Mụn nhọt ở chân: Bật mí nguyên nhân và cách xử lí hiệu quả
Nội dung bài viết
Mụn nhọt ở chân là một tình trạng phổ biến và thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, vấn đề da liễu này lại gây ra sự khó chịu và đau đớn cho người bị mắc phải. Vậy làm thế nào để có thể xử lí mụn nhọt ở chân một cách hiệu quả? Lời khuyên để chăm sóc vùng da này đúng cách là gì? Tất cả các câu hỏi trên sẽ được Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo giải đáp thông qua bài viết dưới đây. Mời các bạn cùng xem nhé.
Nguyên nhân gây ra mụn nhọt ở chân
Mụn nhọt ở chân xuất hiện khi lỗ chân lông bị bí tắc hay các nang lông bị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Mụn nhọt sẽ nhanh chóng sưng lên và viêm, chứa đầy mủ, gây đau đớn và khó chịu cho người bị mắc phải. Các nguyên nhân có thể dẫn đến mụn ở chân bao gồm:
- Vùng da chân chưa được vệ sinh sạch sẽ.
- Tuyến mồ hôi phát triển.
- Quần áo không được giặt thường xuyên. Hoặc người bệnh mặc quần áo bó sát.
- Dị ứng với bột giặt.
- Loại bỏ lông chân bằng dao cạo hoặc bằng nhíp gây nhiễm trùng.
- Viêm nang lông.
Mụn nhọt ở chân có thể bị nhầm lẫn với các tình trạng khác
Mụn nhọt ở chân là một bệnh lý da liễu rất thường gặp. Tuy nhiên tình trạng này có thể nhầm lẫn với một số trường hợp hiếm gặp khác, chẳng hạn như:
- U nang biểu bì.
- U xương.
- Khối u phần phụ (tương đối hiếm và thường lành tính).
- Dày sừng nang lông, đặc trưng bởi những nốt mụn nhỏ có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, đặc biệt là tứ chi.
- Mụn cóc, thường tự khỏi nếu được vệ sinh sạch sẽ.
Nổi mụn hoặc các tình trạng khác không phải là hiếm. Tuy nhiên, những thay đổi bất thường hoặc gây khó chịu nên được bác sĩ thăm khám càng sớm càng tốt.
Mụn nhọt ở chân có nguy hiểm không?
Tình trạng này khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và tự ti khi để lộ vùng da chân với người khác. Tuy nhiên, mụn ở chân thường không phải là vấn đề lớn hoặc lâu dài. Trong hầu hết các trường hợp, mụn sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Một người nổi mụn ở chân thường có thể điều trị tại nhà, sử dụng thuốc không kê đơn và các phương pháp khác.
Cách chữa mụn nhọt sưng to ở chân
Bạn có thể chữa mụn nhọt tại nhà nếu tình trạng mụn từ nhẹ đến trung bình.
Sử dụng thuốc bôi
Nên dùng thuốc bôi có chứa các thành phần như: benzoyl peroxide, kháng sinh, tretionin, adapalene. Các chất này giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của vi khuẩn, hỗ trợ giảm viêm.
Xem thêm: Các loại thuốc kháng sinh trị mụn phổ biến và cách sử dụng
Sử dụng các phương pháp thiên nhiên
- Tinh bột nghệ: Củ nghệ có chứa chất curcumin polyphenol giúp chống viêm, ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn. Bạn có thể sử dụng nghệ để bôi hay uống.
- Tỏi: Được biết đến với tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm. Tỏi thường được dùng để giảm tình trạng mụn nhọt. Đập dập tỏi và đắp lên vùng bị mụn. Hoặc có thể hơ nóng tép tỏi và đắp lên vùng bị mụn khoảng 10 phút. Làm thường xuyên sẽ giúp mụn nhọt giảm đáng kể.
- Tinh dầu tràm trà: Với tính kháng khuẩn và khử trùng mạnh, tinh dầu tràm trà giúp điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Trộn năm giọt dầu tràm trà với một thìa cà phê dầu ô liu hoặc dầu dừa. Cho tinh dầu đã pha loãng vào một miếng gạc bông và thoa lên mụn nhọt 2-3 lần mỗi ngày. Làm như vậy hàng ngày cho đến khi lành mụn nhọt.
Mặc quần áo rộng, thoải mái
Thay quần áo ngay sau khi tập thể thao hay hoạt động mạnh làm đổ nhiều mồ hôi.
Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Luôn sử dụng kem chống nắng. Bạn nên tìm và sử dụng các loại kem dưỡng ẩm hoặc kem chống nắng không chứa dầu, không gây dị ứng.
Xem thêm: Tác dụng của kem chống nắng: Bạn đã biết hết?
Chườm ấm
Hãy cố gắng chườm ấm để nới lỏng và làm mềm các tổn thương do mụn.
Hạn chế cạo hay nhổ lông chân
Sử dụng dao cạo điện thay vì dao cạo dùng một lần.
Sử dụng thêm kem cạo lông hoặc xà phòng để giảm kích ứng da.
Tránh cạo lông trong một khoảng thời gian nhất định sau đợt viêm nang lông.
Lời khuyên của bác sĩ
Để ngăn ngừa tình trạng mụn nhọt cũng như hạn chế sự phát triển của chúng. Bác sĩ có những lời khuyên như sau:
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Nên thường xuyên tắm rửa và lau khô da sau khi tắm.
- Vệ sinh các đồ dùng tiếp xúc trực tiếp với chân (giày, tất) thường xuyên để hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm vi khuẩn gây mụn nhọt.
- Sử dụng các loại sữa tắm có thành phần kháng khuẩn nhưng vẫn dịu nhẹ để tránh gây kích ứng.
- Cẩn thận khi sử dụng các dụng cụ để cạo lông chân, wax lông chân, tránh cạo quá mạnh khiến da bị trầy xước, nhiễm trùng, nổi mụn, viêm mủ.
- Hạn chế mặc quần áo bó sát, chất liễu giữ nhiệt, khó thoát mồ hôi để tránh tình trạng da bị bí bách, đổ mồ hôi nhiều dẫn đến nổi mụn. Ưu tiên quần áo rộng rãi và tốt hơn nếu làm bằng cotton.
- Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, tập thể dục để nâng cao sức đề kháng.
- Có chế độ ăn lành mạnh, hạn chế những thực phẩm gây ra mụn, uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác.
Mụn nhọt ở chân từ lâu đã không còn là một tình trạng xa lạ. Tuy nhiên nhiều người vẫn không biết cách xử lý nó sao cho hiệu quả, an toàn và không tái phát. Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những lời khuyên cũng như các phương pháp giúp bạn thoát khỏi tình trạng mụn nhọt ở chân một cách nhanh chóng. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào bất thường bạn hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
How to Treat Pimples on Your Legshttps://www.healthline.com/health/pimple-on-leg-treatment#causes
Ngày tham khảo: 05/02/2022