Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phổi
Nội dung bài viết
Viêm phổi là bệnh lý được nhiều người quan tâm. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng và gây tử vong. Vậy, cần xây dựng kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phổi như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết sau của Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang để hiểu rõ hơn về vấn đề trên nhé!
Quan sát và theo dõi tình trạng bệnh nhân
Theo dõi và quan sát kỹ tình trạng của người bệnh là bước cần thiết để xây dựng kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phổi. Người chăm sóc bệnh cần theo dõi thể trạng, tình trạng hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa của người bệnh viêm phổi.
1. Thể trạng bệnh nhân1
- Nhiệt độ cơ thể: sốt 39°C – 40°C.
- Trạng thái về tinh thần: mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn,…
- Các dấu hiệu nhiễm khuẩn: môi khô, mắt trũng, lưỡi dơ,…
2. Tình trạng hô hấp1
Triệu chứng khó thở, tím môi xuất hiện sau vài giờ, có thể nặng dần và chuyển biến xấu do sự tăng tiết dịch trong đường thở. Có thể viêm nhiễm đường thở và nặng thêm triệu chứng viêm phổi.
Ngưỡng thở nhanh ở trẻ em phụ thuộc vào độ tuổi. Cụ thể:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi: nhịp thở từ 60 lần/phút .
- Trẻ từ 2 đến 12 tháng tuổi: nhịp thở từ 50 lần/phút.
- Trẻ từ 12 tháng tuổi – 5 tuổi: nhịp thở từ 40 lần/phút.
Ngoài ra, cũng cần quan sát các biểu hiện dưới đây của bệnh nhân:
- Biểu hiện suy hô hấp: thở co lõm ngực, hõm ức, tím môi, phập phồng cánh mũi, co kéo cơ hô hấp phụ,…
- Xem xét mức độ ho nhiều hay ít, ho khan hoặc ho có đờm.
- Màu sắc của đờm kèm theo sau những lần ho: màu xanh, vàng đục,…
- Cảm thấy đau ngực tại vùng tổn thương, tăng khi hít vào và ho. Nhìn lồng ngực hạn chế cử động, thở nhanh, nông,…
3. Tình trạng tuần hoàn1
Mạch, huyết áp có thể không thay đổi nhưng cũng có thể tăng. Trường hợp nặng bệnh nhân có thể bị sốc và trụy mạch.
4. Tình trạng tiêu hóa1
Tiêu hóa có thể bị ảnh hưởng, cảm giác nôn, buồn nôn, không thèm ăn, táo bón hoặc tiêu chảy kèm theo.
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phổi
1. Đối với người lớn1
Lưu thông đường thở
- Hướng dẫn người bệnh nằm với tư thế thích hợp.
- Bằng cách khuyến khích người bệnh uống nhiều nước để làm loãng đờm và cũng loại bỏ khỏi đường thở dễ dàng hơn.
- Chú ý bù lại nước mà bệnh nhân bị mất do sốt và thở nhanh, lựa chọn tốt nhất là uống hoa quả.
- Nhắc bệnh nhân đeo khẩu trang. Làm ấm và làm ẩm không khí mà bệnh nhân hít vào (hít vào bằng mũi và thở ra qua môi khép).
- Chỉ dẫn bệnh nhân cách thở sâu và cách ho, ho có chủ động để khạc đàm.
- Dẫn lưu đờm theo tư thế, vừa vỗ rung lồng ngực để tống đờm ra ngoài. Ở bệnh nhân lớn tuổi mà đờm nhiều không ho được thì xem xét hút đờm dãi và dịch tiết cho người bệnh
- Thở oxy (nếu có) theo chỉ định bác sĩ.
- Thực hiện y lệnh thuốc kháng sinh, thuốc long đờm. Có thể thực hiện thêm các bài tập vật lý trị liệu.
Cân bằng nước và điện giải
- Để cung cấp chất dinh dưỡng vừa chống mất nước có thể cho bệnh nhân uống nhiều nước (khoảng 2-3 lít/ngày), sữa hoặc nước hoa quả.
- Ngoài ra, có thể truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp gặp khó khăn như bệnh nhân hôn mê, hoặc không chịu bổ sung bằng đường uống.
- Theo dõi ion đồ, uống thuốc theo chỉ định.
Chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng
- Người bệnh viêm phổi cần được nghỉ ngơi nhiều, hạn chế hoạt động mạnh.
- Chọn những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng đặc biệt là rau củ, chế biến dễ tiêu hóa: cháo, súp,…
- Để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi ở tư thế thoải mái, dễ dàng cho việc hít thở. Có thể thay đổi tư thế nằm thường xuyên.
Chế độ điều trị và chăm sóc
- Cho người bệnh dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Thực hiện lấy máu xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
- Hút đàm giúp người bệnh, cho người bệnh thở oxy, thở máy theo chỉ định của bác sĩ.
- Theo dõi các phản ứng không mong muốn của thuốc, phòng trường hợp sốc phản vệ.
- Theo dõi bệnh nhân để phát hiện và kịp thời báo cho bác sĩ khi xuất hiện các biểu hiện bất thường: khó thở, tím tái, mất ý thức,…
Vệ sinh
- Sau khi khạc đàm thì cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
- Với người bệnh khó khăn trong việc đi lại thì cần vệ sinh thân thể, vệ sinh da ở những vị trí tì đè để tránh bị loét.
- Giữ phòng bệnh thông thoáng, sạch sẽ, xử lý rác thải trong phòng đúng quy định. Hạn chế tiếp xúc với người lạ có nguy cơ mang vi khuẩn khi cơ thể còn yếu.
- Nhân viên y tế rửa tay theo đúng quy trình kỹ thuật, áp dụng đúng các quy định về vô khuẩn.
Giáo dục bệnh nhân chăm sóc sức khỏe tại nhà
- Tăng cường vận động sau khi cơ thể dần hồi phục.
- Vẫn tiếp tục thực hiện các bài tập thở, tập ho là để người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
- Thường xuyên kiểm tra tình trạng tiến triển của bệnh.
- Giữ ấm cơ thể như cổ, ngực khi thay đổi thời tiết đặc biệt vào mùa đông.
- Điều trị tốt ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, viêm phế quản.
- Khi cơ thể chưa hoàn toàn bình phục thì không làm việc hoặc hoạt động quá sức.
- Phục hồi và tăng sức đề kháng cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống hợp lý và đầy đủ chất dinh dưỡng trong và sau khi hết bệnh.
- Khuyên người bệnh bỏ rượu, bỏ thuốc lá vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả điều trị và khi cơ thể phục hồi.
- Khuyến cáo người bệnh tiêm phòng đầy đủ.
Chăm sóc tinh thần
- Động viên, an ủi để gia đình hiểu và cộng tác trong suốt quá trình điều trị.
- Động viên và an ủi đối với người. Hướng dẫn và giải thích về phác đồ điều trị, hướng điều trị, thời gian điều trị và tiên lượng về các di chứng đồng thời khuyến cáo về lợi ích của việc tuân thủ điều trị sẽ giúp hiệu quả điều trị đạt được tốt nhất. Người bệnh sẽ sớm khỏi bệnh và phục hồi sức khỏe.
2. Đối với trẻ em/trẻ sơ sinh
Hạ sốt
- Thường xuyên theo dõi nhiệt độ của trẻ, nhất là khi trẻ sốt cao, liên tục. Có thể ghi lại kết quả nhiệt độ sau khi đo để giúp bác sĩ dễ điều trị.
- Cho bé mặc quần áo thoáng để cơ thể dễ dàng thoát nhiệt.
- Khi trẻ sốt trên 38°C, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt đường uống hoặc thuốc đặt hậu môn. Cần tham khảo chỉ định của bác sĩ về liều lượng.
- Khi bé sốt cao hoặc bị co giật, có thể lau người cho bé bằng nước ấm nhằm hạ thân nhiệt. Trong khi lau cần kiểm tra lại thân nhiệt của bé mỗi 15 đến 30 phút. Khi bé đã hạ sốt và thân nhiệt dưới 38°C thì ngừng lau nước. Tuy nhiên, phương pháp lau mát này không nên áp dụng cho trẻ sơ sinh.
- Bù nước cho trẻ bằng nước lọc, nước trái cây,…
Giúp trẻ tiêu đờm
- Có thể cho bé dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc tiêu đờm. Cần tuân theo chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc.
- Hướng dẫn bé cách ho.
- Nếu trẻ có sức khỏe yếu, không thể ho ra đờm thì cần dùng thiết bị hút đờm và dãi cho bé.
Cung cấp dinh dưỡng
- Với trẻ đã bú mẹ từ trước thì vẫn nên tiếp tục để trẻ dùng sữa mẹ. Nếu trẻ nuốt không được thì có thể ăn qua sonde dạ dày theo chỉ định của bác sĩ.
- Với trẻ lớn, phụ huynh nên cho trẻ ăn thực phẩm lỏng, dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ và đảm bảo đủ calo.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi xây dựng kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phổi, người chăm bệnh cũng cần nhận biết những dấu hiệu phải đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ.
Theo dõi bệnh nhân về nhiệt độ, mạch, huyết áp và nhịp thở. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc bệnh nhân cảm thấy không thuyên giảm tình trạng bệnh thì phải đưa bệnh nhân tới bệnh viện hoặc trạm y tế gần nhất.
Người thân cũng nên liên hệ với y tế ngay khi bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, môi và đầu ngón tay chuyển sang xanh, đau ngực, sốt cao, ho có đờm nghiêm trọng mà không thuyên giảm.2
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu hơn về kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phổi. Viêm phổi là bệnh có thể đe dọa đến tính mạnh. Do đó, hãy theo dõi và chăm sóc người bệnh cẩn thận để có những hành động kịp thời khi cần thiết.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
CÁCH CHĂM SÓC BỆNH NHÂN VIÊM PHỔI CẦN THỰC HIỆN CÁC BƯỚC NÀO?https://vnvc.vn/cham-soc-benh-nhan-viem-phoi/
Ngày tham khảo: 05/06/2023
-
What Are the Symptoms of Pneumonia?https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/pneumonia/symptoms-and-diagnosis
Ngày tham khảo: 05/06/2023