Làm sao vẫn duy trì sữa mẹ khi trẻ nằm viện?
Nội dung bài viết
Làm sao vẫn duy trì sữa mẹ khi trẻ nằm viện? Nếu con bạn được sinh ra sớm hoặc bị bệnh cần phải nằm trong phòng cách ly, trẻ có thể không được bú vú mẹ trực tiếp. Khi đó, mẹ sẽ cần phải vắt sữa thường xuyên để sữa được tiếp tục tiết ra. Mẹ có thể cho trẻ bú khi trẻ sẵn sàng. Lượng sữa mà vú mẹ có thể sản xuất ra bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Bao gồm hormone, cảm xúc, tình trạng sức khỏe và thói quen vắt sữa của mẹ.
1. Sự hỗ trợ của Bác sĩ tư vấn về cách cho con bú
Những bệnh viện có chuyên khoa sơ sinh sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về cách cho con bú. Một số vấn đề cần quan tâm như tư thế bú, cách ngậm bắt vú của trẻ. Hay khi nào trẻ bú no, cách vắt sữa và bảo quản an toàn.
>>>Có thể bạn quan tâm:
Đôi khi bạn cần phải xa trẻ vì công việc và không thể cho trẻ bú. Hoặc, trẻ không thể bú mẹ trực tiếp trong một thời gian sau sinh vì nằm trong phòng cách ly ở bệnh viện. Trong những tình huống này, bạn có thể vắt sữa và lưu trữ an toàn để cho trẻ bú sau đó. Và trong bài viết “Cách chuẩn bị và bảo quản sữa mẹ cho bé?” sẽ cho bạn những thông tin cần thiết khi gặp tình huống này.
2. Cố gắng chuẩn bị máy vắt sữa tại bệnh viện
Máy vắt sữa có thể giúp mẹ dự trữ sữa từ cả hai vú cùng một lúc. Ngoài tiết kiệm thời gian, đây cũng là cách giúp sữa mẹ được sản xuất liên tục. Bởi vì động tác vắt sữa sẽ kích thích tạo hormone prolactin. Đây là hormone đảm nhận vai trò tạo ra sữa mẹ. Mẹ cần đảm bảo vệ sinh trước khi vắt sữa. Tuy trẻ không thể bú mẹ, nhưng nhu cầu bú sữa vẫn cần được cung cấp như khi trẻ khỏe. Điều này có nghĩa là mẹ nên vắt sữa sau mỗi 2 đến 3 giờ. Tương đương ít nhất 8 đến 10 lần mỗi ngày.
Thời gian vắt sữa ở mỗi bên vú nên kéo dài ít nhất 10 phút. Đây là thời gian đủ để sữa được vắt ra hết ở mỗi bên vú. Tuy nhiên, một số mẹ cần phải vắt sữa lâu hơn. Nếu sữa vẫn chảy thêm nhiều sau 10 phút, hãy vắt sữa thêm 5 phút nữa. Ngay cả khi sữa ngừng chảy trước khi 10 phút trôi qua, mẹ hãy tiếp tục vắt sữa ít nhất 10 phút. Mẹ có thể tăng lượng sữa tạo ra bằng cách massage vú hay chườm ấm ngực trước khi bắt đầu vắt sữa.
3. Thư giãn
Thư giãn có thể giúp vú của mẹ tiết sữa nhiều hơn. Ngồi ở tư thế thoải mái và thả lỏng toàn bộ cơ thể. Khi bắt đầu vắt sữa, mẹ hãy nghĩ về những hình ảnh dễ thương của trẻ. Đôi khi, có thể thư giãn với những hoạt động yêu thích như nghe nhạc hay đọc một cuốn sách. Nếu sữa không chảy ra sau 5 phút bơm, hãy dừng lại. Sau đó, tập trung vào việc thư giãn và thử bắt đầu vắt sữa lại lần nữa sau 5 đến 10 phút.
>>>Xem thêm: “Cách bảo quản sữa cho trẻ như thế nào?“
4. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
Khi trẻ mới sinh, nguồn dinh dưỡng tốt nhất và duy nhất là từ sữa mẹ. Vì thế, mẹ nên thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh. Hạn chế những món ăn có nhiều gia vị vì chúng có thể tiết qua sữa, tại vị hay mùi khó chịu. Thay vào đó, mẹ hãy ăn nhiều trái cây và rau quả tươi, các loại thực phẩm nhiều đạm hay tinh bột. Ngoài ra, mẹ cũng nên tiếp tục bổ sung vitamin như trước khi sinh và uống nhiều nước.
5. Theo dõi lượng sữa sau mỗi lần vắt ra
Mẹ có thể thu được lượng sữa khác nhau ở mỗi lần vắt sữa. Lượng sữa tiết ra phụ thuộc vào thời điểm trong ngày và khoảng cách giữa những lần vắt sữa. Tuy nhiên, tổng lượng sữa bạn vắt ra được mỗi ngày sẽ tăng dần trong 2 đến 3 tuần đầu tiên sau sinh. Ngay cả khi lượng sữa thu được thấp hơn so với mong muốn, mẹ cũng đừng bỏ cuộc. Thông thường, lượng sữa sẽ tăng dần nhiều hơn một khi mẹ có thể bắt đầu cho trẻ bú.
6. Bắt đầu cho trẻ bú ngay khi có thể
Khi trẻ vừa sinh ra, phương pháp da kề da giữa mẹ và trẻ được ưu tiên thực hiện ngay ở trong bệnh viện. Việc này sẽ giúp ổn định thân nhiệt và kích thích phản xạ bú của trẻ. Bắt đầu cho trẻ bú mẹ ngay và thường xuyên khi tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định.
Mẹ nên vắt sữa sau khi cho trẻ bú để lấy hết phần sữa còn lại trong vú. Điều này sẽ đảm bảo rằng vú của mẹ được làm trống tốt và mẹ có thể tiếp tục sản xuất được nhiều sữa. Một khi trẻ bú tốt và tăng cân đều đặn, số lần vắt sữa cũng sẽ giảm đi.
Khi trẻ được xuất viện, bạn có thể thấy con bạn muốn được cho bú thường xuyên hơn nếu trẻ được cho ăn theo nhu cầu. Đôi khi các cữ bú không theo lịch trình giống như khi trẻ ở bệnh viện. Đây là phản ứng hoàn toàn bình thường ở trẻ. Bạn hãy đáp ứng với các tín hiệu đói của trẻ bằng cách cho trẻ bú theo nhu cầu.
Bất cứ khi nào con bạn không thể bú sữa – cho dù vì bệnh, phẫu thuật, phương pháp điều trị hoặc cần làm xét nghiệm – khi đó, mẹ sẽ cần phải vắt sữa. Nếu trẻ có thể ăn sữa lại trong khi ở bệnh viện, mẹ có thể cho con bú khi mẹ ở đây. Nếu mẹ không thể ở bệnh viện cả ngày, mẹ sẽ cần vắt sữa tại nhà để đảm bảo mẹ không bị mất nguồn sữa. Sữa sau khi được vắt ra có thể cho trẻ ăn khi mẹ không ở bệnh viện.
Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Pediatric Advisor, Breast-Feeding: While Your Baby Is Hospitalized, https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_bringmai_pep.htm, accessed on 19 December 2019
AboutKidsHealth, Breastfeeding your hospitalized baby, https://www.aboutkidshealth.ca/Article?contentid=1971&language=English, accessed on 19 December 2019