Kinh nguyệt màu nâu có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Trong suốt cuộc đời, chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ trải qua nhiều thay đổi. Kinh nguyệt có thể thay đổi về số lượng, thời gian và cả tính chất của máu kinh. Những thay đổi trên khiến cho không ít phụ nữ băn khoăn lo lắng. Một trong số đó phải kể đến là kinh nguyệt màu nâu. Vậy kinh nguyệt màu nâu có nguy hiểm hay không? Hãy cùng ThS. BS Phan Lê Nam tìm hiểu rõ hơn nhé.
Kinh nguyệt màu nâu là gì?
Màu sắc và độ đặc của máu có thể thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Nó có thể loãng và lỏng vào những ngày đầu, dày, vón cục vào ngày hôm sau. Máu kinh có thể thay đổi màu sắc, từ đỏ nhạt, đỏ đậm đến nâu.1
Máu màu nâu thường là loại điển hình của máu cũ. Máu màu đỏ sau khi bị oxy hóa sẽ chuyển thành màu nâu.2 Trong hầu hết các trường hợp, kinh nguyệt có màu nâu là bình thường. Tuy nhiên, đôi khi màu nâu cũng gợi ý cho một số bệnh lý mà bạn cần quan tâm.
Vì sao kinh nguyệt màu nâu?
Sau đây là các nguyên nhân thường gặp dẫn đến kinh nguyệt có màu nâu:1 2
Máu kinh màu nâu thường xuất hiện đầu hoặc cuối kỳ hành kinh
Máu thay đổi màu sắc tùy thuộc vào thời gian nó tiếp xúc với oxy trong không khí. Và máu kinh cũng như vậy.
Vào đầu hoặc cuối kỳ kinh, máu có thể có màu nâu sẫm hoặc đỏ và có thể đặc quánh. Máu có màu nâu do máu cũ và ở trong tử cung một thời gian dài trước khi được tống ra ngoài. Do sự kiểm soát của các nội tiết tố, nội mạc tử cung sẽ không bong cùng một lúc. Đó là lí do vì sao cuối kỳ kinh, máu thường có màu đỏ sẫm, nâu hoặc đen.
Sản dịch của phụ nữ sau sinh
Sản dịch thường thấy ở những phụ nữ trong 4 đến 6 tuần đầu tiên sau sinh.
Kinh nguyệt màu nâu trong quá trình mang thai
Trong khi mang thai, đôi lúc bạn sẽ thấy có máu màu nâu. Ra máu màu nâu thường gặp vào tam cá nguyệt cuối đến khi chuyển dạ. Đó là những biểu hiện thông thường. Tuy nhiên, khi dịch tiết có màu nâu đi kèm các triệu chứng khác như: đau bụng, nóng rát âm đạo,… bạn nên đến khám bác sĩ.
Sẩy thai không hoàn toàn
Thông thường, sẩy thai thường ra máu đỏ tươi. Tuy nhiên, nhưng một số phụ nữ sẽ gặp phải “sẩy thai không hoàn toàn”. Với loại sẩy thai này, thai nhi ngừng phát triển nhưng không ra khỏi tử cung trong ít nhất 4 tuần. Khi đó, bạn có thể thấy các mảnh mô và máu màu nâu xuất hiện trong âm đạo.
Một số chất, bao gồm: thuốc lá, rượu và ma túy có thể gây sẩy thai. Bạn nên tránh hoàn toàn tất cả những chất này khi đang mang thai.
Tiền mãn kinh và mãn kinh
Mãn kinh được chẩn đoán chủ yếu dựa trên lâm sàng, khi phụ nữ không có kinh trong 12 chu kỳ liên tiếp. Trong hầu hết trường hợp, chảy máu hoặc tiết dịch trong thời kỳ mãn kinh không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, máu và dịch tiết ra có thể liên quan đến tình trạng viêm niêm mạc âm đạo (viêm teo âm đạo), polyp không phải ung thư ở cổ tử cung hoặc các vấn đề khác trong tử cung hoặc cổ tử cung, bao gồm cả ung thư. Khi đó, bạn có thể gặp phải sự thay đổi màu sắc trong máu kinh, và thường gặp là màu nâu. Nếu lo lắng, bạn nên tư vấn chuyên gia để được tư vấn cụ thể.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang cũng có thể gây ra kinh nguyệt màu nâu. Các triệu chứng khác của hội chứng này bao gồm:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều.
- Mọc tóc bất thường.
- Béo phì.
- Mụn trứng cá.
- Không thể có thai.
- Xuất hiện những mảng da sẫm màu, dày và mượt như nhung.
- Phát hiện nhiều u nang trên buồng trứng.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Bệnh lây truyền qua đường tình dục được dùng để chỉ một tình trạng bệnh lây truyền từ người này sang người khác thông qua quan hệ tình dục. Một người có thể mắc khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng không được bảo vệ với người đã nhiễm.
Các bệnh lý này thường do các loại vi khuẩn như: lậu, chlamydia, trichomonas, giang mai,… gây ra. Biểu hiện có thể là viêm âm đạo hoặc viêm cổ tử cung. Bạn có thể có kinh nguyệt màu nâu cùng các triệu chứng khác. 3
Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới. Trong một số trường hợp hiếm gặp, ung thư cổ tử cung có thể gây ra kinh nguyệt màu nâu.
Làm gì khi kinh nguyệt của bạn màu nâu?
Trong hầu hết trường hợp, kinh nguyệt màu nâu là bình thường. Trong một số trường hợp, một số triệu chứng đi kèm sẽ gợi ý một vấn đề sức khỏe. Khi có các triệu chứng sau đây, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay:
- Hành kinh kéo dài hơn 7 ngày.
- Chu kỳ kinh ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày.
- Không có kinh trong hơn 3 – 6 tháng.
- Chảy máu giữa các kỳ kinh.
- Chảy máu sau khi quan hệ tình dục.
- Chảy máu sau khi mãn kinh.
- Xuất hiện 1 đốm máu (bất kỳ màu sắc nào) trong tháng.
- Đau trong âm đạo hoặc đau vùng bụng dưới.
- Sốt có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Mệt mỏi.
- Chảy máu nhiều ngoài chu kỳ kinh nguyệt bình thường của bạn.
- Tiết dịch màu nâu sau khi đặt dụng cụ tử cung (IUD).
- Ra dịch màu nâu khi bạn đang dùng tamoxifen – một phương pháp điều trị ung thư vú.
Kinh nguyệt màu nâu gợi ý cho nhiều vấn đề sức khỏe của phụ nữ. Tuy nhiên nếu không có các dấu hiệu gì bất thường, kinh nguyệt màu nâu cũng chỉ là một tình trạng bình thường của phụ nữ, bạn đừng nên quá lo lắng. Hãy ghi nhận tất cả những thay đổi trên cơ thể bạn, trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm khi cần thiết.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Why is my period blood brown?https://www.healthline.com/health/womens-health/why-is-my-period-brown#when-its-not-normal
Ngày tham khảo: 23/10/2022
-
Red, brown, bright red and more: What does each period blood color mean?https://www.healthline.com/health/womens-health/period-blood#brown-period-blood
Ngày tham khảo: 23/10/2022
-
Everything you need to know about Sexually Transmitted Diseases (STDs) https://www.healthline.com/health/sexually-transmitted-diseases#types
Ngày tham khảo: 23/10/2022