Làm sao biết bạn đã cho trẻ bú đủ chưa?
Nội dung bài viết
Những giọt sữa mẹ đầu tiên mà trẻ bú khi vừa chào đời sẽ rất quan trọng đối với trẻ. Bạn không thể xác định chính xác lượng sữa của trẻ khi bú trực tiếp qua vú mẹ giống như khi trẻ được bú bình. Tuy nhiên, bạn có thể biết liệu việc ngưng cho trẻ bú có đúng lúc hay không. Cùng Youmed tìm hiểu những dấu hiệu của trẻ nhé!
1. Cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt
Bạn nên bắt đầu cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt, đặc biệt trong 30 phút đầu sau sinh. Trong một số trường hợp có thể sau khi trẻ chào đời từ 2 đến 4 ngày vì đây là giai đoạn mà lượng sữa non giàu dinh dưỡng và kháng thể đạt tối đa. Nếu đã hơn 4 ngày sau khi sinh mà bạn vẫn không có sữa hoặc trẻ có vẻ đói sau hầu hết các cữ bú, hãy tìm đến sự tư vấn của Bác sĩ.
2. Cho trẻ bú đúng cách
Bạn cần quan sát cách trẻ ngậm bắt vú cũng như tư thế của trẻ khi bú có chính xác hay không trong ít nhất 10 đến 15 phút ở mỗi cữ bú. Trẻ thường có những tiếng nuốt sữa mạnh liên tục, thỉnh thoảng có thể tạm dừng bú trong vài phút trong các cữ bú.
Khi trẻ bắt đầu bú chậm dần, các nhịp nuốt ít dần hoặc từ từ đi vào giấc ngủ. Trong trường hợp trẻ bú chưa đủ, bạn hãy đánh thức trẻ dậy và tiếp tục cho trẻ bú vú còn lại. Nếu trẻ đã bú đủ sữa, bạn có thể giúp trẻ ợ hơi bằng cách bế trẻ lên vai khoảng 30 phút.
Vì vú đầu tiên mà trẻ bắt đầu bú sẽ tiết sữa tốt hơn, nên bạn hãy cho trẻ bắt đầu bú ở mỗi bên vú khác nhau trong mỗi cữ bú. Bằng cách này, cả hai bên vú sẽ được kích thích để tiết sữa được nhiều nhất.
3. Trẻ cần được bú đủ số cữ sữa
Những thay đổi về hormone của người mẹ:
Bạn sẽ cảm thấy căng 2 bên vú trước mỗi lần bú và mềm hơn sau khi trẻ bú. Một bên vú còn lại có thể tiết sữa ra ngoài trong khi trẻ đang bú ở vú phía bên kia.
Sau 2 đến 3 tuần sau khi sinh, bạn có thể cảm thấy sữa được tiết ra nhiều và có phản xạ “sữa xuống”. Khi cho trẻ bú sẽ giúp cơ thể mẹ giải phóng ra một loại hormone là oxytocin – chất giúp tử cung của bạn co hồi lại để trở về kích thước bình thường như trước khi sinh.
Oxytocin cũng giúp vú của bạn sản sinh ra sữa. Phản xạ “sữa xuống” giống như có cảm giác ngứa, kim chích, căng tức vú khi sữa bắt đầu được tiết ra. Khi “sữa xuống”, trẻ có thể bắt đầu nuốt sữa. Ngay cả khi chỉ cần nghe thấy tiếng khóc của trẻ sẽ khiến sữa của bạn chảy ra ngoài, trước khi trẻ bắt đầu bú.
Trẻ cần bú đủ số cữ sữa:
Khác với người lớn, trẻ cần được bú mẹ ít nhất 8 lần mỗi ngày. Hãy cho trẻ bú mẹ thường xuyên khi trẻ có các biểu hiện đói. Như trẻ vừa thức dậy, hay đưa tay lên miệng và có phản xạ bú nuốt, quấy khóc. Khóc là một dấu hiệu muộn của cơn đói và trẻ có thể không chịu bú nếu bạn để trẻ khóc quá lâu. Trong vài tuần đầu tiên, trẻ có thể muốn bú mẹ mỗi 2 đến 3 giờ và phải thêm các cữ bú vào ban đêm.
Bình thường, trẻ có vẻ hài lòng sau khi bú và có thể đi vào giấc ngủ sau khi bú qua vú còn lại. Giấc ngủ của trẻ có thể kéo dài hơn 4 giờ và nhiều lần trong ngày. Nếu trẻ vẫn còn biểu hiện đói sau hầu hết các cữ bú như khóc, mút tay hoặc không ngủ đủ giấc… Lúc này, bạn cần gặp Bác sĩ để được tư vấn kĩ hơn.
4. Theo dõi những dấu hiệu khác của trẻ
Trẻ của bạn nên đi tiểu ít nhất 6 lần mỗi ngày sau khi bú mẹ. Nước tiểu không màu hoặc vàng nhạt. Nếu sau 3 ngày tuổi mà nước tiểu của trẻ có màu vàng sậm trong tã, có thể trẻ không được bú đủ sữa.
Phân của trẻ bú mẹ có màu vàng nhạt, sệt, có hạt trắng, hơi chua. Nếu trẻ vẫn còn phân màu xanh đậm hoặc nâu trước 5 ngày tuổi, hãy đưa trẻ đi khám.
Khi đươc bú đủ sữa mẹ, trẻ sẽ tăng cân nhanh chóng. Ít nhất 20 – 30 gram mỗi ngày trong vài tháng đầu đời. Tuy nhiên trong khoảng 1 – 2 tuần đầu tiên, trẻ thường “sụt cân sinh lý”. Nhưng sẽ không giảm quá 8% cân nặng lúc sinh của trẻ.
Hãy cân trẻ thường xuyên để theo dõi tăng trưởng của trẻ. Nếu trẻ của bạn không tăng cân đủ, có thể do bạn không đủ sữa hoặc cách bạn cho trẻ bú chưa đúng. Những vấn đề này dễ dàng khắc phục hơn nếu bạn phát hiện và được tư vấn để cải thiện sớm.
Bạn hãy trò chuyện thì thầm, quan sát những cảm xúc vô cùng đáng yêu của trẻ cũng như những hành động dễ thương. Để từ từ nhận biết lời nhắn nhủ của trẻ nhé: “Mẹ ơi, con vẫn còn đói lắm.”
Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Trong thời gian cho trẻ bú, mẹ có thể gặp phải vài rắc rối với vú như bị nhiễm trùng vú. Cùng Youmed tìm hiểu thêm nhé!
>> Xem thêm: Nhiễm trùng vú: Liệu có nên cho trẻ tiếp tục bú mẹ không?
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
RelayHealth (2015), Breast-Feeding: Is My Baby Getting Enough Milk?,https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_howdoikn_pep.htm, Accessed August 22, 2019
American Academy of Pediatrics, Caring for your baby and young child 5th edition, Is your baby eating enough?, https://reader.aappublications.org/caring-for-your-baby-and-young-child-5th-edition/97, Accessed August 22, 2019