Epofluden là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng
Nội dung bài viết
Cảm cúm là một trong những bệnh phổ biến nhất. Vì thế thị trường cung cấp rất nhiều thuốc trị cảm cúm, trong đó có Epofluden. Vậy thuốc có công dụng như thế nào? Cần lưu ý gì khi dùng thuốc không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây của Dược sĩ Trần Việt Linh nhé!
Hoạt chất trong Epofluden: Paracetamol, Dextromethorphan, Loratadine
Epofluden là thuốc gì?
Epofluden là thuốc cần kê toa, được dùng trong điều trị các triệu chứng cảm cúm như ho, nhức đầu, đau nhức toàn thân, sốt, nghẹt mũi, chảy nước mũi, nước mắt,… Thuốc Epofluden được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây, có thành phần chính là Paracetamol, Dextromethorphan hydrobromide và loratadine.
Epofluden được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, được đóng gói dưới dạng hộp 1 vỉ x 10 viên hoặc 10 vỉ x 10 viên.
Thành phần
Thành phần của mỗi viên nén bao phim Epofluden như sau:1
- Paracetamol: 500 mg.
- Dextromethorphan: 15 mg.
- Loratadine: 5 mg.
- Tá dược: vừa đủ.
Công dụng của từng thành phần
1. Paracetamol
Paracetamol (acetaminophen hay N-acetyl-p-aminophenol) là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau – hạ sốt hữu hiệu, nhưng không có hoạt tính kháng viêm giống aspirin. Paracetamol làm giảm thân nhiệt ở những người sốt, nhưng hiếm khi gây giảm thân nhiệt ở những người bình thường.2
Cơ chế của thuốc: Paracetamol vào vùng dưới đồi gây hạ nhiệt đồng thời tăng tỏa nhiệt nhờ tăng giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên. Nhờ chỉ tác động đến cyclooxygenase/prostaglandin của hệ thần kinh trung ương nên paracetamol không gây kích ứng dạ dày như các thuốc giảm đau NSAID khác.2
2. Dextromethorphan
Dextromethorphan được FDA chấp thuận vào năm 1958 để sử dụng như là thuốc giảm ho. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động chính cho việc sử dụng nó như thuốc giảm ho chưa được hiểu hoàn toàn, một cơ chế được đề xuất là: dextromethorphan hoạt động trên nhân tractus solitarius, vị trí ước tính nơi các sợi hướng tâm phế vị phổi khớp thần kinh trong hệ thần kinh trung ương, vị trí này trong hành não có chức năng như một cổng trong phản xạ ho.3
Dextromethorphan hiệu quả nhất trong trường hợp ho mạn tính, không có đờm, được chỉ định trong trường hợp ho do họng và phế quản bị kích thích khi cảm lạnh hoặc khi gặp phải chất kích thích.4
3. Loratadine
Loratadine là thuốc kháng histamin 3 vòng thuộc nhóm thuốc đối kháng thụ thể H1 thế hệ thứ hai nên không tác dụng an thần mà chỉ có tác dụng điều trị viêm mũi dị ứng, nổi mề đay, giảm ngứa, chảy nước mắt, sổ mũi,… Những thuốc kháng histamin không điều trị nguyên nhân mà chỉ điều trị nhẹ bớt triệu chứng.5
Tác dụng thuốc Epofluden
Epofluden có tác dụng điều trị cảm cúm, cụ thể là các triệu chứng sau:1
- Ho.
- Sốt.
- Nhức đầu.
- Đau nhức bắp thịt.
- Nhức xương khớp.
- Nghẹt mũi.
- Chảy nước mũi, nước mắt.
Cách dùng và liều dùng Epofluden
Cách dùng
Thuốc Epofluden có thể được dùng cho cả người lớn và trẻ nhỏ và nên uống theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
Epofluden được điều chế dưới dạng viên nén bao phim nên bệnh nhân sử dụng thuốc bằng cách uống nguyên viên hoặc ½ viên thuốc với lượng nước vừa đủ.
Liều dùng theo từng đối tượng1
Trẻ em trên 12 tuổi và người lớn: Uống mỗi lần 1 viên x 2 lần/ngày.
Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: Uống mỗi lần ½ viên x 2 lần/ngày.
Lưu ý: Liều dùng trên mang tính chất tham khảo từ nhà sản xuất. Liều dùng thực tế có thể phụ thuộc vào trình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ điều chỉnh liều phù hợp cho mỗi cá nhân.
Tác dụng phụ của Epofluden
Trong quá trình sử dụng thuốc bạn có thể gặp các triệu chứng là tác dụng phụ của các thành phần của thuốc như:1
1. Paracetamol
Tác dụng không mong muốn của Paracetamol là ban da và những phản ứng dị ứng khác thỉnh thoảng xảy ra. Thường là ban đỏ hoặc nổi mày đay; nhưng đôi khi nặng hơn có thể kèm theo sốt do thuốc và thương tổn niêm mạc. Một số ít trường hợp riêng lẻ, paracetamol gây giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và giảm toàn thể huyết cầu.
Triệu chứng ít gặp: ban da, buồn nôn, nôn, loạn tạo máu, giảm toàn thể tiểu cầu, giảm bạch cầu (trong đó có bạch cầu trung tính), thiếu máu, độc tính thận khi sử dụng dài ngày, bệnh thận.
Triệu chứng hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn.
2. Dextromethorphan
Phản ứng phụ thường gặp: chóng mặt, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, đỏ bừng da, buồn nôn.
Phản ứng phụ ít gặp: nổi mày đay.
Phản ứng phụ hiếm gặp: ngoại ban, buồn ngủ nhẹ (thỉnh thoảng), rối loạn tiêu hóa.
3. Loratadine
Khi sử dụng loratadin với liều lớn hơn 10 mg/ngày có thể gặp những tác dụng phụ sau đây:
- Phản ứng phụ thường gặp: đau đầu, khô miệng,…
- Phản ứng phụ ít gặp: chóng mặt, khô mũi và hắt hơi, viêm kết mạc,…
- Phản ứng phụ hiếm gặp: trầm cảm, tim đập nhanh, đánh trống ngực, loạn nhịp nhanh trên thất, buồn nôn, bất thường chức năng gan, kinh nguyệt không đều, ngoại ban, choáng phản vệ, nổi mề đay,…
Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu gặp các phản ứng phụ không mong muốn như trên, người dùng cần liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Tương tác thuốc
1. Paracetamol1
- Coumarin và dẫn chất indandion: có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông khi dùng chung với paracetamol.
- Thuốc chống co giật (gồm phenytoin, barbiturat, carbamazepin), thuốc chống lao isoniazid có thể gây tăng chuyển hóa paracetamol thành những chất có hại cho gan.
- Phenothiazin: có thể gây hạ nhiệt nghiêm trọng, đặc biệt cẩn trọng trong khi sử dụng đồng thời liệu pháp hạ nhiệt khác.
- Rượu: uống quá nhiều rượu và dài ngày đồng thời với paracetamol có thể tăng nguy cơ gây độc cho gan của thuốc.
2. Dextromethorphan1
- Thuốc ức chế MAO không nên dùng chung với Dextromethorphan.
- Thuốc ức chế thần kinh trung ương: khi dùng chung có thể làm tăng tác dụng lên thần kinh trung ương của thuốc này và của Dextromethorphan.
- Quinidin: làm giảm chuyển hóa của dextromethorphan từ đó làm tăng nồng độ của thuốc trong huyết thanh dẫn đến những tác dụng không mong muốn của thuốc.
3. Loratadine1
Cimetidin, ketoconazol, erythromycin: làm ức chế chuyển hóa của loratadin từ đó dẫn đến làm tăng nồng độ loratadin trong huyết tương, làm xuất hiện các triệu chứng không mong muốn.
Đối tượng chống chỉ định
Các đối tượng dưới đây không được sử dụng thuốc:1
- Người mẫn cảm với một trong các thành phần của thuốc.
- Trẻ em dưới 6 tuổi.
- Không dùng thuốc cho các trường hợp: Ho ở người bị bệnh hen, suy giảm chức năng hô hấp, glaucoma, phì đại tiền liệt tuyến, nghẽn cổ bàng quang (do nguy cơ bí tiểu tiện).
- Người bệnh nhiều lần thiếu máu hoặc có bệnh tim, phổi, thận hoặc gan. Người thiếu hụt enzyme glucose – 6 – phosphat dehydrogenase (G6PD).
- Người bệnh đang sử dụng các thuốc ức chế monoaminoxydase (MAO) có thể gây những phản ứng nặng như sốt cao, chóng mặt, tăng huyết áp, chảy máu não, thậm chí tử vong khi dùng chung với Epofluden.
Xử lý khi quá liều
1. Paracetamol1
Trường hợp nhiễm độc paracetamol xảy ra khi uống liều độc duy nhất Paracetamol hay uống lặp lại liều lớn (7,5 – 10g mỗi ngày), hoặc uống thuốc dài ngày.
Các triệu chứng có thể xảy ra như:
- Buồn nôn, nôn, đau bụng trong 2-3 giờ sau khi uống liều độc Paracetamol. Sự tạo thành methemoglobin gây tím tái chân da, niêm mạc, móng tay.
- Khi ngộ độc mạnh: kích thích hệ thần kinh trung ương dẫn dến kích động. Sau đó có thể ức chế hệ thần kinh trung ương: sững sờ, hạ thân nhiệt, thở nhanh, nông, mạch nhanh, yếu, mệt lả, huyết áp thấp và suy tuần hoàn.
- Tổn thương gan thể hiện rõ sau 2-4 ngày uống liều độc: aminotransferase, bilirubin tăng cao.
Điều trị:
- Rửa sạch dạ dày tốt nhất trong vòng 4 giờ sau khi uống liều độc.
- Dùng hợp chất sulfhydryl giúp bổ sung dự trữ glutathion ở gan.
- Nếu dùng Paracetamol liều độc chưa quá 36 giờ: sử dụng ngay N – acetylcystein với liều đầu tiên là 140mg/kg, sau đó cách 4 tiếng cho sử dụng tiếp N – acetylcystein 70mg/kg cho đến khi đủ 17 liều. Dừng điều trị nếu xét nghiệm paracetamol trong huyết tương thấy nguy cơ độc hại gan thấp. Lưu ý: tác dụng không mong muốn của N – acetylcystein gồm ban da, mày đay, nhưng không yêu cầu phải ngừng thuốc, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, và phản ứng phản vệ.
2. Dextromethorphan1
Các triệu chứng quá oiều Dextromethorphan có thể là: buồn ngủ, nhìn mờ, rung giật nhãn cầu, buồn nôn, nôn, bí tiểu tiện, ảo giác, mất điều hóa, co giật, suy hô hấp.
Điều trị hỗ trợ bằng cách dùng naloxon 2mg đường tiêm tĩnh mạch. Nếu cần tới tổng liều 10mg thì cho dùng nhắc lại.
3. Loratadine1
Khi uống quá liều Loratadin có biểu hiện như:
- Đối với người lớn: Buồn ngủ, nhịp tim nhanh, nhức đầu.
- Đối với trẻ em: ngoại tháp và đánh trống ngực, khi uống quá liều.
Điều trị triệu chứng và hỗ trợ ngay khi có dấu hiệu quá liều.
Trong trường hợp quá liều cấp: Gây nôn bằng siro ipeca ngay. Dùng than hoạt sau khi gây nôn để ngăn ngừa hấp thu thuốc. Triong trường hợp gây nôn không kết quả hoặc đối với người bệnh bị ngất, co giật, thiếu phản xạ nôn, nên tiến hành rửa dạ dày với dung dịch natri clorid 0,9% đồng thời đặt ống nội khí quản đề phòng ngừa hít phải dịch dạ dày. Lưu ý: Loratadin không bị loại bằng thẩm tách máu được.
Trường hợp quên liều
Uống ngay khi nhớ ra bản thân quên liều. Nhưng nếu gần với thời gian sử dụng liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và dùng thuốc đúng theo lịch trình.
Lưu ý: không được gấp đôi liều Epofluden để bù vào liều đã quên.
Lưu ý gì khi sử dụng
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc, đặc biệt khi sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng
- Cần thông báo cho bác sĩ khi sử dụng các thuốc được nêu trong mục tương tác thuốc
- Khi thấy viên thuốc bị ẩm mốc, loang màu, nhãn thuốc in số lô sản xuất, hướng dẫn,… Hay có các biểu hiện nghi ngờ khác phải đem thuốc đến hỏi lại nơi bán hoặc nơi sản xuất theo địa chỉ trong đơn.
Cách bảo quản
- Lưu trữ ở nơi khô, nhiệt độ dưới 30°C.
- Giữ thuốc xa tầm tay trẻ em và thú nuôi trong gia đình.
Epofluden giá bao nhiêu?
Hiện nay, giá bán trung bình cho mỗi hộp Epofluden gồm 1 vỉ x 10 viên là 8.000 VNĐ.
Lưu ý mức giá có thể thay đổi tuỳ thời điểm và phụ thuộc vào nhà cung cấp. Theo đó, bạn nên chọn những địa chỉ phân phối uy tín để tìm mua sản phẩm. Đảm bảo chất lượng, an toàn, tránh hàng giả gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Thông qua bài viết này, hy vọng bạn đọc có thể tìm thấy những thông tin mình cần để sử dụng thuốc Epofluden một cách hiệu quả và an toàn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tờ hướng dẫn sử dụng Epofludenhttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/07/to-huong-dan-su-dung-epofluden.pdf
Ngày tham khảo: 30/07/2023
-
Bộ Y tế (2018). Dược thư Quốc gia Việt Nam. NXB Y học Hà Nội. Trang 1118 - 1121https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=1118
Ngày tham khảo: 30/07/2023
-
Dextromethorphanhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538216/
Ngày tham khảo: 30/07/2023
-
Bộ Y tế (2018). Dược thư Quốc gia Việt Nam. NXB Y học Hà Nội. Trang 508 - 509https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=508
Ngày tham khảo: 30/07/2023
-
Bộ Y tế (2018). Dược thư Quốc gia Việt Nam. NXB Y học Hà Nội. Trang 923 - 925https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=923
Ngày tham khảo: 30/07/2023