Điều trị viêm âm đạo khi mang thai bằng cách nào?
Nội dung bài viết
Viêm âm đạo khi mang thai là bệnh lý khiến nhiều mẹ bầu vô cùng lo lắng. Nhất là những nguy cơ ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Do đó khi phát hiện triệu chứng, mẹ bầu cần được thăm khám và điều trị sớm để tránh các biến chứng của bệnh. Việc điều trị viêm âm đạo khi mang thai tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam sẽ giúp bạn hiểu rõ về các cách điều trị đối với viêm âm đạo khi mang thai.
Viêm âm đạo khi mang thai là bệnh lý gì?
Viêm âm đạo là thuật ngữ y khoa dùng để mô tả các rối loạn khác nhau gây ra nhiễm trùng vùng âm đạo. Tình trạng này xảy ra do nhiễm trùng bởi các: vi khuẩn, nấm hoặc virus gây ra. Những kích ứng từ các hóa chất trong kem, thuốc xịt hoặc thậm chí do tiếp xúc với quần áo có thể dẫn đến viêm âm đạo.
Trong một số trường hợp, viêm âm đạo có thể do lây nhiễm các vi sinh vật từ bạn tình, khô âm đạo. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai, sự thay đổi nội tiết tố dẫn đến thiếu hụt estrogen là một trong những yếu tố khiến vùng này trở nên nhạy cảm bởi các tác nhân gây bệnh dẫn đến viêm âm đạo khi mang thai.
Phân loại
Tùy thuộc vào nguyên nhân, viêm âm đạo khi mang thai có thể chia thành:1 2
1. Viêm âm đạo do vi khuẩn
Đây là kết quả của sự phát triển quá mức của các vi khuẩn bình thường trong âm đạo. Thông thường, vi khuẩn lactobacilli thường được tìm thấy trong âm đạo nhiều hơn các vi khuẩn khác (vi khuẩn kỵ khí). Nếu vi khuẩn kỵ khí phát triển quá mức sẽ phá vỡ sự cân bằng của môi trường, gây ra viêm âm đạo do vi khuẩn.
2. Viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis
Bệnh do một loại ký sinh trùng đơn bào lây truyền qua đường tình dục Trichomonas vaginalis gây ra. Nó có thể lây nhiễm sang các bộ phận khác của đường tiết niệu sinh dục như niệu đạo. Ở nam giới, sinh vật này thường lây nhiễm qua đường tiết niệu. Tuy nhiên thường không gây ra triệu chứng. Ở phụ nữ, Trichomonas thường lây nhiễm vào âm đạo và có thể gây ra các triệu chứng, bao gồm viêm âm đạo do Trichomonas. Nó cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác của phụ nữ.
3. Viêm âm đạo do nấm Candida albicans
Đây là loại nấm men tồn tại bình thường trong âm đạo. Khi môi trường âm đạo thay đổi tạo điều kiện cho nó phát triển quá mức gây bệnh viêm âm đạo do nấm Candida.
4. Viêm âm đạo không do nhiễm trùng
Các loại thuốc xịt/ thụt rửa âm đạo; các loại nước giặt, xà phòng; chất tẩy rửa có thể gây dị ứng hoặc kích thích mô vùng âm hộ, âm đạo. Thậm chí việc sử dụng quần áo hoặc các vật dụng như băng vệ sinh cũng có khả năng gây viêm nhiễm do kích ứng tương tự.
Chẩn đoán viêm âm đạo khi mang thai
1. Khám lâm sàng
Để chẩn đoán tình trạng viêm âm đạo, trước hết bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe và hỏi về tiền sử bệnh. Cụ thể là về bất kỳ bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục nào trước đây. Bác sĩ có thể tiến hành khám phụ khoa. Điều này giúp kiểm tra bên trong âm đạo xem có dấu hiệu viêm nhiễm bất thường không.
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm âm đạo:2
- Thay đổi màu sắc, mùi hoặc lượng dịch tiết ra từ âm đạo.
- Ngứa hoặc kích ứng âm đạo.
- Đau khi giao hợp.
- Tiểu rát, buốt.
- Chảy máu âm đạo nhẹ hoặc lấm tấm.
Đặc điểm của dịch tiết âm đạo cũng giúp chỉ ra nguyên nhân gây bệnh như:2
- Viêm âm đạo do vi khuẩn: Âm đạo có thể tiết dịch màu trắng xám, có mùi hôi tanh, thường mùi rõ hơn sau khi quan hệ tình dục.
- Nhiễm trùng nấm men: ngứa, tiết dịch màu trắng, đặc giống như pho mát.
- Nhiễm trùng roi Trichomonas: tiết dịch màu vàng xanh, đôi khi có bọt.
2. Các xét nghiệm kèm theo
Nguyên nhân của viêm âm đạo có thể được chẩn đoán bằng cách:
- Kiểm tra sự xuất hiện của dịch âm đạo;
- Nồng độ pH trong âm đạo;
- Sự hiện diện của các amin dễ bay hơi (khí gây ra mùi hôi);
- Phát hiện các tế bào bằng cách soi kính hiển vi.
Điều trị viêm âm đạo khi mang thai như thế nào?
Việc điều trị viêm âm đạo khi mang thai là vô cùng cần thiết. Chìa khóa để điều trị bệnh hiệu quả đó là chẩn đoán đúng bệnh. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Vì các triệu chứng giống nhau có thể tồn tại ở các dạng viêm âm đạo khác nhau. Đặc biệt hơn là bệnh xảy ra ở cơ địa mang thai. Do đó quá trình điều trị viêm âm đạo khi mang thai cần cân nhắc những yếu tố ảnh hưởng đến mẹ và bé.3
1. Điều trị viêm âm đạo khi mang thai do vi khuẩn
Điều trị viêm âm đạo khi mang thai do vi khuẩn nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng, cũng như giảm nguy cơ nhiễm: Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae, Trichomonas vaginalis, HIV và herpes simplex loại 2. Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kháng sinh (thường là Metronidazole hoặc Clindamycin).
Đối với viêm âm đạo trong 3 tháng đầu thai kỳ, nên sử dụng gel metronidazole bôi tại chỗ (âm đạo) để tránh các tác động của thuốc. Đôi khi viêm âm đạo do vi khuẩn có thể tự biến mất. Trước đây, việc điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn trong thai kỳ được khuyến cáo để ngăn ngừa sinh non. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng hiện nay đã chứng minh rằng điều trị kháng sinh không ngăn ngừa sinh non đối với phụ nữ bị viêm âm đạo do vi khuẩn.
2. Điều trị viêm âm đạo khi mang thai do nấm
Để điều trị viêm âm đạo do nấm, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi (Azole bôi tại chỗ); thuốc dạng kén; hoặc thuốc uống chống nấm như Diflucan.
CDC khuyến cáo rằng chỉ sử dụng liệu pháp azole tại chỗ trong bảy ngày, cho phụ nữ mang thai bị nhiễm nấm Candida âm đạo. Việc điều trị thuốc bằng đường uống có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc dị tật thai nhi, đặc biệt là ở liều cao.
Kèm theo đó, mẹ bầu cũng nên tăng cường giữ vệ sinh vùng kín, tránh ẩm ướt. Mặc quần áo thông thoáng, thấm hút tốt, cho phép không khí lưu thông. Điều này giúp làm giảm độ ẩm vùng âm đạo, ngăn nấm phát triển.
3. Điều trị viêm âm đạo khi mang thai do nhiễm Trichomonas
Để điều trị viêm âm đạo do nhiễm Trichomonas, bạn có thể được kê toa sử dụng một số thuốc kháng sinh uống như: Metronidazole và Tinidazole. Hạn chế sự lây nhiễm Trichomonas bằng cách sử dụng bao cao su khi quan hệ.
4. Điều trị viêm âm đạo không lây nhiễm
Viêm âm đạo không lây nhiễm được điều trị bằng cách thay đổi nguyên nhân gây ra bệnh. Gần đây bạn có thay đổi xà phòng tắm hay bột giặt hoặc nước xả vải không? Bạn có thể cân nhắc việc ngừng sử dụng để đánh giá các triệu chứng. Giai đoạn mang thai khiến cho làn da vùng kín trở nên nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với hóa chất. Do đó cần lưu ý khi sử dụng các sản phẩm dễ kích ứng.
Viêm âm đạo khi mang thai có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi. Do đó khi phát hiện triệu chứng bệnh, bạn hãy nhanh chóng đến thăm khám bác sĩ để có kế hoạch điều trị phù hợp. Việc điều trị viêm âm đạo khi mang thai thay đổi tùy theo nguyên nhân và tình trạng thai kỳ. Vì vậy không nên tự ý điều trị mà cần tuân thủ theo bác sĩ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Vaginitis (Vaginal Infection)https://www.webmd.com/women/guide/sexual-health-vaginal-infections
Ngày tham khảo: 27/02/2023
-
Vaginitishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vaginitis/symptoms-causes/syc-20354707
Ngày tham khảo: 27/02/2023
-
Vaginitis: Diagnosis and Treatmenthttps://www.aafp.org/afp/2018/0301/p321.html
Ngày tham khảo: 27/02/2023