Gan nhiễm mỡ và những thông tin bạn cần biết
Nội dung bài viết
Gan là bộ phận lớn thứ hai trong cơ thể. Gan tham gia vào quá trình trao đổi chất và lọc những chất độc hại khỏi máu. Bệnh gan nói chung và gan nhiễm mỡ nói riêng đang dần phổ biến trên toàn thế giới. Nếu không được giải quyết, bệnh có thể dẫn đến viêm gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan. Trong bài viết này, hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên tìm hiểu các thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng và cách chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ là gì?
Dựa vào khối lượng mỡ trong gan, người ta chia bệnh thành 3 mức độ:
Người bình thường có lượng mỡ trong gan rất thấp (2 – 4% trọng lượng gan). Gan nhiễm mỡ xảy ra khi có quá nhiều mỡ tích tụ trong các tế bào gan (hơn 5% trọng lượng gan).
Độ 1: khối lượng mỡ chiếm 5-10% trọng lượng gan.
Độ 2: khối lượng mỡ chiếm 10-25% trọng lượng gan.
Độ 3: khối lượng mỡ chiếm >30% trọng lượng gan.
Nguyên nhân của bệnh gan nhiễm mỡ
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh đã được xác nhận, bao gồm:
- Rượu: Ethanol trong rượu gây tăng NADH , là một chất kích thích tổng hợp chất béo tại gan. Hiện nay, rượu là một trong những nguyên nhân gây nên gan nhiễm mỡ thường gặp nhất.
Trong trường hợp người bệnh không uống rượu thì nguyên nhân gây bệnh có thể là:
- Béo phì: người béo phì có lượng chất béo vượt ngưỡng nhu cầu của cơ thể. Các chất béo dư thừa này có thể tích trữ vào gan gây tình trạng gan nhiễm mỡ.
- Mỡ bụng quá mức: những người có cân nặng trong giới hạn bình thường nhưng có quá nhiều mỡ bụng cũng có thể mắc bệnh.
- Đề kháng insulin: hormone insuline giúp tế bào lấy glucose (đường) từ máu để tạo năng lượng. Đề kháng insulin là tình trạng cơ thể giảm đáp ứng với tác dụng của insulin. Điều này gây mất cân bằng chuyển hóa mỡ trong cơ thể, dẫn đến tăng lượng mỡ trong gan.
- Hội chứng chuyển hóa: những người có các chứng bệnh như cao huyết áp, đường huyết cao, nồng độ triglyceride cao,…
Xem thêm: Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có nguy hiểm không?
Một vài nguyên nhân gây nên gan nhiễm mỡ ít gặp hơn như mang thai, giảm cân quá nhanh, tác dụng phụ của một số thuốc như Methotrexate, Tamoxifen, Amiodarone…
Các triệu chứng của gan nhiễm mỡ
Căn bệnh này không có các triệu chứng điển hình. Vì vậy, bệnh thường được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, bạn có thể có các triệu chứng như:
- Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân.
- Buồn nôn, nôn.
- Nước tiểu vàng sẫm, phân trắng: một số trường hợp có thể do uống ít nước, dùng một số thuốc nên sẽ có hiện tượng nước tiểu sẫm màu. Tuy nhiên, bạn nên đi khám vì có thể chức năng gan bạn đang có vấn đề.
- Bụng to, đau bụng: Đau bụng hoặc cảm giác đầy bụng ở bụng trên bên phải.
- Vàng da, vàng mắt: chức năng chuyển hóa mật của gan đang gặp vấn đề, gây tích tụ lại trong máu, dẫn đến vàng da.
- Ngứa ngáy, mề đay, dị ứng: chức năng gan suy giảm ảnh hưởng đến việc thải độc tố trong cơ thể dẫn đến mẩn ngứa, mề đay.
Điều quan trọng là bạn nên khám sức khỏe định kỳ. Bởi chẩn đoán gan nhiễm mỡ ở giai đoạn sớm là giai đoạn có thể chữa khỏi.
Chẩn đoán bệnh bằng cách nào?
Nếu bác sĩ của bạn nghi ngờ bạn bị gan nhiễm mỡ, họ sẽ tiến hành một số thăm khám như:
Hỏi bệnh sử
- Tình trạng bệnh gan của những người trong gia đình.
- Thói quen sử dụng rượu bia.
- Bệnh lý hiện mắc, thuốc đang sử dụng.
- Những thay đổi về sức khỏe gần đây.
Khám lâm sàng
- Bạn sẽ được khám tổng quát như: chiều cao, cân nặng, mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, tình trạng vàng da, vàng mắt, xuất huyết dưới da…
- Khám bụng: bác sĩ sờ hoặc ấn lên bụng của bạn, nếu gan to, họ có thể sẽ cảm nhận được nó.
Xem thêm: Vàng da ở người lớn: Tình trạng và những nguyên nhân thường gặp.
Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm máu để đánh giá men gan có tăng hay không. Lưu ý, gan nhiễm mỡ chỉ là một trong các nguyên nhân gây nên tình trạng này. Vì vậy, đây không phải là phương pháp chẩn đoán xác định nhưng rất cần thiết trong việc tìm ra nguyên nhân gây tổn thương gan.
- Có nhiều xét nghiệm hình ảnh để kiểm tra lượng mỡ cũng như những vấn đề khác trong gan của bạn như: siêu âm, CT scan, chụp MRI.
Sinh thiết
Bác sĩ sẽ gây tê cho bạn. Sau đó, bác sĩ dùng một kim sinh thiết để lấy một mảnh tổ chức gan và đưa đi kiểm tra tế bào học. Nếu các xét nghiệm khác không kết luận được thì đây là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán cũng như xác định nguyên nhân của bệnh.
Điều trị gan nhiễm mỡ
Hiện nay, không có một liệu pháp hay thuốc nào có thể làm hết ngay tình trạng bệnh. Tuy nhiên, bệnh tình có thể cải thiện dần dần nếu bệnh nhân thay đổi lối sống phù hợp và kịp thời, kết hợp cùng với việc điều trị các bệnh lý đi kèm.
Những thói quen sống tích cực mà người bệnh nên xây dựng:
- Hạn chế và tránh xa rượu bia.
- Kiểm soát cân nặng phù hợp.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ kết hợp với các phương pháp hay thuốc điều trị khác.
Xem thêm: Gan nhiễm mỡ: Cách điều trị vô cùng hiệu quả
Phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ
Bạn có thể phòng ngừa căn bệnh này ngay từ bây giờ bằng cách xây dựng một lối sống phù hợp và lành mạnh:
- Giảm thiểu rượu bia.
- Thực hiện chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, hạn chế các chất béo bão hòa.
- Tập luyện thể dục, thể thao ít nhất 30 phút một ngày hoặc 3 ngày/tuần.
- Duy trì cân nặng hợp lí.
Bệnh gan nhiễm mỡ diễn tiến âm thầm, dễ bỏ sót. Nếu có chiến lược phòng tránh cũng như phát hiện và điều trị sớm, bệnh hoàn toàn có thể hồi phục.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Fatty Liver: What It Is, and How to Get Rid of Ithttps://www.healthline.com/nutrition/fatty-liver
Ngày tham khảo: 12/02/2020