mà chi phí hóa trị ung thư thực quản sẽ khác nhau, nhìn chung khoản chi phí này dao động từ 40.000.000 – 50.000.000 VNĐ.
Không những thế, ở những bệnh nhân cần nhiều máy móc, thiết bị hỗ trợ chi phí có thể lên đến 90.000.000 VNĐ.
4. Điều trị laser
Liệu pháp laser là một phương pháp điều trị ung thư tiến triển bằng cách sử dụng chùm tia laser – chùm ánh sáng cường độ cao, để đốt cháy tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp này không loại bỏ hoàn toàn ung thư, nhưng có thể giúp cho việc nuốt trở nên dễ dàng hơn.4
Tác dụng không mong muốn
Báo ngay với bác sĩ khi gặp các triệu chứng như:
- Đau họng.
- Chảy máu hoặc ho.
- Khó thở.
- Đau ngực.
- Nôn ra máu.
- Không thể nuốt thức ăn hoặc đồ uống.
5. Điều trị quang động học
Liệu pháp quang động (PDT) là một phương pháp điều trị ung thư thông qua việc sử dụng một loại thuốc làm cho các tế bào ung thư nhạy cảm với ánh sáng.5
Những thuốc này được gọi là chất cảm quang hoặc chất nhạy cảm với ánh sáng. Sau đó, bác sĩ chiếu một loại ánh sáng đặc biệt lên vùng điều trị. Sự kết hợp giữa thuốc và ánh sáng sẽ giúp tiêu diệt các tế bào ung thư.
Tác dụng không mong muốn
- Không thể ăn hoặc uống trong 4 đến 6 giờ đâu sau điều trị.
- Đau họng.
- Khó thở.
- Đau ngực.
- Nôn ra máu.
- Không thể nuốt thức ăn hoặc đò uống.
- Có thể bị nhạy cảm với ánh sáng (da của bạn có thể bị đỏ, sưng hay phồng rộp lên khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh).
6. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là một liệu pháp sinh học sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Phương pháp này sử dụng những thuốc đặc hiệu để tăng cường, định hướng hoặc khôi phục khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại ung thư của hệ thống miễn dịch.1
Đối tượng chỉ định2
Liệu pháp này thường được áp dụng ở các bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn 4 hay ung thư thực quản tái phát.
Tác dụng không mong muốn6
Các tác dụng phụ thường gặp như: mệt mỏi, ho, buồn nôn, phát ban da, chán ăn, táo bón, đau cơ hoặc khớp, ngứa, sốt và tiêu chảy.
Các tác dụng phụ nghiêm trọng khác ít xảy ra hơn như:
- Phản ứng khi truyền: sốt, ớn lạnh, đỏ bừng mặt, phát ban, ngứa da, cảm thấy chóng mặt, thở khò khè và khó thở.
- Phản ứng tự miễn dịch: gây ra vấn đề ở phổi, ruột, gan, tuyến sản xuất hormone, thận, da hoặc các cơ quan khác.
Chi phí
Tùy vào từng trường hợp mà chi phí điều trị liệu pháp miễn dịch thực quản sẽ khác nhau, dao động từ 500.000.000 – 600.000.000 VNĐ tùy thuộc các loại thuốc.
7. Các phương pháp khác
Ngoài những phương pháp trên, một số phương pháp điều trị ung thư thực quản khác có thể áp dụng như:1
- Đốt điện: phương pháp này sử dụng dòng điện để đốt cháy tiêu diệt các tế bào ung thư.
- Liệu pháp nhắm trúng đích: phương pháp này sử dụng thuốc hoặc các chất khác để xác định và tấn công các tế bào ung thư cụ thể. Liệu pháp này thường ít gây hại cho các tế bào bình thường hơn so với hóa trị hoặc xạ trị.
Những lưu ý khi điều trị ung thư thực quản
Trong quá trình điều trị ung thư thực quản, bệnh nhân cần theo dõi chặt chẽ về cân nặng và khả năng nuốt của mình. Ngoài ra, hãy theo dõi và báo cho bác sĩ về những tác dụng phụ xảy ra để được hỗ trợ can thiệp tốt nhất.
Ung thư thực quản có thể tái phát sau khi điều trị thành công. Vì vậy cần quản lý theo dõi chặt chẽ. Trong hai năm đầu sau khi điều trị, bạn có thể được đề nghị kiểm tra lại từ 3 đếm 6 tháng một lần. Trong 3 năm tiếp theo với tần suất 6 đến 12 tháng một lần.7
Để làm giảm nguy cơ tái phát ung thư thực quản, bạn cần có những chế độ ăn uống hợp lý, đồng thời tránh các tác nhân làm tăng khả năng tái phát như rượu, thuốc lá,…
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về việc điều trị ung thư thực quản. Đừng quên rằng, hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn uống hợp lý, không uống rượu bia, hút thuốc lá,… để giảm nguy cơ ung thư thực quản.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Esophageal Cancer Treatment (Adult) (PDQ®)–Patient Versionhttps://www.cancer.gov/types/esophageal/patient/esophageal-treatment-pdq#_159
Ngày tham khảo: 10/06/2023
-
Esophageal Cancer Treatment (PDQ®)–Health Professional Versionhttps://www.cancer.gov/types/esophageal/hp/esophageal-treatment-pdq
Ngày tham khảo: 10/06/2023
-
Ung thư thực quảnhttps://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-ti%C3%AAu-h%C3%B3a/kh%E1%BB%91i-u-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-ti%C3%AAu-h%C3%B3a/ung-th%C6%B0-th%E1%BB%B1c-qu%E1%BA%A3n
Ngày tham khảo: 10/06/2023
-
Laser therapyhttps://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/oesophageal-cancer/treatment/advanced-treatment/making-swallowing-easier/laser-therapy
Ngày tham khảo: 10/06/2023
-
Photodynamic therapyhttps://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/oesophageal-cancer/treatment/advanced-treatment/making-swallowing-easier/photodynamic-therapy
Ngày tham khảo: 10/06/2023
-
Immunotherapy for Esophageal Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/types/esophagus-cancer/treating/immunotherapy.html
Ngày tham khảo: 10/06/2023
-
Esophageal Cancerhttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/6137-esophageal-cancer#prevention
Ngày tham khảo: 10/06/2023