Trẻ bị ho: Khi nào thì cần đưa trẻ đi khám?
Nội dung bài viết
Trẻ bị ho là triệu thường gặp có thể khiến nhiều cha mẹ lo lắng nó được xem là một phản xạ tốt giúp tống xuất các chất bẩn và vi trùng ra khỏi đường thở. Nhờ đó mà bảo vệ con bạn khỏi bị viêm phổi. Con bạn có thể bị ho khan hoặc ho đàm do đường thở tiết nhiều chất nhầy.
Ho là gì?
Ho là một phản xạ quan trọng của cơ thể, giúp làm thông thoáng đường thở. Nghĩa là, khi đường hô hấp bị tắc nghẽn thì chúng ta sẽ có phản ứng ho để tống các chất nguy hiểm này ra. Sự tắc nghẽn thường gây ra bởi đàm nhớt, dị vật hay khói bụi… Vì vậy đây là một phản xạ tốt, giúp bảo vệ cơ thể. Âm thanh tiếng ho của con bạn tùy thuộc vào đó là ho đàm hay ho khan.
Nguyên nhân dẫn đến trẻ bị ho
Hầu hết nguyên nhân trẻ bị ho là do nhiễm virus. Thường do viêm khí quản hay viêm phế quản. Hầu hết trẻ em bị nhiễm virus một vài lần trong năm. Đó được xem như là một phản ứng tự nhiên của cơ thể giúp tăng sức đề kháng sau những đợt cảm lạnh. Những đợt nhiễm trùng ngắn này thường kéo dài trong vài ngày và không nghiêm trọng.
Ho có thể kéo dài trong bao lâu?
Thông thường, nếu trẻ bị viêm phế quản, triệu chứng ho khan có thể kéo dài từ 2 đến 3 tuần. Đôi khi, nếu các chất tiết ở đường hô hấp được tống xuất ra ngoài, trẻ có thể ho đàm trong vài ngày. Đây thường là một dấu hiệu cho thấy bệnh sắp được cải thiện.
Các kiểu ho thường gặp khi trẻ bị ho
1. Ho ông ổng
Ho ông ổng một cơn dài thường do viêm ở đường hô hấp trên. Đây được gọi là bệnh viêm thanh khí phế quản. Trẻ nhỏ có cấu trúc đường dẫn khí rất nhỏ. Do đó, nếu bị viêm, có thể làm cho con bạn khó thở. Trẻ em dưới 3 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất vì đường thở của chúng rất hẹp. Cơn ho thường bắt đầu đột ngột vào giữa đêm. Ngoài ra, trẻ có thể kèm theo tiếng thở rít lúc trẻ hít vào.
2. Ho gà
Ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis. Trẻ bị ho gà sẽ có những cơn ho dữ dội liên tục đến mức đỏ mặt hay tím môi. Khi hết ho, trẻ sẽ hít một hơi thật sâu để tạo ra âm thanh như tiếng rít. Các triệu chứng khác kèm theo gồm sổ mũi, hắt hơi và sốt nhẹ.
Ho gà có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhưng nghiêm trọng nhất với trẻ dưới 1 tháng tuổi vì trẻ không được tiêm vắc xin ho gà. Thường có trong thành phần của vắc xin 5 trong 1 (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan siêu vi B, Hib). Đây là bệnh rất dễ lây lan và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy tất cả trẻ em nên tiêm ngừa bệnh ho gà lúc 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng. Sau đó, nên tiêm nhắc lại khi trẻ 15 tháng và 6 tuổi.
3. Ho với khò khè
Nếu con bạn thở khò khè, đây là dấu hiệu viêm ở đường hô hấp dưới. Một trong những bệnh cảnh thường gặp là suyễn. Ngoài ra, có thể do dị vật đường thở hay trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhỏ. Trong trường hợp trẻ bị ho sau khi ăn hoặc ngậm đồ chơi nhỏ, bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.
4. Ho về đêm
Nhiều cơn ho trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm. Khi con bạn bị cảm lạnh, chất nhầy từ mũi xoang có thể chảy xuống cổ họng và gây ho trong khi trẻ ngủ. Trẻ bị ho về đêm trở thành vấn đề rắc rối khi nó khiến trẻ không thể ngủ được. Suyễn cũng có thể kích thích khiến trẻ bị ho vào ban đêm. Bởi vì đường thở có xu hướng dễ nhạy cảm và bị kích thích nhiều hơn vào ban đêm.
5. Ho dai dẳng
Ho do cảm lạnh do virus có thể kéo dài hàng tuần. Đặc biệt là nếu trẻ bị cảm lạnh nhiều đợt ngắn liên tục. Suyễn, viêm mũi dị ứng hoặc nhiễm trùng mạn tính ở các xoang hoặc đường thở cũng có thể nguyên nhân khiến trẻ bị ho lâu ngày. Nếu con bạn vẫn còn ho sau 3 tuần, hãy gọi bác sĩ của trẻ.
6. Ho kèm sốt
Trong trường hợp trẻ bị sốt cao, ho đàm, mệt mỏi, nhất là thở nhanh, đó có thể là triệu chứng của viêm phổi. Khi đó, trẻ cần được làm những xét nghiệm cần thiết như chụp X – quang và điều trị với kháng sinh.
Làm sao để chăm sóc trẻ bị ho trong thời gian bệnh?
Thuốc ho và loãng đàm
Thuốc ho thảo dược: Hầu hết các cơn ho ở trẻ trên 6 tuổi có thể được kiểm soát bằng cách uống siro ho. Nếu thuốc ho không có sẵn, bạn có thể cho trẻ dùng viên kẹo ngậm. Đối với trẻ em trên 1 tuổi, với 1/2 đến 1 muỗng cà phê mật ong có thể làm giảm dịch tiết ở đường thở của trẻ. Lưu ý là không được dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.
Thức uống ấm: Các thức uống ấm thường giúp giảm tình trạng viêm và co thắt đường thở. Ngoài ra chúng còn giúp pha loãng chất nhầy trong dịch tiết. Có thể cho trẻ dùng thức uống pha ấm như nước chanh, nước cam hoặc trà thảo mộc. Tránh áp dụng cách này nếu con bạn dưới 4 tháng tuổi.
Bù dịch
Khuyến khích con bạn uống thêm nhiều nước hoặc sinh tố để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Đây cũng là cách chăm sóc trẻ bị ho hiệu quả, giúp làm loãng đàm trong đường thở của trẻ. Giúp trẻ dễ loại bỏ chất nhầy và cảm thấy thở dễ dàng hơn. Ngoài ra cũng nên để cơ thể trẻ nghỉ ngơi với chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Hạn chế các hoạt động gắng sức hằng ngày.
Máy tạo độ ẩm
Không khí khô có xu hướng làm cho cơn ho diễn tiến nặng hơn. Sử dụng máy tạo làm ẩm không khí trong phòng ngủ của con bạn nếu thời tiết quá nóng bức.
Tránh các tác nhân kích thích cơn ho
Đừng để trẻ tiếp xúc với người hút thuốc lá hoặc những tác nhân khiến trẻ dễ xuất hiện thêm những cơ ho dữ dội như khói bụi, lông chó mèo…
Ho rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Thông thường, bạn không nên dùng thuốc mà chỉ cần giúp trẻ giảm triệu chứng tại nhà. Tham khảo ngay bài viết của bác sĩ về các cách chữa trẻ bị ho tại nhà.
Những sai lầm thường gặp khi trẻ bị ho
Thuốc kháng histamine, thuốc giúp thông thoáng mũi họng và thuốc hạ sốt được tìm thấy trong nhiều loại thuốc ho. Không có bằng chứng nào cho thấy những thành phần này sẽ giúp con bạn giảm ho. Hơn nữa, thuốc kháng histamine có tác dụng phụ khiến con bạn buồn ngủ nhiều hơn. Cần cho trẻ đi khám để được tư vấn thuốc điều trị ho an toàn và phù hợp với con bạn.
Không cần phải giảm sữa hay thay đổi chế độ ăn hằng ngày của trẻ. Hạn chế sữa hay các thức ăn khác chỉ giúp cải thiện cơn ho nếu như con bạn bị dị ứng với chúng. Không bao giờ ngừng cho con bú vì trẻ bị ho. Thay vào đó, bạn có thể cho trẻ bú chậm lại hoặc đút muỗng để tránh bị sặc sữa.
Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp trẻ tăng cường miễn dịch, chống chọi với bệnh ho. Tìm hiểu ngay trẻ bị ho nên ăn gì, kiêng gì tại đây bạn nhé!
Khi nào nên đưa trẻ bị ho đi khám?
Đưa trẻ đến cơ sở y tế NGAY LẬP TỨC nếu có những dấu hiệu sau:
- Trẻ thở nhanh hoặc rút lõm ngực, tím tái.
- Con bạn bắt đầu trông có vẻ rất mệt, lừ đừ.
- Trẻ bị ho ra máu.
- Có dấu hiệu mất nước như chóng mặt, ngủ li bì khó đánh thức, môi nứt nẻ, da khô, mắt trũng, khóc ít hoặc không chảy nước mắt, đi tiểu giảm hơn (hoặc có ít tã ướt hơn bình thường).
Khám Bác sĩ trong giờ hành chính nếu:
- Trẻ sốt kéo dài hơn 3 ngày.
- Ho kéo dài hơn 3 tuần.
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi.
- Trẻ ho từng cơn dài, dữ dội kèm đỏ mặt, có tiếng rít sau cơn ho.
- Có kèm theo khò khè, sổ mũi (nghi ngờ liên quan đến suyễn).
- Bạn có những mối quan tâm khác về sức khỏe của trẻ.
Đa số trường hợp trẻ bị ho đều lành tính, thường gặp do tác nhân virus. Trẻ cần được chăm sóc và hỗ trợ đầy đủ về dinh dưỡng để nhanh chóng hồi phục. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh (nhất là trẻ nhỏ hơn 3 tháng). Hãy dạy trẻ cách rửa tay thường xuyên. Điều này sẽ làm giảm khả năng trẻ bị nhiễm virus.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Coughinghttps://kidshealth.org/en/parents/childs-cough.html
Ngày tham khảo: 07/04/2021