Hội chứng tiền kinh nguyệt: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Nội dung bài viết
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) bao gồm những triệu chứng xảy ra vào nửa sau chu kỳ kinh nguyệt (sau khi rụng trứng) gây ra nhiều khó chịu cho phụ nữ. Chất lượng cuộc sống của cũng bị ảnh hưởng làm nhiều bạn nữ đã rất lo lắng, băn khoăn về sức khỏe của mình. Nhưng do tâm lý ngại đến bệnh viện thăm khám mà nhiều bạn vẫn cố gắng chịu đựng, mà không tìm thấy giải pháp nào cho mình. Hãy cùng YouMed tìm hiểu thêm nhiều thông tin về Hội chứng tiền kinh nguyệt nhé
Tổng quan bệnh Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) bao gồm một loạt những rối loạn tâm lý, sinh lý và hành vi của phụ nữ trong khoảng một đến hai tuần trước khi bước vào chu kỳ kinh nguyệt.
Mặc dù hội chứng này không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cũng không nên có thái độ chủ quan. Vì nếu không quan tâm theo dõi, điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dẫn đến nhiều rối loạn về thể chất, tinh thần. Điều này khiến bạn khó kiểm soát cảm xúc, làm ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân, gia đình và các mối quan hệ xã hội của phụ nữ.
Triệu chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt có rất nhiều triệu chứng và biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau tùy theo cơ địa của từng người. Tuy rằng chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng hội chứng này có thể diễn tiến nặng nề đến mức gây gián đoạn sinh hoạt bình thường của phụ nữ.
Những triệu chứng tiền kinh nguyệt thường gặp mà bạn nên chú ý bao gồm:
1. Thay đổi khẩu vị
Cảm giác thèm ăn có thể là dấu hiệu của Hội chứng tiền kinh nguyệt. Nhiều người có thể đột ngột thèm ăn một món ăn cụ thể nào đó. Khoa học vẫn chưa giải thích cụ thể nguyên nhân nào dẫn tới triệu chứng này.
Tuy nhiên, một số khác có thể xảy ra tình huống hoàn toàn ngược lại. Họ than phiền rằng cảm thấy chán ăn, không muốn ăn những món ăn mà thường ngày rất yêu thích
2. Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa có rất nhiều nguyên nhân, và cũng có thể là dấu hiệu của hội chứng này. Bạn có thể cảm thấy đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy.
3. Nổi mụn trứng cá
Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của Hội chứng tiền kinh nguyệt. Lí do có thể do sự thay đổi nội tiết làm cho da bài tiết nhiều bã nhờn hơn. Quá nhiều chất nhờn sẽ gây tắc nghẽn lỗ chân lông, khiến cho mụn trứng cá xuất hiện.
4. Đau nhức toàn thân
Bạn có thể cảm thấy đau ở nhiều vị trí, gồm đau đầu, đau lưng, đau khớp, cảm giác căng tức ở ngực. Nhưng thường gặp nhất là ở vùng bụng và thắt lưng.
5. Rối loạn cảm xúc
Ảnh hưởng khó lường nhất của Hội chứng tiền kinh nguyệt mà đa số đều lo ngại là những thay đổi về mặt cảm xúc và hành vi.
Bạn có thể cảm thấy giận dữ, khó chịu và cáu gắt. Ngoài ra, cảm giác phiền muộn, lo lắng, cảm thấy bị xa lánh và trầm cảm có thể hiện diện.
Bên cạnh đó, cảm xúc của bạn cũng nhạy cảm hơn, dễ bị kích thích, dễ khóc hoặc phản ứng thái quá. Những cảm xúc này thường xuất hiện vào trước chu kỳ kinh nguyệt.
Nghiêm trọng hơn, trí nhớ và sự tập trung của bạn có thể suy giảm trong giai đoạn này.
Chị em cũng có thể bị mất ngủ, chợp mắt giấc ngắn rồi bị bừng tỉnh…
6. Thay đổi ham muốn tình dục
Trong một số trường hợp, Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể làm thay đổi nhu cầu tình dục. Nhiều người bị suy giảm ham muốn tình dục, né tránh chuyện chăn gối. Nếu điều này diễn tiến lâu dài mà không để ý tìm hiểu nguyên nhân, sẽ dẫn đến mâu thuẫn không đáng có trong đời sống hôn nhân.
7. Triệu chứng khác
Nhiều người có thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải, không có sức lực trước chu kỳ kinh nguyệt. Một số khác bị sưng phù tay chân, cân nặng tăng lên.
Đa phần các triệu chứng trên kéo dài trong 1-2 tuần, trước khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt và biến mất sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt.
Nguyên nhân Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hiện nay, khoa học vẫn chưa thể lý giải cụ thể và rõ ràng về nguyên nhân chính xác của Hội chứng tiền kinh nguyệt.
Nhưng có thể xác định một sự liên quan của hội chứng này với sự giảm nồng độ hai hormone sinh dục là estrogen và progesteron trong vài tuần trước khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, một yếu tố khác dẫn tới Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể là sự thay đổi hóa chất trong não hoặc do thiếu hụt lượng vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Các yếu tố khiến hội chứng này diễn tiến nghiêm trọng hơn bao gồm: ăn mặn, uống đồ uống có cồn (bia, rượu) hoặc đồ uống chứa caffein.
Đối tượng nguy cơ của Hội chứng tiền kinh nguyệt
Khoảng 75% phụ nữ đều có thể xuất hiện các triệu chứng của hội chứng này tại một thời điểm nào đó trong suốt cuộc đời.
Dưới 5% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ mắc phải một dạng Hội chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng hơn, được gọi là rối loạn trầm cảm tiền kinh nguyệt (PMDD).
Một số người sẽ có nguy cơ mắc Hội chứng tiền kinh nguyệt cao hơn, bao gồm:
- Người đã mang thai từ 1 lần trở lên.
- Người có tiền sử bị rối loạn tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm hoặc trầm cảm sau sinh.
- Trong gia đình có người bị trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng này.
- Những người lười vận động, không tập thể dục.
- Người bị căng thẳng quá mức.
- Chế độ ăn thiếu các chất quan trọng: vitamin B6, canxi và magiê.
- Người hấp thu quá nhiều caffein.
Các biện pháp chẩn đoán Hội chứng tiền kinh nguyệt
Không có bất kỳ xét nghiệm nào giúp chẩn đoán Hội chứng tiền kinh nguyệt. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng của bạn, bao gồm thời điểm các triệu chứng xảy ra và mức độ ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống của bạn.
Bạn có thể mắc phải Hội chứng tiền kinh nguyệt nếu các triệu chứng của bạn:
- Xảy ra trong năm ngày trước kỳ kinh trong ít nhất ba chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp
- Kết thúc trong vòng bốn ngày sau khi kỳ kinh của bạn bắt đầu
- Ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của bạn, ngăn cản bạn tận hưởng hoặc thực hiện một số hoạt động bình thường.
Theo dõi những dấu hiệu mà bạn có và mức độ nghiêm trọng của chúng trong vài tháng. Viết lại các triệu chứng của bạn mỗi ngày trên lịch hoặc bằng một ứng dụng trên điện thoại của bạn. Và nhớ mang theo thông tin này khi bạn đến gặp bác sĩ.
Các biện pháp điều trị bệnh Hội chứng tiền kinh nguyệt
Những biện pháp không dùng thuốc
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng và xua tan mệt mỏi. Các bạn lưu ý cần phải tập thể dục thường xuyên, đều đặn. Không phải chỉ khi triệu chứng của Hội chứng tiền kinh nguyệt xuất hiện.
Hãy tự đặt ra mục tiêu cho bản thân mình, ít nhất phải tập luyện 30 phút với cường độ vừa phải trong hầu hết các ngày trong tuần.
Chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe
Thực phẩm giàu vitamin B có khả năng chống lại hội chứng này. Ngũ cốc nguyên hạt cũng có chứa một lượng vitamin B dồi dào chính là một sự lựa chọn hoàn hảo để giảm bớt sự khó chịu của các triệu chứng.
Các thực phẩm có chứa carbohydrate phức tạp, ví dụ như ngũ cốc nguyên hạt, rất giàu nhiều chất xơ. Cho nên có thể kiểm soát lượng đường trong máu, giảm cảm giác thèm ăn và ổn định tâm trạng.
Tránh các loại thực phẩm không tốt
Các bạn nữ nên tránh tiêu thụ các loại thực phẩm sau:
- Muối: chế độ ăn nhiều có thể làm tăng triệu chứng đầy hơi.
- Caffein: thực phẩm chứa caffein khiến bạn cảm thấy khó chịu.
- Đường: sử dụng nhiều đường có thể làm cảm giác thèm ăn tồi tệ hơn.
- Rượu: có thể ảnh hưởng xấu tới tâm trạng…
Ngủ đủ giấc
Cố gắng ngủ khoảng 8 tiếng mỗi tối. Thiếu ngủ có liên quan tới trầm cảm và lo âu, khiến các triệu chứng như rối loạn cảm xúc tồi tệ hơn.
Tìm ra cách giảm stress
Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể gây căng thẳng, lo lắng, dễ bị kích thích, vì vậy, chị em cần tìm ra biện pháp để đối phó với tình trạng này. Trò chuyện với bạn bè hay viết nhật ký có thể giúp ích. Một số khác lại thấy tập yoga, thiền, massage là những cách hiệu quả để giải tỏa căng thẳng, khiến tinh thần thoải mái hơn.
Không hút thuốc
Trong một nghiên cứu lớn, phụ nữ hút thuốc được ghi nhận là có nhiều triệu chứng hơn và ở mức độ nghiêm trọng hơn những người không hút thuốc.
Thuốc
Thuốc không kê đơn
Những loại thuốc giảm đau không cần kê đơn có thể dễ dàng mua ở hầu hết các tiệm thuốc. Những thuốc này có thể giảm nhẹ các rối loạn về thể chất như đau đầu, đau lưng, căng tức ngực. Những thuốc này bao gồm:
Uống thuốc giảm đau không kê đơn ngay trước khi kỳ kinh bắt đầu giúp giảm đau và chảy máu khi hành kinh.
Thuốc theo toa
Những loại thuốc này cần sự kê toa của bác sĩ, có thể cải thiện triệu chứng nếu như thuốc không kê đơn không có hiệu quả.
Những thuốc này bao gồm:
- Thuốc tránh thai.
- Thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc lợi tiểu.
- Thuốc chống lo âu.
Tất cả thuốc đều có nguy cơ, tác dụng phụ khi sử dụng. Cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiến hành điều trị.
Khi nào cần đến bệnh viện thăm khám?
Nếu hội chứng tiền kinh nguyệt khiến tâm trạng bạn tồi tệ tới mức có suy nghĩ làm hại bản thân, hãy gọi cấp cứu hoặc đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Ngoài ra, các bạn cũng nên đến bệnh viện ngay nếu các triệu chứng gây ảnh hưởng xấu tới công việc, các sinh hoạt hàng ngày. Bởi vì điều đó báo hiệu một tình trạng nặng hơn của hội chứng này.
Đa số phụ nữ đều có thể mắc phải Hội chứng tiền kinh nguyệt tại một thời điểm của cuộc đời. Đừng nên quá lo lắng vì ở hầu hếu trường hợp, hội chứng này không gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng cũng không nên chủ quan vì nó có thể diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng chất lượng sống và các mối quan hệ xã hội. Giữ thái độ bình tĩnh, quan tâm vừa phải đến các triệu chứng, tìm kiếm sự giúp đỡ của nhân viên y tế và kiên trì điều trị, rèn luyện sức khỏe có thể cải thiện các triệu chứng, giúp sống vui khỏe
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Nhận biết hội chứng tiền kinh nguyệthttps://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-hoi-chung-tien-kinh-nguyet-n173090.html
Ngày tham khảo: 06/02/2021
-
Hội chứng tiền kinh nguyệt và những điều cần biếthttps://suckhoedoisong.vn/hoi-chung-tien-kinh-nguyet-va-nhung-dieu-can-biet-n140022.html
Ngày tham khảo: 06/02/2021
-
Premenstrual syndrome (PMS)https://www.womenshealth.gov/menstrual-cycle/premenstrual-syndrome
Ngày tham khảo: 06/02/2021