Sữa mẹ: Khi nào không nên cho con bú?
Nội dung bài viết
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nuôi trẻ bằng sữa mẹ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả trẻ và mẹ. Nó có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi một số dị ứng và bệnh tật. Tuy nhiên có những trường hợp ngoại lệ được khuyến cáo không nên cho trẻ bú mẹ.
Trước mỗi trường hợp, Bác sĩ sẽ đánh giá cụ thể để xác định xem mẹ có tiếp xúc với môi trường, yếu tố di truyền, tình trạng sức khỏe của mẹ và trẻ sơ sinh cũng như những vấn đề về kinh tế và hoàn cảnh gia đình, để cân nhắc chuyện mẹ có thể bắt đầu, dừng lại hoặc không bao giờ cho con bú sữa mẹ.
1. Những tình huống nào trẻ không nên bú sữa mẹ?
Một số trẻ được sinh ra có rối loạn chuyển hóa bẩm sinh khiến trẻ không tiêu hóa được các chất trong sữa mẹ. Vì vậy, cần có công thức sữa đặc biệt dành riêng cho những trẻ này để thay thế sữa mẹ.
2. Mẹ mắc bệnh gì thì không nên cho trẻ bú?
- Mẹ bị nhiễm virut gây suy giảm miễn dịch ở người – HIV (Lưu ý: khuyến nghị về việc cho con bú và HIV có thể khác nhau tùy mỗi quốc gia).
- Mẹ bị nhiễm virus herpes gây ra vết loét trên vú. Không cho trẻ bú cho đến khi vết loét được chữa lành. Mẹ có thể cho con bú trực tiếp từ vú không bị ảnh hưởng nếu tổn thương trên vú bị ảnh hưởng được che phủ hoàn toàn để tránh lây truyền.
- Mẹ đang cần phải điều trị bằng các loại thuốc có thể tiết qua sữa mẹ và gây hại cho trẻ như thuốc an thần, thuốc chống động kinh, thuốc trị ung thư và thuốc điều trị các bệnh lý miễn dịch. Cần tham khảo ý kiến Bác sĩ để được tư vấn về vấn đề này.
- Mẹ bị viêm gan siêu vi B. Tuy nhiên, vẫn có thể an toàn khi cho trẻ bú mẹ nếu trẻ được tiêm ngừa viêm gan B trong vòng 48 giờ sau khi sinh.
- Mẹ bị viêm gan siêu vi C và đầu vú của mẹ bị nứt hoặc chảy máu.
- Mẹ nghi ngờ hoặc xác nhận mắc bệnh do vi-rút Ebola
- Mẹ bị Thủy đậu với sang thương ngoài da đã phát triển trong vòng 5 ngày trước khi sinh đến 2 ngày sau khi sinh. Cần cách ly mẹ và trẻ sơ sinh tạm thời để tránh lây truyền, trong thời gian đó mẹ có thể vắt sữa cho trẻ.
- Mẹ bị lao phổi. Tuy nhiên, mẹ có thể cho trẻ bú mẹ nếu mẹ đang điều trị bệnh lao.
- Mẹ đang sử dụng các chất kích thích như cần sa, cocaine, uống rượu hoặc hút thuốc lá trong khi cho trẻ bú. Nếu mẹ không thể ngưng sử dụng chúng, hãy tìm sự giúp đỡ từ các Bác sĩ. Những bà mẹ nghiện ma túy được ghi danh vào chương trình điều trị với methadone, sẽ được giám sát, nếu kết quả sàng lọc âm tính đối với nhiễm HIV và các loại thuốc bất hợp pháp khác vẫn có thể cho con bú).
Mẹ vẫn có thể tiếp tục cho con bú sau khi tham khảo ý kiến Bác sĩ để xác định khi nào không còn nguy cơ lây bệnh cũng như độc tính thuốc có thể gây hại cho trẻ. Trường hợp này, mẹ vẫn nên tìm cách duy trì việc sản xuất sữa mẹ trong giai đoạn tạm thời không cho con bú.
Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
>> Ngoài ra, khi cho con bú mà bị động kinh thì sẽ làm tổn thương đến con, rất nguy hiểm. Hơn nữa, trong sữa của những người mẹ này có chứa các vị thuốc như Luminal, Vilium, Phenytoin sodium… Cùng tìm hiểu bệnh động kinh là gì?
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
RelayHealth (2015), Breast-Feeding: Medical Reasons Not to Breast-Feed, https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_bfnotok_pep.htm Accessed August 18, 2019.
Centers for Disease Control and Prevention, Contraindications to Breastfeeding or Feeding Expressed Breast Milk to Infants, https://www.cdc.gov/breastfeeding/breastfeeding-special-circumstances/contraindications-to-breastfeeding.html Accessed August 18, 2019.