Thiếu Biotin: Dấu hiệu, yếu tố nguy cơ và cách điều trị
Biotin đã không còn xa lạ với mọi người bởi vai trò quan trọng của nó trong cơ thể. Thiếu biotin nếu không được phát hiện và điều trị sẽ dẫn đến nhiều phiền toái. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về tình trạng thiếu biotin ngay sau đây nhé!
Nội dung bài viết
Biotin là vitamin gì?
Biotin là một trong những vitamin nhóm B, nhóm vitamin này có nhiệm vụ phá vỡ chất béo, carbohydrate để tạo thành năng lượng. Biotin đôi khi còn được gọi là vitamin B7, vitamin H, hoặc coenzyme R.
Biotin giúp thúc đẩy sức khỏe làn da, và giúp điều chỉnh lượng LDL cholesterol cũng như lượng đường trong máu của bạn. Biotin cũng là một yếu tố giúp sản xuất keratin, đây là một loại protein giúp hỗ trợ móng và tóc chắc khỏe.

Biotin là một loại vitamin hòa tan trong nước, do đó nó không được lưu trữ lâu trong những mô của cơ thể. Mặc khác, cơ thể của bạn cũng không thể tự nhiên sản sinh ra nó. Vì vậy, bạn cần phải bổ sung biotin hằng ngày thông qua chế độ ăn uống.
Thiếu biotin rất hiếm, nhưng không phải là không thể xảy ra. Nếu không được phát hiện và điều trị, nó sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều vấn đề trong cơ thể. Vì vậy, hãy cùng đọc tiếp để có cách nhận biết, điều trị và phòng tránh thiếu biotin nhé!
Những người có nguy cơ thiếu Biotin
Bất kỳ ai cũng có thể bị thiếu hụt biotin. Tuy nhiên, những người có yếu tố nguy cơ sau đây sẽ có khả năng bị thiếu biotin cao hơn:
Những người bị thiếu hụt biotinidase bẩm sinh (BTD)
Những người mắc chứng rối loạn này không thể tái sử dụng biotin. Đây là một bệnh rối loạn di truyền hiếm gặp. Thông thường, cơ thể con người có thể tái sử dụng vitamin B7 (biotin) một vài lần, trước khi bị đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Rối loạn biotinidase thường được chẩn đoán rất sớm, trong vài tháng sau khi sinh bởi vì các triệu chứng thường nghiêm trọng và xuất hiện sớm.
Phụ nữ mang thai
Biotin rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Nếu không có nó, thai nhi có thể xuất hiện một số dị tật bẩm sinh. Do đó, trong quá trình mang thai, bạn nên thực hiện một số xét nghiệm để đo nồng độ biotin. Trong giai đoạn này, bác sĩ có thể khuyến khích bạn ăn nhiều thực phẩm giàu biotin hơn. Điều đó có thể giúp bảo vệ em bé phát triển bình thường và khỏe mạnh.
Những người sử dụng một số loại thuốc
Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi. Chúng là những vi khuẩn giúp sản sinh biotin một cách tự nhiên trong đường ruột. Vì vậy, nếu không có chúng, bạn có thể bị thiếu biotin. Ngoài ra, thuốc chống co giật cũng có thể ngăn cản sự hấp thụ vitamin B7. Nếu bạn phải sử dụng những loại thuốc này trong một thời gian dài, bạn có thể cần bổ sung thêm biotin.

Những người phải ăn qua đường tĩnh mạch
Dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch hoặc qua ống có thể làm giảm lượng biotin bạn có thể hấp thụ. Những người sử dụng các hình thức dinh dưỡng này có thể cần bổ sung biotin, cho đến khi họ có thể ăn thức ăn rắn trở lại.
Những người bị các vấn đề về đường ruột
Một số tình trạng đường ruột mãn tính có thể ngăn cơ thể bạn hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Những tình trạng này bao gồm: bệnh Crohn, viêm đại tràng…
Những người theo chế độ ăn kiêng dài hạn
Ăn kiêng nghiêm ngặt có thể khiến bạn thiếu đi nhiều loại vitamin và khoáng chất từ thực phẩm. Vì vậy, một chế độ ăn uống cân bằng là rất quan trọng cho sức khỏe của bạn.
Triệu chứng thiếu Biotin
Sự thiếu hụt biotin không phổ biến như những sự thiếu hụt khác. Do đó, các triệu chứng thiếu biotin thường bị bỏ qua, hoặc nhầm lẫn với các tình trạng bệnh khác. Dưới đây là một vài triệu chứng của bệnh:
- Phát ban đỏ trên da, đặc biệt là mặt;
- Da khô hoặc có vảy;
- Khô mắt;
- Tóc giòn, rụng tóc;
- Mệt mỏi, mất ngủ hoặc khó ngủ;
- Ăn không ngon, buồn nôn;
- Phiền muộn;
- Cảm giác bỏng rát hoặc kim châm ở bàn tay và bàn chân;
- Đau cơ;
- Đau bụng thường xuyên;
- Nứt ở khóe miệng;
- Co giật;
- Đi lại khó khăn.
Các triệu chứng thiếu biotin thường sẽ bắt đầu với các vấn đề về da liễu. Các triệu chứng thần kinh thường có xu hướng xuất hiện ở mức độ thiếu hụt biotin nghiêm trọng hơn. Nếu thấy mình có nhiều trong số các triệu chứng trên, hãy đi đến bác sĩ để được khám và chữa trị phù hợp bạn nhé!
Điều trị và phòng ngừa thiếu Biotin
Tin tốt là sự thiếu hụt biotin có thể điều trị được. Khi bạn đã được chẩn đoán là thiếu biotin, tùy theo nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn. Có 2 cách để điều trị thiếu biotin: thay đổi chế độ ăn uống và dùng thuốc bổ sung biotin.
Thực phẩm có chứa biotin
Nếu nguyên nhân thiếu biotin là do các vấn đề về chế độ ăn uống, bạn có thể thay đổi những gì bạn ăn để bổ sung đủ biotin. Thông thường, một người lớn nên ăn 30 microgam (mcg) biotin mỗi ngày. Trẻ em nên ăn 5 mcg mỗi ngày. Và phụ nữ có thai, cho con bú nên ăn 35 mcg mỗi ngày.
Với lượng biotin yêu cầu hàng ngày như trên, có thể thấy không khó để đạt được. Bởi vì nhiều loại thực phẩm thông thường vẫn chứa một lượng lớn biotin. Chúng bao gồm:
- Các loại đậu như: đậu phộng, đậu nành,…
- Các loại hạt, bao gồm: hạt hướng dương, hạnh nhân,..
- Cà rốt, súp lơ và nấm;
- Trứng nấu chín, đặc biệt là lòng đỏ trứng;
- Thịt nội tạng: gan, thận,…
- Các sản phẩm từ sữa như: sữa, sữa chua, pho mát,…
- Ngũ cốc nguyên hạt: lúa mạch, ngô,…
- Hải sản.

Tuy nhiên, quá trình chế biến thực phẩm có thể phá hủy đi 1 phần biotin. Do đó, nếu được, hãy tiêu thụ chúng ở dạng nguyên chất, chưa qua chế biến để nhận được lượng vitamin cao nhất.
Thông thường, việc tiêu thụ thức ăn hằng ngày đã đủ cung cấp lượng biotin cần thiết cho cơ thể. Nếu bạn vẫn muốn dùng thực phẩm bổ sung biotin, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Thuốc bổ sung biotin
Những người bị rối loạn biotinidase sẽ được kê đơn bổ sung biotin để ngăn chặn các triệu chứng thiếu biotin, và thường sẽ cần bổ sung lâu dài. Biotin có sẵn trong cả vitamin tổng hợp và các chất bổ sung riêng lẻ. Các chất bổ sung thường chứa ba mức nồng độ biotin: 10, 50 và 100 mcg.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bạn bắt đầu bổ sung biotin. Mặc dù hiếm nhưng biotin cũng có thể tương tác với một số thuốc. Điều này có thể gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn, giảm tác dụng hoặc quá liều biotin.
Tóm tại, các dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên của sự thiếu hụt biotin có thể bị nhầm lẫn với nhiều rối loạn và tình trạng khác. Nếu bạn nghi ngờ mình bị thiếu biotin, hãy đến khám bác sĩ và thảo luận về những việc cần làm tiếp theo. Hạn chế tối đa việc tự mua thuốc ở nhà để giảm thiểu rủi ro khi dùng thuốc bạn nhé!
Cài đặt ngay ứng dụng YouMed để đặt khám tiện lợi, không chờ đợi tại hơn 25 bệnh viện, 475 bác sĩ và 50 phòng khám đa khoa liên kết chính thức với YouMed. Hotline tư vấn 1900 2805 .
Các tính năng rất hữu ích của ứng dụng đặt khám YouMed

Lấy số thứ tự trước, khám đúng khung giờ

Chọn bác sĩ, chuyên khoa
phù hợp

Chat và gọi
với bác sĩ

Thanh toán
phí khám

Lưu trữ hồ sơ, lịch sử khám

Đọc tin y tế
chính thống
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Biotin Deficiencyhttps://www.healthline.com/health/biotin-deficiency
Ngày tham khảo: 30/03/2021
-
All you should know about biotin deficiencyhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/320462
Ngày tham khảo: 30/03/2021