YouMed

Bác sĩ y học cổ truyền giải đáp câu hỏi “Giác hơi có tốt không?”

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Nền y học thế giới ngày càng tiến bộ cùng với nhiều phát minh và công nghệ mới được ứng dụng vào điều trị bệnh. Cùng với đó, các phương pháp y học cổ truyền cũng ngày càng phát triển để có thể đáp ứng nhu cầu của con người. Trong đó, liệu pháp giác hơi dù lâu đời nhưng vẫn được ưa chuộng và được nhân dân sử dụng nhiều trong cuộc sống. Vậy liệu giác hơi có tốt không, những tai biến nào có thể gặp khi thực hiện phương pháp này? Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai sẽ cùng bạn tìm hiểu và khám phá rõ hơn qua bài viết này nhé.

Tổng quan về phương pháp giác hơi

Lịch sử

Theo các tài liệu, phương pháp giác hơi được ghi nhận từ thời Ai Cập cổ đại xa xưa. Tuy nhiên, một số khác thì cho rằng chúng có nguồn gốc từ Trung Quốc hàng ngàn năm trước. Hiện này, giác hơi dần trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới như Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, cũng đã có nhiều nghiên cứu được lập ra để tìm hiểu về lợi ích của liệu pháp này và giải đáp cho câu hỏi “Giác hơi có tốt không?”.

Khái niệm

Giác hơi còn được đông y gọi là “hỏa liệu pháp”. Với lịch sử lâu đời và từ kinh nghiệm quý báu hàng ngàn năm, nhân dân đã phát huy và ứng dụng giác hơi vào trong cuộc sống hàng ngày. Thực tế, đây là phương pháp trị liệu đơn giản, dễ tiếp cận với hiệu quả đáng tin cậy.

Thời gian đầu, ống giác được làm bởi các nguyên liệu còn thô sơ như sừng động vật. Qua thời gian cải tiến, nhiều chất liệu mới tiện dụng và thẩm mỹ hơn ra đời như thủy tinh, tre, trúc, gốm…Thực tại, phổ biến nhất là loại ống giác bằng thủy tinh có đáy tròn và một đầu mở.

Bên cạnh đó, sau khi giác hơi, thông thường trên da sẽ có vết đỏ hay tím… gọi là “dấu giác”. Hiệu ứng này được xem là bình thường, có thể tự phục hồi sau vài ngày.

Cảm giác người bệnh khi giác hơi là da bị kéo căng, nóng, ấm áp, dễ chịu… do tác động của áp suất âm trong lòng ống giác. Cần lưu ý, đây là phương pháp trị liệu triệu chứng, hỗ trợ cơ thể khỏe mạnh, chống lại các tác nhân xấu.

Để đạt được hiệu quả cao nhất, nên thực hiện giác hơi khoảng 10-15 phút/ngày, kéo dài khoảng 5-10 ngày. Đồng thời, khi thực hiện, người bệnh nên thư giãn và động tác người làm phải nhẹ nhàng, chính xác, thường xuyên trấn an bệnh nhân.

Giác hơi là phương pháp y học cổ truyền có nhiều tác dụng trị bệnh hiệu quả.
Giác hơi là phương pháp y học cổ truyền có nhiều tác dụng trị bệnh hiệu quả

Một số phương pháp giác hơi

Thực tế, có nhiều phương pháp giác hơi được sử dụng rộng rãi trong nhân dân. Có thể kể đến như:

  • Phương pháp giác hơi “khô” là cách dùng hơi lửa tạo ra áp suất âm trong ống giấc bằng các đẩy toàn bộ không khí ra ngoài.
  • Phương pháp giác hơi “ướt” là kết hợp giữa chích máu rồi dùng ống giác đặt lên vị trí đó. Lúc này, với lực hút từ ống, máu sẽ được hút lên thêm. Sau cùng, để da nhanh lành và tránh nhiễm trùng, người ta thường bôi thuốc mỡ và dán băng gạc.
  • Phương pháp giác hơi “khí” là dùng bơm chuyên dụng rút không khí ra bên ngoài mà không cần dùng đến nhiệt. Cách làm này, giúp hạn chế những tai biến do bỏng và nhiễm trùng da.

Cơ chế của giác hơi

Theo y học hiện đại

Giác hơi là công cụ trị bệnh có tác dụng kích thích cơ giới và kích thích nhiệt. Các kích thích này có thể thông qua da và các mạch máu dưới da, đi qua các tế bào thần kinh truyền tới vỏ não, nhằm điều tiết trạng thái hưng phấn và ức chế. Điều này, hỗ trợ hệ thần kinh luôn ở trạng thái cân bằng.

Hơn nữa, chức năng thực bào của bạch cầu và miễn dịch của hồng cầu được tăng cường. Nhờ đó mà khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể được củng cố. Bên cạnh đó, tại vị trí giác hơi, tổ chức mô, mạch máu khi nhận được sự kích thích và sung huyết sẽ thúc đẩy tuần hoàn, cũng như tăng cường tốc độ bài tiết.

Theo y học cổ truyền

Âm dương trong cơ thể không điều hòa là nguồn gốc căn bản của mọi chứng bệnh. Chính vì vậy nguyên lý của giác hơi là ứng dụng cơ chế âm dương cân bằng và dùng nhiệt để trị các bệnh lý đối nghịch, có tính chất “hàn”. Đồng thời thông qua nguyên lý này mà trừ đi các tà khí như phong, hàn, thấp, huyết ứ… Nhờ đó mà chính khí (sức đề kháng) của cơ thể được nâng cao.

Những vị trí có thể và không thể giác hơi trên cơ thể

Giác hơi dễ thực hiện nhưng không phải bất kì vị trị nào cũng phù hợp. Tốt nhất là nên chọn cơ dày, đầy đặn hay lượng mỡ dưới da vừa phải, lông tóc ít. Ví dụ như cổ gáy, lưng, vai, bụng, tứ chi…

Căn cứ theo tình hình bệnh lý mà chọn đường kinh mạch và huyệt đạo thích hợp. Mặt khác, một số vị trí không nên làm nhằm tránh tình trạng dò khí và tổn thương da như:

  • Nơi xương không bằng phẳng, da mỏng, nhăn nheo như đầu vú, mắt, mũi…
  • Có nhiều lông tóc, mạch máu lớn, vùng trước tim.
  • Vùng da có tổn thương như bệnh lý da liễu, sẹo, lở loét…
  • Vùng có “dấu giác” cũ chưa lành, đặc biệt là nơi bụng và lưng dưới của phụ nữ mang thai, hay đang trong kỳ kinh.

Giác hơi có tốt không?

“Giác hơi có tốt không?” là câu hỏi được nhiều người đặt ra về phương pháp đông y này. Thực tế, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh về tác dụng có lợi của liệu pháp đối với sức khỏe con người chúng ta.

Theo y học hiện đại

Giảm đau, kháng viêm, giảm co cứng cơ lưng, tứ chi, cổ gáy…

Kích thích tuần hoàn máu tại chỗ, nuôi tế bào, đồng thời tăng cường trao đổi chất và oxy ở các mô.

Cân bằng hệ thần kinh cũng như trạng thái hưng phấn và ức chế, giúp thư giãn…

Hỗ trợ lỗ chân lông mở ra nhằm tạo điều kiện hút độc tố ra ngoài cơ thể.

Tăng cường hệ tiêu hóa mạnh khỏe, giảm đầy hơi, khó tiêu, hỗ trợ trường hợp béo phì.

Hệ thống hô hấp được cải thiện hơn, giảm các triệu chứng như sổ mũi, ho kéo dài, cảm lạnh

Theo y học cổ truyền

Điều trị các chứng mang tính chất “phong hàn”. Bởi phương pháp sử dụng nhiệt làm ấm cơ thể, giảm đi các triệu chứng bệnh lý như cảm mạo, phong hàn, không ra mồ hôi được…

Ngoài ra, giác hơi còn giúp hành khí, hoạt huyết, khai thông bế tắc, ứ trệ, thông kinh lạc…Từ đó mà giảm các triệu chứng đau nhức, mỏi cơ, tê bì,… Hơn nữa, chúng còn giúp mạnh chính khí và tạng phủ, đồng thời hỗ trợ cân bằng âm dương trong cơ thể, thư giãn tinh thần…

Đặc biệt, khi bệnh còn ở phần biểu, kinh lạc mà chưa tổn thương phần tạng phủ, thì biện pháp giác hơi sẽ hỗ trợ khỏi bệnh nhanh chóng hơn.

Nên giác hơi ở các vị trí cơ dày, lượng mỡ vừa phải, ít lông tóc.
Nên giác hơi ở các vị trí cơ dày, lượng mỡ vừa phải, ít lông tóc

Những tai biến có thể xảy ra khi giác hơi

Cũng như bất kỳ phương pháp trị liệu nào, giác hơi không đúng cách vẫn có thể xảy ra các tai biến không mong muốn như:

Đau đớn

Dù giác hơi ít mang lại đau đớn nhưng một số người bệnh vẫn có cảm giác này. Nguyên nhân có thể do lực hút quá mạnh, vị trí giác hơi không hợp lí, kỹ thuật thô bạo…

Bỏng, rát da

Có thể nói rằng giác hơi “khô” bằng nhiệt là liệu pháp khá phổ biến. Tuy nhiên, chúng đòi hỏi người giác hơi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật đốt lửa đúng kỹ thuật sao cho nhiệt độ vừa phải không gây bỏng hay làm rát da người bệnh.

Bên cạnh đó, nếu thực hiện giác hơi lặp đi lặp lại trên một vùng da nhiều lần, thời gian làm quá lâu cũng là tác nhân của tình trạng bỏng, rát, sẹo…

Nhiễm trùng, tổn thương da

Việc khử trùng, sát khuẩn dụng cụ rất quan trọng, đặc biệt với giác hơi “ướt”. Bởi lẽ người bệnh sẽ dễ mắc các bệnh lây nhiễm và bệnh da liễu trong quá trình thực hiện liệu pháp này. Bên cạnh đó, có thể sử dụng một số chất bôi trơn như vaseline, dầu dừa… nhằm làm giảm tính ma sát của ống giác và các tổn thương da không đáng có như trầy, xước…

Choáng, hoa mắt, chóng mặt

Tình trạng này có thể xảy ra khi cùng một thời điểm giác hơi toàn thân, hay người bệnh cơ địa nhạy cảm, đang quá đói, quá no, mắc các bệnh lý khác nặng… Vì vậy, nên lựa chọn các vị trí cần thiết và xen kẽ chúng ở mỗi lần giác hơi.

Các tai biến khác có thể gặp

  • Mất máu: Hay xảy ra đối với phương pháp giác hơi “ướt”. Đặc biệt khi chích máu trên cơ địa các trường hợp có bệnh lý máu, xuất huyết, thiếu máu nặng… dễ gây tình trạng hao hụt máu, thiếu máu nặng hơn hoặc máu khó cầm…
  • Ảnh hưởng đến thai phụ, đặc biệt khi thực hiện ở phần bụng và lưng dưới của đối tượng này.
  • Người mệt mỏi, dễ mắc bệnh cảm mạo: Điều này dễ xảy ra khi các đối tượng sau khi giác hơi không giữ ấm cơ thể, đi mưa gió,…
Sau khi giác hơi, người bệnh nên giữ ấm, tránh gió lạnh.
Sau khi giác hơi trị cảm mạo, người bệnh nên giữ ấm, tránh gió lạnh

Những đối tượng không thể giác hơi

Có lẽ, khi có ý định sử dụng liệu pháp giác hơi, hoặc khi bác sĩ chỉ định phương pháp này, đầu tiên đều đặt ra các câu hỏi như “Trên bệnh nhân này, giác hơi có tốt không?” hay “Có nên giác hơi trong trường hợp này không?”… Sau đây, sẽ là một số đối tượng không nên trị liệu bằng phương pháp này:

  • Thai phụ, phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt không nên sử dụng.
  • Trẻ em dễ bị tổn thương do da còn non và mỏng, nên hạn chế dùng phương pháp này.
  • Bệnh lý cấp cứu, ngoại khoa, suy giảm miễn dịch, suy đa cơ quan nặng…
  • Không nên giác hơi lên các vùng da đang mắc bệnh da liễu, lở loét, chấn thương nặng…
  • Đối tượng có vấn đề về máu như bệnh bạch cầu, máu không đông, giảm tiểu cầu, dễ xuất huyết…

Có thể kết luận rằng, giác hơi là liệu pháp ít đau đớn, được ưa chuộng và mang lại nhiều kết quả khả quan trong điều trị bệnh. Thế nhưng, không phải bất cứ trường hợp nào cũng có thể trị liệu bằng phương pháp này. Hi vọng bài viết đã giúp độc giả giải đáp được thắc mắc “Giác hơi có tốt không?” cũng như cách sử dụng biện pháp này sao cho hiệu quả.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Tác giả Thanh Huyền. Giác hơi trị bệnh qua hình ảnh. Nhà xuất bản Thời đại

  2. Tác giả Quang Thắng. Liệu pháp giác hơi. Nhà xuất bản Lao động

  3. Bạn biết gì về giác hơi?https://vienyhocungdung.vn/ban-biet-gi-ve-giac-hoi-20160321143701373.htm

    Ngày tham khảo: 23/07/2021

  4. Giác hơi sao cho an toàn và hiệu quảhttps://suckhoedoisong.vn/giac-hoi-sao-cho-an-toan-va-hieu-qua-n161342.html

    Ngày tham khảo: 23/07/2021

  5. Cupping Therapyhttps://www.webmd.com/balance/guide/cupping-therapy

    Ngày tham khảo: 23/07/2021

  6. What is Cupping Therapy?https://www.healthline.com/health/cupping-therapy

    Ngày tham khảo: 23/07/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người