Liên nhục (hạt sen): Vị thuốc thơm bùi
Nội dung bài viết
Nhắc đến cái tên Liên nhục, có thể có người biết, có người không. Nhưng nói đến hạt sen, hẳn không ai không biết. Đó là một thứ hạt có mùi thơm nhẹ, vị ngọt bùi. Người ta thường dùng hạt sen để nấu nên những nồi chè thơm phức hay những tô canh hạt sen ngọt lành. Thường dùng là thế, nhưng không phải ai cũng biết đó còn là một vị thuốc bồi bổ sức khỏe. Chúng ta cùng tìm hiểu về vị thuốc ấy trong bài viết dưới đây nhé.
1. Đặc điểm và thu hoạch
1.1. Đặc điểm
Liên nhục (Hạt sen) sinh ra từ trong hoa sen, nằm trong đài sen. Mỗi đài sen chứa khoảng 20 hạt sen. Hạt sen có hình bầu dục, màu xanh lá khi còn tươi. Ở giữa hạt sen chứa tim sen.
1.2. Thu hoạch
Mùa hoa sen kéo dài từ khoảng tháng 5 đến tháng 8. Sau mùa hoa sen là tới mùa thu hoạch hạt sen. Hạt sen khi thu hoạch phải tiến hành lột vỏ ngay, vì khi còn tươi vỏ còn mềm dễ lột, để qua một ngày vỏ khô cứng sẽ khó bóc hơn nhiều. Khi lột vỏ hạt sen, người ta cũng thường lấy luôn tim sen (tim sen cũng là một vị thuốc, thường dùng chữa mất ngủ).
2. Thành phần trong Liên nhục
Trong 100g hạt sen chứa 350 calo, 63 – 68g carbohydrate, 17 – 18g protein, nhưng chỉ chứa 1,9 – 2,5g mỡ, còn lại là một số thành phần khác như nước (13%), khoáng chất (chủ yếu là natri, kali, canxi, phốt pho).
3. Tác dụng dược lý
Trong Liên nhục có chứa chất chống oxy hóa cao, có khả năng ngăn ngừa các gốc tự do, cũng như kiểm soát sự tiến triển của những bệnh mạn tính.
Hạt sen lại chứa Kaempferon, một loại Flavonoid, có khả năng kháng viêm và giúp hạn chế cơn đau do viêm khớp mãn tính.
Thành phần Glycosid trong Liên nhục cũng như mùi thơm dịu nhẹ của vị thuốc này có tác dụng an thần, giúp cải thiện giấc ngủ.
Chất Enzyme L-isoaspartyl methyltransferase trong hạt sen có tác dụng sửa chữa các protein bị hư hại và chống lão hóa.
Ngoài ra, Liên nhục còn có một số chất chống thiếu máu cơ tim, hạ huyết áp, ức chế sự co thắt và chống lại hoạt động bất thường của tim.
>> Ngoài hạt thì nhị sen cũng là một vị thuốc có nhiều công dụng. Tìm hiểu thêm: Liên tu: Công dụng trị bệnh của nhị sen.
4. Một số công dụng của hạt sen
Liên nhục vị ngọt, tính bình, có rất nhiều công dụng:
- Chữa di tinh, mộng tinh.
- Cầm một số trường hợp tiêu chảy.
- Chữa hồi hộp mất ngủ.
- Kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt, chữa đầy bụng, chậm tiêu.
Ngoài ra, Liên nhục còn giúp:
- Cung cấp nhiều năng lượng: 100g hạt sen tươi cho 89 calo, còn hạt khô cho tới 372 calo.
- Giúp đẩy lùi lão hóa.
- Tốt cho răng miệng: cải thiện một số chứng chảy máu chân răng, nhiệt miệng, loét miệng…
- Hỗ trợ chữa bệnh đau đầu.
- Tăng cường sức khỏe người già và phụ nữ sau sinh.
Đối với trẻ em, hạt sen giúp:
- Bồi bổ sức khỏe cho bé.
- Chữa một số chứng ra mồ hôi trộm, mồ hôi nhiều ở trẻ em.
- Cung cấp canxi cho bé: vì hàm lượng canxi chiếm tới 40% trọng lượng hạt sen, giúp cho sự phát triển xương và răng của bé.
- Hạt sen làm tăng cảm giác thèm ăn và tốt cho tiêu hóa ở trẻ, nhất là đối với những em bé gầy gò, tiêu hóa kém, hay bị tiêu chảy kéo dài…
Đối với phụ nữ mang thai, hạt sen cũng có rất nhiều công dụng:
- Giúp an thai, ngừa sảy thai quen dạ.
- Hạt sen rất tốt cho đường huyết, tim mạch, giúp mẹ bầu kiểm soát đường huyết và cân nặng trong thời kỳ mang thai.
- Giúp ngủ ngon.
- Ngừa tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa trong thời kỳ mang thai.
- Tăng cường khả năng miễn dịch của mẹ bầu.
- Ngoài ra, hạt sen còn rất tốt cho sự phát triển hệ thần kinh và trí não của em bé trong bụng mẹ. Hạt sen giàu acid folic (folate) và riboflavin (B12), là những thành phần thiết yếu của quá trình tổng hợp DNA và phân chia tế bào.
5. Liều lượng, cách dùng, chú ý khi sử dụng
5.1. Liều lượng
Dùng 10 – 30g/ngày.
5.2. Cách dùng
Hạt sen có thể dùng tươi hay khô. Để tăng hiệu quả, người ta có thể dùng Liên nhục như sau:
- Dùng với liều thích hợp (liều dùng đã nêu ở trên).
- Bổ sung hạt sen làm món ăn vặt.
- Dùng hạt sen chế biến các món ăn như chè hạt sen, cháo hạt sen, mứt sen, các món canh, món hầm…
- Ngoài ra có thể dùng ở dạng sắc, làm thuốc hoàn, tán…
5.3. Chú ý
- Những người bị táo bón thì không nên dùng.
- Hạt sen dùng quá nhiều có thể dẫn tới tình trạng táo bón, đầy bụng, khó tiêu.
6. Một số bài thuốc từ Liên nhục
6.1. Bài thuốc chữa bệnh nhức đầu liên miên do hư hỏa bốc lên cao
Tình huống này bệnh nhân tăng huyết áp với mặt đỏ, mắt đỏ, nhức đầu, chóng mặt. Có khi chỉ nhức đầu một bên. Bài thuốc dùng:
Liên nhục sao 20g, Hà thủ ô chế 20g, Vông nem 10g, Hương nhu 10g, Kinh giới 10g, Lức cây 15g, Sâm đại hành 20g, Lạc tiên 15g, Cỏ mực 15g, Bạc hà 10g, Cam thảo nam 10g, Cây cối xay 15g, Gừng tươi 2g. Tất cả đem sắc uống.
6.2. Bài thuốc chữa chứng tự ra mồ hôi
Liên nhục 20g, Sâm đại hành 20g, lá Dâu tằm 20g, Sâm bố chính 20g, Lạc tiên 15g, Liên tu 10g, Cam thảo nam 10g, Mạch môn 10g, Trần bì 10g, Gừng tươi 2g. Sắc uống.
6.3. Bài thuốc chữa chứng do máu quá nóng mà đi cầu ra máu
Hạt sen sao 20g, Sâm đại hành 20g, Xuyên tâm liên 20g, Biển đậu sao 20g, đài sen cháy 15g, Ké đầu ngựa sao 15g, Rau má 15g, Cỏ mực 15g, Cỏ hôi 15g, Huyết dụ 15g, Dây giác 15g, Cam thảo nam 11g, Gừng tươi 2g. Tất cả sắc uống.
6.4. Bài thuốc chữa chứng mộng tinh
Hạt sen 20g, ngó sen 20g, Hà thủ ô chế 20g, Củ mài sao 20g, Sâm đại hành 20g, Lạc tiên 15g, tua sen 15g, Cỏ mực 15g, lá Dâu tằm 5g, lá Vông nem 15g, Yếm rùa chế 20g, củ Súng 20g. Sắc uống.
6.5. Bài thuốc chữa trẻ em bị ra mồ hôi nhiều
Hạt sen 10g, Sâm đại hành 10g, lá Dâu tằm 10gr, Sâm bố chính 10g, ngó sen 10g, Cam thảo nam 3g. Sắc nước uống. Bên ngoài thì lấy lá Dâu tằm nấu nước tắm.
Hạt sen là thứ hạt gần gũi trong đời sống, được sử dụng rất nhiều. Món ăn – vị thuốc này tương đối dễ dùng. Tuy nhiên, nếu muốn dùng nó để chữa bệnh, bệnh nhân cần có sự thăm khám và kê đơn của thầy thuốc để dùng thuốc được hiệu quả. Rất mong nhận được phản hồi cũng như sự đồng hành của các bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Dược tính chỉ Nam. Đông y sỹ Hạnh Lâm - Nguyễn Văn Minh
- Bài giảng Đông y. Đại học Y Hà Nội, Khoa Y học cổ truyền
- Kinh nghiệm dùng thuốc dân tộc. Ngô Văn Khiêm