YouMed

Hạt macca và những giá trị cho sức khỏe

Thạc sĩ Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh
Tác giả: ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Những năm gần đây, hạt macca trở nên nổi tiếng như một nữ hoàng trong các loại hạt (Queen of nuts). Loại hạt này giàu chất dinh dưỡng, hỗ trợ trong các bệnh mạn tính như tim mạch, béo phì,… Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết giá trị mà hạt mắc ca đem lại. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh.

Hạt mắc ca là gì?

Tên khoa học

Tên gọi khác: mắc ca, macca là tên gọi phiên âm tiếng Việt của chi thực vật Macadamia.

Chi này gồm nhiều loài, nổi bật là Macadamia tetraphyllaM. integrifolia.

Họ Proteaceae.

Mô tả thực vật

Cây macca là cây gỗ lớn xanh, có thể cao 18m, tán rộng 15m. Rễ cọc kém phát triển nhưng rễ bàng rất rộng lớn. Thân thẳng đứng, chia cành rất nhiều. Cành tròn đều, nhiều mụn lồi, vỏ nhám không xẻ cành, vết cắt trên vỏ có màu đỏ tối. Có 3 hoặc 4 lá mọc cách theo đường xoáy ốc. Mép lá lượn sóng, mặt lá thường uốn lượn, lá nguyên mép hoặc có răng cưa, đôi khi răng cưa nhọn cứng như gai. Gân nổi.

Hoa dạng hình đuôi sóc mọc ra từ cành 1,5 – 2 tuổi, tập trung chủ yếu ở ngọn cành. Hoa thường mọc thành chùm đôi hoặc 3-4 bông trên 1 cuống hoa.

Quả khoảng 2.5 cm, nặng 8 – 9g, vỏ quả dày 2-3mm. Quả thường mọc thành chùm 2-3 quả trên cuống hoa, đôi khi có chùm có 17-20 quả. Vỏ quả gồm 2 lớp gồm lớp vỏ ngoài láng bóng, lớp áo trong rất mỏng màu trắng sữa. Hạt rất cứng, gồm lớp vỏ dày 2- 5mm, gồm 2 mảnh.

Phân bố

Cây này đang được nhân rộng tại một số vùng tại Trung Quốc, Thái Lan… Ở Việt Nam, mắc ca thường trồng ở Tây Nguyên, đặc biệt là Lâm Đồng.

Hình ảnh hạt mắc ca sau khi vừa thu hoạch
Hình ảnh hạt mắc ca sau khi vừa thu hoạch

Thành phần dinh dưỡng

So sánh với các loại hạt quả ăn được phổ biến khác như hạnh nhân hay đào lộn hột, mắc ca chứa nhiều chất béo nhưng ít protein hơn.

Hạt macca có hàm lượng chất béo chưa bão hòa đơn cao nhất trong số các loại hạt đã biết, chứa khoảng 22% axit béo omega-7 là axit palmitic. Ngoài ra, còn chứa 9% protein, 9% cacbohydrat và Vitamin B6, C, E, và các vi khoáng như canxi, photpho, kali, natri, selen, sắt, thiamin, riboflavin và niacin.

Tác dụng dược lý

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Hạt mắc ca là nguồn giàu chất béo không bão hòa đơn (axit oleic và palmitoleic) và chứa các hợp chất polyphenol. Do đó, sử dụng hạt macca có thể mang lại lợi ích sức khỏe cho con người. Nghiên cứu chứng minh rằng sử dụng hạt mắc ca trong thời gian ngắn làm giảm các stress oxy hóa, giảm hiện tượng huyết khối và viêm – đây là các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành.

Kiểm soát đường huyết

Đái tháo đường là một trong những bệnh lý dẫn đến nhiều biến chứng nặng như suy thận, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh ngoại vi, cắt cụt chi do hoại tử… Việc kiểm soát đường huyết là rất cần thiết ở người bệnh đái tháo đường.

Phân tích tổng hợp cho thấy chế độ sinh hoạt và ăn uống phù hợp, cùng với sử dụng hạt macca giúp cải thiện việc kiểm soát đường huyết ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2, cho thấy mức hemoglobin glycosyl hóa HbA1c giảm đáng kể và glucose lúc đói, không ảnh hưởng đến insulin lúc đói.

Kiểm soát trọng lượng cơ thể

Ngày nay, tỷ lệ béo phì ngày càng gia tăng không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nước đang phát triển. Béo phì làm tăng các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, bệnh lý cơ xương khớp,… Việc giảm cân nặng là tiêu chí hàng đầu trong điều trị các bệnh lý trên.

Thành phần dinh dưỡng trong hạt mắc ca có thể giúp ngăn chặn sự thèm ăn hiệu quả để ngăn ngừa sự tăng cân của cơ thể. Ngoài ra, còn có thể tăng cường tiêu hao năng lượng và giảm hấp thụ năng lượng. Mặc dù mật độ năng lượng cao và hàm lượng chất béo trong hạt macca nhưng những chất béo này là có lợi cho sức khỏe.

Cung cấp chất xơ

Hạt macca chứa 2 loại chất xơ. Chất xơ không hòa tan làm tăng lượng phân lớn giúp chống táo bón. Chất xơ hòa tan làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, làm tăng bài tiết axit mật. Từ đây, hạt mắc ca giúp thuận lợi cho hệ tiêu hóa.

Chống oxy hóa

Hạt macca cùng một số hạt khác như hạt óc chó, hạnh nhân, điều,… có khả năng chống oxy hóa nhờ hàm lượng Trolox. Trong một đánh giá hệ thống về các nghiên cứu can thiệp in vitro, in vivo và trên người, hầu hết các loại hạt trên đều cho thấy tác dụng thuận lợi trong chống oxy hóa nhờ các tác động phối hợp như polyphenol, tocopherols, phytosterol (β-sitosterol) và selen.

Hạt mắc ca hỗ trợ chống oxy hóa, giúp làm đẹp da
Hạt mắc ca hỗ trợ chống oxy hóa, giúp làm đẹp da

Cách sử dụng và bảo quản hạt macca

Bảo quản hạt macca ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp hoặc cho vào lọ kín để tủ lạnh.

Hạt macca dạng tươi hoặc rang có ít sự thay đổi, cả hai dạng đều có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, dạng rang giúp cho mùi vị và cảm quan tốt hơn. Hạt mắc ca có thể ăn thô hoặc chế biến thành các dạng như sữa hạt, bánh ngũ cốc, cháo, …

Lưu ý

  • Cũng như các loại hạt khác, macca có thể gây dị ứng với một số người, thường gặp ở người có dị ứng chéo với hạt óc chó, đậu phộng, hạt điều,…
  • Ngoài ra, ta cần cẩn trọng khi sử dụng ở trẻ nhỏ do dễ hóc dị vật. Khi cho trẻ ăn, người lớn cần giám sát và không để trẻ nô đùa trong lúc ăn.

Hạt macca đem lại nhiều giá trị cho sức khỏe. Bởi vì cơ chế cụ thể những tác động này vẫn chưa được hiểu đầy đủ cho nên quý độc giả không nên lạm dụng, sử dụng quá nhiều hạt mắc ca để tránh những tác dụng không mong muốn. Hãy tham vấn ý kiến chuyên gia và bác sĩ trước khi sử dụng.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Macadamia nut allergy in children: Clinical features and cross-reactivity with walnut and hazelnuthttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33559377/

    Ngày tham khảo: 23/05/2021

  2. A comprehensive study of raw and roasted macadamia nuts: Lipid profile, physicochemical, nutritional, and sensory propertieshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33747479/

    Ngày tham khảo: 23/05/2021

  3. Macadamia Nut Consumption Modulates Favourably Risk Factors for Coronary Artery Disease in Hypercholesterolemic Subjectshttps://link.springer.com/article/10.1007/s11745-007-3042-8

    Ngày tham khảo: 23/05/2021

  4. Benefits of Nut Consumption on Insulin Resistance and Cardiovascular Risk Factors: Multiple Potential Mechanisms of Actionshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5707743/

    Ngày tham khảo: 23/05/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người