Hạ huyết áp khi mang thai: Vấn đề mẹ bầu cần lưu ý
Nội dung bài viết
Hạ huyết áp khi mang thai không phải là tình trạng hiếm gặp. Sự biến động của hormone và tuần hoàn cơ thể trong quá trình mang thai có thể gây ra tình trạng này. Bạn không phải quá lo lắng vì tình trạng này sẽ sớm ổn định sau thai kỳ. Tuy nhiên nếu hạ huyết áp trầm trọng và kéo dài có thể gây nguy hiểm cho mẹ bầu. Bài viết sau đây của bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến sẽ giúp bạn có thêm kiến thức bổ ích về tình trạng này, để có thể chăm sóc tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.
Hạ huyết áp khi mang thai là gì?
Huyết áp là một trong những chỉ số báo hiệu sức khỏe của cả mẹ và bé. Các bác sĩ sẽ sử dụng chỉ số huyết áp để hỗ trợ chẩn đoán các vấn đề hoặc biến chứng có thể xảy ra. Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, huyết áp bình thường có chỉ số tâm thu dưới 120 mmHg và chỉ số tâm trương dưới 80 mmHg.
Huyết áp thấp được định nghĩa là khi chỉ số huyết áp tâm thu thấp hơn 90 mmHg và huyết áp tâm trương thấp hơn 60 mmHg. Tình trạng hạ huyết áp có thể xảy ra trong 24 tuần đầu của thai kỳ. Hoặc bất kỳ giai đoạn nào nếu mẹ từng có tiền sử huyết áp thấp trước mang thai. Trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, thai phụ có thể thấy huyết áp của mình giảm xuống. Huyết áp thấp này thường sẽ duy trì ở mức thấp trong suốt tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai. Sau đó sẽ tăng trở lại trong tam cá nguyệt thứ ba.
Huyết áp thấp không phải là vấn đề lo ngại, trừ khi có các triệu chứng kèm theo. Sau sinh, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi vài ngày để xem có bất kỳ biến chứng nào không.
Xem thêm: Các lưu ý khi mang thai mà ai cũng phải thuộc lòng
Biểu hiện hạ huyết áp khi mang thai
Hạ huyết áp khi mang thai là tình trạng thường gặp. Đa số trường hợp không đáng lo ngại. Nhưng các triệu chứng của tình trạng này có thể gây phiền hà, làm giảm chất lượng cuộc sống. Đặc biệt là có thể khiến một số mẹ lo ngại nếu chưa từng có kinh nghiệm về vấn đề này.
Sau đây là một số triệu chứng thường gặp của hạ huyết áp khi mang thai:
- Chóng mặt.
- Dễ nhầm lẫn.
- Buồn nôn và nôn.
- Choáng váng, có thể dẫn đến ngất xỉu, đặc biệt khi thay đổi tư thế đứng dậy nhanh.
- Mệt mỏi kéo dài.
- Khó thở. Thở nông hoặc nhanh.
- Khát ngay cả sau khi uống.
- Da lạnh, nhợt nhạt, sần sùi.
- Vấn đề về thị lực: nhìn mờ, song thị…
- Lo âu.
- Ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa huyết áp thấp và tăng các triệu chứng ốm nghén.
Khi gặp các vấn đề sức khỏe như trên, hãy nhanh chóng liên hệ bác sĩ để được xác định đúng tình trạng sức khỏe. Nguyên nhân cũng có thể không phải do huyết áp thấp mà do một vấn đề sức khỏe nào khác.
Nguyên nhân gây hạ huyết áp thai kỳ
Trong 12 tuần đầu tiên, huyết áp của mẹ giảm và dao động quanh mức thấp. Nguyên nhân có thể là do tăng lưu lượng máu đến tử cung, làm ảnh hưởng đến tuần hoàn máu trong cơ thể. Bên cạnh đó cũng có một số yếu tố không liên quan đến thai kỳ làm hạ huyết áp.
Một nguyên nhân có thể là do mạch máu của bạn lớn hơn để chuyển máu đến tử cung, ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn của bạn. Các yếu tố khác không liên quan đến thai kỳ cũng có thể làm giảm huyết áp.
- Tắm nước nóng quá lâu: Phụ nữ mang thai nên tránh việc tắm nước nóng kéo dài khiến cơ thể tăng nhiệt độ hơn 39 độ C trong 10 phút.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có khả năng gây giảm huyết áp vì vậy cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nếu bạn đang mang thai.
- Thiếu máu: Đây là một trong những nguyên nhân gây ra hạ huyết áp khi mang thai. Trong thời kỳ mang thai, cơ thể cần tạo ra nhiều tế bào hồng cầu để cấp máu cho thai hơn.
- Chảy máu trong: Trường hợp huyết áp rất thấp có thể là biến chứng của các tình trạng nghiêm trọng. Ví dụ: Thai ngoài tử cung vỡ..
- Mất nước.
- Nhiễm trùng.
- Dị ứng.
- Suy dinh dưỡng.
- Rối loạn nội tiết.
- Vấn đề tim mạch.
- Nằm trên giường kéo dài.
Hạ huyết áp khi mang thai có nguy hiểm không?
Thông thường, các mẹ bầu sẽ được bác sĩ theo dõi huyết áp khi khám thai định kỳ. Nếu có bất thường, bạn sẽ được bác sĩ cho lời khuyên hoặc các lựa chọn điều trị. Đa số vấn đề cao huyết áp thường gặp hơn trong thai kỳ.
Hạ huyết áp khi mang thai thường gặp và không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên trong một số trường hợp huyết áp hạ quá mức, mẹ bầu cần được theo dõi và điều trị để tránh những biến chứng hoặc tai nạn xảy ra. Nếu bạn thường xuyên chóng mặt hoặc ngất xỉu, cần đi khám càng sớm càng tốt.
Trường hợp chóng mặt hoặc ngất xỉu kèm đau đầu dữ dội, thay đổi thị lực hoặc khó thở. Mẹ bầu cần được cấp cứu ngay lập tức vì có thể nguy hiểm. Đau ngực và cảm giác tê hoặc yếu một bên cơ thể cũng là dấu hiệu cần chăm sóc khẩn cấp.
Nếu tình trạng hạ huyết áp vẫn kéo dài sang 3 tháng cuối thai kỳ hoặc kéo dài sau thai kỳ cần thăm khám bác sĩ ngay.
Những rủi ro có thể gặp nếu hạ huyết áp khi mang thai
Một trong những nguy cơ có thể gặp nhất là ngã do ngất xỉu khi hạ huyết áp. Hạ huyết áp do thay đổi tư thể như đứng lên quá nhanh từ tư thế ngồi hoặc nằm có thể gây ngất xỉu. Thường xuyên xảy ra tình trạng này có thể gây chấn thương cơ thể và thai nhi.
Huyết áp thấp nghiêm trọng cũng có thể gây sốc hoặc tổn thương các cơ quan. Tình trạng này làm giảm lưu thông máu đến thai nhi, gây nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi. Trầm trọng nhất là gây thai chết lưu. Tuy nhiên, có nhiều lý do khác có thể gây ra những tác động tiêu cực này và huyết áp thấp thường không gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Xem thêm: Những vấn đề thường gặp khi mang thai
Điều trị hạ huyết áp khi mang thai
Đa số các trường hợp hạ huyết áp khi mang thai không cần điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần có sự can thiệp của bác sĩ để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Thuốc điều trị
Trong trường hợp thường xuyên hạ huyết áp, bác sĩ sẽ cần kê thuốc để điều chỉnh huyết áp cho bạn. Nếu một số thuốc bạn đang dùng là nguyên nhân gây ra hạ huyết áp. Bác sĩ sẽ điều chỉnh hoặc cho ngưng sử dụng đến khi tình trạng huyết áp ổn định.
Kiểm tra các tình trạng cơ bản
Huyết áp thấp có thể là dấu hiệu của một số tình trạng nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Lúc này, phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh gây ra hạ huyết áp.
Thay đổi lối sống
- Nên thường xuyên nghỉ ngơi khi mang thai, đặc biệt là khi bị huyết áp thấp.
- Trường hợp cảm thấy mệt và choáng váng, cần từ từ nằm hoặc ngồi xuống để tránh ngã. Hít thở đều đặn.
- Từ từ đứng dậy khi muốn thay đổi tư thế từ ngồi hoặc nằm.
- Nằm nghiêng bên trái cũng giúp tăng lưu lượng máu đến tim, ổn định cơ thể.
- Tránh mặc quần áo quá gò bó, gây khó chịu, mệt mỏi. Sử dụng các vớ áp lực hoặc vớ cao đến đầu gối cũng giúp cải thiện tuần hoàn.
- Đảm bảo cung cấp đủ nước. Đặc biệt nếu bạn thường xuyên nghén hoặc nôn ói.
- Chế độ ăn cần chia nhỏ bữa, đảm bảo chế độ dinh dưỡng khi mang thai đầy đủ.
- Một số trường hợp được khuyến nghị nên tăng thêm lượng muối ăn hằng ngày. Tuy nhiên sử dụng quá nhiều muối có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe khác. Do đó, liều lượng sử dụng cần có sự tư vấn từ chuyên gia và bác sĩ.
Xem thêm: Hướng dẫn bài tập thể dục cho bà bầu đơn giản, hiệu quả
Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về tình trạng hạ huyết áp khi mang thai. Việc theo dõi sức khỏe thai kỳ, trong đó có chỉ số huyết áp rất quan trọng. Điều này giúp chúng ta tránh được các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra, đặc biệt nếu mẹ bầu hạ huyết áp khi mang thai. Theo dõi huyết áp và thay đổi lối sống sẽ giúp mẹ bầu khắc phục được tình trạng này.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
10 Signs of Low Blood Pressure During Pregnancy: When to Call Doctor
https://www.babydoppler.com/blog/10-signs-of-low-blood-pressure-during-pregnancy-when-to-call-doctor/
Ngày tham khảo: 10/08/2021
-
Is It Dangerous to Have Low Blood Pressure During Pregnancy?https://www.healthline.com/health/pregnancy/low-blood-pressure-during-pregnancy#outlook
Ngày tham khảo: 10/08/2021
-
Causes and remedies for low blood pressure during pregnancyhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/320303#treatment
Ngày tham khảo: 10/08/2021