Hở van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Hở van tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến nhất. Bệnh thường gây cho chúng ta nhiều lo lắng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về căn bệnh này. Do đó, việc trang bị cho mình những thông tin cơ bản về hở van tim để nhận biết và điều trị đúng đắn là rất cần thiết.
Bệnh hở van tim là gì?
Thông thường, tim của chúng ta có những van để đảm bảo cho dòng máu đi một chiều. Nhờ đó mà việc đưa máu đi khắp nơi để nuôi cơ thể vận hành trơn tru. Có 4 loại van tim ở người bình thường:
- Hai lá
- Ba lá
- Động mạch chủ
- Động mạch phổi
Trong bệnh hở van tim, các van này vì một lý do nào đó mà không đóng kín được, khiến dòng máu bị “phụt ngược trở về”. Điều này gây “quá tải” máu cho lần bóp kế tiếp, tạo gánh nặng và gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho tim.
Nguyên nhân của bệnh là gì?
Cấu trúc của van tim có nhiều phần. Bất thường của một trong những những thành phần đó có thể làm bệnh xảy ra. Các nguyên nhân thường gặp nhất bao gồm:
1. Thấp tim
Hở van có thể xuất hiện sau thấp khớp, thấp tim.
2. Bẩm sinh
Các khiếm khuyết bẩm sinh của hệ tim mạch có thể là nguyên nhân của bệnh. Thông thường sẽ có nhiều bất thường khác đi kèm thêm. Bệnh thường biểu hiện ở van động mạch chủ và được phát hiện sớm khi còn nhỏ.
Xem thêm: Bệnh tim bẩm sinh ở người lớn: Bạn cần biết những gì?
3. Thoái hoá
Cấu trúc các thành phần của van có thể bị suy giảm khi bệnh nhân lớn tuổi.
4. Thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim
Gây tổn thương các cấu trúc của van.
Triệu chứng
Hở van tim biểu hiện nhiều triệu chứng tuỳ thuộc vào mức độ hở và diễn tiến, ảnh hưởng lên chức năng của tim.
Mức độ nhẹ thường không triệu chứng. Mức độ hở nặng và kéo dài có thể biểu hiện:
- Hay mệt mỏi, khó thở, đặc biệt là khi tăng cường vận động.
- Hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh.
- Rối loạn nhịp.
- Choáng váng khi thay đổi tư thế.
- Đau ngực, từ âm ỉ nặng ngực cho tới đau nhói nhiều.
- Phù, dễ thấy ở chân.
- Huyết khối ở các cơ quan.
- Ho ra máu.
Bệnh có nguy hiểm không?
Bệnh hở van tim mạn khi hở nhẹ hoặc trong thời gian đầu thì có ít triệu chứng. Nhưng theo thời gian, chức năng của tim sẽ giảm dần dẫn đến suy tim mạn, đặc biệt là trên những bệnh nhân có các bệnh tim khác kèm theo như: tăng huyết áp, bệnh mạch vành…
Đồng thời, những bệnh nhân hở van tim sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch khác như: thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng…
Trong các trường hợp hở van cấp tính, bệnh nhân có thể có những triệu chứng rất nghiêm trọng như truỵ tim mạch, tụt huyết áp, ngất, thậm chí là tử vong.
Điều trị
Trong quá trình điều trị bệnh, quan trọng là giảm thiểu sự ảnh hưởng đến chức năng tim. Khống chế các bệnh lý liên quan cũng là việc quan trọng đồng thời cần lưu ý.
1. Nội khoa
Các thuốc sử dụng trong hở van tim có nhiều mục đích. Chúng gồm khống chế các bệnh tim mạch hoặc bệnh liên quan khác và ngăn ngừa biến chứng do bệnh gây ra.
2. Chống tăng huyết áp
Mục đích:
- Ổn định mỡ máu.
- Kiểm soát đường huyết.
- Kháng đông, tránh huyết khối gây nghẽn mạch.
3. Ngoại khoa
Nếu hở van nặng, ảnh hưởng cuộc sống, dự đoán có thể gây suy tim cao hoặc không xử lý được bằng các phương pháp cải thiện lối sống và nội khoa, chỉ định ngoại khoa có thể được bác sĩ cân nhắc. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào đặc điểm của cá nhân có bệnh và nguyên nhân dự gây bệnh.
Phương pháp can thiệp bao gồm những cách như phẫu thuật sửa van, phẫu thuật thay van…
Bệnh có di truyền không?
Nhìn chung, bệnh không di truyền. Các nguyên nhân thường gặp nhất của hở van tim là do thấp tim, thoái hoá… Những trường hợp này do yếu tố môi trường hoặc diễn tiến tự nhiên theo tuổi.
Tuy nhiên, cũng có một phần nhỏ các bệnh lý tim mạch bẩm sinh mà hở van tim là một trong những biểu hiện của bệnh đó.
Chế độ ăn
Chế độ ăn của người bệnh này không có gì đặc biệt hơn những bệnh nhân tim mạch khác. Bệnh nhân cần:
- Bổ sung thêm rau xanh, trái cây.
- Các loại ngũ cốc, các loại hạt.
- Ăn những loại cá như cá hồi, cá thu, cá trích chứa nhiều chất béo có lợi.
- Giảm muối ăn.
- Tránh thực phẩm đóng hộp, nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế các thực phẩm nhiều cholesterol như da và nội tạng động vật.
- Không nên sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu…
- Thức uống có gas, đồ ngọt cũng là những thứ nên hạn chế.
Hở van tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến nhất. Trường hợp cấp tính có thể rất nguy hiểm, gây truỵ tim mạch và đe doạ tính mạng của người bệnh. Điều trị hở van tim cần phối hợp nhiều yếu tố, trong đó phải cải thiện lối sống, điều trị bệnh nền và ngừa biến chứng suy tim. Phẫu thuật sửa van hay thay van có thể được cân nhắc trong những trường hợp nhất định dưới chỉ định của bác sĩ tim mạch.