YouMed

Khâu cổ tử cung khi mang thai là như thế nào?

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Trong quá trình mang thai, đôi lúc thai phụ cần được thực hiện một số thủ thuật nhất định. Trong đó có thủ thuật khâu cổ tử cung khi mang thai. Vậy mục đích của thủ thuật này là để làm gì? Nó có an toàn cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi hay không? Chi phí là bao nhiêu? Tất cả thắc mắc trên sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây.

Vì sao cần phải khâu cổ tử cung khi mang thai?

Khâu cổ tử cung khi mang thai là biện pháp được áp dụng giúp ngăn ngừa nguy cơ sinh non cũng như sảy thai. Phương pháp này được áp dụng đối với những thai phụ bị hở eo tử cung hoặc có cổ tử cung yếu. Đây còn được gọi là phương pháp khâu vòng thu hẹp lỗ cổ tử cung trong lúc mang thai. Hiện nay, phương pháp này vẫn chưa thật sự được nhiều chị em biết đến.

Khâu cổ tử cung khi mang thai
Khâu cổ tử cung khi mang thai

Trong cơ quan sinh sản của nữ giới, eo cổ tử cung chính là nơi tiếp xúc giữa cổ tử cungtử cung. Thông thường, eo cổ tử cung chỉ có độ rộng đủ cho máu kinh nguyệt và dịch từ trong tử cung thoát ra ngoài âm đạo. Vì vậy, nó có kích thước rất nhỏ.

Khi bạn mang thai, áp lực của thai nhi và túi ối trong tử cung sẽ tác động nhiều đến eo và cổ tử cung. Nếu eo cổ tử cung giãn nở nhiều sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.

Chính vì vậy, các thai phụ sẽ cần được thực hiện một thủ thuật y khoa. Mục đích là để can thiệp tình trạng giãn nở quá mức của eo cổ tử cung. Lúc ấy, khâu cổ tử cung khi mang thai chính là giải pháp hữu hiệu nhất.

Thế nào là khâu cổ tử cung khi mang thai?

Khâu cổ tử cung khi mang thai được khái quát là thủ thuật khâu một vòng xung quanh cổ tử cung. Thủ thuật này nhằm mục đích thu hẹp lỗ trong tử cung. Phương pháp này được chỉ định thực hiện thường nhất vào tuần thứ 16 đến 20 của thai kỳ. Đó chính là thời điểm trước khi eo cổ tử cung bị giãn ra.

Bạn có thể xem thêm bài viết: Những thay đổi âm đạo sau khi sinh không đáng sợ như bạn nghĩ

Phương pháp này được áp dụng cho những đối tượng nào?

Không phải bất kỳ thai phụ nào cũng cần được áp dụng biện pháp khâu cổ tử cung.

Phương pháp này chỉ được áp dụng đối với một số thai phụ sau:

  • Mẹ bầu được bác sĩ chẩn đoán bị hở eo tử cung.
  • Thai phụ có tiền sử bị sảy thai do hở eo tử cung.
  • Từng bị sảy thai 2 lần trở lên mà chưa tìm được nguyên nhân chính xác.
  • Trường hợp mẹ bầu mang song thai, đa thai. Tuy nhiên, chiều dài cổ tử cung của mẹ bầu nhỏ hơn 25 mm.
  • Thai phụ từng có được khâu eo cổ tử cung trong quá khứ.
Hở eo tử cung khi mang thai
Hở eo tử cung khi mang thai

Phương pháp khâu cổ tử cung trong lúc mang thai không được áp dụng đối với những trường hợp sau:

  • Thai nhi đã lớn trên 24 tuần tuổi.
  • Có những bất thường ở thai nhi hoặc thai chết lưu.
  • Mẹ bầu bị viêm đường sinh dục cấp tính. Chẳng hạn như nhiễm trùng âm đạo, viêm cổ tử cung
  • Đã xuất hiện các cơn co tử cung từ ít đến nhiều.
  • Mẹ bầu bị viêm màng ối hoặc vỡ ối sớm.
  • Thai phụ bị xuất huyết có nguồn gốc từ tử cung.

Khi rơi vào những tình trạng bất thường nói trên, thai phụ tuyệt đối không được thực hiện biện pháp khâu cổ tử cung khi mang thai. Bởi vì thủ thuật ấy vì sẽ gây nguy hiểm đến cả mẹ bầu và thai nhi.

Thai nhi trên 24 tuần tuổi
Thai nhi trên 24 tuần tuổi

Khâu cổ tử cung thông qua âm đạo (TVC)

Có hai kỹ thuật chính để khâu cổ tử cung qua ngả âm đạo. Đó là: McDonald và Shirodkar.

Khâu vòng cổ tử cung kiểu McDonald

Đây là kỹ thuật phổ biến và được áp dụng khá rộng rãi. Các bác sĩ sẽ sử dụng chỉ silk (hoặc Mersilene hoặc nylon) số 4 để khâu những mũi sâu. Sau đó, họ sẽ cột ở phía trước. Kỹ thuật khâu cổ tử cung kiểu McDonald sẽ không bóc tách niêm mạc. Khi chỉ khâu đã tự tiêu, mẹ bầu sẽ có thể sinh con qua âm đạo một cách bình thường.

Khâu cổ tử cung khi mang thai theo kiểu McDonald
Khâu cổ tử cung khi mang thai theo kiểu McDonald

Thủ thuật khâu eo cổ tử cung kiểu Shirodka

Phương pháp này được giới thiệu vào năm 1955. Trong kỹ thuật này, trước khi khâu, niêm mạc âm đạo sẽ được bóc tách ra khỏi cổ tử cung. Tiếp theo, chỉ khâu sẽ tự tiêu vào những ngày cuối thai kỳ. Đối với phương pháp này, mẹ bầu phải sinh mổ.

Một số kỹ thuật khác

Ngoài 2 phương pháp trên, có một vài phương pháp khâu cổ tử cung khi mang thai khác ít phổ biến hơn, bao gồm:

  • Buộc vòng cổ tử cung theo phương pháp Lash.
  • Thủ thuật Wurm (một biến thể của kỹ thuật McDonald).
  • Thủ thuật Emmet được áp dụng khi phụ nữ không mang thai.
  • Kỹ thuật Page và kỹ thuật Mann là những phương pháp khác để khâu vòng eo tử cung.
  • Phương pháp Hefner: Được thực hiện khi bất túc cổ tử cung được chẩn đoán quá muộn.

Khâu cổ tử cung khi mang thai qua ngả bụng

Durfee và Benson đã tiến hành phẫu thuật khâu cổ tử cung qua ổ bụng. Bệnh nhân phải được thăm khám kỹ càng. Bởi vì thực hiện phẫu thuật này sẽ có tỉ lệ biến chứng cao hơn khâu qua ngả âm đạo.

Phương pháp này được áp dụng cho những thai phụ có cổ tử cung quá ngắn nên không thể tiến hành khâu bằng ngả âm đạo. Phẫu thuật sẽ bao gồm mở thành bụng và khâu cổ tử cung ở đỉnh trên và dưới. Sau khi thực hiện phẫu thuật này, thai phụ sẽ phải sinh mổ.

Khâu cổ tử cung qua ngả bụng
Khâu cổ tử cung qua ngả bụng

Khâu cổ tử cung diễn ra như thế nào?

Trước khi khâu cổ tử cung, mẹ bầu sẽ được các bác sĩ tiến hành gây tê cột sống hoặc gây mê. Mục đích là để thai phụ không bị đau trong suốt thời gian thực hiện thủ thuật. Thủ thuật khâu cổ tử cung được thực hiện theo một trong những cách sau đây:

  • Các mũi khâu được đặt xung quanh mặt ngoài của thành âm đạo.
  • Một loại băng keo y khoa chuyên dụng sẽ được sử dụng. Mục đích là để buộc quanh cổ tử cung và thực hiện khâu tại chỗ.
  • Rạch một vết mổ nhỏ ở cổ tử cung của thai phụ. Sau đó dùng băng keo y khoa chuyên dụng đặt vào vết mổ. Mục đích để bịt kín cổ tử cung.
  • Sau đó, thai phụ sẽ được nằm nghỉ tại giường ít nhất 2 ngày nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người mẹ và thai nhi. Các bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng vết khâu như: sự lành lặn, nhiễm trùng nếu có.

Thai phụ cũng sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau và thuốc giảm cơn co tử cung. Sau khi xuất viện, thai phụ nên nghỉ ngơi và làm việc nhẹ ít nhất 7 ngày. Sau đó, thai phụ mới nên trở lại sinh hoạt bình thường để đảm bảo sức khỏe được an toàn nhất.

Những lưu ý sau khi khâu cổ tử cung

Sau khi khâu cổ tử cung, thai phụ không nên vận động hoặc đi lại nhiều. Mục đích là  để vết khâu có thể lành nhanh chóng. Nếu có những bất thường như:

  • Đau nhiều nơi vết khâu.
  • Chảy máu.
  • Sốt kèm ớn lạnh, rét run.
  • Cơ quan sinh dục có mùi hôi khó chịu.
  • Rỉ nhiều dịch mủ.

Thai phụ nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được xử trí kịp thời. Hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Biến chứng chảy máu vết khâu cổ tử cung
Biến chứng chảy máu vết khâu cổ tử cung

Vào tuần thứ 37 đến 38 của thai kỳ, thai phụ sẽ đến cơ sở y tế để cắt chỉ khâu cổ tử cung. Đồng thời chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ và sinh em bé. Nếu thai phụ có dấu hiệu sinh sớm sẽ được tiến hành cắt chỉ khâu sớm. Điều đó nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bị đứt hoặc rách cổ tử cung.

Có tốn kém không?

Khâu cổ tử cung khi mang thai giá bao nhiêu tiền tùy thuộc vào các yếu tố như:

  • Vấn đề thăm khám, kiểm tra sức khỏe ban đầu.
  • Mức độ hở eo cổ tử cung.
  • Phương pháp khâu cổ tử cung.
  • Cơ sở y tế tiến hành thủ thuật.

Tuy nhiên, bạn đừng quá tiết kiệm chi phí mà chọn những nơi quảng cáo có giá rẻ. Hãy đến những cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bạn. 

Khâu cổ tử cung khi mang thai là một trong những thủ thuật rất ý nghĩa. Nó có vai trò bảo vệ sức khỏe của thai nhi, hạn chế tối đa tình trạng sảy thai, sinh non. Vì vậy, mẹ bầu nên đến khám tại những cơ sở y tế uy tín để được thăm khám kỹ lưỡng. Đồng thời, mẹ cũng sẽ được tiến hành khâu cổ tử cung trong những trường hợp cần thiết nhất.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Cervical cerclagehttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/cervical-cerclage/about/pac-20393435

    Ngày tham khảo: 05/06/2020

  2. Cervical Cerclagehttps://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-complications/cervical-cerclage-820/

    Ngày tham khảo: 05/06/2020

  3. What Is Cervical Cerclagehttps://www.webmd.com/baby/pregnancy-cervical-cerclage#1

    Ngày tham khảo: 05/06/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người