Những phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp
Nội dung bài viết
Ung thư tuyến giáp khá phổ biến và là một trong 10 loại ung thư thường gặp nhất. Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp lại tiến triển chậm và y học hiện đại đã có khả năng điều trị khỏi căn bệnh này nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Vậy bạn đang quan tâm khả năng chữa khỏi ung thư tuyến giáp là bao nhiêu phần trăm, có những phương pháp điều trị nào và cần quan tâm những điều gì khi chăm sóc một bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Hãy cùng Bác sĩ Đặng Thị Liễu Trinh giải đáp những thắc mắc này với bài viết sau đây.
Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi không?
Tại Việt Nam ung thư tuyến giáp là một trong 10 loại ung thư thường gặp (theo số liệu của GLOBOCAN 2020). Nhìn chung ung thư tuyến giáp có tỉ lệ tử vong rất thấp, chỉ khoảng 0.7 trên 100.000 người.1
Ung thư tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 60. Nam giới có ít nguy cơ mắc bệnh này hơn phụ nữ từ 2 đến 3 lần.
Đối với y học hiện đại, ung thư tuyến giáp đa số được phát hiện ở những giai đoạn sớm để có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Các trường hợp phát hiện bệnh khi đã di căn xa, người bệnh vẫn có khả năng được điều trị được, mặc dù đôi khi bệnh có thể tái phát, tiến triển sau khi điều trị.
Những cách điều trị ung thư tuyến giáp
Xác định loại ung thư tuyến giáp2 3
Việc xác định chính xác loại giải phẫu bệnh có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định điều trị và tiên lượng cho người bệnh. Có 4 loại ung thư tuyến giáp chính:
- Ung thư tuyến giáp thể nhú – loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 8 trong 10 trường hợp; thường gặp ở những người dưới 40 tuổi, đặc biệt là phụ nữ.
- Ung thư tuyến giáp thể nang – chiếm 1/10 trường hợp và có xu hướng ảnh hưởng đến người lớn tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ.
- Ung thư tuyến giáp thể tủy – chiếm ít hơn 1/10 trường hợp; không giống như các loại khác, nó có thể di truyền trong gia đình.
- Ung thư tuyến giáp kém biệt hóa – loại hiếm nhất và nghiêm trọng nhất, chiếm khoảng 1 trong 50 trường hợp và thường gặp ở những người trên 60 tuổi.
Ung thư tuyến giáp dạng nhú và dạng nang được xem là ung thư tuyến giáp biệt hóa tốt. Chúng có khả năng dễ điều trị hơn các loại khác. Các loại ung thư tuyến giáp biệt hóa (dạng nhú, dạng nang) có tỷ lệ sống cao, trong khi đó ung thư tuyến giáp không biệt hóa có tỷ lệ sống còn 10 năm chỉ 14%.2
Bạn sẽ được chăm sóc trong suốt quá trình điều trị của mình bởi một đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe đa chuyên khoa. Nhóm điều trị sẽ đề nghị những cách điều trị tốt nhất cho bạn.
Điều trị ung thư tuyến giáp phụ thuộc vào loại ung thư tuyến giáp bạn mắc phải và giai đoạn bệnh. Những phương pháp điều trị chính:2 3
Theo dõi và kiểm tra thường xuyên
Có thể không cần điều trị ngay đối với ung thư tuyến giáp dạng nhú rất nhỏ (ung thư tuyến giáp dạng nhú < 1 cm) vì những trường hợp này có nguy cơ phát triển hay di căn rất thấp. Để thay thế cho phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác, bạn cần tuân theo lịch theo dõi tích cực mà bác sĩ đưa ra. Lịch theo dõi bao gồm xét nghiệm máu và siêu âm cổ một hoặc hai lần một năm.3
Ở một số bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp dạng nhú rất nhỏ, khố bướu có thể không bao giờ phát triển và không cần bất cứ can thiệp hay điều trị gì. Tuy nhiên, có một số trường hợp ung thư có sự tăng trưởng và có thể bắt đầu điều trị.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Đây là phương pháp điều trị đầu tiên đối với hầu hết các loại ung thư tuyến giáp. Các phương pháp điều trị được áp dụng là:
1. Phẫu thuật cắt bỏ toàn phần hoặc gần toàn phần tuyến giáp.
Một cuộc phẫu thuật để cắt bỏ tất cả các mô tuyến giáp (cắt tuyến giáp toàn phần) hoặc hầu hết các mô tuyến giáp (cắt tuyến giáp gần toàn phần).
Bác sĩ phẫu thuật thường để lại những dải mô gần tuyến giáp nhỏ xung quanh (tuyến cận giáp), là một tuyến nội tiết của cơ thể giúp điều chỉnh nồng độ canxi trong máu của bạn.
2. Phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp
Trong quá trình phẫu thuật cắt thùy tuyến giáp, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ một nửa tuyến giáp. Cắt bỏ một phần tuyến giáp có thể được khuyến nghị nếu bạn bị ung thư tuyến giáp nhỏ ở một thùy của tuyến giáp và không có di căn hạch bạch huyết.
3. Nạo hạch bạch huyết ở cổ
Ung thư tuyến giáp thường di căn đến các hạch bạch huyết lân cận ở cổ. Kiểm tra siêu âm cổ trước khi phẫu thuật có thể tiết lộ các dấu hiệu cho thấy tế bào ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết. Nếu có di căn hạch, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt một số hạch bạch huyết ở cổ để xét nghiệm.
Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê và bạn không cảm thấy đau trong khi phẫu thuật. Hầu hết bệnh nhân chỉ cần theo dõi hậu phẫu tại bệnh viện vài ngày sau phẫu thuật. Những việc bạn cần lưu ý khi theo dõi tại nhà: vận động vừa phải (tránh tất cả các hoạt động có thể gây căng vùng cổ chẳng hạn như nâng vật nặng), bạn không cần kiêng cữ bất cứ loại thức ăn nào, bạn sẽ có một vết sẹo nhỏ trên cổ sau mổ và nó sẽ mờ dần theo thời gian, hãy lưu ý các biến chứng có thể gặp sau đây và báo cho bác sĩ của bạn ngay nếu bạn gặp những tình trạng này:
Các biến chứng có thể gặp trong phẫu thuật ung thư tuyến giáp
Cũng như tất cả các cuộc phẫu thuật khác, phẫu thuật tuyến giáp có nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng. Tổn thương tuyến cận giáp cũng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật nhưng tỉ lệ này khá thấp vì các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật ung thư đã được huấn luyện để tránh xảy ra biến chứng này, điều này có thể dẫn đến hạ canxi máu.
Ngoài ra còn có nguy cơ tổn thương các dây thần kinh kết nối với dây thanh quản của bạn dẫn đến sự hoạt động không bình thường của thanh quản sau khi phẫu thuật, điều này có thể gây ra khàn giọng và thay đổi giọng nói.
Thời gian phục hồi sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn và loại phẫu thuật cắt tuyến giáp bạn đã thực hiện. Hầu hết mọi người bắt đầu cảm thấy hồi phục sau 10 đến 14 ngày.
Sau khi phẫu thuật để loại bỏ tất cả hoặc hầu hết tuyến giáp, bạn có thể xét nghiệm máu để xem liệu tất cả các khối ung thư tuyến giáp đã được loại bỏ hay chưa. Các xét nghiệm có thể đo lường:
- Thyroglobulin – một loại protein được tạo ra bởi các tế bào tuyến giáp khỏe mạnh và các tế bào ung thư tuyến giáp đã biệt hóa.
- Calcitonin – một loại hormone được tạo ra bởi các tế bào ung thư tuyến giáp dạng tủy.
- CEA – một chất hóa học được tạo ra bởi các tế bào ung thư tuyến giáp thể tủy.
Các xét nghiệm này cũng được sử dụng để tìm các dấu hiệu tái phát ung thư.
Điều trị bằng iốt phóng xạ
Bạn được uống một viên thuốc chứa chất phóng xạ, nó đi qua máu và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Điều trị bằng iốt phóng xạ thường được khuyến cáo cho những bệnh nhân sau khi phẫu thuật có khả năng tái phát bệnh. Điều này sẽ giúp tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ ung thư tái phát.
1. Chuẩn bị điều trị
Để việc điều trị hiệu quả hơn, bạn sẽ được khuyên cắt giảm lượng iốt trong khẩu phần ăn của mình khoảng 1-2 tuần trước khi điều trị. Bạn nên: tránh tất cả hải sản hạn chế số lượng sản phẩm sữa bạn nạp vào cơ thể, không dùng thuốc ho – những loại thuốc này có thể chứa iốt, nên ăn loại thịt tươi (bất kể loại thịt nào theo sở thích của bạn), trái cây tươi và rau quả, cơm.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn nghĩ rằng bạn đang có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai, vì phương pháp điều trị này không an toàn trong thai kỳ. Phụ nữ nên tránh mang thai ít nhất 6 tháng sau khi điều trị, và nam giới nên tránh việc thụ thai ít nhất 4 tháng.
Nếu bạn đang cho con bú, bạn nên dừng lại một vài tuần trước khi bắt đầu điều trị.
2. Quá trình điều trị
Điều trị bằng iốt phóng xạ bao gồm việc uống iốt phóng xạ ở dạng lỏng hoặc viên nang. Iốt theo đường máu và tiêu diệt các tế bào ung thư còn xót lại. Bạn sẽ phải nằm viện hoặc cách ly tại nhà vài ngày sau đó vì iốt sẽ khiến cơ thể bạn phát ra phóng xạ nhẹ.
3. Tác dụng phụ
Các tác dụng phụ của điều trị bằng iốt phóng xạ không phổ biến, nhưng có thể bao gồm: đau cổ hoặc sưng tấy, cảm thấy mệt mỏi, miệng khô, có một vị khó chịu trong miệng,…
Việc điều trị không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nữ giới. Khả năng sinh sản có thể giảm ở nam giới sau khi điều trị, nhưng nó sẽ được cải thiện theo thời gian.
Các liệu pháp nhắm trúng đích
Các loại thuốc mới hơn được gọi là liệu pháp nhắm trúng đích đang được sử dụng rộng rãi hơn để điều trị một số loại ung thư tuyến giáp. Chúng nhắm mục tiêu cụ thể đến các tế bào ung thư, thay vì gây hại cho các tế bào khỏe mạnh cùng một lúc, như hóa trị.
Thuốc được sử dụng nhắm đúng các tế bào ung thư và ngăn chúng phát triển. Loại thuốc được sử dụng sẽ phụ thuộc vào loại ung thư tuyến giáp bạn mắc phải. Ví dụ: Ung thư tuyến giáp dạng nhú và ung thư tuyến giáp dạng nang thường được điều trị với phác đồ bao gồm phẫu thuật sau đó điều trị bằng iốt phóng xạ. Trong khi đó, ung thư tuyến giáp dạng tuỷ thường được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp và tiếp theo là xạ trị. Ung thư biểu mô tuyến giáp kém biệt hóa thường không thể được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị và hóa trị được áp dụng để kiểm soát các triệu chứng bệnh.
Liệu pháp nhắm trúng đích có hiệu quả đối với các ung thư tuyến giáp đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể (ung thư tuyến giáp di căn) mà điều trị bằng iốt phóng xạ không còn đáp ứng.
3 loại thuốc chính được sử dụng làm liệu pháp nhắm trúng đích đang được khuyến cáo hiện nay để điều trị ung thư tuyến giáp là:
- Cabozantinib.
- Lenvatinib.
- Sorafenib.
Xạ trị ngoài
Xạ trị ngoài là một máy xạ trị được sử dụng để hướng chùm tia xạ vào các tế bào ung thư để tiêu diệt chúng
Nó cũng có thể được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng của ung thư biểu mô tuyến giáp tiến triển nếu chúng không thể được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật.
Xạ trị bên ngoài thường điều trị liên tục trong tuần, một lần một ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu, nghỉ vào cuối tuần, kéo dài từ 4 đến 6 tuần.
Các tác dụng phụ của xạ trị trong ung thư tuyến giáp có thể bao gồm:
- Mệt mỏi.
- Đau khi nuốt.
- Khô miệng.
Những tác dụng phụ này sẽ hết trong vòng vài tuần sau khi kết thúc điều trị.
Hóa trị liệu
Hóa trị hiếm khi được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp, nhưng đôi khi nó được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp kém biệt hóa đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Hóa trị là việc đưa các loại thuốc vào cơ thể bằng tiêm truyền hoặc uống để tiêu diệt các tế bào ung thư, trong khi đó các tế bào bình thường khác cũng bị ảnh hưởng. Thuốc hóa trị không chữa khỏi ung thư tuyến giáp nhưng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.
Theo dõi sau khi điều trị:
- Sau khi điều trị xong, bạn vẫn tiếp tục dùng thuốc bổ sung nội tiết của tuyến giáp (nếu bạn đã trải qua phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp).
- Bạn cũng sẽ được khuyên đi khám sức khỏe định kỳ để tìm các dấu hiệu ung thư tái phát. Lịch tái khám thường áp dụng là một lần hoặc hai lần một năm trong vài năm sau khi kết thúc điều trị.
Những xét nghiệm nào bạn cần làm sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bạn. Các xét nghiệm tiếp theo có thể bao gồm:
- Khám lâm sàng vùng cổ của bạn.
- Xét nghiệm máu.
- Siêu âm cổ.
- Các xét nghiệm hình ảnh khác, chẳng hạn như CT và MRI.
Tại các cơ sở y tế tại Việt Nam, các phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp được tham khảo từ các hiệp hội lớn trên thế giới và áp dụng rất thành công, mang lại hiệu quả điều trị cao cho bệnh nhân Việt Nam. Vì vậy, hãy tuân theo phác đồ điều trị và hướng dẫn của các nhân viên y tế để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho bản thân người bệnh. Hãy đưa ra bất kì câu hỏi nào về tình trạng bệnh, cách chăm sóc bệnh nhân ung thư tuyến giáp cho bác sĩ của bạn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Viet Nam, Source: Globocan 2020https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf
-
Thyroid cancerhttps://www.nhs.uk/conditions/thyroid-cancer/treatment/
Ngày tham khảo: 26/08/2022
-
Thyroid cancerhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/thyroid-cancer/diagnosis-treatment/drc-20354167
Ngày tham khảo: 26/08/2022