Kinh nguyệt ra ít là vì lí do gì?
Nội dung bài viết
Những thay đổi bất thường của chu kỳ kinh nguyệt gây ra không ít những băn khoăn, lo lắng cho chị em phụ nữ. Đôi lúc, những thay đổi đó đơn giản là do các vấn đề tâm lý, stress,… nhưng cũng có khi là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm. Vậy có bao giờ chị em thắc mắc tại sao kinh nguyệt của mình tháng này ra ít thế? Có phải cơ thể đang có vấn đề gì không? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm những điều đó!
Khi nào gọi là kinh nguyệt ra ít?
Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thường trong khoảng 21 đến 35 ngày. Mỗi lần hành kinh có thể dao động trong khoảng từ 2 đến 7 ngày.
Kinh nguyệt được gọi là ra ít khi ở một trong các trường hợp sau:1
- Mỗi khi hành kinh ít hơn hai ngày.
- Lượng máu kinh rất ít, nhiều khi chỉ có 1 đốm nhỏ.
- Kinh nguyệt không đều.
- Khoảng cách giữa các chu kỳ kinh nguyệt xa hơn so với chu kỳ thông thường…
Lý do khiến kinh nguyệt ra ít là gì?
Một số nguyên nhân dưới đây có thể dẫn đến tình trạng kinh nguyệt ra ít:1 2 3
Cơ thể đang căng thẳng
Nội tiết của cơ thể có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tâm lý như: căng thẳng, stress trong công việc hoặc cuộc sống, hoặc thậm chí là vận động quá mức. Khi đó, não của bạn sẽ định hướng cho nội tiết trong cơ thể hoạt động theo một trình tự khác với bình thường. Điều đó dẫn đến kinh nguyệt của bạn bị ảnh hưởng, có thể số lượng sẽ ít hơn so với thông thường.
Những lúc như vậy, điều quan trọng là chị em phụ nữ phải nghỉ ngơi và thư giãn. Khi bạn trải qua được các áp lực, chu kỳ kinh nguyệt của bạn cũng sẽ trở về bình thường ngay thôi.
Kinh nguyệt ra ít do tuổi dậy thì
Trong giai đoạn dậy thì, các bé gái thường có chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn. Bởi vì, nồng độ hormone dao động theo chu kỳ hàng tháng, phải mất một vài năm để các hormone này phát triển một cách đều đặn. Điều đó có thể làm cho các bé gái có kinh nguyệt ít hoặc dài bất thường.
Tăng hoặc giảm cân đột ngột
Trọng lượng và tỷ lệ mỡ trong cơ thể có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ kinh của bạn.
Ốm hoặc mập quá mức có thể khiến kinh nguyệt của bạn trở nên không đều đặn. Bởi vì khi đó, hormone trong cơ thể của bạn không hoạt động bình thường. Điều này cũng thường gặp ở một số phụ nữ hoạt động thể thao quá mức.
Ngoài ra, giảm hoặc tăng cân quá mức cũng có thể gây ra hiện tượng kinh nguyệt không đều. Vì vậy hãy đảm bảo một chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý để có được chu kỳ kinh thật khỏe mạnh.
Tiền mãn kinh hoặc mãn kinh
Thông thường phụ nữ thường mãn kinh vào khoảng 45 tuổi. Khi đó, cơ thể người phụ nữ sẽ không tạo ra được các loại hormone như estrogene và progresterone. Điều đó dẫn đến kinh nguyệt của phụ nữ ít đi, chu kỳ kinh có thể kéo dài ra, và giảm dần theo từng năm.
Kinh nguyệt ra ít do các biện pháp tránh thai
Tránh thai bằng nội tiết tố có thể là nguyên nhân gây ra kinh nguyệt ít.
Hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai trên thị trường dưới dạng: thuốc viên, đặt vòng, miếng dán tránh thai, que tránh thai, v.v… Các phương pháp tránh thai này ngăn cản trứng phóng thích trong cơ thể bạn. Khi không rụng trứng, niêm mạc tử cung của bạn cũng sẽ không thể dày lên. Điều này có thể dẫn đến kỳ kinh của bạn ít đi hoặc thậm chí bạn không có kinh. Trong một số trường hợp, kinh nguyệt của bạn có thể ra ít khi bạn vừa bắt đầu hoặc vừa ngừng sử dụng một biện pháp tránh thai nào đó.
Hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để lựa chọn cho mình được phương pháp tránh thai phù hợp nhất. Thay đổi ngay biện pháp tránh thai nếu bạn cảm thấy khó chịu vì những thay đổi trên chu kỳ kinh nguyệt của mình.
Thai kỳ
Bạn có thể nhận thấy một số đốm máu và nghĩ rằng đó là kỳ kinh của bạn. Nhưng trên thực tế, chảy máu đó là do quá trình làm tổ, khi trứng đã thụ tinh bám vào niêm mạc tử cung. Triệu chứng này thường kéo dài trong hai ngày hoặc thậm chí ngắn hơn.
Phụ nữ đang cho con bú
Ngay sau khi sinh, nếu bạn đang cho con bú, có thể bạn không có kinh lại ngay. Bạn có thể phải chờ vài tháng sau mới thấy kỳ kinh đầu tiên sau sinh trở lại. Hormone sản xuất sữa ngăn cản quá trình rụng trứng và khiến kinh nguyệt của bạn chậm lại.
Trong quá trình cho con bú, bạn chưa có kinh, bạn vẫn có khả năng có thai. Bởi vì, rụng trứng diễn ra hai tuần trước kỳ kinh đầu tiên sau khi sinh. Nếu bạn đã quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp tránh thai, khi bị ra máu, bạn nên thử thai. Điều đó giúp bạn phân biệt được đó là máu kinh hay là máu báo thai.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang là một rối loạn nội tiết tố thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Khi đó, trứng trong buồng trứng người phụ nữ ngừng trưởng thành.
Sự thay đổi nội tiết tố này cũng có thể gây ra những triệu chứng như:
- Thay đổi cân nặng của bạn và dẫn đến béo phì.
- Gây ra nhiều mụn.
- Lông mặt thường mọc nhiều.
- Hậu quả dẫn đến vô sinh ở người phụ nữ.
Hội chứng này gây ra các u nang trong buồng trứng và điều đó dễ dàng thấy được qua siêu âm.
Các bất thường đường sinh dục
Các phụ nữ trải qua các thủ thuật trên đường sinh dục như: nong, nạo cổ tử cung hoặc tử cung,… Những phương pháp trên có thể để lại sẹo trên đường sinh dục. Những sẹo này gây ra hẹp ở cổ tử cung, khiến kinh nguyệt không thể thoát ra bên ngoài. Điều này dẫn đến kinh nguyệt của bạn có thể ít hoặc sậm màu.
Sử dụng các loại thuốc
Một số loại thuốc theo toa có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố của cơ thể bạn và gây ra kinh nguyệt không đều. Các loại thuốc gây ra kinh nguyệt không đều như: cường giáp, kháng viêm, động kinh và thuốc an thần.
Trong số đó, thường gặp nhất phải kể đến là bệnh lý cường giáp. Kinh nguyện của bạn ít kèm với các triệu chứng như: mệt mỏi, tay chân run, sụt cân,… là gợi ý cho bệnh lý này. Khi đó, bạn nên đến gặp bác sỹ để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị.
Rối loạn về ăn uống
Rối loạn ăn uống liên quan đến chu kỳ kinh kinh nguyệt của bạn. Việc chế độ ăn hạn chế calo quá mức ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hormone sinh sản của cơ thể. Điều này có thể làm cho kinh nguyệt không đều, ngắn hoặc trễ. Bệnh hay gặp ở những bệnh nhân có thân hình rất mỏng manh hoặc hay tự ti về vẻ bề ngoài. Đừng quá lo lắng về điều đó, sức khỏe của mình vẫn quan trọng nhiều hơn nhé!
Cách xử trí hiện tượng kinh nguyệt ra ít
- Ăn uống khoa học, tránh tình trạng giảm cân hoặc tăng cân đột ngột, quá mức.
- Sinh hoạt điều độ, không làm việc quá sức, nghỉ ngơi hợp lí.
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khoa học.
- Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần.
- Thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng để tìm ra nguyên nhân, hướng điều trị hiệu quả nhất.
Trên đây là những nguyên nhân có thể khiến cho kinh nguyệt ra ít. Nếu có những triệu chứng nêu trên và kéo dài trong nhiều tháng, bạn hãy đến gặp bác sỹ để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị sớm nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Should You Be Worried if Your Period Is Light?https://www.healthline.com/health/womens-health/why-is-my-period-so-light#symptoms
Ngày tham khảo: 16/10/2022
-
What Causes Your Period to Be Shorter or Lighter Than Normal?https://www.healthline.com/health/womens-health/short-period#lifestyle-changes
Ngày tham khảo: 16/10/2022
-
Why is my period so light?https://www.medicalnewstoday.com/articles/322935#causes
Ngày tham khảo: 16/10/2022