YouMed

Mãng cầu xiêm- vị thuốc bổ âm, thanh nhiệt

bác sĩ nguyễn thị ngọc thi
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thi
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Mãng cầu xiêm còn gọi là mãng cầu ta, mãng cầu giai, phan lệ chi. Mãng cầu xiêm là trái cây vị chua ngọt, bổ dưỡng. Hầu như mọi người đều quen thuộc với loại trái cây này. Song bên cạnh phần quả thì lá và hạt cũng là các vị thuốc hạ áp, táo bón, kiết lị, bảo vệ gan,… Chúng ta cùng tìm hiểu về loại quả này qua bài viết dưới đây.

Mãng cầu xiêm là gì ?

Mãng cầu xiêm có Tên khoa học Annona muricata L., họ mãng cầu Annonaceae. Cây nhỡ, cao 5-10m. Cành nhiều mấu, màu xám nâu, bề mặt nhẵn. Lá hình mũi mác – trái xoan, mọc so le, rộng 3-5cm, dài 10-12cm. Gốc lá thuôn, đầu tù, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt, cuống lá nhẵn.

Hoa mọc đơn ở kẽ lá, màu lục vàng. Cánh hoa dày và rộng, có lông, gốc thắt hình tim. Quả hình tim hoặc hình cầu, hơi dẹt, vỏ ngoài có nốt sần nhọn ứng với những múi ở trong, thịt quả màu trắng, vị ngọt chua. Hạt mãng cầu xiêm có màu đen.

Mãng cầu xiêm
Hình ảnh quả mãng cầu xiêm trên cây

Bộ phận dùng được của cây là lá, quả và hạt. Cách sơ chế thông thường: Bạn sẽ lấy những hạt già, quả xanh phơi khô tán thành bột, còn lá dùng tươi.

Mãng cầu xiêm có tác dụng gì?

Mặc dù đây là một loài thực vật quen thuộc, song mãng cầu xiêm lại có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe.

Trấn an, giảm hưng phấn, chống oxi hóa

Lá cây chứa Aporphin alkaloids: coclaurin, muricin, muricinin, reticulin, stephanin. Những chất này có tác dụng trấn an nhẹ, giảm hưng phấn hô hấp. Các alkaloids này có ái lực với các thụ thể 5-HT1A trong ống nghiệm và tham gia sinh tổng hợp dopamin. Do đó có thể gây tác dụng giống thuốc trầm cảm. Hoạt chất anonain trong lá khiến nó được dùng làm trà uống hạ huyết áp (anonain). Trị hồi hộp, mất ngủ, lợi sữa.

Ngoài ra, trong lá còn chứa các flavonoid như robinetin, quercetin, morin, myricetin, kaempferol, caffeic acid. Đồng thời, nó còn có vitamin A, Vitamin E (tocopherol),.. có tác dụng chống oxy hóa.

Tinh dầu của lá mãng cầu xiêm còn có cloruakali tanin, 1 alkaloid và một ít nhựa. Phần trái thì chứa các carotenoid: lycopene, lutein, Tocopherol α, Cryptoxanthin β, hoạt tính chống oxy hóa. Ngoài ra còn chứa nhiều gluxit, vitamin C.

Những hoạt chất trên đều có khả năng chống oxy hóa ngăn chặn sự phát triển các bệnh tim mạch, ung thư, viêm khớp, Parkinson, Alzheimer.

Mãng cầu xiêm có khả năng giảm căng thẳng, stress
Mãng cầu xiêm có khả năng giảm căng thẳng, stress

Kháng khuẩn, kháng sinh

Các hoạt chất flavonoid, steroid, alkaloid chiết xuất từ cây có khả năng liên kết ADN, ức chế tổng hợp ARN, ức chế tổng hợp glycosidase của vi khuẩn. Phenylphenol được báo cáo liên kết các protein quan trọng, ức chế và thay đổi chức năng của vi khuẩn.

Chiết xuất từ cây cản trở nhân lên ở bước đầu của virut thông qua can thiệp chức năng protein vỏ, giảm tổng hợp ARN. Điều này đã làm cho mãng cầu xiêm có chức năng kháng khuẩn cao.

Hạ đường huyết

Nghiên cứu cho thấy, chiết xuất từ cây ngăn được tác động của streptozotocin (chất phá hủy tế bào β của tuyến tụy) nhờ chống oxy hóa và bảo vệ tuyến tụy. Các flavonoid ức chế α-glucosidase, giảm quá trình thủy phân carbohydrate và hấp thụ glucose. Đồng thời ức chế chuyển hóa carbohydrate thành glucose; từ giúp kiểm soát đường huyết.

Ức chế ung thư đại tràng

Malondialdehyde (MDA) là một sản phẩm thứ cấp của quá trình peroxi hóa lipid, là chỉ thị của stress oxi hóa- nguồn gốc của ung thư và nhiều bệnh lý khác. Chiết xuất từ cây mãng cầu xiêm được nghiên cứu giảm hình thành MDA ở mô kết tràng, ngăn ngừa ung thư đại tràng.

Một số acetogenin từ cây được báo cáo ức chế tăng sinh khối u và chống di căn.

Bảo vệ gan

Theo các nghiên cứu, chiết xuất từ mãng cầu xiêm giảm bilirubin trong máu hoặc vàng da tương tự silymarin (tăng khử độc gan, kích thích tái tạo tế bào gan).  Các glucozit trong dịch chiết  tác động đến con đường thanh thải bilirubin.

Mãng cầu xiêm là loại trái cây tốt cho gan
Mãng cầu xiêm là loại trái cây tốt cho gan

Hạ huyết áp

Các ancaloit như coreximine, anomurine, và reticulin,  một số tinh dầu như β-caryophyllene hạ áp qua cơ chế chẹn kênh canxi.

Ức chế trùng sốt rét, trị tả lị

Hạt độc tế bào do nhiều acetogenin đè nén NADH-ubiguinon reductaz của ty thể, làm co rút tử cung (anonain, neoanon-ain). Giúp sanh mau, chống giòi. Ở châu phi dùng trị viêm gan do siêu khuẩn, trị tả.

Hạt chứa annonacin, cis-, annonacinone, gây độc tế bào. Các phenolic ức chế hoạt động các enzym quan trọng sinh tổng hợp acid béo của vi trùng sốt sét. Gigantetrocin A, B, Gigantetronenin, Goniothalamicin, javoricin, Longifolicin, murisolin gây độc.

Lá mãng cầu xiêm dùng không sắc uống trị sốt, tiêu chảy, giun sán.

Tác dụng mãng cầu xiêm theo y học cổ truyền

Mãng cầu xiêm có vị chua ngọt, tính mát, mùi thơm. Quy kinh Can, đởm

  • Tính năng của loại quả này theo đông y: bổ âm, bổ huyết, dưỡng can huyết, lợi kinh nguyệt, giải nhiệt độc huyết.
  • Công dụng: trị các chứng âm hư sinh nhiệt, táo bón, thông kinh nguyệt, giải huyết độc do nhiệt độc.

Cách sử dụng:

  • Thịt quả dùng tươi có tác dụng giải nhiệt, bổ, kích dục, chống bệnh Scorbut.
  • Quả còn xanh phơi khô tán bột chữa kiết lỵ, sốt rét. Quả xanh còn làm săn da.
  • Lá dùng không sắc uống trị sốt, tiêu chảy, giun sán.
  • Lá non làm gia vị ăn, hãm uống buổi tối làm dịu thần kinh.
  • Hạt giã nhỏ hòa với nước gội đầu trừ chấy. Tuy nhiên bạn nên lưu ý, hạt mãng cầu giã nhỏ có thể gây buồn nôn ở một số người.

Bài thuốc kinh nghiệm từ mãng cầu xiêm

Chặn cơn sốt rét

Để ngăn chặn cơn sốt rét, bạn nên dùng 10-15 lá đâm vắt nước uống 1 lần/ngày, uống 4 lần/ngày. Đối với người lớn nên dùng 20 lá, trẻ em 10 lá, đem vò, giã nhỏ vắt nước uống 2 giờ trước cơn sốt rét, 1 liều duy nhất trong ngày.

Sốt rét
Các phenolic từ mãng cầu xiêm ức chế hoạt động các enzym quan trọng sinh tổng hợp acid béo của vi trùng sốt rét

Táo bón

Đối với những người mắc những bệnh về đường tiêu hóa, nhất là táo bón; nên ăn mãng cầu xiêm chín, 100g-300g/ngày.

Những cách trên chỉ mang tính chất tham khảo, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc đi khám khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường.

Kết luận

Mãng cầu xiêm vừa là trái cây thơm ngon bổ dưỡng, thích hợp cho giải khát, thanh nhiệt. Bên cạnh đó, nó cũng có nhiều tác dụng trị bệnh như lợi kinh nguyệt, kháng khuẩn, trị sốt rét, táo bón, chống oxy hóa. Vì vậy trái mãng cầu xiêm được khuyến khích dùng nhiều cho bổ dưỡng. Tuy nhiên nếu dùng dưới dạng chữa bệnh, quý độc giả nên tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị. Hi vọng bài viết dưới đây cung cấp các thông tin bổ ích cho bạn đọc.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Annona muricata: A comprehensive review on its traditional medicinal uses, phytochemicals, pharmacological activities, mechanisms of action and toxicityhttps://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1878535216000058#b0370

    Ngày tham khảo: 07/05/2021

  2. Tra cứu dược liệuhttp://tracuuduoclieu.vn/mang-cau-xiem.html

    Ngày tham khảo: 07/05/2021

  3. Sách Nam dược học tập 2 của Lương y Nguyễn Hữu Đức

    Ngày tham khảo: 07/05/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người