Người bị sởi làm gì cho nhanh khỏi? Câu trả lời của bác sĩ
Nội dung bài viết
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp. Có rất nhiều thắc mắc được đặt ra cho bệnh lý này, một trong số đó là: “Bị sởi làm gì cho nhanh khỏi?”. Hãy cùng Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh trả lời câu hỏi trên bằng cách tham khảo bài dưới đây nhé!
Tổng quan về sởi
Sởi là một bệnh cấp tính, dễ lây lan do virus sởi, thuộc họ Paramyxoviridae và giống Morbillivirus gây ra qua tiếp xúc trực tiếp và qua không khí. Bệnh sởi có khả năng gây tử vong nhưng vẫn có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi như sốt, phát ban, có thể có thêm các triệu chứng như ho, sổ mũi, viêm kết mạc,… Bên cạnh đó, nếu bệnh sởi khởi phát nặng có thể để lại các biến chứng của bệnh như viêm phổi, nhiễm khuẩn thứ phát do vi khuẩn, các biến chứng ở thần kinh trung ương như viêm não tủy lan tỏa cấp tính, viêm não xơ cứng,…
Theo thống kê từ WHO, đã có hơn 140.000 trường hợp tử vong do sởi vào năm 2018.1
Bị sởi làm gì cho nhanh khỏi?
Không có liệu pháp kháng virus nào cụ thể để điều trị bệnh sởi, chủ yếu là điều trị hỗ trợ.2 Do đó, chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh, giúp bệnh sởi nhanh khỏi.
1. Chế độ ăn uống
Chăm sóc dinh dưỡng là vô cùng quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh sởi để giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay giảm nhẹ biến chứng khi đã mắc. Một chế độ dinh dưỡng tốt, uống đầy đủ nước là các biện pháp chăm sóc hỗ trợ theo khuyến cáo của WHO.1
Với trẻ em, cần được bổ sung 2 liều vitamin A cách nhau 24 giờ khi được chẩn đoán bệnh sởi. Phương pháp này giúp điều trị phục hồi mức vitamin A thấp trong thời kỳ sởi gây ra và giúp ngăn ngừa tổn thương mắt và mù lòa.1
Người mắc sởi thường bỏ ăn do tình trạng nhiễm trùng và viêm loét miệng. Nôn và tiêu chảy cũng làm giảm hấp thu, vì vậy nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh đòi hỏi cao giúp người bệnh hồi phục nhanh:3
- Chế độ ăn đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường (gạo, bột), chất đạm (thịt, cá, trứng), chất béo (dầu, mỡ), vitamin – chất khoáng (rau, quả).
- Đối với trẻ bú mẹ: bà mẹ cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn, kết hợp với ăn bổ sung hợp lý.
- Cách chế biến: mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa. Tốt nhất nên chế biến theo khẩu vị người bệnh.
Bên cạnh đó, cần lựa chọn các thực phẩm giàu kẽm cho bữa ăn, nhất là trong trường hợp người bệnh có biến chứng tiêu chảy, viêm phổi.3 Kẽm có vai trò quan trọng, cần cho phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch. Thiếu kẽm sẽ làm chức năng miễn dịch suy giảm, điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus.4 Một số món ăn có chứa kẽm có thể kể đến như: gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, tôm,…
Ngoài ra, bữa ăn của người bệnh sởi cũng nên có các loại thực phẩm giàu vitamin C, như: cam, bưởi, xoài, chuối, rau đay, rau dền, mồng tơi,…4
2. Sinh hoạt hằng ngày
Khi bị bệnh sởi, bệnh nhân cần được cách ly và chăm sóc chu đáo.
Để bệnh sởi nhanh khỏi, chế độ sinh hoạt hàng ngày cũng được mọi người quan tâm. Một số biện pháp giúp cơ thể thoải mái – cũng là một cách giúp bệnh sởi nhanh hết:5
- Để cơ thể thư giãn, nghỉ ngơi và hạn chế các hoạt động nặng nhọc.
- Uống nhiều nước: khoảng 8 ly nước/ ngày, cùng với các chất lỏng khác như nước chanh pha loãng, nước lúa mạch, nước cam, nước dừa,..
- Làm ẩm mũi
- Để mắt nghỉ ngơi: giảm độ sáng của đèn hoặc đeo kính râm nếu mắt cảm thấy khó chịu.
Bên cạnh đó, chúng ta cần:3
- Sử dụng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng.
- Với người bệnh có triệu chứng sốt cao, cần để bệnh nhân nằm ở nơi thoáng mát, tránh gió lùa.
- Tắm, lau người, vệ sinh răng miệng: bằng nước ấm, xà phòng và khăn mềm.
- Không nên kiêng nước do có thể ảnh hưởng đến việc vệ sinh, dẫn đến viêm da, tắc mũi họng, loét giác mạc,…
Người bệnh sởi nên kiêng gì?
1. Chế độ ăn uống
Người bệnh sởi nên tránh sử dụng những loại thực phẩm sau:
- Tránh những thức ăn có nhiều dầu mỡ, thực phẩm có chứa chất béo, đồ chiên, đồ ăn vặt đã qua chế biến.
- Không uống nước có chứa caffeine như nước ngọt, cà phê,… do có thể làm gia tăng biến chứng của bệnh sởi.
- Tránh sữa và các sản phẩm làm từ sữa vì chúng có thể làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
- Không sử dụng các loại gia vị gây khó tiêu.
- Tránh ăn đồ cay nóng: do gây ra cảm giác nóng rát, khó chịu, làm cho các vết loét lâu lành.
2. Sinh hoạt hằng ngày
Bên cạnh các hoạt động sinh hoạt hằng ngày cần được tăng cường để giúp nhanh chóng giúp bệnh sởi nhanh khỏi, chúng ta cũng cần tránh một vài hoạt động để không làm bệnh trầm trọng hơn và hạn chế lây lan cho người khác:
- Không dùng chung dao kéo, cốc, khăn tắm, quần áo hoặc các dụng cụ đồ dùng thường ngày để tránh lây lan bệnh sởi.
- Không được để phòng kín, nên giữ cho phòng được thông thoáng.
- Không nên tắm lâu, không năm tắm nơi có gió. Cần chú ý vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn.
- Không nên vệ sinh, tắm rửa quá nhiều vì có thể gây ra viêm da, bội nhiễm da.
- Tránh tiếp xúc với trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và những người có hệ thống miễn dịch yếu.
Qua bài viết trên, Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh đã chia sẻ về vấn đề “Bị sởi làm gì cho nhanh khỏi?”. Hy vọng bạn đọc và gia đình sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích trong việc hỗ trợ điều trị bệnh sởi nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Measleshttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/measles
Ngày tham khảo: 09/04/2023
-
Measleshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK448068/
Ngày tham khảo: 09/04/2023
-
HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC BỆNH NHÂN SỞI TẠI NHÀ VÀ TẠI BỆNH VIỆNhttps://moh.gov.vn/web/dich-benh/thong-tin-chung/-/asset_publisher/3hfjhpWJ5jW5/content/huong-dan-cham-soc-benh-nhan-soi-tai-nha-va-tai-benh-vien
Ngày tham khảo: 09/04/2023
-
Khuyến cáo chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân Sởihttp://viendinhduong.vn/vi/tin-tuc/khuyen-cao-cham-soc-dinh-duong-cho-benh-nhan-soi.html
Ngày tham khảo: 09/04/2023
-
Measleshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/measles/diagnosis-treatment/drc-20374862
Ngày tham khảo: 09/04/2023