YouMed

Ho ở trẻ em – khi nào cần lo lắng?

Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Anh
Tác giả: Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Anh
Chuyên khoa: Nhi

Ho là mặt bệnh thường gặp nhất ở trẻ em tại các phòng khám nhi. Các phụ huynh thường có những câu hỏi chung như là “sao con em ho hoài à bác sĩ ơi, có phải tại phổi bé yếu không? Từ lúc cho bé đi học bé hay ho lắm, em không dám cho con nằm máy lạnh vì sợ bé bị ho”…. Liệu những băn khoăn, thắc mắc này của ba mẹ có đúng không? Và khi nào cần thực sự lo lắng trong rất nhiều những đợt ho xảy ra ở bé? Cùng Youmed tìm hiểu qua bài viết sau nhé. 

1. Ho là gì?

Ho là một phản xạ quan trọng của cơ thể, giúp làm thông thoáng đường thở. Nghĩa là, khi đường hô hấp bị tắc nghẽn thì chúng ta sẽ có phản ứng ho để tống các chất nguy hiểm này ra. Sự tắc nghẽn thường gây ra bởi đàm nhớt, dị vật hay khói bụi… Vì vậy đây là một phản xạ tốt, giúp bảo vệ cơ thể.

Âm thanh tiếng ho của con bạn tùy thuộc vào đó là ho đàm hay ho khan.

2. Nguyên nhân gây ra ho

2.1 Nguyên nhân phổ biến nhất gây ho ở trẻ em là viêm hô hấp trên cấp tính

Một đứa trẻ khỏe mạnh sẽ có 6 đến 12 đợt viêm hô hấp cấp mỗi năm, đa số là do siêu vi. Với tần suất này, nghĩa rằng là mỗi tháng trẻ bị ho trung bình 1 lần. “Không có tháng nào con em không bị ho” là than phiền thường gặp của phụ huynh. Hiện tượng này nằm trong giới hạn bình thường nhé các ba mẹ!

Một vấn đề nữa gây lo lắng nhiều ở ông bà, cha mẹ đó là “sao bé ho kéo dài quá”. Mốc thời gian “lâu” do phụ huynh đặt ra thường là 1 tuần mà “vẫn chưa khỏi”. Thực ra, mỗi đợt viêm đường hô hấp siêu vi có thể gây ho khoảng 2 – 3 tuần với tần suất ho giảm dần trong ngày. Đôi khi, trẻ em có thể ho trong nhiều tuần sau khi hết nhiễm virus, đây được gọi là “ho sau nhiễm siêu vi”. Điều này gây ra 1 tình huống hay gặp, đó là khi trẻ đang dần giảm ho sau đợt nhiễm siêu vi trước. Lúc này trẻ lại bị nhiễm đợt siêu vi kế tiếp và ho nhiều lên. Điều này làm cho phụ huynh lầm tưởng rằng con ho mãi mà không hết.  

2.2 Một số nguyên nhân thường gặp khác gây ho ở trẻ

  • Viêm nhiễm đường hô hấp dưới
  • Dị vật đường thở: dị vật là bất kì một thứ gì ngoài đường thở như thức ăn, đồ chơi, xương, mảnh giấy… Các dị vật gây ho một cách đột ngột, ho sặc sụa đến mức tím mặt mũi. Dị vật cần được lấy ra ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm sau này…. Nên nếu nghi ngờ, ba mẹ phải cho con đi bác sĩ ngay.
  • Hen (suyễn): gây ho kèm khò khè, khó thở
  • Ho do thói quen: ho sẽ biến mất khi ngủ
  • Một số nguyên nhân ít gặp khác như: dị ứng, trào ngược, dị dạng bẩm sinh.

3. Khi nào cần đi khám

Ho là một triệu chứng chứ không phải một bệnh. Khi trẻ bị ho, phụ huynh cần theo dõi các dấu hiệu “báo động” sau:

  • Dấu hiệu bất thường về hô hấp: khó thở, thở nhanh, co lõm ngực bụng, phập phồng cánh mũi…
  • Sốt cao
  • Lừ đừ, mệt, nhìn tím tái hoặc xanh
  • Trẻ ói nhiều hoặc không chịu ăn uống gì
  • Trẻ nhỏ dưới 4 tháng, đặc biệt ở trẻ sơ sinh.
  • Nếu trẻ ho kéo dài trên 2 tuần mà không thuyên giảm
  • Ho ra máu
  • Nghi ngờ có dị vật đường thở
  • Nếu phụ huynh có bất kì lo lắng nào khác.

4. Chăm sóc trẻ ho tại nhà

Khi trẻ đã được thăm khám và chẩn đoán viêm hô hấp trên (hoặc cảm thường):

  • Uống nhiều nước ấm
  • Tạo độ ẩm trong phòng ngủ (bằng máy tạo độ ẩm, hoặc bằng một vài miếng vải ẩm). Không dùng các chậu nước đặt trong phòng vì có thể gây ra các tai nạn ngạt nước. Không để nhiệt độ máy lạnh quá thấp vì sẽ làm khô không khí nhiều hơn (trừ khi bạn có máy tạo độ ẩm).
  • Giữ môi trường trong lành nhất có thể. Khói thuốc lá sẽ làm cho cơn ho trở nên tồi tệ hơn, vì vậy điều cần thiết là bạn không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc.
  • Có một số nghiên cứu cho thấy mật ong có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian bị ho. Là một giải pháp ngắn hạn, một đến hai muỗng cà phê mật ong uống 30 phút trước khi đi ngủ có thể hữu ích cho trẻ lớn hơn 12 tháng. Nên tránh mật ong ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, vì có thể có nguy cơ gây ra ngộ độc.
  • Không nên tự ý sử dụng bất kì loại thuốc ho nào cho bé nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ, vì một số loại có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng ở trẻ nhỏ.

 

Ho là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em, có thể do nhiều bệnh khác nhau. Bệnh thường gặp nhất gây ho là viêm hô hấp trên do virus, thường tự khỏi mà không cần phải điều trị bằng thuốc. Mỗi trẻ khỏe mạnh trung bình có thể mắc 1 đợt viêm hô hấp trên mỗi tháng, và mỗi lần có thể kéo dài 2 đến 3 tuần. Tuy nhiên, nếu trẻ ho kéo dài hơn 2 tuần trẻ vẫn nên được đi khám bác sĩ để đánh giá và xem xét các nguyên nhân gây ho ở trẻ. Bạn cũng cần nhớ những dấu hiệu báo động để kịp thời đưa trẻ đi khám nhé!

Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Anh

Có thể bạn quan tâm :

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Cough/

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người