Hội chứng Cushing ở trẻ em liệu có nguy hiểm?
Nội dung bài viết
Hội chứng Cushing thường xảy ra ở người trưởng thành, tuy nhiên vì một số nguyên nhân ở độ tuổi trước tuổi dậy thì, trẻ em vẫn có thể mắc phải hội chứng này. Vậy hội chứng Cushing ở trẻ em liệu có nguy hiểm? Cần điều trị bệnh này như thế nào để có kết quả tốt? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Chí Hiếu tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Hội chứng Cushing là gì?
Hội chứng Cushing là một chứng rối loạn hormone. Nguyên nhân chính là do lượng hormone cortisol cao trong thời gian dài. Tỷ lệ mắc phải hội chứng này trong cộng đồng khá thấp. Nó thường xảy ra ở người lớn từ 20 đến 50 tuổi. Nhưng hội chứng này vẫn xảy ra ở trẻ em.
Triệu chứng của hội chứng Cushing ở trẻ em như thế nào?
Một số triệu chứng của hội chứng Cushing ở trẻ em như:
- Tăng cân quá mức
- Mặt tròn bất thường.
- Bướu trâu giữa vai.
- Vệt đỏ xuất hiện ở vùng bụng.
- Tay và chân gầy.
- Tốc độ tăng trưởng chậm.
- Huyết áp cao.
- Da mỏng, dễ trầy xước.
- Dễ bị bầm tím.
- Rạn da ở bụng, đùi, mông, cánh tay và ngực.
- Yếu xương và cơ.
- Mệt mỏi nghiêm trọng.
- Tăng đường huyết.
- Ở bé gái: Không xuất hiện kinh nguyệt.
- Ở bé trai: Không xuất hiện các biểu hiện dậy thì.
Các triệu chứng của hội chứng Cushing có thế giống như các tình trạng sức khỏe khác. Để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất, phụ huynh hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Nguyên nhân của hội chứng Cushing
Nguyên nhân phổ biến của hội chứng Cushing ở trẻ em là do cơ thể sản xuất quá mức cortisol. Rối loạn thường xảy ra khi xuất hiện khối u trong tuyến yên. Khối u này tạo ra quá nhiều hormon vỏ thượng thận ACTH. Điều này khiến tuyến thượng thận tạo ra quá nhiều corticosteroid.
Một nguyên nhân khác là lạm dụng glucocorticoid để điều trị hen suyễn, giảm đau và các bệnh huyết học, da liễu cho trẻ trong thời gian dài.
Các nguyên nhân khác bao gồm:
- Một số loại ung thư.
- Khối u trên tuyến thượng thận.
- Rối loạn nội tiết di truyền.
- Một số bệnh mãn tính như lupus, viêm khớp dạng thấp,…
Hội chứng Cushing ở trẻ em có nguy hiểm không?
Hội chứng Cushing nếu không được điều trị về lâu dài có thể gây ra các bất thường cho trẻ, như là:
- Tăng trưởng bất thường.
- Huyết áp cao.
- Suy giảm hệ thống miễn dịch.
- Đái tháo đường.
Hội chứng Cushing có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển và tâm lý của trẻ. Việc điều trị càng sớm sẽ giúp giảm bớt các vấn đề nguy hiểm có thể gây ra cho trẻ.
Chẩn đoán hội chứng Cushing ở trẻ em
Bác sĩ sẽ đưa ra một số câu hỏi về tiền sử bệnh và tiền sử sử dụng thuốc của bệnh nhi. Ngoài ra bác sĩ cũng cần được biết những nhóm thuốc mà con bạn đã từng bị dị ứng. Sau đó các xét nghiệm chẩn đoán sẽ được tiến hành như:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu: Chúng được thực hiện để đo nồng độ cortisol.
- Chụp CT: Sử dụng một loạt tia X và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể của trẻ bao gồm cả xương, cơ, mỡ và các cơ quan.
- Chụp cộng hưởng từ: Cách này sử dụng sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể.
- Ức chế dexamethasone: Xét nghiệm này cho biết liệu cortisol dư thừa là từ tuyến yên hay từ khối u ở những nơi khác trong cơ thể bé.
- Kích thích hormone giải phóng corticotropin (CRH): Xét nghiệm này co biết nguyên nhân gây hội chứng Cusing ở trẻ em là do khối u tuyến yên hay từ khối u tuyến thượng thận.
Các phương pháp điều trị
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi và sức khỏe chung của trẻ. Nó cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Việc điều trị có thể bao gồm:
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ u tuyến yên là phương pháp điều trị đem lại kết quả lâu dài duy nhất đối với bệnh Cushing. Ở trẻ em, kỹ thuật nội soi xâm lấn tối thiểu được áp dụng rộng rãi. Vì phương pháp này giúp giảm bớt chảy máu và giảm đau đớn khi phẫu thuật đồng thời thời gian hồi phục cũng nhanh hơn. Tỷ lệ thành công khi phẫu thuật là rất cao khoảng từ 50- 80%.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng các liều lượng phóng xạ được tính toán cẩn thận để phá hủy hoặc tiêu diệt tế bào tạo ra các khối u. Cánh này được thực hiện khi bệnh nhi không thể phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tác dụng phụ của xạ trị như suy tuyến yên có thể sẽ xảy ra lâu dài vì vậy trẻ mắc hội chứng Cushing cần được theo dõi bởi các bác sĩ nội tiết.
Sử dụng thuốc
Đầu tiên phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc giảm hoặc cắt bỏ các loại thuốc Corticosteroid đang sử dụng cho con mình kể cả đường toàn thân hay tại chỗ. Bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc dùng để kiểm soát việc sản xuất quá mức cortisol tại tuyến thượng thận với liều lượng được tính toán phù hợp với cân nặng hay thể trạng của từng trẻ.
Thuốc được sử dụng để kiểm soát corticoid khi phẫu thuật hoặc xạ trị cho trẻ không đem kết quả khả quan. Thuốc cũng được sử dụng trước khi phẫu thuật ở những bé đã bị bệnh nặng để cải thiện triệu chứng và giảm thiểu các nguy cơ sau phẫu thuật.
Một số phương pháp điều trị khác được kể đến như:
- Thuốc hóa trị liệu hoặc các liệu pháp miễn dịch.
- Phẫu thuật cắt bỏ hoặc xạ trị khối u trên tuyến thượng thận.
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận.
Trên đây là những thông tin cần thiết về hội chứng Cushing ở trẻ em. Trong khi điều trị bệnh, bố mẹ cần theo dõi tiến triển bệnh của con và tái khám thường xuyên. Điều trị bệnh ở trẻ em khó khăn hơn ở người lớn rất nhiều vì vậy để đạt được kết quả tốt phụ huynh hãy hướng dẫn con mình thực hiện đúng các chỉ định của bác sĩ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Cushing Syndrome in Childrenhttps://www.nationwidechildrens.org/conditions/health-library/cushing-syndrome-in-children
Ngày tham khảo: 08/06/2021
-
Cushing Syndrome in Pediatricshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3594781/
Ngày tham khảo: 08/06/2021