Tỏi: Kháng sinh tự nhiên – Tăng sức đề kháng
Nội dung bài viết
Tỏi không chỉ là gia vị thường xuất hiện trong các bữa cơm gia đình của người Việt. Gia vị này còn được ví như là kháng sinh tự nhiên. Nó có tác dụng tăng cường sức đề kháng và rất có ích cho sức khỏe con người. Vậy làm sao sử dụng dược liệu này một cách hiệu quả nhất? Đối tượng nào có thể sử dụng? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng vị thuốc quý này.
1. Giới thiệu về Tỏi
Tỏi còn được gọi là Đại toán. Tên khoa học là Allium sativum L, thuộc họ Hành Alliaceae.
Cây thảo sống hàng năm, cao 30 – 40 cm. Thân hành ngắn, hình tháp gồm nhiều hành con gọi là ánh tỏi. Hành con to nhỏ không đều, xếp ép vào nhau quanh mỗi trục lõi. Vỏ ngoài của thân hành mỏng, màu trắng hoặc hơi hồng. Lá phẳng và hẹp, hình dài, mỏng. Bẹ to và dài có rãnh dọc, đầu nhọn hoắt, gân song song, hai mặt nhẵn.
Cụm hoa mọc ở ngọn thành đầu tròn, bao bọc bởi những lá mo có mũi nhọn rất dài. Hoa màu trắng hay hồng có cuống hình sợi dài. Gồm 6 phiến hình mũi mác, xếp thành hai hàng, thuôn. Nhị 6, chỉ nhị có cựa dài, đính vào các mảnh bao hoa; bầu gân hình cầu. Quả nang. Mùa hoa quả: tháng 8 – 11.
Ở Việt Nam, Tỏi được trồng khắp các địa phương từ nam chí bắc. Hiện đang có 2 nhóm Tỏi khác nhau là nhóm Tỏi củ nhỏ và nhóm Tỏi củ to. Tỏi củ nhỏ thơm, nhiều tinh dầu, được trồng ở các tỉnh phía bắc. Nhóm Tỏi củ to, trồng ở các tỉnh phía Nam, nhất là ven biển miền Trung, đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi, Bình Thuận và Ninh Thuận.
Thu hoạch vào cuối đông, có thể dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
2. Thành phần chứa trong Tỏi
Tỏi có nhiều hợp chất hoạt tính sinh học, bao gồm các hợp chất chứa lưu huỳnh, saponin, phenol và polysacarit.
Allicin là chất tạo mùi và là kháng sinh tự nhiên rất mạnh, mạnh hơn cả penicillin. Allicin được tạo ra khi chất alliin tiếp xúc 1 với enzym alliinase khi Tỏi được nhai, bằm nhỏ hay được nghiền nát. Do đó, càng cắt nhỏ hoặc càng đập nát, hoạt tính của Tỏi càng cao. Allicin là một chất không bền, dễ biến chất sau khi được tạo ra. Vì vậy, Tỏi đập dập nên sử dụng ngay vì càng dể lâu, chất allicin càng mất bớt hoạt tính. Hàm lượng allicin trong tép Tỏi tươi sau khi giã nát một phút đã đạt 63%. Nhưng sau 30 phút tiếp xúc với không khí chỉ còn 39% do chuyển hóa thành diallyl disulfide, vinydithiin, afoen. Đun nấu sẽ đẩy nhanh quá trình mất chất này.
Lượng saponin trong Tỏi tím cao hơn gần 40 lần so với Tỏi trắng. Một số hợp chất saponin chỉ được tìm thấy tồn tại trong Tỏi tím, như desgalactotigonin-rhamnose, proto-desgalactotigonin, proto-desgalactotigonin-rhamnose, sativoside B1-rhamnose và sativoside R1.
Hơn nữa, gia vị này chứa hơn 20 hợp chất phenol, với hàm lượng cao hơn nhiều loại rau thông thường. Ngoài ra, polysacarit Tỏi đã được báo cáo gồm 85% fructose, 14% glucose và 1% galactose.
Những phương pháp chế biến khác nhau để tăng hoạt tính của dược liệu này cũng đã được nghiên cứu. Ví dụ, người ta thấy rằng 38 thành phần đã thay đổi sau khi xử lý nhiệt trong quá trình chế biến Tỏi đen. Ngoài ra, việc tăng nhiệt độ và giảm độ ẩm giúp tăng hàm lượng polyphenol và tổng số flavonoid trong Tỏi đen.
3. Công dụng của Tỏi
Tỏi có vị cay, mùi hôi, tính ấm, được dùng làm gia vị và làm thuốc.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, được dùng làm thuốc chống độc, long đờm, lợi tiểu, diệt giun, tăng cường tiêu hóa, chữa dịch hạch, dịch tả, vô kinh, thiếu sinh tố. Phối hợp với các dược liệu khác trị các bệnh: vàng da, sốt, và cũng được dùng để phòng sốt rét.
Ngoài ra, dược liệu này còn được dùng để chữa ho gà, lao phổi, ung thư phổi, rắn cắn, côn trùng cắn, sát trùng ngoài da, cảm lạnh…
4. Cách dùng – Liều dùng
Về cách dùng, chúng ta có thể dùng ở dạng tươi hoặc ở dạng ngâm rượu, ngâm giấm. Ở dạng tươi, bạn có thể ăn sống, dùng làm gia vị cho các món ăn, cho nước chấm.
Liều dùng: 2 – 5g dạng tươi; 0,4 – 1,2g dạng bột khô. Dạng dầu 2 – 5mg; 2.400mg/ngày chiết xuất Tỏi lâu năm (chất lỏng).
Các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh 180 mg allicin mỗi ngày giúp phòng ngừa cảm lạnh thông thường. Ít nhất 5,5g Tỏi sống để phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt. Liều bột Tỏi sử dụng trong các thử nghiệm hạ huyết áp dao động từ 300 – 2.400mg/ngày trong tối đa 24 tuần.
5. Các nghiên cứu về tác dụng của Tỏi
5.1. Chống oxy hóa
Các hợp chất phenol và saponin giúp cho dược liệu này có tác dụng chống oxy hóa. Các phương pháp chế biến khác nhau cũng ảnh hưởng đến hoạt động chống oxy hóa của Tỏi. Thông thường, Tỏi sống có hoạt tính chống oxy hóa mạnh hơn Tỏi nấu chín, và hoạt động chống oxy hóa của Tỏi đen mạnh hơn Tỏi thô.
5.2. Kháng viêm
Trong cả thí nghiệm in vitro và in vivo, dược liệu này có thể kháng viêm chủ yếu bằng cách ức chế các chất trung gian gây viêm. Do đó, nó có tiềm năng lớn để điều trị các bệnh viêm khớp ở người, vì độc tính thấp hoặc không có.
Xem thêm:Những điều cần biết về thuốc kháng viêm methylprednisolone (Depo-Medrol)
Thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs): Sử dụng bừa bãi gây tác hại gì?
5.3. Kháng khuẩn, kháng nấm
Tỏi có phổ kháng khuẩn và kháng nấm rộng. Tác dụng này có liên quan đến giống Tỏi và phương pháp chế biến.
Các nghiên cứu cho thấy chiết xuất và tinh dầu Tỏi có tác dụng ức chế in vitro đối với vi khuẩn gram dương và gram âm, cũng như một số loại nấm gây bệnh.
5.4. Tăng sức đề kháng
Nhiều hợp chất chứa trong dược liệu này được chứng minh có lợi cho hệ thống miễn dịch. Polysacarit có tác dụng điều hòa miễn dịch và điều chỉnh các chất trung gian gây viêm. Nghiên cứu cho thấy, sử dụng gia vị này giúp giảm số lần mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của cảm cúm và tăng sức đề kháng ở người. Ngoài ra, so với Tỏi đen, polysacarit trong Tỏi tươi có tác dụng điều hòa miễn dịch mạnh hơn.
5.5. Bảo vệ tim mạch
Gần đây, số ca tử vong do các bệnh tim mạch đã tăng lên đáng kể. Các nhà khoa học luôn muốn tìm các sản phẩm tự nhiên để bảo vệ hệ thống tim mạch và Tỏi là một trong những ứng cử viên đầy triển vọng nhất. Người ta đã chứng minh rằng việc ăn gia vị này có thể giúp giảm huyết áp, cholesterol toàn phần, LDL-c và các yếu tố nguy cơ khác liên quan đến các bệnh tim mạch.
5.6. Chống ung thư
Ung thư được thừa nhận là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tỏi đã được chứng minh là có thể chống ung thư, ức chế di căn của các tế bào ung thư.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các thành phần trong Tỏi có thể bảo vệ chống lại các loại ung thư khác nhau, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng, phổi, dạ dày và bàng quang. Các cơ chế chống ung thư này bao gồm sự điều hòa chuyển hóa chất gây ung thư, ức chế sự tăng trưởng và tăng sinh tế bào, gây ra apoptosis, ức chế sự hình thành mạch và ức chế xâm lấn và di cư. Dược liệu này cũng có thể làm giảm tác dụng tiêu cực của các liệu pháp chống ung thư.
5.7. Bảo vệ hệ thống tiêu hóa
Các hợp chất của gia vị này có thể cải thiện chức năng đường tiêu hóa và làm giảm viêm đại tràng, loét dạ dày và các bệnh đường tiêu hóa khác. Bằng cách giảm căng thẳng oxy hóa, ức chế viêm và giảm Helicobacter pylori.
5.8. Hỗ trợ điều trị đái tháo đường
Nhiều nghiên cứu trên động vật và trên người đã chứng minh tác dụng ổn định đường huyết và giảm biến chứng của dược liệu đối với bệnh đái tháo đường. Do đó, Tỏi và các hợp chất của nó có thể là tác nhân hiệu quả để giúp điều trị bệnh tiểu đường và các biến chứng đái tháo đường.
5.9. Tác dụng khác
Ngoài ra, những nghiên cứu gần đây đã chứng minh dược liệu này có tác dụng bảo vệ gan, thận, hệ thần kinh, chống béo phì…
6. Những điều lưu ý khi sử dụng Tỏi
6.1. Tác dụng phụ và An toàn
Tỏi được cho là AN TOÀN cho hầu hết mọi người khi sử dụng một cách thích hợp trong thời gian nghiên cứu 7 năm.
Người sử dụng có thể bị hôi miệng, nặng mùi cơ thể, cảm giác nóng rát ở miệng hoặc dạ dày, ợ nóng, ợ hơi, buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Những tác dụng phụ này thường tồi tệ hơn khi sử dụng dạng tươi. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Đã có báo cáo về chảy máu sau phẫu thuật ở những người đã dùng dược liệu này. Hen suyễn đã được báo cáo ở những người tiếp xúc với Tỏi, và các phản ứng dị ứng khác cũng có thể xảy ra.
Khi thoa lên da: Các sản phẩm Tỏi AN TOÀN khi thoa lên da. Tuy nhiên, Tỏi nguyên chất KHÔNG NÊN thoa lên da vì có thể gây kích ứng da nghiêm trọng.
6.2. Tương tác thuốc
Bạn nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào sau đây: acetaminophen; thuốc tránh thai; chlorzoxazone; cyclosporine; theophylin; warfarin (Coumadin, Jantoven); thuốc điều trị HIV hoặc AIDS – delavirdine, efavirenz, nevirapine, saquinavir; thuốc ngăn ngừa huyết khối, như alteplase, clopidogrel, dipyridamole, ticlopidine và urokinase; hoặc là NSAID (thuốc chống viêm không steroid) và các loại khác.
6.3. Các đối tượng cần chú ý khi sử dụng Tỏi
- Phụ nữ có thai và trẻ em.
- Người có rối loạn chức năng đông máu, đường huyết thấp, huyết áp thấp, các vấn đề về dạ dày hoặc tiêu hóa.
- Nên ngưng sử dụng Tỏi trước phẫu thuật 2 tuần để giảm nguy cơ chảy máu.
Tóm lại, Tỏi là loại gia vị có mùi đặc trưng được sử dụng rất phổ biến. Bên cạnh đó, gia vị này có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng bạn không nên lạm dụng dược liệu này. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. Youmed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Bác sĩ Trần Kim Anh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.