Làm gì khi trẻ bị viêm loét ở miệng?
Nội dung bài viết
Viêm loét miệng là một bệnh rất thường gặp ở trẻ, làm trẻ rất khó chịu vì đau và bỏ ăn uống, nhất là vào mùa nắng nóng. Đây là những tổn thương loét nông nhỏ, màu trắng, có bờ rõ, ở trong khoang miệng, thường ở nướu, bên trong má. Thường trẻ sẽ không kèm theo sốt.
1. Nguyên nhân viêm loét miệng là gì?
- Nguyên nhân của những vết loét vẫn chưa đươc biết chính xác. Một vài trường hợp có thể xảy ra do còn thức ăn bám vào các kẽ răng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, hoặc do sử dụng những dụng cụ răng miệng như tăm xỉa răng, bàn chải đánh răng quá mạnh gây ra những vết xước ở niêm mạc miệng. Ngoài ra sở thích ăn thức ăn nóng hay có nhiều loại gia vị cay như tiêu, ớt … cũng có thể gây viêm loét miệng. Đôi khi, có thể do thói quen cắn móng tay, mút tay hay tự cắn niêm mạc trong khoang miệng.
- Vết loét thường kéo dài 1 đến 2 tuần, bất cứ điều trị gì cũng không làm thay đổi diễn tiến của bệnh. Vết loét lành là khi màu trắng mất đi, chuyển thành màu bình thường giống như niêm mạc miệng.
2. Chăm sóc trẻ bị viêm loét miệng như thế nào?
Giảm đau
- Hãy cho trẻ ngậm 1 muỗng cà phê thuốc kháng axit trong miệng vài phút (bạn có thể mua ở nhà thuốc tây). Nếu như chỉ có 1 vết loét, bạn có thể đặt 1 viên thuốc kháng axit lên vết loét trong miệng trẻ và để thuốc tan dần. Có thể lặp lại 3 đến 4 lần một ngày.
- Ngoài ra, uống Acetaminophen hoặc Ibuprofen cũng giúp trẻ giảm đau nhiều, nhất là khi trẻ đi ngủ.
Chế độ ăn
- Cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt, để nguội như cháo, súp … đặc biệt là các thức uống lạnh như sữa tươi, nước ép trái cây, sữa chua. Tránh những thực phẩm mặn như cá khô, món kho…, trái cây có múi hoặc cứng như táo, bưởi … (bạn có thể xay sinh tố hoặc ép nước để tránh việc trẻ phải nhai làm trẻ đau miệng hơn), đồ ăn cay, mặn, chua.
- Cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước.
Vệ sinh răng miệng
- Ở những trẻ nhỏ, vết loét làm trẻ đau nhiều nên trẻ sẽ bỏ đánh răng. Vì thế, nếu như đã vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng bằng bàn chải có sợi lông mềm mà trẻ vẫn khó chịu, bạn có thể cho trẻ súc miệng với nước muối sinh lí hằng ngày.
3. Làm gì để phòng ngừa viêm loét miệng?
- Viêm loét miệng có thể sẽ tái phát lại nếu như trẻ vẫn còn những thói quen dễ gây bệnh như đã nêu ở phần nguyên nhân. Do đó, hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng đúng cách cũng như dùng chỉ nha khoa thay cho tăm xỉa răng sau mỗi bữa ăn để ngăn ngừa.
- Chú ý thành phần trong bữa ăn trong ngày gần nhất của trẻ để phát hiện những thực phẩm có thể gây viêm loét miệng như trái cây có vị chua, các loại đậu hay hải sản… Nếu bạn tìm thấy một loại thực phẩm mà bạn nghĩ có thể là nguyên nhân, đừng cho trẻ ăn trong 2 tuần và sau đó thử cho trẻ ăn lại để kiểm tra trẻ có viêm loét miệng lần nữa hay không. Nếu trẻ bị viêm loét miệng trở lại, hãy cố gắng tránh thức ăn đó trong khẩu phần của trẻ.
4. Khám bác sĩ cho trẻ bị viêm loét miệng khi nào?
Cho trẻ khám khi có những dấu hiệu sau
- Vết loét miệng làm trẻ đau nhiều hơn.
- Vết loét xuất hiện ở ngoài môi hay miệng trẻ.
- Trẻ không thể ăn hay uống bất cứ gì.
- Viêm loét miệng kéo dài hơn 2 tuần.
- Trẻ có nhiều vết loét hơn, hôi miệng.
Một số đặc điểm cần lưu ý
- Viêm loét miệng thường tự lành sau 1 – 2 tuần.
- Cần tránh thức ăn dễ gây bệnh và chăm sóc răng miệng đúng cách.
- Cho trẻ chế độ ăn phù hợp.
- Những dấu hiệu nặng cần đưa trẻ khám Bác sĩ.
Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
>> Trẻ bị nhiệt miệng không phải phải là bệnh lý nguy hiểm, chỉ cần mẹ kiên trì áp dụng cách chữa lở miệng thông dụng bé có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Hãy tham khảo một số cách chăm sóc sức khỏe răng miệng cho bé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
RelayHealth (2015), Canker Sores (Mouth Ulcers), https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_tncanker_hhg.htm Accessed August 08, 2019.