Giải đáp những thắc mắc về đái tháo đường
Với chủ đề “Lợi ích của việc sử dụng máy đo đường huyết tại nhà” – TS. BS. Nguyễn Quang Bảy – Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai trong số phát sóng kỳ 3 đã giải đáp rất nhiều câu hỏi từ quý vị khán giả.
Chương trình do Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam phối hợp cùng công ty Roche tổ chức, chủ đề được phát sóng trên trang fanpage:
Sau đây, chúng ta sẽ điểm qua một số câu hỏi nổi bật ở số phát sóng vừa qua.
Câu hỏi: Bệnh nhân 55 tuổi, uống nhiều rượu bia và có vòng bụng lớn. Theo bác sĩ bệnh nhân có nguy cơ đái tháo đường không?
Bác sĩ trả lời: Bệnh nhân có nguy cơ rất cao bị đái tháo đường. Hiện tại có bệnh nhân đang có ít nhất 3 yếu tố nguy cơ của đái tháo đường:
1. Tuổi > 30.
2. Uống nhiều rượu bia. Bệnh nhân uống rượu bia thường đi kèm với chế độ ăn nhiều glucid, dầu mỡ và ít vận động.
3. Có vòng bụng lớn (> 90 cm). Đây là nguy cơ rất cao của đái tháo đường vì lượng mỡ ở vùng bụng nhiều sẽ gây ra tình trạng đề kháng insulin.
Bệnh nhân nên đi tầm soát đái tháo đường sớm để có phương pháp điều trị phù hợp.
Câu hỏi: Bị sụt cân, gia đình có tiền sử đái tháo đường (mẹ bị đái tháo đường) thì có nguy cơ bị đái tháo đường không?
Bác sĩ trả lời: Sụt cân là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý không chỉ mỗi đái tháo đường. Tuy nhiên nếu sụt cân mà còn kèm với tiểu nhiều, ăn nhiều, khát nước thì nguy cơ rất cao bạn cũng bị đái tháo đường. Nếu đái tháo đường đã có triệu chứng thì thường là đã diễn tiến nặng với nhiều biến chứng kèm theo. Đặc biệt là bạn có mẹ (người thân trực hệ) cũng bị đái tháo đường, đây cũng là nguy cơ rất cao bạn cũng bị đái tháo đường.
Câu hỏi: Bệnh nhân bị tiểu đường, vẫn dùng thuốc và kiểm tra đường huyết tại nhà bình thường 1 tháng/ lần nhưng gần đây bị giảm cân (59 kg sụt xuống còn 52 kg). Nhờ bác sĩ cho lời khuyên.
Bác sĩ trả lời: Vấn đề sụt cân có thể do nhiều nguyên nhân:
- Có thể do các bệnh lý không liên quan đến đái tháo đường (ung thư, bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa,…).
- Thuốc đái tháo đường hiện nay có nhiều thuốc gây sụt cân. (Trường hợp này chỉ giảm 2-4 kg, nếu sụt tới 7 kg thì cần phải tìm thêm nguyên nhân khác).
- Kiểm soát đường huyết không tốt (Đái tháo đường lâu mà chỉ khám định kỳ 1 lần/ tháng thì không đủ).
Bạn nên kiểm tra tại các trung tâm y tế và theo dõi các yếu tố kể trên.
Câu hỏi: Bệnh nhân hơn 60 tuổi, bị đái tháo đường và gần đây khớp tay thường tê, đây có phải triệu chứng của đái tháo đường?
Bác sĩ trả lời: Đây có thể là biến chứng thần kinh ngoại vi của đái tháo đường do khi đường máu cao sẽ gây ra các rối loạn chuyển hóa dẫn đến gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở ngoại vi. Đối với trường hợp này bác sĩ khuyên cần kiểm soát đường huyết thật tốt và có thể sử dụng thêm các nhóm vitamin B liều cao.
Câu hỏi: Có thể sử dụng chung máy đo đường huyết thì có được không?
Bác sĩ trả lời: Có thể nhưng lưu ý là mỗi lần sử dụng thì cần sử dụng kim riêng/bút riêng. Hiện tại có rất nhiều thiết bị lấy máu một lần không cần dùng bút, sử dụng xong thì bỏ đi. Như vậy sẽ đảm bảo an toàn cho người dùng.
Ngoài ra, chuyên gia cũng chia sẻ rất nhiều thông tin liên quan đến đái tháo đường, tầm soát và kiểm soát như thế nào cho hiệu quả. Để xem thêm những chia sẻ vô cùng hữu ích của TS. BS. Nguyễn Quang Bảy quý vị có thể click vào “Lợi ích của việc sử dụng máy đo đường huyết tại nhà” để theo dõi toàn bộ chương trình.
Đừng quên đón chờ livestream kỳ 4 chủ đề: “Tác động COVID-19 trên việc quản lý bệnh đái tháo đường” với chia sẻ từ PGS. TS. BS. Vũ Thị Thanh Huyền.