Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân và triệu chứng
Nội dung bài viết
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn phổ biến ảnh hưởng đến ruột già. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón hoặc cả hai. IBS là một tình trạng mãn tính và cần phải quản lý và điiều trị lâu dài. Chỉ một số ít người bị IBS có các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng. Một số người có thể kiểm soát các triệu chứng của họ bằng cách quản lý chế độ ăn uống, lối sống và căng thẳng. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể được điều trị bằng thuốc. IBS không gây ra thay đổi cấu trúc trong mô ruột hoặc làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
1. Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ruột kích thích rất đa dạng. Phổ biến nhất bao gồm:
- Đau bụng, cồn cào bụng hoặc đầy hơi thường thuyên làm cho người bệnh phải đi tiêu nhiều lần để giảm sự khó chịu.
- Xì hơi (trung tiện) nhiều.
- Tiêu chảy hoặc táo bón, đôi khi xen kẽ các đợt tiêu chảy và táo bón.
- Chất nhầy trong phân.
Hầu hết những người bị hội chứng ruột kích thích (IBS) có các dấu hiệu và triệu chứng theo từng đợt. Có lúc triệu chứng trở nên rất tồi tệ, có lúc lại trở về hoàn toàn bình thường.
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác của IBS hiện vẫn chưa được biết đến. Các yếu tố dường như đóng vai trò bao gồm:
2.1 Co thắt cơ trong ruột
Các thành của ruột được lót bằng các lớp cơ vòng. Khi thức ăn di chuyển qua, chúng co bóp giúp lưu thông thức ăn. ở người IBS, các cơn co thắt mạnh hơn và kéo dài hơn bình thường. Do đó, có thể gây ra xì hơi, đầy bụng và tiêu chảy. Các cơn co thắt ruột yếu hơn có thể làm chậm quá trình đi qua thức ăn và dẫn đến phân cứng, khô.
2.2 Hệ thần kinh
Bất thường ở dẫn truyền thần kinh trong hệ thống tiêu hóa có thể khiến bạn trải qua cảm giác khó chịu khi bụng bị căng ra do khí hoặc phân. Các tín hiệu phối hợp kém giữa não và ruột có thể khiến cơ thể phản ứng thái quá với những thay đổi thường xảy ra trong quá trình tiêu hóa. Từ đó dẫn đến đau, tiêu chảy hoặc táo bón.
2.3 Viêm trong ruột
Một số người mắc IBS có số lượng tế bào hệ thống miễn dịch trong ruột tăng cao hơn bình thường. Phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch này có liên quan đến đau và tiêu chảy.
2.4 Nhiễm trùng nặng
IBS có thể phát triển sau khi bị tiêu chảy nặng (viêm dạ dày ruột) do vi khuẩn hoặc virus. IBS cũng có thể liên quan đến sự dư thừa vi khuẩn trong ruột (sự phát triển quá mức của vi khuẩn).
2.5 Thay đổi vi khuẩn trong ruột (microflora)
Microflora là vi khuẩn “tốt” cư trú trong ruột và đóng vai trò chính trong sức khỏe. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hệ vi sinh vật ở những người mắc IBS có thể khác với hệ vi sinh vật ở những người khỏe mạnh.
3. Những yếu tố kích hoạt tình trạng IBS
Các triệu chứng của IBS có thể được kích hoạt bởi một số yếu tố như:
3.1 Thức ăn
Vai trò của sự không dung nạp thực phẩm trong IBS hiện chưa được hiểu rõ. Một dị ứng một loại thức ăn thực sự hiếm khi gây ra IBS. Nhưng nhiều người có triệu chứng IBS tồi tệ hơn khi họ ăn hoặc uống một số loại thực phẩm bao gồm lúa mì, các sản phẩm từ sữa, trái cây họ cam quýt, đậu, bắp cải, sữa và đồ uống có ga.
3.2 Stress
Hầu hết những người bị IBS đều có triệu chứng tồi tệ hơn hoặc thường xuyên hơn trong thời điểm stress.
3.3 Hormone
Phụ nữ có khả năng mắc IBS cao gấp đôi. Điều này có thể cho thấy sự thay đổi nội tiết tố đóng vai trò trong IBS. Nhiều phụ nữ thấy rằng các triệu chứng tồi tệ hơn trong hoặc quanh chu kỳ kinh.
4. Ai là người dễ mắc căn bệnh này?
Bạn có nhiều khả năng mắc hội chứng nếu bạn:
- Trẻ tuổi. IBS xảy ra thường xuyên hơn ở những người dưới 50 tuổi.
- Là nữ giới. Ở Hoa Kỳ, IBS phổ biến hơn ở phụ nữ. Liệu pháp estrogen trước hoặc sau mãn kinh cũng là một yếu tố nguy cơ đối với IBS.
- Có tiền căn gia đình mắc IBS. Các gen có thể đóng một vai trò quan trọng trong căn bệnh này.
- Có vấn đề sức khỏe tâm thần. Lo âu, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác có liên quan đến IBS. Có tiền sử bị lạm dụng tình dục, thể chất cũng có thể là một yếu tố nguy cơ.
5. Căn bệnh gây ảnh hưởng như thế nào?
Căn bệnh có thể gây táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy mãn tính. Do đó có thể gây ra bệnh trĩ. Ngoài ra, IBS đã được chứng minh là có liên quan với tới:
- Chất lượng cuộc sống kém. Nhiều người bị IBS từ trung bình đến nặng báo cáo chất lượng cuộc sống kém. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị IBS bỏ lỡ ba ngày làm việc nhiều hơn những người không có IBS.
- Rối loạn cảm xúc. Trải qua các dấu hiệu và triệu chứng của IBS có thể dẫn đến trầm cảm hoặc lo lắng. Trầm cảm và lo lắng cũng có thể làm cho IBS tồi tệ hơn.
Rõ ràng, hội chứng ruột kích thích (IBS) là một căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng thực sự rất ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chính vì nguyên nhân cũng chưa rõ ràng nên phương pháp điều trị vẫn còn nhiều tranh cãi. Việc xác định các yếu tố nguy cơ giúp hạn chế được tình trạng bùng phát nặng của căn bệnh này.
Xem thêm bài viết liên quan:
Bệnh nhân Hội chứng ruột kích thích cần chuẩn bị gì trước khi khám bệnh?
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Irritable bowel syndrome (Symptoms & causes)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/irritable-bowel-syndrome/symptoms-causes/syc-20360016
Ngày tham khảo: 01/01/2020